Pages

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Báo chí Việt Nam có vì công lý, có vì dân oan

Văn Lang/Người Việt
SÀI GÒN – Nói tới báo chí Việt Nam đầu tiên phải kể tới báo chí Sài Gòn, nơi đầu tiên tiếp xúc với văn minh phương Tây, nơi khởi đầu việc làm báo ở Việt Nam và cũng là nơi lưu giữ truyền thống làm báo “đấu tranh” dù trải bao thăng trầm, biến cố của lịch sử.

Một sạp báo trên lề đường ở Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người việt)
Kể từ 1986, sau khi ông Nguyễn Văn Linh “bật đèn xanh” cho báo chí với loạt bài “Những việc cần làm ngay,” “Nói và Làm” ký tên N.V.L, báo chí ở Sài Gòn trở lại truyền thống đấu tranh cho công bằng xã hội.

Nhưng kể từ khi Ðông Âu sụp đổ, nhà cầm quyền Việt Nam chùn bước. Hàng loạt tổng biên tập của những tờ báo theo xu hướng đổi mới bị cách chức, bị chuyển công tác, có những người thậm chí còn không được phép quay lại làng báo. Phong trào báo chí mất đi những ngọn cờ khởi xướng tạm thời lắng xuống.

Việt Nam chuyển qua kinh tế thị trường, nhưng nhà cầm quyền vẫn cố giữ cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa,” những vấn nạn về kinh tế, xã hội nổi lên. Dân oan từ các nơi thuộc các tỉnh thành miền Nam kéo về Sài Gòn biểu tình, công nhân đình công, báo chí Sài Gòn một lần nữa “vào cuộc.”
Lần đầu tiên, khoảng đầu những năm 90, chúng tôi chứng kiến một đoàn biểu tình đòi ruộng đất của nông dân miền Tây kéo về Sài Gòn, đài truyền hình thánh phố lập tức có phóng viên tới quay phim, nhưng cũng ngay lập tức xuất hiện một chiếc xe “bít bùng” và các phóng viên đang tác nghiệp bị đẩy lên xe và chở đi ngay tức thì.
Biết rằng quyền lực hoàn toàn nằm trong tay nhà nước, một thứ quyền lực tuyệt đối, các tổng biên tập, các phóng viên cũng chỉ là những nhân viên “tép riu” thuộc cấp, do vậy họ rất khó có khả năng “cục cựa.” Mặc dù Việt Nam cũng có luật báo chí, Hiến Pháp Việt Nam cũng ghi rõ các quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do biểu tình… Nhưng trên thực tế, “cánh cửa tự do” của báo chí Việt Nam rất hạn hẹp.
Một thí dụ điển hình, khi ông Nguyễn Văn Linh còn đương chức tổng bí thư cộng sản Việt Nam, lên đài phát thanh ông hô hào đổi mới, ông kêu gọi các văn nghệ sĩ “hãy tự cứu mình” trước khi Trời cứu.
Ông Linh kêu gọi các văn nghệ sĩ nếu không mô tả những bất công xã hội trực tiếp được thì hãy viết truyện ngụ ngôn, dã sử, mượn chuyện đời xưa để nói chuyện đời nay. Kết quả, chưa đầy một tuần sau, tuyên huấn “chỉ thị” cho các nhà xuất bản, các tờ báo cấm không được in, đăng các truyện ngụ ngôn, dã sử… Bằng cách đó tuyên huấn đã “vô hiệu hóa” các lời kêu gọi của tổng bí thư. Và cũng không lâu sau đó, các bài viết “Những việc cần làm ngay,” “Nói và Làm” của tác giả N.V.L cũng không thấy còn xuất hiện trên báo chí nữa.
Mặc dù đầy khó khăn, nhưng báo chí Việt Nam, nhất là báo chí tại Sài Gòn vẫn không từ bỏ sự đấu tranh cho công bằng xã hội, mất tướng, các tổng biên tập còn tại vị thì cũng chưa biết “mất ghế” lúc nào, nhưng nhiều phóng viên vẫn như những chiến binh lặng lẽ, họ nhận “chỉ thị” trực tiếp từ trái tim, tình yêu lẽ phải và lòng yêu nghề của mình.
Hàng loạt những phóng sự nhức nhối, công phu với độ chính xác gây sửng sốt người đọc. Như mới đây, loạt bài của tác giả H.K báo T.T về tệ nạn ăn hối lộ của cảnh sát giao thông từ Nam ra Bắc. Báo T.N với phóng sự phanh phui đường dây ăn cắp xăng và pha “chất lạ” vào xăng của các xe bồn, trong bối cảnh hàng loạt xe máy, xe hơi cháy nổ tại Việt Nam. Phóng viên PTTH Ð.N ghi hình được việc gắn chíp điện tử ăn cắp xăng của mấy cây xăng, từ đó “phăng” ra đường dây mua bán chíp điện tử “phục vụ” việc ăn cắp xăng một cách có hệ thống.
Trước kia, khi nhắc tới ông “trùm” N.C thì không những giang hồ thứ dữ “tái mặt” mà đến cả cảnh sát hình sự cũng phải e dè, vậy mà báo T.N vẫn cả gan “vuốt râu hùm” bằng một loạt phóng sự về phương thức hoạt động băng nhóm của ông “trùm,” trước cả khi ông “trùm” bị hạ bệ.
Vụ PMU 18, báo T.N và T.T phanh phui, dẫn tới việc nhiều quan chức, đàn em và cả con cháu của những ông “kẹ” bự nhất phải mất chức, ra tòa. Ðổi lại, hai phóng viên của hai tờ báo trên phải vào tù, ngay cả tướng công an cũng lâm vòng lao lý vì tội cung cấp tin.
Việc phóng viên C. của báo T.N khi bị bắt đã cương quyết không nhận tội (vì không có tội) để không xin “khoan hồng,” và nhất quyết không khai ra người đã cung cấp tin cho mình viết bài (dựa trên luật báo chí và đây cũng là đạo đức của nghề báo). Phóng viên C. bị kết án tù 3 năm, nhưng làng báo Việt Nam thật sự “rúng động.” Trong thời gian này có dịp đi nhậu với mấy anh nhà báo “quốc doanh” chúng tôi đã chứng kiến cảnh một biên tập viên của một tờ báo lớn ở Sài Gòn khi nhậu say đã ôm mặt khóc và kêu lên: “Tao hèn quá, tao hèn quá! Tao đã không dám nói ra sự thật…”
Việc kiểm soát báo chí ở Việt Nam hiện nay không cần kiểm soát phóng viên, chỉ cần “nắm đầu” tổng biên tập là xong. Một nhà báo kỳ cựu trong nước nói với chúng tôi: “Mỗi ngày, sếp tổng và các sếp biên tập đều kiểm tra xem ‘cái ghế’ của mình còn không. Còn các phóng viên thì mỗi sáng đều kiểm tra xem ‘cái đầu’ của mình còn không.”
Chúng tôi cũng đã từng nghe những phóng viên “quốc doanh” than phiền là họ theo đuổi những phóng sự rất công phu, bất chấp gian nan thậm chí nguy hiểm tính mạng để thực hiện cho được phóng sự điều tra của mình, nhưng khi bài viết hoàn thành đưa lên Ban Biên Tập thì bị “ách” lại.
Người phóng viên gặp Ban Biên Tập xin được đăng bài và cá nhân xin chịu hoàn toàn trách nhiệm và tuyên bố không sợ hậu quả gì cả. Thì người chịu trách nhiệm biên tập bài báo trả lời tỉnh queo: “Mầy không sợ, nhưng tao sợ!”
Nói gì thì nói, dù cho trong cơ chế: “Ðảng lãnh đạo, công an làm chủ, nhân dân đi cày” luật gia và các nhà báo thì bị cơ chế cầm tù, nhưng nếu mới đây vụ ông Ðoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng không được báo chí trong nước nhanh chóng vào cuộc phanh phui những “bất cập” trong vụ cưỡng chế tạo áp lực dư luận rộng rãi trong nước và quốc tế thì gia đình ông Vươn và nhiều người dân khổ, dân oan ở huyện Tiên Lãng sẽ ra sao?
Lịch sử có những “khoảng lặng” không có nghĩa là lịch sử đã chết, nhất là lịch sử báo chí của Sài Gòn. Một tờ báo, một nhà báo có thể ở một thời điểm vì một lý do nào đó buộc phải giữ “im lặng” nhưng không có nghĩa là lương tâm và lòng yêu nghề của nhà báo đã chết.
Có ai biết trong tro còn lửa?!
Văn Lang/Người Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét