Phạm Đình Trọng
“Đảng Cộng sản Việt Nam còn độc quyền thống trị xã hội Việt Nam thì bi kịch Cộng sản vẫn còn đeo đẳng với dân tộc Việt Nam, dân tộc Việt Nam còn bị tha hóa, đánh mất mình, đánh mất cả nền văn hiến, đánh mất cả tình thương yêu đùm bọc dân tộc, chỉ còn bạo lực, li tán và hận thù dân tộc! “
NHỮNG NGƯỜI VIỆT NAM KHẮC KHOẢI ĐI TÌM CÁI TÔI. NHỮNG NHÂN CHỨNG LỊCH SỬ
Trên đường đi đến đô thị của văn minh công nghiệp, những năm ba mươi thế kỉ hai mươi, xã hội Việt Nam chợt đến phố huyện đã để lại dấu ấn trong văn chương là Tự Lực Văn Đoàn với những câu chuyện tình phố huyện, là Thơ Mới ghi lại nỗi thảng thốt sung sướng phát hiện ra Cái Tôi cá nhân trong cuộc đời và sự khắc khoải, bền bỉ đòi hỏi sự nhìn nhận của xã hội đối với Cái Tôi thiêng liêng đó. Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới không những có công lớn với văn hóa Việt Nam mà còn có công lớn với lịch sử Việt Nam vì đã ghi lại bước phát triển vô cùng quan trọng của xã hội Việt Nam và cũng là bằng chứng về sự kéo lùi lịch sử, kéo lùi sự phát triển xã hội của đảng Cộng sản Việt Nam.
Xã hội Việt Nam mới chợt đến phố huyện trên tiến trình đi đến đô thị của văn minh công nghiệp cũng đã kịp gọi những Cái Tôi cá nhân thức dậy. Năng lực sáng tạo của những cá nhân đó được giải phóng đã tạo ra cho lịch sử Việt Nam thời trước Cộng sản những tên tuổi lớn. Về văn hóa có Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Dương Quảng Hàm, Hoàng Xuân Hãn, Phan Khôi, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Trọng Phụng, Phạm Cao Củng, Nam Cao, Phạm Huy Thông, Nguyễn Tuân, Thế Lữ . . . Về kinh tế có Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Trịnh Văn Bô, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Thị Năm . . . Về chính trị có Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Thái Học, Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến . . . Những người Việt Nam kiệt xuất đó với tầm văn hóa và lòng tự hào dân tộc đang lặng lẽ chuẩn bị nền tảng tư tưởng, nền tảng văn hóa và cả nền tảng kinh tế, xã hội cho một xã hội mới và đang bền bỉ thức tỉnh nhân dân, tổ chức lực lượng chính trị cho cuộc đấu tranh với thực dân xâm lược Pháp giành độc lập dân tộc. Con đường đấu tranh bất bạo động bằng tư tưởng, văn hóa, kinh tế, theo con đường của M. Gandhi, theo triết lí phương Đông dựa vào lòng người “lấy chí nhân thắng bạo tàn”, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân, tiết kiệm xương máu cho dân là con đường lâu dài nhưng nền độc lập giành được bằng con đường đó là nền độc lập thực sự và bền vững, nền độc lập không bị phụ thuộc vào những thế lực chính trị bên ngoài.
Theo logic lịch sử, tiến trình đó đang lặng lẽ, bền bỉ và vững chắc diễn ra ở Việt Nam thì những người Cộng sản nôn nóng vội vã mang bạo lực cách mạng của học thuyết đấu tranh giai cấp sắt máu từ châu Âu xa lạ về Việt Nam, đưa nhân dân Việt Nam vào những cuộc cách mạng, chiến tranh ý thức hệ đẫm máu của thế giới, chia trận tuyến đấu tranh giai cấp, thanh toán địch – ta vào trong từng con người, trong từng gia đình, trong từng cơ quan, đơn vị, phân chia trận tuyến giai cấp, thanh toán địch – ta trong lòng dân tộc Việt Nam, đẩy nhân dân vào cuộc sát phạt, tiêu diệt, xung đột, giằng xé, đấu đá, bất ổn, li tán cả dân tộc suốt từ giữa thế kỉ hai mươi đến tận hôm nay vẫn chưa chấm dứt.
Sát phạt, xung đột, thanh toán, tiêu diệt, bất ổn, li tán để xóa bỏ Cái Tôi cá nhân vừa thức tỉnh trong trí thức, trong giới chủ, trong thanh niên, học sinh thành phố, để chỉ còn Cái Tôi quyền uy của hơn chục yếu nhân nắm vận mệnh đảng Cộng sản Việt Nam, quyết định số phận cả dân tộc Việt Nam.
Cái Tôi cá tính sáng tạo làm nên sức mạnh sư tử của con người trưởng thành không được chấp nhận, trí thức, nghệ sĩ, nhà khoa học cũng chỉ là bầy lạc đà bị quyền uy chăn dắt, phũ phàng đánh trận đòn “Nhân Văn Giai Phẩm” dằn mặt để không bao giờ còn dám nghĩ đến Cái Tôi cá tính sáng tạo, chỉ còn biết gọi dạ, bảo vâng, ăn theo, nói leo, ngợi ca chính trị, minh họa chính sách.
Không còn Cái Tôi cá tính sáng tạo, sau một đời miệt mài, hăm hở viết, nhà văn Nguyễn Minh Châu phải đau xót viết Lời ai điếu cho nền văn học minh họa, nền văn học được coi là có Tính Đảng vì làm vừa lòng những Cái Tôi quyền uy của những người nắm vận mệnh Đảng, vận mệnh dân tộc nhưng không có Cái Tôi của người viết, không có Cái Tôi của nhân vật, của nhân dân. Không có Cái Tôi nhân cách mang vóc dáng người viết, không có Cái Tôi chân thực của cuộc đời mang hồn cốt nhân dân trong tác phẩm thì tác phẩm chỉ là đồ giả, là mớ giấy lộn, đến khi nhận ra điều đau xót đó thì đã cuối đời, nhà văn chỉ còn kịp viết lời ai điếu cho những tác phẩm của chính mình!
Nhà văn Nguyễn Khải nhận ra Cái Tôi cá tính sáng tạo của ông bị giết chết với một thái độ bình tĩnh hơn nhưng day dứt, đau đớn hơn. Cuối đời ông cứ phải âm thầm, lặng lẽ, ngậm ngùi, thảng thốt, bơ vơ Đi tìm Cái Tôi đã mất, đi tìm Cái Tôi cá tính sáng tạo của nhà văn đã bị bức hại, đi tìm Cái Tôi nhân cách, Cái Tôi bản thể của con người trưởng thành đã bị giết chết để đến nỗi nhà văn chỉ còn là đứa trẻ con cho người ta sai bảo!
Một nhà báo ngang tàng của Đài Tiếng Nói Việt Nam, một thời thường xuyên có những bài viết nhiều tìm tòi, phát hiện về đồng bằng sông Cửu Long đăng trên những tờ báo lớn của đảng Cộng sản Việt Nam, báo Nhân Dân, báo Sài Gòn Giải Phóng. Chính nhà báo này từ năm 1992 là người đầu tiên gọi tên sự ứng xử với tự nhiên của người dân đồng bằng sông Cửu Long là Chung sống với lũ. Từ đó Chung sống với lũ trở thành phương châm, trở thành chính sách Nhà nước ở đồng bằng sông Cưu Long. Nhìn lại chặng đường dài lặn lội viết báo cho Đảng, với những thực tế đau lòng của đời sống báo chí, nhà báo ngang tàng Lê Phú Khải cũng phải giận dữ, ai oán thét lên Lời ai điếu cho một nền báo chí nô bộc.
Nhà văn Trần Hoài Dương vốn điềm đạm, nói năng nhỏ nhẹ bỗng một hôm hốt hoảng kể với tôi về một giấc mơ làm anh toát mồ hôi: Đêm qua mình có giấc mơ khủng khiếp quá. Không hiểu sao mình lại mơ thấy cách mạng Tháng Tám thành công ngay sau cuộc nổi dậy của Xô Viết Nghệ Tĩnh, tháng chín năm 1930. Những người đàn bà yếm nâu váy đen, tay cầm liềm, những người đàn ông cởi trần da cháy nắng cầm giáo mác, gậy gộc đi dưới rừng cờ đỏ ầm ầm từ Nghệ Tĩnh kéo ra Hà Nội. Họ biến đường phố Hà Nội thành những dòng sông đỏ màu cờ và họ rùng rùng tiến về tụ lại ở Ba Đình nghe ông Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập. Mình giật mình toát mồ vì nhớ ra rằng năm 1930 đó chưa có Vỡ Đê, chưa có Giông Tố của Vũ Trọng Phụng, chưa có Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, chưa có Nhớ Rừng của Thế Lữ, chưa có Bỉ Vỏ của Nguyên Hồng, chưa có Bước Đường Cùng của Nguyễn Công Hoan, chưa có Sống Mòn, chưa có Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao . . . Mình hốt hoảng thức dậy, người ướt đầm mồ hôi và không ngủ lại được nữa. Thật hú vía! Nếu cách mạng Tháng Tám thành công từ năm 1930 thì chúng ta làm gì có Vũ Trọng Phụng, làm gì có Nguyễn Tuân, làm gì có Thế Lữ . . . Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng vẫn còn sống khá lâu dưới chế độ Xã hội chủ nghĩa nhưng những tác phẩm để đời của họ, những tác phẩm thực sự văn chương, thực sự là niềm tự hào của văn chương Việt Nam đều được viết trước cách mạng, viết bằng Cái Tôi cá nhân của họ. Cái Tôi cá nhân của họ không thể tồn tại trong Chủ nghĩa xã hội thì họ chẳng còn gì!
Từ trước đến nay đảng Cộng sản Việt Nam vẫn tự cho là có công lớn với dân tộc Việt Nam, có công đưa dân tộc Việt Nam từ nô lệ đến tự do, từ mất nước đến độc lập, từ nghèo hèn đến giầu sang. Nhưng dân tộc Việt Nam đã phải trả một giá quá đắt cho độc lập trong khi độc lập dân tộc là một xu thế tất yếu của lịch sử. Lịch sử không đi những lối bất ngờ như nhà thơ của đảng Cộng sản Việt Nam, Tố Hữu viết. Lịch sử bao giờ cũng có qui luật, có giai đoạn, có bước đi được lập trình tạo nên tiến trình, tạo nên xu thế lịch sử.
Lịch sử loài người đi từ hoang dã đến văn minh. Chủ nghĩa tư bản cũng phải đi từ hoang dã đến văn minh cùng nhịp với nền công nghiệp đi từ thô sơ, cần nhiều sức người, đó là thời chủ nghĩa tư bản hoang dã bóc lột sức người, đến nền công nghiệp hiện đại không cần nhiều sức người nữa mà cần nhiều tri thức, cần nhiều kĩ năng. Lợi nhuận không tạo ra từ sức người nữa mà tạo ra từ khoa học kĩ thuật. Đầu tư vào khoa học kĩ thuật, những người chủ của xã hội công nghiệp văn minh cũng đầu tư vào phát triển xã hội, đầu tư nâng cao giá trị nhân văn của xã hội loài người. Chế độ nô lệ dưới mọi hình thức đều không được xã hội công nghiệp văn minh chấp nhận. Đó là thời chủ nghĩa tư bản văn minh cũng là kỉ nguyên độc lập dân tộc.
Những người Cộng sản đã đưa dân tộc Việt Nam đi qua chặng đường máu lửa thảm khốc và xa ngái mới đến nền độc lập mong manh. Những ngày này giặc phương Bắc ngang nhiên lấn đất, lấn biển của ta, áp đặt mọi tai ương cho dân tộc ta. Từ khi hấp tấp, hốt hoảng sang Thành Đô gặp lãnh đạo phương Bắc, tháng chín năm 1990, những người lãnh đạo Cộng sản Việt Nam phải liên tiếp nhượng bộ hết đòi hỏi này đến đòi hỏi khác của phương Bắc. Nhưng càng nhượng bộ, họ càng lấn tới, lại càng thấy nền độc lập của ta có được từ sông máu biển lửa là vô cùng mong manh. Nền độc lập mong manh phải đổi bằng giá đắt như vậy nhưng có độc lập thì người dân lại mất tự do cá nhân, mất Cái Tôi cá nhân thiêng liêng và quí giá của kiếp người thì đó là công hay tội nhỉ?
Thời đầu đổi mới, cuối những năm tám mươi, thế kỉ hai mươi, đảng Cộng sản Việt Nam nêu khẩu hiệu Nhìn thẳng vào sự thật, nói đúng sự thật nhưng chưa bao giờ những người Cộng sản Việt Nam đủ lòng trung thực để nhìn vào sự thật. Đảng luôn tự cho mình là sáng suốt, vĩ đại, quang vinh thì không thể tiếp cận sự thật. Nhân dân bền bỉ hi sinh dựng nước và giữ nước để có nước Việt Nam hôm nay không bao giờ được Đảng nhắc đến bằng một khẩu hiệu khiêm nhường. Tổ quốc thiêng liêng cũng bị lãng quên. Từ khi đảng thâu tóm đất nước trong tay, đất nước gấm vóc, nhân dân cần cù sáng tạo nhưng xã hội Việt Nam càng ngày càng tụt lại sau so với các nước vậy mà từ đỉnh Lũng Cú, Hà Giang đến chót mũi Năm Căn, Cà Mau, nơi nào cũng thấy hàng chữ cao ngạo Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm! Muôn năm cả cái Xã hội chủ nghĩa hư vô, không có thật. Chủ nghĩa xã hội không có thật đã gây bao đau khổ và nhiều nợ máu với nhân dân mà vẫn muôn năm: Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm! Còn nhân dân hết đời này đến đời khác lấy máu viết lên chữ Việt Nam thì Đảng không cần biết tới, thì chỉ là hư vô!
Với người còn tư duy bình thường, còn phân biệt được cái riêng, cái chung, cái tầm thường, cái cao cả thì phải hiểu Tổ quốc là giá trị tinh thần thiêng liêng, cao cả, bất biến, vĩnh hằng của cả dân tộc. Đảng chỉ là tổ chức chính trị bình thường, biến động và nhất thời của riêng một số người, là vô cùng nhỏ bé so với nhân dân, dân tộc, Tổ quốc. Một Đảng phải tồn tại bằng bạo lực, phải lấy tiền thuế của dân nuôi một bộ máy công an khổng lồ chỉ biết còn đảng còn mình để trấn áp tiếng nói tự do dân chủ của dân để duy trì sự tồn tại của Đảng, một Đảng đạp vào mặt dân và bỏ tù trí thức chỉ vì trí thức nói sự thật thì Đảng đó không còn bình thường nữa mà đã là tầm thường rồi. Đưa lá cờ của Đảng dù đang cầm quyền nhưng cũng chỉ là tổ chức chính trị nhất thời, nhỏ bé, tầm thường của riêng một số người lên ngang hàng lá cờ Tổ quốc thiêng liêng của cả dân tộc là sự cao ngạo đến mức không còn biết đến chữ Lễ, chữ Nhân.
Cao ngạo như vậy làm sao thấy được sự thật! Cao ngạo như vậy làm sao đến được với những lo toan, vất vả, khổ đau của dân! Cao ngạo như vậy nên ai thẳng thắn nói điều trái ý Đảng, đụng đến cái sai, cái yếu của Đảng, của Nhà nước, đều bị Đảng khép vào tội tuyên truyền chống Nhà nước của Đảng, đều bị Đảng trừng trị khắc nghiệt. Nhưng ngục tù chỉ có thể giam cầm được thân xác Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Hoàng Cầm, Tuân Nguyễn, Hoàng Minh Chính, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Văn Hải, Cù Huy Hà Vũ, Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng . . . , không giam cầm được tư tưởng của họ. Bạo lực chuyên chính vô sản chỉ có thể bịt miệng được người dân, không bịt miệng được lịch sử. Trước sau lịch sử Việt Nam cũng phải ghi những trang đau buồn rằng đảng Cộng sản Việt Nam đã kéo lùi lịch sử phát triển dân tộc, đã biến cả dân tộc Việt Nam thành bầy đàn nô lệ của Đảng, đã biến dân tộc Việt Nam văn hiến, tồn tại bằng đùm bọc thương yêu thành dân tộc li tán, hận thù, bạo lực! Và những người Việt Nam có Cái Tôi bị chà đạp, bị giết chết tức tưởi là những chứng nhân hùng hồn xác nhận điều đó.
BI KICH CỘNG SẢN – BI KỊCH VIỆT NAM
Chế độ xã hội này chỉ có thể thay thế chế độ xã hội khác bằng tạo ra được năng suất lao động cao hơn. Giai cấp này thay thế giai cấp khác thống trị xã hội phải là giai cấp nhân văn hơn, tiến bộ hơn, văn minh hơn, phù hợp với tiến trình phát triển của lịch sử, thúc đẩy xã hội phát triển nhanh hơn.
Xã hội tư bản tạo ra năng suất lao động cao hơn hẳn xã hội phong kiến. Giai cấp tư sản được kỉ nguyên Ánh sáng nâng tầm trí tuệ. Với tư tưởng giải phóng cá nhân, quyền con người, quyền công dân trở thành tuyên ngôn của giai cấp tư sản, trở thành luật pháp của Nhà nước tư sản. Giai cấp tư sản làm chủ xã hội, cá nhân được nhìn nhận, năng lực sáng tạo của cá nhân được giải phóng đã đưa xã hội loài người vào thời kì phát triển kì diệu, đưa con người vào kỉ nguyên vũ trụ, đưa xã hội loài người vào nền văn minh tin học. Cho đến nay sự phát triển kì diệu vẫn đang tiếp diễn. Cho đến nay giai cấp tư sản giầu có của cải, giầu có trí tuệ vẫn là giai cấp tiên tiến nhất, vẫn phải nhận sứ mệnh lịch sử là giai cấp lãnh đạo xã hội. Giải phóng năng lực sáng tạo của cá nhân tạo nên sự phát triển kì diệu của xã hội, thực tế đó đã khẳng định rằng trí tuệ con người được giải phóng, năng lực sáng tạo của cá nhân được giải phóng chính là động lực thúc đẩy xã hội phát triển.
Coi đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đó là điểm xuất phát, là nền tảng tư tưởng sai lầm của học thuyết Marx. Sai lầm gọi sai lầm. Sai lầm tư tưởng cũng gây ra sai lầm dây chuyền domino. Lí luận chủ nghĩa Marx xây dựng trên nền tảng tư tưởng sai lầm, cực đoan đấu tranh giai cấp là động lực thúc đẩy xã hội phát triển đã đưa xã hội loài người vào cuộc đấu tranh bạo liệt bất tận tranh giành quyền lợi, tranh giành miếng ăn, tranh giành không gian sinh tồn như xã hội loài vật. Đưa giai cấp không phải là giai cấp tiên tiến, giai cấp vô sản, một giai cấp không có của cải, không có tri thức và chính Marx phải thú nhận giai cấp vô sản chỉ có xiềng xích, làm cách mạng lật đổ giai cấp tư sản là giai cấp khi vừa làm cách mạng thắng lợi lật đổ giai cấp phong kiến trì trệ, không có cá nhân, đã công bố ngay Tuyên ngôn Nhân quyền xác nhận Quyền Con Người cho mọi người dân và xây dựng luật pháp bảo đảm Quyền Con Người cho mọi công dân trong đó có những người vô sản làm thuê.
Làm cách mạng lật đổ giai cấp tư sản, giai cấp vô sản chỉ mất xiềng xích mà được cả thế giới. Được cả thế giới rồi đảng Cộng sản, bộ tham mưu của giai cấp vô sản lại đưa nhân dân dưới sự cai trị của họ trở về bầy đàn. Học thuyết đấu tranh giai cấp trao cho đảng Cộng sản, thực chất là trao cho nhóm người nắm quyền lực trong Đảng độc quyền quản lí xã hội, độc đoán xóa bỏ cá nhân, tước đoạt Cái Tôi cá thể của người dân. Xã hội Cộng sản thời công nghiệp có đủ tiện nghi hiện đại, rực rỡ ánh sáng nhưng con người không còn Cái Tôi thiêng liêng, thân phận lại trở về thời trung cố tăm tối. Đó là bi kịch Cộng sản!
Đưa giai cấp không phải là tiên tiến, giai cấp nghèo khổ, làm thuê, chưa có cá nhân, chưa làm chủ được chính cuộc đời mình lên làm chủ xã hội, lên thống trị xã hội, bi kịch Cộng sản đó diễn ra ở nước ta là: Khi đảng Cộng sản lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, Việt Nam chỉ có mấy mỏ than đang khai thác chủ yếu bằng sức người, mấy cơ sở công nghiệp phục vụ sinh hoạt như nhà máy điện, nhà máy nước, nhà máy dệt, vài xưởng cơ khí sửa chữa nhỏ, chưa có hình hài của nền sản xuất công nghiệp, chưa có đội ngũ công nhân công nghiệp đủ để trở thành lực lượng xã hội, giai cấp vô sản Việt Nam chỉ là những người nông dân cùng khổ không nuôi nổi bản thân phải giao thân cho chủ đất. Cách mạng vô sản đã đưa những người nông dân cùng khổ, chưa có cá nhân, không nuôi nổi bản thân, phải giao thân cho chủ đất, lên làm chủ xã hội, lo toan nuôi cả xã hội, tổ chức hoạt động cho cả xã hội.
Ở vị trí làm chủ xã hội, những người nông dân cùng khổ dồn về thủ đô, ngồi vào vị trí của những tài năng, tinh hoa, trí tuệ của đất nước. Lập tức có ngay một hiệu ứng xã hội: Cả thủ đô nói ngọng! Chỉ những tiếng nói ngọng nghịu ở thủ đô đã cho thấy đất nước bị xuống cấp đến mức nào. Xuống cấp từ nền tảng văn hóa, cái thế, cái tầm của đất nước xuống thấp, cái cao cả không còn nữa, cái thấp hèn tràn ngập.
Nền tảng văn hóa thấp đó lại bị ý thức hệ giai cấp thống trị, triệt tiêu ý thức dân tộc, những người Cộng sản Việt Nam đã tự đặt mình vào vị thế lệ thuộc vào phương Bắc, lệ thuộc ý thức hệ giai cấp, phải kí hết hiệp định này đến hiệp định khác, những hiệp định bất bình đẳng, thua thiệt với phương Bắc, tạo điều kiện cho Phương Bắc xâm nhập sâu rộng vào đời sống xã hội Việt Nam, gây bất ổn xã hội, cái họa Bắc thuộc hiển hiện trước mắt. Đất đai biển trời thiêng liêng của dân tộc Việt Nam bỗng thành của riêng của giai cấp vô sản Việt Nam để giai cấp vô sản Việt Nam vô tư cắt nhượng cho giai cấp vô sản phương Bắc. Đã là của riêng của giai cấp vô sản thì việc cắt nhượng đất đai chỉ là việc riêng của đảng Cộng sản, việc riêng của Nhà nước Cộng sản, nhân dân không được biết, đến Quốc hội cũng không được biết! Nhưng cắt nhượng cho phương Bắc nửa thác Bản Giốc hùng vĩ ở Cao Bằng, cắt nhượng cho phương Bắc cả tòa thành cổng nước cổ kính ở Lạng Sơn đã in bóng sừng sững trong lịch sử Việt Nam thì không thể lén lút giấu dân được mãi. Sự thật mất đất đai của tổ tiên phơi bày ra rồi, nhân dân chỉ còn biết nghẹn ngào, đau xót, khóc cho cơ thể Tổ quốc Việt Nam bị cắt xẻo ứa máu, khóc cho lịch sử Việt Nam phải ghi lại những năm tháng tủi nhục!
Làm ăn kinh tế thua lỗ. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước độc quyền khai thác tài nguyên đất nước, thoải mái sử dụng đồng tiền thuế của dân, say sưa mở rộng đầu tư vô tội vạ, tự trả lương cho mình cao chót vót rồi thất thanh kêu lỗ, nằng nặc đòi tăng giá sản phẩm, dồn gánh nặng thua lỗ lên đôi vai gầy guộc của người dân nghèo khốn khổ! Những tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước cứ thua lỗ dài dài như vậy, bao giờ người dân mới thoát kiếp nghèo? Chỉ một tập đoàn công nghiệp tầu thủy Vinashin, những người quản lí kinh tế đất nước chi tiêu vung vãi, làm thất thoát hàng trăm ngàn tỉ đồng tiền thuế mồ hôi xương máu của dân!
Nền tảng văn hóa thấp không thể tiếp cận tư tưởng Ánh sáng : Tự do – Bình đẳng – Bác ái, không biết đến Quyền Con Người của người dân, những người nông dân có quyền lực trong tay lập tức hiện hình lên là những ông quan đục khoét dân, bức hại dân thời phong kiến suy tàn. Phép vua thua lệ làng, quan lại địa phương Tiên Lãng tự tạo ra luật huyện, luật xã nhẫn tâm cướp đất, cướp mồ hôi, xương máu của dân. Cướp bằng trát không được thì nhân danh Nhà nước, nhân danh công vụ dùng sức mạnh bạo lực Nhà nước vốn chỉ để trấn áp tội phạm và giặc cướp nước ra trấn áp dân lương thiện.
Lí tưởng xã hội sụp đổ thì chỉ còn biết dựa vào bạo lực và nền tảng văn hóa thấp thường lạm dụng bạo lực. Bạo lực được sử dụng tràn lan với dân. Bạo lực không phải chỉ là dùng sức mạnh công an đàn áp, bắt bớ dân khi dân ôn hòa bộc lộ chính kiến khác biệt với Nhà nước vô sản về những vấn đề của đất nước. Bạo lực không phải chỉ là huy động lực lượng đông đảo công an, quân đội, chó nghiệp vụ hùng hổ thực hiện những cuộc cưỡng chế, giải tỏa thất đức. Bạo lực không phải chỉ là công an hung hãn đánh dân ngay trên đường phố, đánh chết dân trong trại giam. Bạo lực còn là những phiên tòa bịt miệng luật sư, những phiên tòa vắng bóng công lí và những bản án nghiệt ngã dành cho người dân có chính kiến khác biệt với Nhà nước vô sản.
Nhà nước ứng xử với dân bằng bạo lực là bằng chứng rõ nhất về một nền chính trị suy vi, không còn lí tưởng, không còn chính danh, là biểu hiện của một thời bất ổn, thời bạo lực lên ngôi, thời Nhà nước phải xây nhiều nhà tù công khai và nhiều nhà tù trá hình như cơ sở giáo dục đang giam cầm chị Bùi Minh Hằng. Còn ngoài xã hội những vụ giết người man rợ xảy ra khắp nơi! Mạng sống của dân lành quá rẻ rúng, máu dân lành đang lênh láng bởi bạo lực Nhà nước và bạo lực côn đồ!
Những người nông dân cùng khổ chưa có cá nhân nay làm chủ xã hội thì họ không biết đến cá nhân của con người trong xã hội, họ không đếm xỉa đến Quyền Con Người cũng là tất yếu. Người dân sử dụng Quyền Tự do Ngôn luận liền bị Nhà nước không đếm xỉa đến Quyền Con Người bỏ tù. Người dân sử dụng Quyền Biểu Tình liền bị Nhà nước không đếm xỉa đến Quyền Con Người đàn áp, bị công an đạp vào mặt, bị bắt giam, bị đánh đập.
Những người nông dân cùng khổ trước đây nuôi bản thân không nổi, sau mấy chục năm ở vị trí làm chủ xã hội, nay đã nhà cao cửa rộng và để tiêu chuẩn hóa, để tương xứng với vị trí làm chủ xã hội, họ đã có đủ bằng cấp, học hàm, học vị cao sang. Nền tảng văn hóa của một con người cũng như sự màu mỡ của một cánh đồng. Phải có dòng sông phù sa qua nhiều đời bồi đắp mới làm nên cánh đồng màu mỡ. Phải có thói quen, nề nếp tư duy, lao động trí não như một dòng chảy tự nhiên, bền bỉ tích lũy qua nhiều thế hệ mới làm nên nền tảng văn hóa. Hình thái lao động cũng có sự phân công tự nhiên. Có người có sự khéo léo, tài hoa nghệ sĩ. Có người có sức mạnh của đôi tay. Có người có sức mạnh của trí tuệ. Học để có văn hóa phổ thông, biết đọc biết viết tiếng mẹ đẻ thì ai cũng học được. Còn học để biến kiến thức của loài người thành kiến thức của riêng mình, để hình thành con người văn hóa, nhân cách văn hóa của mình thì không phải ai cũng học được. Không phải ai cũng học được nhưng ai cũng có thể mua được, chạy được, tìm cách để có được tấm bằng của sự học. Nhìn cách hành xử của những quan chức ở Vinashin, quan chức ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, không hề thấy con người văn hóa, nhân cách văn hóa mà vẫn chỉ thấy nguyên xi con người nông dân ngày nào nghèo khổ không nuôi nổi bản thân nay họ có quyền lực trong tay, có tiền bạc, tài sản của nhân dân trong tay, họ hối hả tìm mọi cách biến của dân thành của riêng họ.
Một trí thức yêu nước của giai cấp tư sản giàu có của cải, giầu có trí tuệ đi với cách mạng vô sản trong chiến tranh giải phóng dân tộc khi rời chức vụ về hưu ông đã trả lại ngôi nhà nguy nga được cấp giữa thủ đô cho Nhà nước, trở về ngôi nhà của gia đình có từ trước cách mạng. Đó là hành xử của trí thức tư sản, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát. Còn quan chức vô sản bao đời không nuôi nổi bản thân nay có chức vụ liền dùng chức vụ để thỏa mãn những thèm khát từ bao kiếp người. Quan chức nào cũng vội vã xây lâu đài nguy nga. Chính những lâu đài nguy nga đó đã dựng lên chân dung văn hóa nghèo nàn thảm hại của họ. Cả ông phó ban Biên giới bộ Ngoại giao khi nói rằng tàu Trung Hoa vào sâu trong vùng biển của ta cắt cáp tàu của ta, phá việc khai thác dầu khí của ta cũng chỉ như người cha yêu thương con, yêu cho roi cho vot, yêu thì phải dạy bảo, ở ông quan cấp cao bộ Ngoại giao đó cũng không hề thấy con người văn hóa, nhân cách văn hóa!
Những người nông dân nghèo khổ, chưa có cá nhân, không nuôi nổi bản thân, nhờ có cách mạng vô sản họ mới trở thành Tổng giám đốc này, Chủ tịch nọ, phó Ban kia. Cách mạng vô sản là họ. Đảng vô sản cũng chính là họ. Và họ sẽ bảo vệ Đảng đến cùng. Đảng Cộng sản là của những con người như vậy.
Đảng Cộng sản Việt Nam còn độc quyền thống trị xã hội Việt Nam thì bi kịch Cộng sản vẫn còn đeo đẳng với dân tộc Việt Nam, dân tộc Việt Nam còn bị tha hóa, đánh mất mình, đánh mất cả nền văn hiến, đánh mất cả tình thương yêu đùm bọc dân tộc, chỉ còn bạo lực, li tán và hận thù dân tộc! ./.
(3. 2. 2012. Ngày ĐCSVN tròn 82 tuổi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét