Pages

Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2015

Không viên tướng nào tháp tùng Tập Cận Bình thăm Mỹ và âm mưu của Lầu Bát Nhất

Đề xuất đầu tiên của Lầu Bát Nhất là không có viên tướng Trung Quốc nào tháp tùng họ Tập đi Hoa Kỳ và các vấn đề quân sự phải được loại trừ khỏi bàn nghị sự.
Michael Pillsbury, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thời Tổng thống Reagan phụ trách hoạch định chính sách và các chương trình viện trợ bí mật được gọi là Reagan Doctrine ngày 25/9 tiết lộ trên Defense One, nếu để ý những bức ảnh chụp Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ lần này sẽ không thấy bóng dáng của bất kỳ viên tướng nào bên cạnh ông chủ Trung Nam Hải, điều bất thường của một chuyến công du.
Tuy nhiên chính các viên tướng hàng đầu Trung Quốc lại đang đóng vai trò quan trọng trong việc soạn thảo kịch bản để Tập Cận Bình mang theo làm việc với Obama. Vài tuần trước tại Bắc Kinh, một vài viên tướng học giả Trung Quốc đã tiết lộ với Michael Pillsbury một cách rất tự hào về những gì Tập Cận Bình sẽ nói và làm trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ và hội nghị thượng đỉnh với Barack Obama.

Quân đội Trung Quốc có một nhóm hoạch định chính sách ít được biết đến trong Học viện Khoa học quân sự và Học viện Quốc phòng, thường xuyên tham mưu chính sách cho Tập Cận Bình và thường có quan điểm xung đột với nhiều trí thức trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Có khoảng 20 viên tướng học giả chuyên lo vạch chính sách để tham mưu cho Tập Cận Bình thông qua các cuộc giao ban Quân ủy trung ương hàng tuần mà Bộ Ngoại giao không có mặt ở đó.
Trước khi Tập Cận Bình lên đường thăm Hoa Kỳ đã có 5 phiên họp với thường trực Quân ủy trung ương mà không có đại diện ngành ngoại giao. Đề xuất đầu tiên của Lầu Bát Nhất là không có viên tướng Trung Quốc nào tháp tùng họ Tập đi Hoa Kỳ và các vấn đề quân sự phải được loại trừ khỏi bàn nghị sự với ông chủ Nhà Trắng.
Họ đã thành công. Không có thỏa thuận hay thảo luận chi tiết nào về vấn đề an ninh Trung - Mỹ sẽ xảy ra và các tướng Trung Quốc lựa chọn tránh mặt trong hội nghị thượng đỉnh Trung - Mỹ. Các tướng Trung Quốc tiết lộ với Michael Pillsbury rằng, họ lo lắng Washington có thể qua mặt các nhà ngoại giao Trung Quốc, vì vậy họ vạch cho Tập Cận Bình "6 điểm" khi đàm phán với Obama.
Thứ nhất, không có thỏa thuận nào về an ninh mạng được ký và không được đàm phán về 5 sĩ quan quân đội Trung Quốc bị Sở Tư pháp Hoa Kỳ truy tố năm ngoái về tội gián điệp mạng; Thứ hai, không thảo luận về hoạt động của quân đội Trung Quốc trong không gian hoặc bất kỳ thảo luận nào về kiểm soát vũ khí trong không gian.
Ông Tập Cận Bình thăm tập đoàn Boeing, Hoa Kỳ. Ảnh: US News.
Thứ ba, tìm kiếm các cơ hội trao đổi thăm viếng quân sự các loại để Trung Quốc tìm hiểu các điểm yếu của quân đội Mỹ, trong khi phải từ chối không cho Mỹ truy cập vào những căn cứ nhạy cảm của quân đội Trung Quốc; Thứ tư, không hạn chế trong việc Trung Quốc mua bí mất công nghệ công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ;
Thứ năm, không thảo luận về việc quân đội Trung Quốc tích tụ vũ khí chống lại Đài Loan; Thứ sáu là đặc biệt quan trọng với khu vực, không có hạn chế nào nên được đưa ra về hoạt động nạo vét, bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo tham mưu của Lầu Bát Nhất, Tập Cận Bình nên tránh các vấn đề an ninh và thay vào đó sử dụng các vấn đề "vô hại nhưng ấm bụng kiểu Mỹ". Ngay cả việc Tập Cận Bình dùng hai ngón trỏ xếp hình chữ "Nhân" có nghĩa là "người" khi mô tả quan hệ Trung - Mỹ trong bài phát biểu tại Seattle cũng do Lầu Bát Nhất tham mưu.
Vẫn theo kịch bản soạn sẵn của Lầu Bát Nhất, Tập Cận Bình nói với giới doanh nhân và chính khách Mỹ rằng, người Trung Quốc luôn luôn coi trọng tinh thần kinh doanh và sự sáng tạo của Mỹ. "Thời trai trẻ tôi đã từng đọc Federalist Papers của Alexander Hamilton và Common Sense của Thomas Paine", ông Bình đã nói theo kịch bản soạn sẵn.
Vợ chồng ông Tập Cận Bình và đoàn tùy tùng đã có mặt ở sân bay quân sự Andrews và được Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chào đón. Giới truyền thông Mỹ thì vẫn đang bận rộn đưa tin về các hoạt động của Giáo hoàng ở New York thay vì lễ đón Tập Cận Bình.
Obama sẽ ăn tối và làm việc riêng với Tập Cận Bình vào tối Thứ Năm theo giờ Mỹ, tức sáng Thứ Sáu giờ Việt Nam. Hai nhà lãnh đạo này sẽ vật lộn với những vấn đề gai góc nhất trong quan hệ song phương.
Tập Cận Bình sẽ được tiếp đón đầy đủ vào ngày Thứ Sáu theo giờ Mỹ với 21 phát đại bác, một hội nghị thượng đỉnh chính thức, một cuộc họp báo chung và một bữa quốc yến. Ít hy vọng có đột phá chính thức nào trong hội nghị thượng đỉnh giữa Tập Cận Bình và Obama, nhưng dư luận đang đặc biệt quan tâm theo dõi xem ông chủ Nhà Trắng sẽ phản ứng thế nào về các vấn đề lớn, đặc biệt là an ninh mạng và Biển Đông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét