Pages

Thứ Ba, 21 tháng 2, 2012

Chỉ có thể buộc tội ông Vươn cố ý gây thương tích'

"Căn cứ những hành vi trong thực tế của ông Vươn chỉ có thể buộc tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng", luật sư Lê Đức Tiết phân tích.
Luật sư Lê Đức Tiết, Phó chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy ban trung ương MTTQ (từng thực địa tại Tiên Lãng, Hải Phòng) đã có bài viết gửi VnExpress phân tích về vụ án Đoàn Văn Vươn.

Ít có trường hợp mà hành vi phạm tội của người vi phạm làm nảy sinh nhiều nhận xét, đánh giá trái ngược nhau như vụ Tiên Lãng (Hải Phòng). Cùng trong một vụ mà cả một số quan chức thành phố, huyện, xã - những người đã ra lệnh thu hồi đất, thực thi lệnh cưỡng chế trái pháp luật và những người dân bị cưỡng chế đều phải trực diện với những điều buộc tội khác nhau của công lý.
Giới chức huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang cho rằng, ông Đoàn Văn Vươn là người ngông cuồng, ngang nhiên dùng các hình thức cực đoan chống lại luật pháp. Ông Vươn phải bị buộc tội chống người thi hành công vụ và tội giết người.
Luật sư Phạm Thanh Bình, khẳng định rằng khó thay đổi tội giết người của ông Vươn. Một số luật sư khác cho rằng ông Vươn phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Nhiều người dân xã Vinh Quang và nhiều nơi trong cả nước cho rằng việc buộc ông Vươn vào tội giết người là không đúng với bản chất con người của ông Vươn và tính chất của vụ việc.




Có rất nhiều ý kiến cho rằng những quan chức ra lệnh thu hồi đất và thực thi lệnh cưỡng chế trái pháp luật đã phạm vào các tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ và tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

Công luận đòi hỏi có một sự giải thích thấu tình đạt lý về các hành vi phạm tội trong vụ ông Vươn. Trong vụ ông Vươn có những người phạm tội khác nhau nhưng đều có “liên quan nhân quả” với nhau. Nhân - quả, quả - nhân là một chuỗi hành vi nối tiếp nhau.



Câu hỏi đầu tiên, mang tính then chốt, được đặt ra là có hay không có việc thực thi công vụ và chống đối người thi hành công vụ trong vụ thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang huyện Tiên Lãng?
Câu trả lời là không. Trong cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan tại Văn phòng Chính phủ chiều ngày 10/2, Thủ tướng đã khẳng định việc thu hồi đất và thực thi cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Hành vi của các quan chức thực thi lệnh thu hồi đất và cưỡng chế trái luật cuối cùng phải được khẳng định bằng một phán quyết sau này của tòa án. Không ai bị coi là phạm tội chừng nào chưa có bản án đã có hiệu lực pháp lý của tòa án.
Luật sư Tiết xuống khu vực nhà ông Đoàn Văn Vươn bị cưỡng chế để nắm tình hình. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Câu hỏi thứ hai được đặt ra là Đoàn Văn Vươn, những người thân có phạm tội chống người thi hành công vụ không như lệnh khởi tố của cơ quan điều tra Hải Phòng đã công bố?
Trong trường hợp thông qua xét xử và bằng phán quyết của Tòa, Tòa công bố việc thu hồi đất và việc thực thi lệnh cưỡng chế là trái pháp luật thì sẽ không có cơ sở pháp luật để buộc tội anh em nhà Đoàn Văn Vươn và hai bà vợ của họ phạm tội chống người thi hành công vụ. Những hành vi sử dụng quyền lực công trái pháp luật không thể gọi là công vụ được. Buộc tội chống lại cái không tồn tại trong thực tế là điều phi lý.
Hiện nay các tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở Hải Phòng chưa tiến hành xét xử vụ án. Tuy vậy có thể khẳng đinh rằng lệnh thu hồi đất và thực thi cưỡng chế của Hải phòng là sai pháp luật vì Tòa án tối cao, bằng bản án giám đốc thẩm, đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trái pháp luật của các tòa Hải Phòng đối với vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn.
Câu hỏi thứ ba là Đoàn Văn Vươn có phạm tội giết người không? Hành vi giết người bao gồm trong nó 4 giả định: cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp; tước đoạt sinh mạng người khác một cách trái pháp luật và vì những động cơ mục đích đê hèn Việc buộc tội và xử phạt một người can tội giết người phải hội tụ đủ 4 giả định đã nêu. Nếu thiếu một trong 4 giả định đã nêu thì không thể quy tội giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình sự.
Qua những tài liệu đã có, cho thấy ngay từ năm 2006, ông Đoàn Văn Vươn đã nhận thức được lệnh thu hồi quyền sử dụng đất đai của ông ta là trái pháp luật. Ông Vươn đã khởi kiện ra tòa án để đòi công lý. Nhưng tòa án huyện Tiên Lãng và tòa án Hải phòng đã làm nghiêng lệch cán cân công lý.
Cái được gọi là mìn tự chế chỉ là bình ga được kích nổ để tạo ra ngọn lửa nhằm ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Nổ bình ga có thể gây chết người.



Nhưng tất cả những gì mà Đoàn Văn Vươn đã làm chỉ nhằm mục đích ngăn cản lực lượng cưỡng chế trái pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân mà thôi. Theo người dân địa phương, lực lượng cưỡng chế đã nổ súng như một trận đánh. Người chỉ huy cao nhất của vụ cưỡng chế đã trả lời báo chí rằng đó là một "trận đánh hay có thể viết thành sách được". Tiếng súng đã làm kinh động cả làng quê yên tĩnh vào dịp giáp Tết. Trong tình thế bị dồn vào bước đường cùng, Đoàn Văn Vươn đã dùng súng đạn hoa cải để chống lại những người xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của mình.

Không chỉ luật pháp hiện hành nước ta, mà luật pháp của nhiều nước trên thế giới đều thừa nhận người dân có quyền sử dụng các hình thức tương đương để tự vệ trước những hành động bạo lực của những kẻ xâm phạm đến tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của họ. Căn cứ vào những hành vi trong thực tế của ông Vươn đã thực hiện (quy tội danh thực tế), thì chỉ có thể buộc tội (quy tội danh pháp lý) Đoàn Văn Vươn theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã quy định tại điều 106 Bộ Luật Hình sự với khung hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm; nếu phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một đến ba năm.
Ông Đoàn Văn Vươn tại cơ quan điều tra. Ảnh: Báo Hải Phòng
Câu hỏi thứ tư là những quan chức ra lệnh thu hồi đất và thực thi lệnh cưỡng chế có phạm tội không và phạm vào những tội gì?
Những hành vi vi phạm luật pháp đã được Bộ Luật Hình sự quy định là tội phạm thì phải được xét xử theo trình tự thủ tục về pháp luật hình sự. Những hành vi vi phạm không được quy định trong bộ luật hình sự thì được xét xử theo thủ tục hành chính. Không được hành chính hóa các tội phạm hình sự. Ngược lại cũng không thể hình sự hóa các vi phạm về hành chính. Đó là nguyên tắc bảo vệ kỷ cương, bảo vệ pháp chế của Nhà nước pháp quyền.
Trong vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng, UBND huyện đã tự ý ban hành văn bản pháp quy trái Hiến pháp, trái luật. Họ tự cho mình quyền huy động quân đội để thực hiện cưỡng chế với dân và đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi lạm quyền. Họ tự cho mình thực hiện các quyền mà Hiến pháp chỉ dành cho Quốc hội, cho Chủ tịch nước và Thủ tướng. Hành vi này phải được đem ra xét xử theo thủ tục hình sự chứ không thể giải quyết theo thủ tục hảnh chính được.
Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng là một sai phạm gây nhức nhối trong xã hội. Thủ tướng đã có kết luận, nhưng đó là tiếng nói của cơ quan hành pháp. Việc phán quyết những người liên quan trong vụ việc có phạm tội hay không, nếu phạm tội thì họ đã phạm những tội gì và họ sẽ bị xử phạt như thế nào là những việc làm thuộc thẩm quyền của các cơ quan tư pháp. Những ai đang quan tâm đến vụ việc đều đang chờ đợi những phán quyết đúng pháp luật, đúng người, đúng tội của các cơ quan nhân danh công lý để bảo vệ pháp luật.

Luật sư Lê Đức Tiết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét