Pages

Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Biển Đông chuyển gió

Nguồn: Derek Bolton – Foreign Policy in Focus

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ 
Biển Đông, mặc dù vẫn chưa yên tĩnh, lại tái hiện tình trạng bạo lực và bất ổn từng chứng kiến vào những năm cuối 1980. Tuy nhiên, những nỗ lực gần đây nhằm giữ gìn ổn định và thiết lập những biện pháp xây dựng lòng tin có thể bị lấn lướt bởi những thay đổi môi trường trong khu vực.
Khi tình trạng hâm nóng địa cầu mang ảnh hưởng đến biển Đông, nó đã bắt đầu làm thay đổi tính chất và đặc điểm vật lý của khu vực. Những biến đổi này có tiềm năng làm tăng thêm sự cạnh tranh vốn đã căng thẳng giữa các quốc gia, tạo thêm những khả năng tranh chấp. Như đã được lưu ý trong một báo cáo của Will Rogers thuộc Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS), việc thay đổi khí hậu thật sự có thể “đóng vai trò xúc tác cho sự bất ổn.”

Một loạt những tranh chấp
Vùng nước, đảo và tài nguyên của biển Đông vốn đã được tranh chấp mạnh mẽ giữa các quốc gia ven biển khu vực Đông nam Á trong những thập niên gần đây. Những đòi hỏi chồng chéo về chủ quyền lãnh hải, Đặc khu Kinh tế và những quần đảo khác nhau đã làm phức tạp thêm chủ nghĩa dân tộc đang phát triển trong khu vực. Những phát hiện mới đây hoặc đang diễn ra về những nguồn tài nguyên quan trọng – bao gồm hải sản, khoáng sản, khí đốt và dầu hoả – lại càng thúc dục việc đòi hỏi chủ quyền và củng cố thêm những thái độ cứng rắn. Cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền toàn khu vực biển Đông, trong khi Philippines cũng đòi hỏi một phần lớn. Thêm vào việc những tuyên bố chủ quyền này đối chọi lẫn nhau, chúng còn chồng chéo lên các Đặc khu Kinh tế của những nước khác trong vùng.
Qua vô số những tranh cãi, Việt Nam và Trung Quốc vẫn chưa giải quyết được mối tranh chấp song phương về chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa, mặc dù Trung Quốc vẫn giữ quyền kiểm soát hiệu quả quần đảo này kể từ năm 1974. Trong khi đó quần đảo Trường Sa đang bị vùi dập bởi một tranh chấp đa phương giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loàn và Malaysia, tất cả các nước đều giữ nguyên đòi hỏi chồng chéo lên những khu vực khác nhau của quần đảo.
Đã có được vài tiến bộ trong việc thiết lập những cơ cấu để ít nhất là kềm chế được tiềm năng bùng nổ giao tranh, ví dụ như bản Tuyên bố Hành xử 2002. Những biện pháp nhằm gây lòng tin cũng đã đạt được những thành quả đáng kể, mặc dù chúng không thể giải quyết được những nguyên nhân cốt lõi của các tranh chấp.
Sự biến đổi của môi trường có thể gây ra tiềm năng làm xấu đi những tiến bộ vừa đạt được gần đây. Trong báo cáo CNAS của mình, Rogers đã cố gắng đánh giá mức độ quan tâm về tình trạng hâm nóng địa cầu – và đặc biệt là ảnh hưởng của nó đối với việc khai thác tài nguyên – sẽ tác động ra sao đối với chính sách đối ngoại của các quốc gia trên vùng biển Đông. Việc này đặc biệt áp dụng vào hải sản, nhu cầu ngày càng tăng về những dạng năng lượng khác và việc tăng vọt số cơn hạn hán gần đây trong khu vực.
Biển động, triều dâng
Như học giả CNAS M. Taylor Fravel đã lưu ý, các quốc gia trên biển Đông một phần đã tìm cách khẳng định chủ quyền của mình qua việc khai thác cá – hoặc, trong trường hợp của Trung Quốc là thách thức những hoặc động khai thác của các nước khác. Điều này vốn đã dẫn đến một số cuộc đối đầu giữa các quốc gia, một diễn tiến đầy lo ngại vì sự đi lên của những lực lượng hải quân trong vùng. Ví dụ vào năm 2010, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã tạm thời bị đình chỉ sau khi tàu đánh cá của Trung Quốc đụng vào tàu tuần duyên Nhật.
Ảnh hưởng của việc trái đất bị nóng lên có thể làm phức tạp hơn tình hình này. Với nhiệt độ nước biển tiếp tục tăng lên, một số lượng lớn cá sẽ di chuyển đến khu vực phía bắc vốn đang bị tranh chấp dữ dội hơn. Và khi ngư dân bắt buộc phải đi theo luồng cá, cả năng của những đụng độ tương lai sẽ tăng cao, gây thêm những mâu thuẫn trầm trọng hơn.
Hơn thế nữa, sản lượng đánh bắt cần có để giữ nguyên mức tiêu thụ bình quân sẽ phải tăng thêm 25% đến năm 2030. Việc này sẽ dẫn đến mức độ đánh bắt cao hơn trong một khu vực ngày càng thu hẹp và càng bất ổn của biển Đông. Thực tế rằng việc đánh cá hiện nay, vốn phân tán và không dồi dào, cũng đã dẫn đến những trường hợp mâu thuẫn sắp bùng nổ, sẽ không sáng sủa gì lắm trong tương lai.
Nạn hạn hán và nước ô nhiễm cũng đang trở thành một vấn đề ngày càng nghiêm trọng tại Đông nam Á. Ở Việt Nam, những nỗ lực phát triển toàn bộ đã làm ô nhiễm nặng hơn và giới hạn nguồn nước trong sạch. Những khó khăn này còn nghiêm trọng hơn bởi mực nước biển dâng cao, dẫn đến việc đất liền bị nhiễm mặn, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Với tình trạng Việt Nam đang chú trọng nỗ lực phát triển một phần vào nông nghiệp dành cho xuất khẩu, quốc gia này không thể chịu đựng được thất bại này.
Trong khi đó, sản lượng thuỷ điện của Trung Quốc dự định sẽ giảm từ 30% – 40% vào cuối năm 2011 vì hạn hán tăng cao. Do đó, Trung Quốc hiện đang tìm cách nhân đôi số lượng đập thuỷ điện trên sông Mekong, nhắm vào việc xây thêm 4 đập mới vào năm 2020. Trung Quốc vẫn một mực tiến hành bất chấp những phản đối từ những quốc gia vùng hạ lưu mà nền nông nghiệp đang nương tựa rất nhiều vào nguồn nước từ sông Mekong, đặc biệt là Việt Nam và Thái Lan. Việt Nam vốn đã vất vả nhằm giữ đủ lượng nước sạch, những cắt giảm trong tương lai có thể dẫn đến hệ quả nghiêm trọng. Việc Trung Quốc bất chấp nhu cầu của các nước khác đối với vấn đề Mekong cũng báo trước được thái độ của họ trên biển Đông ra sao.
Những loại hình năng lượng khác
Việc Trung Quốc tăng cường phát triển thuỷ điện cho thấy những quan tâm đến hiện tượng thay đổi khí hậu đã dẫn đến việc tăng cường đầu tư vào những loại hình năng lượng khác trong khu vực. Mặc dù biện pháp này thì tốt cho môi trường hơn nhưng nó cũng đã tạo ra những thử thách địa chính trị nổi bật.
Không kém quan trọng là việc đe doạ chạy đua hạt nhân trong khu vực khi các quốc gia tìm cách giới hạn việc nương tựa vào dầu hoả. Việt Nam đang dự tính sản xuất gần 1.000 Megawatt điện hạt nah^n vào năm 2020, 4.000 Megawatt vào năm 2025 và 10.000 Megawatt vào năm 2030. Indonesia và Thái Lan dự tính sẽ đạt được những mục tiêu tương tự đến năm 2020. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những lo ngại về khả năng có những ứng dụng quân sự vào chương trình hạt nhân, đặc biệt trong một môi trường đầy gây hấn và cạnh tranh khốc liệt trong khu vực. Mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế và một chương trình giới hạn chạy đua hạt nhân khu vực có thể giúp giảm thiểu căng thẳng, các lò phản ứng hạt nhân có thể làm trầm trọng thêm một môi trường vốn đã phức tạp.
Các quốc gia trong khu vực có nguyên nhân hợp lý để giảm bớt tình trạng nương tựa vào dầu hoả. Việc khai thác dầu trên biển Đông thì đắt đỏ và mạo hiểm về chính trị (nếu không nói là không thể làm được), và dầu hoả nhập khẩu từ khu vực Trung Đông ngày càng bất ổn phải đi qua vùng vịnh Malacca nhỏ hẹp và kém an toàn. Tuy nhiên, tất cả các nước trong khu vực sẽ tiếp tục tích cực theo đuổi những túi dầu trên biển để xuất khẩu cũng như tiêu thụ trong nước, thậm chí khi nhu cầu đã giảm. Ví dụ như Việt Nam có thể thấy việc xuất khẩu dầu như là hình thức bù đắp lĩnh vực nông nghiệp đang suy giảm của mình. Hơn nữa, khi kinh tế trong vùng tiếp tục tăng trưởng, nhu cầu về năng lượng cũng sẽ tăng theo.
Những đầu tư mới vào các loại hình năng lượng khác cũng sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng nhu cầu về các khoáng sản liên quan đến các kỹ nghệ này, những khoáng chất này thì rất dồi dào trên biển Đông. Các nước phát triển những kỹ nghệ này sẽ có động cơ tranh giành những nguồn tài nguyên ấy. Hệ quả là sự cạnh tranh năng lượng sẽ được thúc đẩy không chỉ bởi khí đốt và dầu hoả mà còn bởi nhu cầu ngày càng cao của loại hình năng lượng khác.
Tiếp đón một nhân vật mới
Tuy thế, không hẳn tình hình biển Đông là không cứu vãn được. Nếu các quốc gia trong khu vực giải quyết vấn đề theo tinh thần hợp tác, các căng thẳng có thể bị dập tắt bằng những đầu tư hợp tác trong việc khai thác tài nguyên.
Nhưng với sự xuất hiện của tình trạng hâm nóng địa cầu như là một nhân vật chủ lực không thuộc một quốc gia nào, cả thế giới đang bắt đầu chứng kiến một điểm giao thực sự giữa việc thay đổi khí hậu và địa chính trị. Trong khi quá trình chuyển đổi của môi trường đang tiếp tục tái định hướng phân phối tài nguyên thiên nhiên và các quốc gia bắt buộc phải tìm kiếm những nguồn mới, việc cạnh tranh tài nguyên sẽ vẫn tiếp tục tăng cao chưa từng có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét