Pages

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Cuộc chiến bí mật – Hồ sơ Lực lượng đặc biệt Quân đội VNCH 1 & 2

John L Plaster
GS. Vũ Đình Hiếu dịch

“… nguyên nhân chủ yếu thôi thúc Gs Vũ Đình Hiếu dịch cuốn sách này chính là thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lung, lãng quên, bỏ rơi của chính phủ Mỹ đối với những cựu biệt kích quân đội VNCH ngay trên đất Mỹ, mà một thời CIA từng gọi họ là “Người hùng thời đại”.
Sau cuộc chiến ở Việt Nam, nhiều chính khách cũng như sĩ quan cao cấp của Quân đội Mỹ và VNCH đã dành khá nhiều giấy mực để lý giải, thanh minh cho những việc làm cũng như trách nhiệm của họ trong cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn khốc, tương tàn do Chính phủ Mỹ gây ra.
Khác với những chính khách hay các tướng tá khác, Giáo sư Vũ Đình Hiếu-dịch giả cuốn “Cuộc chiến bí mật”- là một cựu biệt kích quân đội VNCH, đã nhìn lại cuộc chiến với tâm tư của người lính một thời ngồi chung thuyền với những biệt kích “Mũ nồi xanh” của Mỹ. Vốn là người cùng chung chiến tuyến, họ từng là lực lượng chuyên trách đánh phá hậu phương lớn miền Bắc và tiền tuyến lớn miền Nam. Họ trở thành lực lượng xung kích chuyên đánh phá tuyến đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử bằng những thủ đoạn vô cùng thâm hiểm, tinh vi hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho đồng bào miền Nam.

Phải sau cuộc chiến đến một phần tư thế kỷ, với cương vị là Giáo sư chuyên ngành Công nghệ thông tin, từng giảng dạy ở các trường Đại học ở bang Texas (Mỹ) và hiện ông đang giảng dạy tại Trường ĐH RMIT-một trường ĐH Quốc tế ở Tp. HCM. Trong cuốn sách này Gs Vũ Đình Hiếu dựa vào những tài liệu đã giải mã của Lầu năm góc như: “ SOG The Secret Wars Of American’s Commandos in Vietnam” của John L. Plaster; “How American Lost the secret War in VietNam” và “Why American Lost the secret War in North VietNam” của Kenneth Conboy Dale Andrale, United Press, 2000; Cuốn sách kể lại những tháng ngày mà không ít các cựu biệt kích quân đội VNCH vẫn tưởng là một thời vinh quang ấy.
Thật ra nguyên nhân chủ yếu thôi thúc Gs Vũ Đình Hiếu dịch cuốn sách này chính là thái độ thờ ơ, vô cảm, lạnh lung, lãng quên, bỏ rơi của chính phủ Mỹ đối với những cựu biệt kích quân đội VNCH ngay trên đất Mỹ, mà một thời CIA từng gọi họ là “Người hùng thời đại”.
Mặc dù cái nhìn của các tác giả trong nguồn tư liệu còn nhiều sai lệch do cách nhìn nhận, cách nghĩ xuất phát từ lập trường chống Cộng thâm căn, song dù sao những trang dịch của Gs Vũ Đình Hiếu đã miêu tả khá sinh động bản chất chống Cộng thâm căn, thủ đoạn nham hiểm của lực lượng biệt kích Lôi Hổ, quân đội VNCH và biệt kích “Mũ nồi xanh” của Mỹ, đặt dưới bàn tay điều khiển của CIA, nhằm bớt xương máu của binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam. Đó là chính sách thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh” của Mỹ.
Qua cuốn sách này, bạn đọc sẽ có thêm một tài liệu tham khảo về một sắc lính – Biệt kích – trong cuộc chiến tranh Việt Nam và Đông Dương.
Tiến sĩ sử học Đinh Thu Xuân
*
Phần 1:

CUỘC CHIẾN BÍ MẬT
Trong cuộc chiến Việt Nam có một lực lượng bí mật, ít người biết đến, với mật danh Nha Kỹ thuật, thuộc Bộ Tổng Tham mưu, quân lực VNCH.
Những quân nhân trong sắc lính bí mật này thường được gọi là Lôi Hổ, họ được xếp vào hàng lính Biệt kích, thuộc lực lượng đăc biệt (gọi tắt là biệt kích). Người Mỹ cho rằng: “Nha Kỹ thuật là một huyền thoại trong cuộc chiến tranh Đông Dương”. Cả Nha Kỹ thuật và lực lượng đặc biệt đều được Hoa Kỳ yểm trợ mạnh mẽ. Nha Kỹ thuật có tổ chức riêng biệt dựa theo cơ cấu tổ chức của Lực lượng đặc biệt (từ đây trở đi gọi là biệt kích).
Các “Bộ” hoặc “Sở” chỉ huy (CCN, CCC, CCS-Command & Control North, Central, South) tương đương với các Bộ chỉ huy “C” (C1, C2, C3, C4) của biệt kích. Các “Căn cứ hành quân tiền phương” (FOB-O Forward Operation Base) tương đương với các Ban chỉ huy “B” (B50, B52, B57…) Các toán Lôi Hổ tương đương với các phân đội “A” biên phòng.
Tháng 2 năm 1961, một chiếc thuyền đóng theo kiểu thuyền đánh cá ở Bắc Việt Nam trôi bồng bềnh ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, lặng lẽ hướng về Cẩm Phả, một thị xã nhỏ ven biển. Hai đêm trước, chiếc thuyền đã lướt qua Cảng Hải Phòng một cách trót lọt. Chiều ấy, lúc hoàng hôn, chủ nhân của chiếc thuyền có thể thấy lờ mờ những rặng núi cao thuộc tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc ở vị trí khoảng 40 dặm về phía bắc. Trường hợp không may xảy ra, nếu bị bao vây, sẽ không có một chiếc tàu nào của Mỹ hay của quân đội Sài Gòn đến giải cứu anh ta. Chiếc thuyền con này không phải được đóng ngoài Bắc mà là ở Vũng Tàu, cách xa Cẩm Phả khoảng 800 dặm. Những người lái tàu đã được cơ quan tình báo CIA Mỹ bí mật tuyển chọn và huấn luyện để đưa một người Việt Nam đứng tuổi, đem theo máy truyền tin, tìm cách xâm nhập vào miền Bắc. Điệp viên mang bí danh Ares đã đặt chân lên đất Bắc một cách suôn sẻ.
Dưới thời tổng thống Kennedy, tại điều khoản số 52 của Hội đồng an ninh Quốc gia cho phép cơ quan CIA sử dụng quân biệt kích “Mũ nồi xanh” (Special Forces) và Người nhái Hải quân (Navy Seals) để huấn luyện, làm cố vấn cho quân nhân Việt Nam thực hiện những phi vụ bí mật, do ông trùm CIA là W. Colby tổ chức.
Tại thành phố biển Nha Trang, biệt kích Mỹ huấn luyện cho biệt kích quân Việt Nam thuộc Liên đoàn biệt kích số 1, chuyên do thám đường mòn Hồ Chí Minh. Trong hai năm (1961-1962), Liên đoàn này đã tổ chức 41 cuộc hành quân truy tìm dấu vết hành lang vận chuyển của Quân đội nhân dân Việt Nam qua lãnh thổ Lào.

Trong khi đó tại Đà Nẵng, toán người nhái Mỹ lo huấn luyện cho thủy thủ quân đội Sài Gòn chuyên chở người xâm nhập miền Bắc bằng đường biển. Ngoài ra, họ tổ chức thêm những toán biệt kích biển mở những cuộc tập kích bất ngờ vào các mục tiêu dọc theo bờ biển miền Bắc. Nhưng chỉ sau vài chuyến trót lọt, Hải quân Bắc Việt Nam đã đề phòng, ngăn chặn và đánh chìm một số thuyền chiến của quân đội Sài Gòn. Sau khi nhận định lại tình hình, cơ quan CIA đã quyết định thay đổi hướng xâm nhập miền Bắc bằng đường không, với sự tiếp ứng của không quân Sài Gòn.
Những nhân viên (thời điểm này họ vẫn là dân sự) chuẩn bị xâm nhập miền Bắc đều được huấn luyện tại căn cứ Long Thành (Biên Hòa), cách Sài Gòn khoảng 20 dặm về hướng Đông. Quân Mũ nồi xanh và nhân viên CIA huấn luyện cho họ về nghiệp vụ tình báo, kỹ thuật phá hoại, sử dụng vũ khí, nhảy dù, đánh morse và kiếm sống. Nói chung là những kỹ năng để họ có thể tồn tại và hoạt động lâu dài trên đất Bắc.
Đến cuối mùa xuân 1961, điệp viên Ares vẫn thường gửi những bức điện morse đến Trung tâm truyền tin viễn thông của CIA ở Philippin để báo cáo tình hình. Qua những báo cáo của điệp viên Ares, CIA cho rằng thời kỳ tung gián điệp đơn tuyến đã kết thúc, bắt đầu thời kỳ thả những toán biệt kích xâm nhập miền Bắc từ 3 đến 8 người. Thế nhưng họ đã không được may mắn như điệp viên Ares.
Chuyến đầu tiên thả toán biệt kích Atlas, họ đã không có cơ hội để gửi mật điện báo cáo là đã đến nơi, vì chiếc máy bay chở họ cũng biến mất luôn. Sau vụ này, tướng Nguyễn Cao Kỳ đích thân lái máy bay, thả toán biệt kích thứ hai có tên là Castor, hy vọng xâm nhập sâu vào nội địa miền Bắc Việt Nam. Thế nhưng chỉ ba tháng sau, Hà Nội đưa ra xét xử công khai vụ ba biệt kích của toán Atlas còn sống sót. Ít lâu sau toán Castor cũng mất liên lạc. Rồi đến toán Dido và Echo cũng nằm trong tay lực lượng an ninh Bắc Việt. Toán cuối cùng thả xuống miền Bắc trong năm 1961 là toán biệt kích mang tên Tarzan cũng bặt vô âm tín.
Sau những sự kiện trên, mùa hè 1962 CIA quyết định bàn giao các hoạt động xâm nhập ở vùng Đông Nam Á cho quân đội Mỹ và triển khai trong vòng 18 tháng. Chương trình bàn giao có tên gọi là “Kế hoạch trở lại” (Operation Switchback). Thế rồi nổ ra cuộc đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963 dẫn đến nhiều biến đổi trong chính thể Sài Gòn, khiến cho kế hoạch bàn giao thêm chậm trễ. Mặt khác quân đội Mỹ vẫn chưa có một đơn vị đặc biệt nào để đảm nhận chương trình của CIA bàn giao. Trong lúc đó, Quân đội nhân dân Việt Nam gia tăng mức độ chi viện cho chiến trường miền Nam. Để đối phó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mc. Namara ra lệnh thả nhiều toán biệt kích ra miền Bắc để phá hoại, với lời đe dọa: “Giới lãnh đạo miền Bắc nên biết rằng họ sẽ phải trả giá đắt nếu còn tiếp tục dung dưỡng, cho quân xâm nhập vào miền Nam”

Kế hoạch 34A được phê duyệt ngày 15/12/1963 giới hạn một sốt mục tiêu phá hoại ở Bắc Việt Nam. Mặc dù Mc Namara ra sức thúc đẩy, kế hoạch 34A mãi cho đến ngày 1/2/1964 mới được triển khai. MACV mới lập xong 1 đơn vị, đảm nhiệm những hoạt động bí mật của CIA. Đơn vị này do 1 Đại tá chỉ huy, bao gồm nhiều sắc lính từ biệt kích, người nhái cho đến Không đoàn cảm tử (Air Commando). Đơn vị tổng hợp này lấy tên là Liên đoàn hành quân đặc biệt, gọi tắt là SOG (Special Operation Group). Sau đó đổi tên để giữ bí mật, mặc dù vẫn viết tắt là SOG (Study and Observation Group). Đoàn Nghiên cứu, quan sát, tên mới nghe có vẻ như một trung tâm nghiên cứu, chỉ toàn những chuyên gia hoặc các giáo sư, tiến sĩ.
SOG không trực thuộc cơ quan MACV hoặc cấp chỉ huy của MACV là tướng W. Westmoreland, mà nhận lệnh trực tiếp từ Bộ Tổng Tham mưu quân đội Mỹ (JCS) ở Lầu năm góc và thường nhận lệnh từ Nhà Trắng. Chỉ có 5 sĩ quan cao cấp Mỹ ở Sài Gòn được báo cáo về những hoạt động bí mật của SOG. Đó là tướng Westmoreland, Tham mưu trưởng của ông ta, Trưởng phòng Nhì, Tư lệnh Không quân và Tư lệnh Hải quân Mỹ tại Việt Nam.
SOG được phép mở những cuộc hành quân xuất phát từ miền Nam Việt Nam và Thái Lan vào lãnh thổ Lào, Campuchia, Bắc Việt Nam và có thể ở cả phía bắc Miến Điện, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam và đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ngân sách chi cho SOG được giấu trong tài khoản dành cho Hải Quân Mỹ.
Chỉ huy SOG là Đại tá Clyde Russell, thuộc binh chủng dù, từng tham gia Chiến tranh Thế giới lần 2, sau đó chuyển sang lực lượng biệt kích trong những năm 50 của thế kỷ XX. Đại tá Clyde Russell đã từng có mặt trong Sư đoàn dù 82 đổ bộ xuống Pháp, Hà Lan. Rồi chỉ huy Liên đoàn Biệt kích số 10 ở Châu Âu; Chỉ huy trưởng Liên đoàn biệt kích số 7 đóng căn cứ tại Fort Bragg, bắc Carolina.
Theo kế hoạch 34A, Đại tá Russell và Ban Tham mưu sẽ thay đổi cơ cấu tổ chức của Lien đoàn Nghiên cứu quan sát theo khung tổ chức lực lượng biệt kích xâm nhập OSS, với thế mạnh là có sự yểm trợ của các binh chủng Không quân, Hải quân và Tâm lý chiến. Cơ quan CIA cho SOG sử dụng hệ thống tiếp liệu đặc biệt với những thiết bị đặc biệt như vũ khí tối tân, dụng cụ câu dây điện thoại để nghe trộm. Đồ tiếp liệu đặc biệt này có trong căn cứ Chinen ở Okinawa. Ngoài ra còn có thêm văn phòng chuyên lo việc tiếp tế cho SOG và lực lượng Biệt kích.
CIA bàn giao thêm cho SOG một phi đội máy bay C123 từ Đài Loan đến, do các phi công Đài Loan lái để thay thế loại máy bay C47 của Không quân Quân đội Sài Gòn. Phi đội này có tên là “Thứ Nhất”, gồm 4 chiếc C123. Mỗi chiếc có 1 phi hành đoàn phụ để thực hiện những chuyến bay trên lãnh thổ miền Nam. Còn các phi công Đài Loan bay những phi vụ xâm nhập miền Bắc hoặc lãnh thổ Campuchia. Những phi công Đài Loan này không biết tiếng Việt, tuy họ đều có thẻ căn cước Việt Nam. Chỉ một số rất ít viên chức Việt Nam mới biết họ là ai. CIA cũng bàn giao lại kết quả 3 năm hoạt động của họ từ 1961-1964.

Trong số 22 toán biệt kích được thả ra miền Bắc, CIA chỉ còn liên lạc được 4 toán: Bell, Remus, Easy, Tourbillon; và 1 điệp viên đơn tuyến Ares. Tại căn cứ Long Thành, SOG nhận được khoảng hơn 20 nhân viên đang huấn luyện. Nhưng sĩ quan SOG lại không tin tưởng họ và đòi phải loại trừ những quân nhân đó. SOG cũng không thể trả họ về cho Quân đội Sài Gòn, vì họ đã biết quá nhiều những hoạt động bí mật cũng như số phận các toán biệt kích ở ngoài Bắc. Người Mỹ cho rằng cách giải quyết dễ nhất là cứ thả họ ra ngoài Bắc, rồi bỏ rơi họ trong tay lực lượng an ninh Bắc Việt.
Trong 3 tháng 5, 6, 7 năm 1964, tất cả những toán biệt kích: Boone, Buffalo, Lotus và Scopion nhảy dù cuống miền bắc đều bị bắt. Chưa kể số nhân viên khác được gửi ra ngoài Bắc để tăng cường cho hai toán biệt kích Remus và Tourbillon. Sau khi thanh toán xong các toán biệt kích do CIA để lại, SOG bắt đầu tuyển mộ nhân viên mới cho một chương trình huấn luyện dài 21 tuần. Tên gọi “Lôi Hổ” được đặt cho số nhân viên mới tuyển chọn để yểm trợ kế hoạch 34A tấn công bất ngờ vào ven biển Bắc Việt.
Đêm 16/2/1964, ba thủy thủ người Na Uy lái chiếc tàu Nasty – 1 loại tàu chạy rất nhanh, hỏa lực mạnh do Na Uy chế tạo – chở theo người nhái Việt Nam, dự tính phá hủy một chiếc cầu, nhưng bị lực lượng an ninh Bắc Việt phát giác, phải quay trở lại. Mấy đêm sau, một toán người nhái khác xâm nhập miền Bắc lại thất bại, mất đi 8 quân nhân thuộc lực lượng Người nhái của Quân đội Sài Gòn. Bước sang mùa mưa năm 1964, các tốc đỉnh Nasty và biệt kích biển dùng chiến thuật tấn công bất ngờ rồi rút nhanh phá hủy được 5 mục tiêu ngoài Bắc trong 2 ngày 9 & 25 tháng 7. Ngày 30/7, SOG sử dụng 5 chiếc tốc đỉnh Nasty tấn công những dàn ra đa gần Hải Phòng, gây nhiều tiếng nổ phụ.
Từ tháng 6/1964, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara đã ra lệnh thám thính lãnh thổ Lào, theo chương trình “Leaping Lena”. Từ ngày 24/6 đến ngày 1/7, SOG bắt đầu thả những toán biệt kích đầu tiên xuống lãnh thổ Lào. Việc 5 toán biệt kích Việt Nam nhảy dù xuống đất Lào để do thám các hoạt động của Quân đội Bắc Việt Nam theo chương trình “Leaping Lena” tới tai cố vấn của Tổng thống Mỹ là ông William Bundy, qua bản báo cáo “Tất cả các toán biệt kích đều bị lực lượng an ninh Bắc Việt phát hiện, chỉ còn 4 người sống sót chạy thoát trở về”.
Đầu năm 1965, phi công Jim Ryan của Air America (CIA) chụp được một số hình ảnh về những con đường mới làm từ đèo Mụ Giạ sang lãnh thổ Lào. Theo đó, hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh nối dài, vươn xa. Ngày 8/3/1965, SOG có một chỉ huy mới là Đại tá Donal Blackburn, một người có máu mặt trong lực lượng đặc biệt, sẽ trở thành nhà đạo diễn cho “cuộc chiến tranh ngoại lệ” ở Việt Nam và Đông Dương.
(Còn tiếp)
Theo tài liệu: SOG The Secret Wars of American’s Commandos in Vietnam, John L Plaster.
Theo: vnmilitaryhistory.net

Phần 2:

CHIẾN TRANH NGOẠI LỆ
Năm 1957, chính quyền Eisenhower tài trợ cho một chương trình bí mật, phối hợp giữa cơ quan Trung ương tình báo CIA và Bộ Quốc phòng Mỹ để thành lập một đơn vị biệt kích cho Quân đội Sài Gòn. Đơn vị này lấy tên là Liên đoàn quan sát số 1, với nhiệm vụ bí mật xâm nhập vào hàng ngũ quân đối phương ở khắp nông thôn miền Nam. Để giữ bí mật, Liên đoàn quan sát số 1 do Ban Nghiên cứu điều hành (thuộc ngành tình báo của Bộ Quốc phòng quản lý). Ban Nghiên cứu điều hành về sau đổi tên là Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, đặt dưới sự theo dõi trực tiếp của Tổng thống Ngô Đình Diệm, do trung tá đặc vụ Lê Quang Tung làm trưởng phòng.
Năm 1958, cơ quan CIA tại Sài Gòn thành lập Ban Ngoại vụ để làm việc với Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống. Trưởng Ban ngoại vụ là Russell Miller, núp dưới bóng một nhà ngoại giao. Russell lệnh cho trung tá Tung chọn 12 thành viên cho đơn vị mới. 12 sĩ quan trẻ cấp bậc từ thiếu úy đến trung úy được tuyển chọn, đặt dưới quyền chỉ huy của Đại úy Ngô Thế Linh, người đã từng phục vụ 5 năm ở Trung tâm huấn luyện Đà Nẵng. Tháng 11/1958, cả 12 sĩ quan trẻ đều được đưa sang Saipan. Họ được cơ quan CIA huấn luyện hai tháng về nghiệp vụ tình báo, tác chiến, phương thức phá hoại và chỉ huy đường dây tình báo. Cuối 1958, Đại úy Ngô Thế Linh trở về Sài Gòn và được chính thức bổ nhiệm làm trưởng phòng Bắc Việt (với mật danh là Phòng 45), trực thuộc Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, quân số chỉ có hơn chục người. Trong những tháng còn lại của năm 1958, Phòng 45 chuyên lo việc huấn luyện cho nhân viên mới.
Đến giữa năm 1959, một nhóm 5 sĩ quan khác được đưa sang Saipan huấn luyện một khóa ngắn 6 tuần. Sau đó ít lâu, CIA cử nhân viên đến Sài Gòn huấn luyện hai khóa trong năm, mỗi khóa huấn luyện kéo dài 12 tuần. Lần này, chương trình huấn luyện nhắm vào những sĩ quan trẻ sinh quán tại miền Bắc, có gốc là dân tộc thiểu số. Khóa huấn luyện kéo dài đến cuối năm 1959.
Phòng 45 lập kế hoạch 5 năm để xâm nhập vào vùng hậu phương mà đối phương kiểm soát rất chặt chẽ. CIA cũng thừa biết những trở ngại của Phòng 45. Trước đó, vào những năm 1951-1953 chính CIA đã sử dụng 212 điệp viên người Hoa xâm nhập vào Trung Quốc. Rốt cuộc một nửa số điệp viên bị tiêu diệt, nửa khác bị bắt. Trên đất Triều Tiên kết quả cũng tương tự. Lần này Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống giao trách nhiệm cho Trung úy Đỗ Văn Tiên (mật danh Francois) phái một điệp viên đơn tuyến xâm nhập miền Bắc. Francois tìm được một người thích hợp là Phạm Chuyên, nguyên là một Đảng viên biến chất, quê ở tỉnh Quảng Ninh. Chuyên bị vợ bỏ nên anh ta di cư vào Nam. Thoạt đầu Phạm Chuyên từ chối, mặc dù Trung tá Lê Quang Tung đã cho đàn em theo dõi, dụ dỗ suốt nửa năm trời. Trung úy Tiên (Francois) buộc phải cộng tác với 1 nhân viên CIA là Edward Reagan tìm cách thuyết phục Chuyên. Sau hơn 6 tháng CIA trổ tài, Phạm Chuyên nhận lời. Anh ta được đưa ra Nha Trang để làm kỳ trắc nghiệm tâm lý. Chuyên đạt được điểm xuất sắc trong kỳ trắc nghiệm. Sau đó Chuyên còn phải trải qua hai kỳ khảo nghiệm nữa, một ở Sài Gòn và một ở Nha Trang. Tiếp theo CIA huấn luyện cho Chuyên 6 tháng về kỹ năng truyền tin.
Trong lúc Chuyên được huấn luyện các kỹ năng thì Trung úy Tiên và Reagan bận rộn phác thảo kế hoạch đưa điệp viên xâm nhập miền Bắc. Theo kế hoạch, Chuyên sẽ nằm vùng dài hạn ở tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh ven biển Bắc Bộ, nơi Chuyên rất quen thuộc. CIA cho rằng việc phái Chuyên xâm nhập miền Bắc bằng đường biển là rất hợp lý. Với niềm hứng khởi ấy, hai chuyên viên tình báo bay ra Đà Nẵng tìm địa điểm xuất phát. Họ thuê một biệt thự kín đáo, có tường bao quanh làm mật cứ.
Tất cả mọi động thái cũng như đường đi, nước bước của họ từ đó về sau có mật hiệu là Pacific. Trước khi Chuyên được gửi đi, Phòng 45 quyết định triển khai kế hoạch ngắn hạn: thả điệp viên đến khu phi quân sự, dọc theo vĩ tuyến 17 để thăm dò. Nhân vật được tuyển chọn cho kế hoạch này là một người theo đạo Công giáo, quê ở Hà Tĩnh, tên là Vũ Công Hồng. Anh ta được huấn luyện cấp tốc và đưa ra sống ở Huế trong một căn nhà được bảo vệ rất nghiêm mật. Trong căn nhà đó còn có hai sĩ quan trẻ thuộc Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống là Phạm Văn Minh và Trần Bá Tuấn, cả hai đều được huấn luyện ở Saipan. Hai người có bí danh là Micheal và Brad. Họ làm việc với nhân viên CIA David Zogbaum. Cũng như Francois (Đỗ Văn Tiên) làm việc với Reagan ở Đà Nẵng. Vũ Công Hồng (mang mật danh là Hirondelle) đã sẵn sàng lên đường. Thiếu tá Trần Khắc Kính nhân vật thứ hai của Phòng Liên lạc Phủ Tổng Thống chỉ đạo mọi hoạt động xuất phát từ Huế, với mật danh là Atlantic.
Điệp viên Vũ Công Hồng đã sẵn sàng ra đi. Thiếu tá Trần Khắc Kính, đại diện cho Phòng Liên lạc Phủ Tổng thống, có mặt trong lúc thả Vũ Công Hồng qua sông Bến Hải. Sang đến bờ bắc, anh ta biến vào màn đêm. Vài tuần sau, Vũ Công Hồng trở về căn cứ an toàn. Mặc dù Hồng chỉ cung cấp một ít thông tin về đường đi, nước bước của hệ thống an ninh Bắc Việt, nhưng cũng đủ làm cho những nhân viên của Phòng 45 hứng khởi. Sau chuyến đi của Hồng hai tháng, Chuyên đã sẵn sàng lên đường, với hành trang là kiến thức của một năm được huấn luyện. Sứ mệnh của Chuyên khác với Hồng. Chuyên sẽ thu thập tin tức tình báo, tuyển mộ thêm điệp viên, chuẩn bị tinh thần lót ổ nằm vùng dài hạn. Theo kế hoạch tạo vỏ bọc ngụy trang, Chuyên sẽ đóng vai một người đánh cá ở một làng nhỏ ở Cẩm Phả, ngay gần vịnh Hạ Long. Đó cũng chính là quê hương của Chuyên trước năm 1958. Sự trở về của Chuyên có thể không an toàn, nhưng bù lại Chuyên còn có gia đình, người thân, hy vọng sẽ được che chở. Trước lúc lên đường thực thi phi vụ xâm nhập, Phạm Chuyên được mang mật danh Ares, một cái tên rất Mỹ.
NicolasCage:
Đầu tháng 4/1961, Chuyên lên tàu Nautilus 1, rời Đà Nẵng, theo hành trình hai ngày về phía bắc. Không may cho Chuyên do gặp phải thời tiết xấu, chiếc Nautilus 1 đành quay trở vể nơi xuất phát. Vài hôm sau thời tiết đẹp trở lại. Chuyên lại lên đường. Cả hai viên sĩ quan Tiên và Reagan đều ra bến tàu tiễn đưa Chuyên. Sau này Tiên nhớ lại là khi chia tay với Chuyên, anh ta đã chúc Chuyên may mắn nhưng Chuyên không nói nửa lời.
Thời tiết lúc đó chưa là mùa mưa. Trời trong, biển lặng, chiếc Nautilus 1 lặng lẽ xâm nhập vào vùng biển Quảng Ninh. Rời chiếc Nautilus, Chuyên một mình chèo chiếc thuyền nhỏ, rồi đổ bộ lên một địa điểm gần Cẩm Phả. Chuyên đem đồ đạc, trang bị lên bờ rồi giấu ngay hai máy truyền tin. Việc đầu tiên là anh ta phải tuyển mộ thêm một người để phụ giúp khi sử dụng máy truyền tin. Phòng 45 biết rõ điều đó, nên sẽ chờ tín hiệu của Chuyên trong vòng nhiều tuần, và biết đâu phải chờ trong vài tháng.
Tuy chưa bị phát giác, nhưng đã có người thấy Chuyên lẻn về làng cũ, đi thẳng vào căn nhà xưa của mình. Khi sum họp với gia đình, Chuyên cố thuyết phục người em trai là Phạm Độ. Với vẻ miễn cưỡng, Độ theo anh trai ra bờ biển, đào hai chiếc máy truyền tin lên, đem về nhà đào hố chôn ngay trong buồng. Đến đây chuyến xâm nhập đầu tiên của Chuyên cũng như SOG coi như thành công. Thế nhưng ngày 19/4, có vài ngư dân phát hiện ra chiếc thuyền nhỏ của Chuyên. Tiếp theo sau là những cuộc khám xét của lực lượng an ninh ngay tại làng chài nhỏ quê Chuyên. Sau khi xác định không ai là chủ nhân của chiếc thuyền thì cuộc khám xét được mở rộng ra cả bãi biển.
Rồi công an Quảng Ninh cũng phát hiện ra hố chôn giấu hai máy truyền tin. Nghi ngờ có gián điệp xâm nhập địa bàn, Trưởng Ty công an Quảng Ninh thảo ngay kế hoạch khám xét khu vực làng chài, đặc biệt đối với những nhà có người di cư vào Nam hoặc những gia đình từng có than nhân làm việc cho chính quyền thực dân Pháp. Do không nắm được thông tin, Chuyên vẫn trốn trong một cánh rừng gần đó. Anh ta đem theo một máy truyền tin, nhờ người em trai quay máy truyền tin để gửi đi bức mật điện đầu tiên. Nhằm tránh cho làn sóng bị giao thoa, Phạm Chuyên đánh tín hiệu từ bờ biển miền Bắc Việt Nam, vượt đại dương đến trạm Bugs, với mật mã do CIA đặt cho trạm viễn thông tại căn cứ quân sự ở cảng Subic, Philippin. Từ đó, bức mật điện sẽ được chuyển tiếp đến cơ quan CIA tại Sài Gòn. (nằm ở góc Đồng Khởi – Lý Tự Trọng đối diện công viên Chi Lăng ngày nay, khi đó người ta chỉ biết đó là trụ sở của hãng IBM; ct N.C.).

Nhận được bức mật điện, Robert Kennedy – một nhân viên CIA – tay huơ huơ bức mật điện bước vào Phòng 45, không giấu nổi nỗi mừng khôn xiết, anh ta nói lớn: “Thành công rồi!”. Một bản sao bức mật điện của Phạm Chuyên đã được trình lên Tổng thống Ngô Đình Diệm. Sau này, Chuyên còn gửi thêm 22 bản báo cáo nữa trong một thời gian rất ngắn.
Trong khi đó, tại Quảng Ninh, nhân viên phản gián Bắc Việt đã dò theo làn sóng điện, thu đầy đủ nội dung những bức mật điện do Phạm Chuyên đánh đi. Và một cụ già cũng báo cho công an biết rằng có một người lạ tìm cách giấu mặt đang sống trong một căn lều gần bãi biển. Cụ già còn cung cấp thêm: có người trong làng chài khoe một cây viết bic, vật ít thấy ở miền Bắc.
Với những thông tin thu thập được, công an theo dõi căn nhà của gia đình Phạm Chuyên. Ngày 11/6, công an Quảng Ninh bắt giữ Phạm Độ trong khi anh ta đem đồ tiếp tế vào rừng cho Phạm Chuyên. Sáu ngày sau, họ khám phá ra máy truyền tin thứ hai chôn giấu trong nhà cùng với bản mật mã. Từ đây số phận của Phạm Chuyên – Ares đã được định đoạt. Hà Nội có hai lựa chọn. Một là công bố vụ án điệp viên Phạm Chuyên, rồi đưa ra tòa như vụ án Đại Việt trước đây. Hai là khống chế, sử dụng Phạm Chuyên làm gián điệp hai mang, buộc Chuyên phải thường xuyên liên lạc với Sài Gòn. Thế rồi đúng 9h sáng ngày 8/8/1961, sau hai tháng mất liên lạc, Sài Gòn lại nhận được mật điện của Phạm Chuyên. Với sự hiện diện của sĩ quan an ninh Bắc Việt bên cạnh, Phạm Chuyên cắt nghĩa về sự im lặng của mình. Rằng mẹ và em gái anh ta không đủ tiền nộp thuế nông nghiệp, do đó anh ta phải tạm thời lánh mặt lên Hà Nội.
Đương nhiên Sài Gòn chẳng có cách gì hơn đành phải tạm tin vào những gì Chuyên báo cáo và chấp thuận gửi đồ tiếp tế theo lời yêu cầu của anh ta. Chiếc Nautilus 1 lại rời Đà Nẵng ngày 12/1/1962, mang theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên. Chiếc Nautilus 1 đến vịnh Hạ Long mà chẳng hề gặp bất cứ trở ngại nào. Sau đó chẳng hiểu sao tự nhiên Sài Gòn mất liên lạc bằng vô tuyến điện với Phạm Chuyên lẫn Nautilus một cách bí ẩn.
Phòng 45 bắt đầu lo lắng cho số phận chiếc Nautilus 1 cùng với thủy thủ đoàn, trong đó có cả sự nghi hoặc về điệp viên Ares (Phạm Chuyên). Có lẽ nào tàu Nautilus 1 bị tàu tuần tiễu của Bắc Việt tiêu diệt khi đến gần bờ biển Quảng Ninh? Sau nhiều ngày bặt tin về Nautilus 1 cùng điệp viên Phạm Chuyên, Phòng 45 cho đóng chiếc tàu khác, lấy tên là Nautilus 2. Khi chiếc tàu Nautilus 2 đã sẵn sàng cùng với thủy thủ đoàn, được tuyển mộ từ những người Bắc di cư và huấn luyện tại Đà Nẵng, lên đường.
Ngày 11/4/1962, chiếc Nautilus 2 rời cảng Đà Nẵng, hướng về vịnh Hạ Long. Hai ngày sau, Nautilus 2 đã đến ngoài khơi biển Quảng Ninh. Sáu người trong số 14 thuỷ thủ đoàn xuống thuyền cao su, chở theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên gồm 7 hòm sắt và 14 thùng carton được bọc kín bằng nilon. Sáu thủy thủ chèo thuyền đến một đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, chất hàng lên đảo rồi chặt cây che lại. Khi chiếc Nautilus 2 về đến Đà Nẵng an toàn, Phòng 45 mở tiệc ăn mừng sự thành công của chuyến tiếp tế đầu tiên cho điệp viên Ares. Ngày 2/5/1962 họ gửi tín hiệu chỉ điểm nơi giấu hang cho Phạm Chuyên. Ít lâu sau, Phạm Chuyên điện báo đã nhận được đồ tiếp tế, kể cả máy truyền tin cùng với máy chụp ảnh 35mm.
Cho dù thành công với điệp viên Phạm Chuyên (Ares), nhưng chuyện tiếp tế tiếp theo ra sao vẫn chưa ai biết được. Hồ sơ về những điệp viên đơn tuyến (singleton) không lấy gì làm sáng sủa cho lắm.
Trước đó, vào tháng 9/1961, điệp viên thứ 3 của Phòng 45 mang mật danh Hero đã xâm nhập bằng đường biển, về liên lạc với gia đình bị thất bại. Phòng 45 buộc phải hủy kế hoạch ngay tức khắc. Cũng trong tháng 9, điệp viên Hirondelle (Vũ Công Hồng) xâm nhập trở lại vùng Hà Tĩnh bằng đường biển. Nhưng anh ta ra đi mà không thấy không trở về.
Đại đội xung kích Hatchet Force đi giải cứu

Trong năm 1962, danh sách các điệp viên đơn tuyến bị mất tích ngày càng dài thêm. Một điệp viên mang mật danh Triton, xâm nhập vào Hà Tĩnh bằng tàu biển trong tháng 5 cũng biến mất không tìm ra manh mối. Cuối tháng 5/1962, một điệp viên khác, mang mật danh Athena xâm nhập vùng biển Hà Tĩnh. Điệp viên đó chính là Đặng Chí Bình, rất nổi tiếng trong số những Việt kiều ở nước ngoài qua bộ hồi ký “Thép Đen”. Bình bị bắt sau khi thi hành một phi vụ ở Hà Nội.
Từ năm 1963, việc gửi điệp viên nằm vùng dài hạn trong một xã hội kiểm soát quá chặt chẽ như ở Bắc Việt ngày càng trở nên rất khó khăn. Ngoại trừ Ares, bốn điệp viên khác xâm nhập bằng đường biển đều bị mất tích, và được xem như đã chết. Ngay cả chuyện bơi qua sông Bến Hải Hirondelle đã làm trước đây cũng trở nên cam go, mạo hiểm. Điệp viên mang mật danh Wolf xâm nhập vào vùng phi quân sự, bị mất tích vào tháng 2/1963.
Mùa hè 1963, Phòng 45 chuẩn bị tiếp tế lại cho điệp viên Phạm Chuyên. Họ hy vọng việc tiếp tế sẽ suôn sẻ như năm trước. Ngày 11/8/1963, tàu tiếp tế rời cảng Đà Nẵng. Hai hôm sau, tàu đến vịnh Hạ Long. Sáu người trên tàu xuống thuyền cao su bơi vào bờ. Thế nhưng họ cũng biến mất, không một ai quay trở lại. Số còn lại trên tàu hốt hoảng khi trông thấy chiếc tàu tuần tiễu của Bắc Việt xuất hiện nên họ dông một mạch về Đà Nẵng. Một lần nữa Phạm Chuyên (Ares) bị nghi ngờ.
CIA và Phòng 45 buộc phải vạch kế hoạch xâm nhập miền Bắc bằng đường không. Thiếu úy Lò Ngân Dung, một sĩ quan gốc người dân tộc Thái, ở vùng Lào Cai, có mật danh là Jacques, được phép tuyển mộ lính biệt kích từ Liên đoàn Quan sát số 1. Đơn vị này có phần lớn quân nhân quê gốc miền Bắc. Những quân nhân tình nguyện là người dân tộc Mường, Tày, Nùng đều đến từ những đơn vị binh chủng của Quân đội Sài Gòn.
Jacques lập toán đầu tiên gồm ba quân nhân người Mường và một quân nhân người Nùng. Bốn quân nhân trên được bí mật đưa về sống ẩn dật tại một mật cứ ở Sài Gòn. Họ được huấn luyện sử dụng máy truyền tin và đều đã tốt nghiệp các khóa nhảy dù, tác chiến trong rừng từ khi còn ở Liên đoàn Quan sát số 1.
Không như điệp viên Ares, phải đơn độc xâm nhập vào Bắc Việt, bốn biệt kích trên được huấn luyện sống biệt lập ở vùng rừng núi.
Sau ba tháng huấn luyện, toán biệt kích đầu tiên đã sẵn sàng. CIA quyết định tìm phương tiện hang không để thả toán biệt kích trên xuống đất Bắc. Phương thức này đòi hỏi công tác bảo đảm cao. Trước đây CIA đã sử dụng nhiều loại máy bay thả dù xuống lãnh thổ Trung Quốc. Hãng hàng không Air America của CIA được nhiều người biết đến qua những hoạt động xâm nhập vào đất Lào, nghĩa là đối phương đã biết, nên không thể sử dụng được. Chỉ có những phi công Nam Việt Nam của Không quân Quân đội Sài Gòn có đủ khả năng để bay. Tuy nhiên, phi hành đoàn này cũng phải được cải trang, để nếu bị bắt có thể chối phăng đi.
Với ý đồ trên, CIA lập ra hãng hàng không liên doanh Delaware Corporation với VNCH, lấy tên là “Hãng hàng không Việt Nam” (VIAT), với phương tiện duy nhất của họ chỉ có một chiếc máy bay vận tải C47 không số, không cả phù hiệu đơn vị. Còn phi công thì CIA tìm đến Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ, đương kim Chỉ huy trưởng căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Nguyễn Cao Kỳ cho tuyển chọn những phi công tình nguyện từ hai phi đoàn vận tải để thành lập phi đoàn mới do chính Kỳ chỉ huy, với mật danh Haylift. Những phi công trong phi đoàn mới này đòi hỏi phải có kinh nghiệm thực thi những phi vụ thả dù đêm, bay với cao độ thấp đến địa điểm thả dù.
Sau thời gian huấn luyện, phi hành đoàn chỉ còn lại 5 người do Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Riêng phi hành đoàn thứ 2, phi đoàn dự bị, do Trung úy Phan Thanh Vân chỉ huy. Toán biệt kích chuẩn bị thả được mang mật danh Castor, tên của một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, vốn là vị thần đã giúp đỡ Hercules. Thêm một sự trùng hợp nữa, Castor là tên cuộc hành quân trong năm 1953, khi Pháp cho quân nhảy dù xuống Điện Biên Phủ. Toán Castor được dự định sẽ phải hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét