Pages

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2012

Bộ 6 nhân vật chính tại điểm nóng Syria

Nhiều nước ở cả Trung Đông và ngoài khu vực này bị ảnh hưởng bởi những gì đang diễn ra ở Syria, song có một nhóm nhỏ các nước có quyền lợi đặc biệt và sức ảnh hưởng lớn hơn cả.
Những nhân vật chính trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Syria gồm có Mỹ, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Iran và Liên đoàn Ảrập. Ngoài ra, một loạt các nước khác cũng sẽ tham gia và cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng như Trung Quốc, Pháp, Anh và Iraq.
Mỹ

Ali Alsayed, 18 tuổi, biểu tình trước Nhà Trắng tại Washington ngày 4/2 vừa qua.

Quyền lợi của Mỹ ở Syria phần lớn gắn với thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, trong sứ mệnh “thúc đẩy tự do” trên khắp thế giới mà nước này vẫn không ngừng phát triển, cũng như trong vai trò là một cường quốc lớn trên thế giới.


Tổng thống Assad chưa bao giờ công khai phản đối Mỹ giống như nhà lãnh đạo Gadhafi của Libya, hay chính quyền của ông cũng chưa bao giờ hỗ trợ công khai cho cái gọi là “chủ nghĩa khủng bố chống Mỹ”, mặc dù theo Mỹ, có hàng loạt bằng chứng cho thấy Syria hỗ trợ cho các chiến binh và các nhóm ở nước láng giềng Iraq chiến đấu chống lực lượng Mỹ. Ngoài ra, Syria không phải là nhà cung cấp dầu mỏ lớn và các nguồn tài nguyên khác tới Mỹ.
Kể từ khi phong trào Mùa xuân Ảrập bắt đầu, chính quyền Obama đã thận trọng và đôi khi là không nhất quán trong việc ủng hộ phong trào nhằm lật đổ các chế độ nắm quyền lâu năm ở khu vực này. Song Syria dường như đã phát triển thành cuộc xung đột mà Mỹ thấy dễ dàng chọn phía. Vào đầu cuộc xung đột ở Syria từ một năm trước, chính quyền Obâm chỉ kêu gọi giải pháp hòa bình. Nhưng nay họ đang yêu cầu ông Assad từ chức một cách quyết liệt.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton là một trong những nhân vật chính trong nhóm “Những người bạn của Syria”, và bất kỳ gói viện trợ, quân sự nào chắc chắn cũng sẽ có sự đóng góp lớn của Mỹ.
Liên đoàn Ảrập

Các quan sát viên AL tại Damascus ngày 9/1 vừa qua.

Trong khi cả Qatar và Ảrập Xê-út có thể bị loại khỏi tầm ảnh hưởng trong cuộc khủng hoảng ở Syria, thì Liên đoàn Ảrập (AL) gồm 22 nước mà 2 nước này là thành viên có vẻ như đã gây ảnh hưởng mạnh nhất của mình đối với Syria hơn bất kỳ tổ chức và chính phủ nào từ trước tới nay.
Chính là các nhà quan sát AL được ông Assad cho phép vào nước này gần đây, mặc dù một số chỉ trích họ chỉ muốn thấy những gì nhà lãnh đạo Syria muốn cho họ thấy. Cũng chính là AL đưa ra kế hoạch hòa bình mà Liên hợp quốc đã đưa ra để bỏ phiếu. Và cũng có thể chính là AL thương lượng để Nga và Trung Quốc có thể từ bỏ phản đối của họ đối với một hành động phối hợp của quốc tế, ví dụ như triển khai một lực lượng gìn giữ hòa bình Ảrập-Liên hợp quốc.
AL đã đóng vai trò chủ chốt trong việc giành được sự đồng thuận của quốc tế để can thiệp vào Libya hồi năm ngoái. Phương Tây hiện đang trông chờ họ dẫn dắt những kêu gọi tương tự, nhằm thay đổi chế độ ở Syria.
Israel

Binh sỹ Israel đối đầu với những người biểu tình ủng hộ người Palestine dọc biên giới Syria-Israel vào tháng 6 năm ngoái.

Israel và Syria có chung đường biên giới tranh chấp dài khoảng 60km và hiện hai nước về mặt kỹ thuật vẫn trong tình trạng chiến tranh. Israel đã chiếm Cao nguyên Golan kể từ Cuộc chiến 6 ngày vào năm 1967, trong khi chính quyền của ông Assad cung cấp hỗ trợ trực tiếp cho lực lượng Hezbollah ở Li-băng và Hamas cũng như Jihad Hồi giáo trên các vùng đất Israel chiếm đóng. Israel và Mỹ coi tất cả 3 nhóm là nhóm khủng bố. Điều này có nghĩa là ông Assad luôn luôn là “trục ma quỷ mà họ biết”, vì vậy Isael đã theo sát cuộc khủng hoảng ở Syria ngay từ đầu.
Israel cũng đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. Được biết 20 người Syria đã bị lực lượng Israel giết chết vào tháng 6 năm ngoái dọc biên giới trong các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine, mà một số người cho rằng do chính phủ của ông Assad dàn dựng để đánh lạc hướng chú ý khỏi cuộc trấn áp người biểu tình bên trong nước này.
Điều quan trọng nhất đối với quyền lợi của Israel là kết quả cuộc khủng hoảng ở Syria sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với cuộc xung đột của nước này với Iran. Nhiều nhà quan sát coi Syria như là đồng minh thân cận nhất của Iran trong khu vực và nhiều người Israel tin rằng chấm dứt chế độ của ông Assad có thể “kiềm tỏa” được sự ảnh hưởng của Iran.
Efraim Halevy, cựu cố vấn an ninh quốc gia Israel, cho biết trong bài viết gần đây trên tờ New York Times rằng: “Dấu chân của Iran ở Syria cho phép các giáo sỹ ở Tehran theo đuổi chính sách khu vực bạo lực và liều lĩnh -và sự hiện diện của họ ở đó phải bị chấm dứt. Căng thẳng hiện nay ở Syria cho thấy cơ hội hiếm hoi để thế giới thoát khỏi sự đe dọa của Iran.”
Nỗi sợ khác của Israel là Syria có thể có một kết cục giống như sự hỗn loạn ở Somalia, nơi các đảng phái tranh giành kiểm soát và không có chính quyền trung ương để giải quyết các cuộc vượt biên trái phép qua biên giới.
Mặc dù vậy, cho đến nay Israel vẫn chưa khẳng định họ tham gia sâu vào cuộc bàn luận về Syria, phần lớn là do nếu họ công khai ủng hộ một bên, bên kia sẽ phát động chiến dịch bài Israel trong khu vực.
Thổ Nhĩ Kỳ

Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc tiếp đón Ngoại trưởng Mỹ Clinton tại Istanbul tháng 7/2011.

Syria và Thổ Nhĩ Kỳ có chung đường biên giới dài và có mối quan hệ lịch sử lâu bền. Mặc dù mối quan hệ đã bị xấu đi trong hầu hết 50 năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ gần đây đã mở rộng mối quan hệ với ông Assad nhằm đưa Syria trở thành một phần trong tuyến đường thương mại giữa châu Âu và Trung Đông. Tuy nhiên, giờ đây, chính phủ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã quay sang chống lại chính quyền ông Assad. Tháng 11 năm ngoái, Thổ nhĩ Kỳ đã “dứt tình” khi ông Erdogan kêu gọi ông Assad từ chức.
Rất nhiều người tị nạn chạy khỏi cuộc xung đột Syria hiện đang cắm trại ở bên phía biên giới của Thổ Nhĩ Kỳ. Được biết, cũng có nhiều bệnh viện, điểm cung ứng lương thực, đền thờ được dựng lên ở Thổ Nhĩ Kỳ để giành cho các chiến binh của Đội quân Syria tự do, lực lượng phản chiến chống chính quyền ông Assad ở Syria.
Syria cũng là cơ hội cho Thổ Nhĩ Kỳ củng cố vị trí vốn đang lớn mạnh của nước này là nhà trung gian quyền lực trong khu vực. Chính phủ của ông Erdogan đã khai thác được triệt để hình ảnh này trong những năm gần đây, khi đàm phán trở thành thành viên của Liên minh châu Âu. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với Pháp, là chủ tịch cuộc họp đầu tiên của “Những người bạn của Syria” diễn ra ở Tunisia và có thể sẽ là nước chủ nhà cho cuộc họp tiếp theo.
Có tin đồn Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đang vận động Ngoại trưởng Clinton can thiệp trực tiếp vào Syria, động thái mà cả hai nước đều thận trọng không công khai ủng hộ.
Nga

Tổng thống Syria Assad (trái) bắt tay Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sau cuộc đàm phán tại Damascus ngày 7/2 vừa qua. Ngoại trưởng Nga đã tới Syria ngay sau khi nước này phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an đòi ông Assad từ chức.

Liên Xô từng có mối quan hệ rất thân thiết với cha của ông Bashar al-Assad, ông Hafez al-Assad. Nga đã là nhà tài trợ chính cho Syria trong suốt nhiều thập niên và có một căn cứ hải quân quan trọng tại cảng Tartus của Syria trên Địa Trung Hải. Và có thể nói rằng quyền lợi của Nga gắn liền với chính quyền của ông Assad. Đó là lý do vì sao Nga phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhằm lên án ông Assad và là nước cản trở quyết liệt nhất bất kỳ áp lực quốc tế nào đối với ông Assad.

Nga cho rằng nếu Hội đồng bảo an thông qua nghị quyết lên án Tổng thống Assad, có thể sẽ có một cuộc can thiệp của nước ngoài vào Syria, giống như ở Libya vào năm ngoái.

Giới phân tích cho rằng kể từ thời Liên Xô (cũ), Nga đã xem chính quyền của ông Assad là đối trọng quan trọng trong khu vực đối với quyền lợi của Mỹ và Israel. Syria là nước láng giềng mạnh nhất của Israel và là nước không ký hiệp ước hòa bình với nhà nước Do Thái.

Iran

Tổng thống Iran khi đó Mohammad Khatami (phải) tiếp người đồng cấp Syria Bashar Assad tại Tehran vào năm 2001.

Đầu tiên, Syria và Iran tìm thấy tiếng nói chung vững chắc trong việc ngăn chặn sự thống trị của Saddam Hussein trong khu vực. Và mối quan hệ này ngày một phát triển khi mục đích chiến lược của họ gặp nhau trong những thập niên tiếp theo. Mối quan hệ của họ hiện đã phát triển sâu rộng. Có tin Iran đang cử các nhân viên an ninh, cố vấn, vũ khí và lương thực để củng cố chính quyền của ông Assad.
Iran cũng được cho là đã “góp mặt” ở Li-băng từ lâu, qua nhóm Hezbollah. Và được biết Iran cung cấp hỗ trợ cho Hezbollah qua lãnh thổ Syria.
Và nhiều nhà phân tích nhận định cả ông Assad và các nhà cầm quyền của Iran hiện đang thấy rằng họ sẽ chống lại được áp lực của quốc tế tốt hơn nếu tiếp tục hợp tác.
Phan Anh
Theo CBS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét