Pages

Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Vụ cưỡng chế ở Hải Phòng: Có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu

 
“Số tài sản đó được coi là sở hữu của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Và tất cả các hành vi xâm phạm số tài sản ấy đều trái pháp luật”
Như tin đã đưa, sau khi khu đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn bị thu hồi, nhiều hải sản và thủy sản cùng một số hoa lợi khác đã bị nhiều đối tượng lạ mặt thu hoạch.
Trao đổi với Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Hồng Hà – TP. Hà Nội) cho biết: “Trước tiên phải khẳng định: số thủy sản đó là do gia đình ông Đoàn Văn Vươn tạo lập được trong thời gian gia đình ông ta sử dụng đầm trước khi thu hồi.
Không chỉ ngôi nhà bị san phẳng mà theo bà Hiền, cả tôm cá ở khu đầm cũng bị bắt sạch
Cho nên, số tài sản đó được coi là sở hữu của gia đình ông Đoàn Văn Vươn. Và tất cả các hành vi xâm phạm số tài sản ấy đều là hành vi trái pháp luật. Nếu thực sự có hành vi thu hoạch hoa lợi từ khu đầm nhà ông Vươn thì tôi coi đây là hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản theo quy định của bộ luật hình sự vì có hành vi chiếm đoạt”.
“Chúng ta cần phân biệt rõ, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi ở đây là thu hồi diện tích đầm chứ không có bất cứ một quyền nào để thu hồi hoa lợi do gia đình ông Đoàn Văn Vươn sản xuất được trong thời gian trước thu hồi.
Cho nên không thể dựa vào việc ra quyết định thu hồi diện tích đầm để thu hoạch luôn cả số hoa lợi đó. Hai việc này tách biệt nhau”. Ông Bình phân tích thêm.
Trước đó, theo bà Phạm Thị Hiền (vợ ông Đoàn Văn Quý), toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỉ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
“Khi em về thì người ta đã đánh bắt gần hết, trong đầm bây giờ em không thấy tăm cá, cua nào ngoi lên. Chính những người từng mua cua, cá nhà em những năm trước đã đến đây mua của họ”, bà Hiền nói. Và theo bà Hiền, “họ” ở đây là người nhà gia đình T.K, một chủ đầm gần đó. “Chính nhà này đã cho người xuống tiếp quản đầm nhà em ngay sau khi anh Vươn bị bắt”, bà Hiền nói. Trong khi đó, ông H., một chủ đầm ngay cạnh đầm nhà ông Đoàn Văn Vươn cũng xác nhận: “Sáng hôm 6/1 (vụ cưỡng chế xảy ra sáng 5/1), tôi tỉnh dậy thì thấy đầm nhà anh Vươn đã bị tháo nước, hôm sau thì thấy nhiều người bắt cá, tôm. Có hôm tôi thấy 3 người dùng kích điện để bắt cá ở khu đầm này”…
Ông Bình khẳng định: “Trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản này, người trực tiếp dùng các công cụ để thu hoạch phải chịu trách nhiệm với vai trò là người thừa hành. Còn những người “bật đèn xanh” cho người khác khai thác số hoa lợi trên ở nhà ông Vươn cũng phải chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm”.
Điều 137. (Bộ luật hình sự) Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
1. Người nào công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Hành hung để tẩu thoát;
b) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét