Pages

Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2012

Chiến thuật mới: Đốt ngay người tự thiêu

Trong lúc cả nước đang xôn xao quanh vụ Tiên Lãng, đột nhiên tất cả báo đài nhà nước đồng loạt đăng rình rang một buổi họp báo do một thiếu tướng công an chủ trì để tung tin đã bắt tại Bia Sơn, Phú Yên một nhóm 9 “người phản động”. Nhưng càng đọc vào các chi tiết người ta càng thấy nhiều điều không ổn.
Trước hết có nhiều nét cho thấy đây là một hội tôn giáo, từ tên gọi “Ân Đàn Đại Đạo” đến các chức “Hội trưởng Pháp hội”, “Phó trưởng ban Nghi lễ”, “Trưởng ban Hồng vệ pháp”, v.v… Kế đến, các bằng chứng bạo động mà thiếu tướng công an đưa ra gồm “19 kíp nổ, 10 bộ đàm, và 1 ống nhòm” cũng làm bật lên các dấu hỏi. Tại sao công an tìm ra các kíp (ngòi kích) nổ mà không tìm ra chất nổ? Kíp nổ đó gỡ từ cái gì ra? Một tổ chức bạo động không có chất nổ thì giữ mớ kíp nổ để làm gì? (Nhà nghèo không mua được ô-tô nhưng giữ trong nhà cái tay lái?).

Rồi 10 bộ đàm và 1 ống nhòm là vũ khí bạo động ư, nhất là khi các nạn nhân này đều sống trong “khu du lịch sinh thái Huỳnh Long ở thôn Hảo Sơn, xã Hòa Xuân Nam, H.Đông Hòa (Phú Yên)? Vậy có nên bắt hết các nhóm hướng dẫn du lịch trên cả nước chăng? (Hay công an bắt ai cũng được vì khi xông vào khám xét nhà nào cũng có cất giấu… dao?).
Quang cảnh của “phòng họp báo” cũng rất quái lạ, với bàn ghế quây tròn quanh những chậu hoa tươi tuyệt đẹp, với đầy đủ nước chai cho cả những người không có mặt nhưng lại vắng bóng các tang chứng như kíp nổ, bộ đàm, ống nhòm, hay “tài liệu phản động”. Rõ ràng công an Phú Yên được lệnh thoa son đánh phấn để lên truyền hình – có lẽ lần đầu — nhưng lại trang điểm quá mức nên trở nên buồn cười.
Nhưng số phận của 9 nạn nhân bị “bôi đen” tại Bia Sơn không phải là chuyện cười!
Cũng vậy, ngày 26/1/2012, báo đài nhà nước chủ động phóng ra tin tức liên quan đến cái chết của anh Nguyễn Văn Hùng ở Bắc Giang. Trước đó 3 tuần, khi anh Hùng nhào ra ngăn cản lực lượng an ninh cưỡng chế một sào đất của gia đình anh, anh bị đánh ọc ra máu và gục ngã ngay tại hiện trường. Vì nhà nghèo, không có tiền đi bệnh viện, anh Hùng tiếp tục ho và tiểu ra máu trong suốt 3 tuần liền và lịm chết dần trong uất hận. Báo đài nhà nước giấu nhẹm phần lớn các chi tiết trên nhưng nhanh chóng “tống táng” nạn nhân bằng tin anh Hùng “có tiền sử bệnh lao từ lâu nay”. Không bác sĩ nào có thể lý giải được tại sao bệnh lao lại làm nạn nhân tiểu ra máu.
Nhưng những người thân của anh Nguyễn Văn Hùng sẽ chẳng còn bao giờ nghe được câu lý giải nào sau lời kết luận của công an trên mặt báo!
Và hiển nhiên, thủ thuật chủ động tung tin tô đen các nạn nhân càng lộ liễu trong vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng. Ngay trong những ngày đầu, các báo đài lề phải nhanh chóng tung tin, tô vẽ anh Đoàn Văn Vươn là một người dữ dằn, hiếu chiến sử dụng mìn và súng để chống người thi hành công vụ. Trong lúc đó lực lượng công an bộ đội thì được mô tả bằng những hình ảnh có chừng mực nhưng đầy quyết tâm. Chỉ khi thân nhân và hàng xóm của anh Vươn lên tiếng trên internet và bức thư hỏi thăm sự thật của một giám mục, mọi người mới thấy rõ bức tranh và biết gia đình anh Vươn là nạn nhân của một hành động cưỡng chế trái pháp luật. Những dữ kiện xuất hiện trên báo lề trái đến nay cho thấy mưu đồ cướp trọn tài sản của không chỉ gia đình anh Vươn mà còn của mọi gia đình trong toàn khu vực đã có từ nhiều năm trước. Và đến nay thì nhiều người còn đặt dấu hỏi cái gọi là “mìn tự chế” là của anh Vươn hay của công an Tiên Lãng đem đến. Cứ nhìn bức hình rà mìn và gỡ mìn của “Lực lượng cưỡng chế trên lối vào khu đầm của ông Đoàn Văn Vươn” như được chú thích trên nhiều báo thì sẽ thấy ngay đây là chuyện đóng phim hay chuyện thật. Người rà mìn và gỡ mìn mặc áo vải đội nón cối. Người mặc áo giáp đội mũ sắt đứng phía sau nhưng xà mặt vào xem. Và mọi người quây quần quanh quả mìn đang được gỡ kíp nổ!
Nhưng cả gia đình anh Đoàn Văn Vươn đều bị văng mảnh từ các buộc tội tùy tiện và liên tục của đủ loại quan chức tòa án, chính quyền và công an Tiên Lãng từ ngày đầu!
Rõ ràng những sự kiện xảy ra gần đây cho thấy Ban Tuyên Giáo đã thay đổi chiến thuật 180 độ. Trước đây, báo đài nhà nước thường tuyệt đối im lặng trước những vụ việc công an bạo hành, quan chức đàn áp dân chúng cho đến khi không còn có thể im lặng được nữa. Sau đó họ phải chạy theo để chửa cháy. Cụ thể như vụ công an đánh chết anh Nguyễn Văn Khương ở Bắc Giang, đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, v.v… Nay khi có những vụ việc lớn, chính công an đưa phiên bản rất nghiêng lệch của họ về sự việc cho báo đài lề phải để chủ động bôi đen các nạn nhân trước khi dư luận có cơ hội biết được sự thật.
Có thể nói lần thay đổi chiến thuật đầu tiên và rất thành công của công an là việc bôi đen nạn nhân Hồ Thanh Hùng trong vụ tự thiêu ngày 3/1/2012 tại Hà Nội. Chỉ vài giờ sau khi ngọn lửa phùng lên trên vỉa hè phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, ngay trước cổng một nhà hàng gần bãi tre sông Hồng, đã thấy bài tường thuật trên báo công an An Ninh Thủ Đô rồi hàng loạt báo lề phải lớn nhỏ đồng loạt đăng lại với vài thêm thắt nhỏ hay chỉ đổi thứ tự các câu, đoạn và kéo dài trong 2 ngày. Cả làng báo 1 người viết đó nhanh chóng tô vẽ hình ảnh một Hồ Thanh Tùng ham mê bài bạc, nợ nần quá nhiều, và nay tìm con đường tự thiêu để trốn nợ.
Nhưng càng đọc các bài báo đó, người ta càng thấy nhiều điểm bất thường và trái ngược. Câu hỏi đầu tiên nếu đây là mẫu người đã nợ nần từ lâu thì không lẽ anh Tùng không biết vô số cách lẩn trốn thay vì tự sát? Nếu đây là loại người ích kỷ chỉ lo thú vui cho mình, thì anh Tùng lại càng không chọn tự sát và lại là cách tự sát đau đớn nhất cho mình? Và nếu đây là một người vì quá xấu hổ với người chung quanh nên tự sát, thì tại sao anh Tùng lại chọn cách tự vận thu hút nhiều sự chú ý nhất trước một địa điểm đông người ngay tại thủ đô Hà Nội?
Bên cạnh đó là nhiều chi tiết bất thường khác, chẳng hạn như công an cho biết tìm thấy sổ hộ chiếu (SHC) của anh Tùng tại nơi tự thiêu và đăng hình nạn nhân trong SHC đó. Ai cũng biết chẳng ai đi ngoài đường ở Hà Nội lại mang theo sổ hộ chiếu, vốn dùng cho mục tiêu xuất cảnh. Nhìn vào sự kiện khi nội vụ xảy ra và công an tìm được đến nhà anh Tùng nhanh như thế có nghĩa là họ lấy được giấy Chứng Minh Nhân Dân (GCMND) có ghi địa chỉ thường trú của nạn nhân, và tại nhà nạn nhân họ mới tìm ra SHC và tra hỏi người thân. Tại sao công an chọn đăng sổ hộ chiếu chứ không đăng giấy chứng minh nhân dân? Sự khác biệt duy nhất là sổ hộ chiếu không có địa chỉ thường trú của nạn nhân. Công an muốn tạo ấn tượng là họ biết rất rõ sự việc để tăng mức khả tín cho các điều họ muốn khoác lên nạn nhân nhưng cùng lúc KHÔNG ĐỂ các phóng viên ngoại quốc và phóng viên “dân báo” kéo đến tìm hiểu sự thật.
Cũng vậy, báo chí đăng tải các chi tiết rất sâu vào đời tư anh Tùng, thậm chí cả những chuyện anh lấy vợ từ năm nào mà không có con, v.v… nhưng tuyệt nhiên không cho biết tên tuổi, nơi ở của các người thân mà báo chí và công an đã phỏng vấn. Đây là cách viết rất bất thường, nửa mở nửa dấu, so với đại đa số các bài vở khác. Các dữ kiện trên báo cũng viện dẫn “kết quả điều tra” của công an, nhưng lại có nhiều từ ngữ “nghe nói rằng”, “có linh tính là” v.v…
Nhưng điều đáng quan tâm là cách viết đó của công an và báo chí nhà nước theo lệnh công an đã thành công trong việc thuyết phục dư luận. Sau các bài báo đó, hầu như không còn ai đặt dấu hỏi nào nữa!
***
Trước thủ thuật đang được dùng ngày một thường xuyên này của công an, đã đến lúc mỗi người chúng ta cần có phản xạ, lập tức đặt dấu hỏi về tất cả những cái gọi là dữ kiện buộc tội hay bôi đen do công an tung ra trên báo đài nhà nước. Đây là điều tối thiểu chúng ta có thể làm cho các nạn nhân. Chúng ta không thể vô tình tiếp tay bồi thêm một tầng oan ức nữa lên các nạn nhân, và nhất là vô tình làm đau lòng thêm cho gia đình của các nạn nhân.
Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là sự lên tiếng của bạn bè, xóm giềng, giáo xứ, đồng đạo, và người thân của các nạn nhân. Chúng ta không thể để người thân của mình chết oan đến 2 lần, một lần trên hè phố hay bờ ruộng, và một lần nữa trên mặt báo đảng. Thời đại Internet ngày nay cho chúng ta quá nhiều cách để đưa sự thật ra trước công luận cả nước và cả thế giới. Các cơ quan truyền thông độc lập và cả làng “dân báo” đang nóng lòng muốn tiếp tay khi người thân của các nạn nhân lên tiếng.
Hơn thế nữa, khi lên tiếng vạch trần các oan khuất, chúng ta không chỉ bảo vệ thanh danh cho người thân của mình mà còn góp phần giảm bớt con số những nạn nhân khác sẽ rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Người thiếu nữ can đảm Trịnh Kim Tiến với đầy lòng thương kính cha mình và nghĩ đến các nạn nhân khác trong tương lai, đã chọn thái độ đó — KHÔNG IM TIẾNG CHỊU ĐỰNG NỮA!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét