Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Để vàng trong dân không “chết”

SGTT – LTS: Trong thông điệp đầu năm mới 2012, thống đốc Nguyễn Văn Bình nói sắp tới sẽ trình Chính phủ đề án cho phép ngân hàng Nhà nước (NHNN) huy động vàng trong dân thông qua các tổ chức tín dụng. Việc huy động vàng từng được các ngân thương mại thực hiện để cho vay hoặc chuyển đổi một phần thành tiền cung cấp cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do quan ngại rủi ro, nhất là khi giá vàng biến động mạnh, hoạt động này đã phải dần chấm dứt. Ước tính, có khoảng 300 – 500 tấn vàng đang được người dân cất giữ. Làm sao để hiện thực hoá ý muốn đưa nguồn lực này vào lưu thông nhằm phục vụ cho sự phát triển kinh tế? Một “đề án” như kế hoạch của NHNN nên có hình hài thế nào? Và liệu, chúng ta cần gì hơn một “đề án” như thế? Sài Gòn Tiếp Thị ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia kinh tế.

Tách hoạt động kinh doanh vàng ra khỏi đầu cơ

SGTT.VN – Làm thế nào để huy động số vàng lên tới 300 – 500 tấn trong dân để phục vụ phát triển kinh tế? Tôi cho rằng để lượng vàng này trở nên có hiệu quả thì điều quan trọng là phải tách hoạt động kinh doanh vàng vật chất ra khỏi hoạt động đầu cơ giá vàng.

Cần có các giải pháp khai thông lượng dự
trữ vàng trong dân để đầu tư vào nền kinh tế.
Ảnh: Lê Quang Nhật

Hiện tại phần lớn người dân Việt Nam mua vàng là để đầu cơ giá vàng. Tuy nhiên, do không được kinh doanh vàng tài khoản cũng như chưa có chứng chỉ vàng nên việc đầu cơ giá vàng của người dân buộc phải thực hiện thông qua việc trao đổi lượng vàng vật chất tương ứng với các cửa hàng trung gian.

Quá trình trao đổi vàng vật chất qua lại này không những làm tăng chi phí giao dịch cho những người đầu cơ, mà còn khiến cho hoạt động đầu cơ vàng gắn với dòng dịch chuyển ngoại tệ khi có dòng vàng vật chất chuyển dịch vào và ra khỏi biên giới Việt Nam.

Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ giá vàng khỏi dòng chảy của vàng vật chất, thì NHNN nên nhanh chóng phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia. Chứng chỉ vàng cần được đảm bảo 100% bằng vàng vật chất trong các kho vàng quốc gia. Mỗi chứng chỉ vàng sẽ có một mã số tương ứng với một mã số của lượng vàng thật trong kho. Mỗi khi NHNN nhập một lượng vàng vào kho thì đồng thời nó sẽ phát hành một chứng chỉ vàng tương ứng. Và ngược lại, mỗi khi NHNN xuất một lượng vàng vật chất khỏi kho thì sẽ thu lại một chứng chỉ tương ứng. Cần có một đạo luật để đảm bảo rằng NHNN sẽ phát hành số lượng chứng chỉ vàng chính xác bằng số vàng thực sự có trong kho.

Các đơn vị chế tác và kinh doanh vàng trang sức hay sử dụng vàng vào mục đích công nghiệp, bất cứ khi nào cần có thể mang chứng chỉ vàng ra các kho vàng quốc gia để đổi lấy vàng vật chất. Tương tự, lượng vàng vật chất có được từ khai thác mỏ hoặc tái chế lại từ vàng trang sức hoặc chất thải công nghiệp, có thể được các cơ sở này bán lại cho các kho vàng quốc gia để đổi lấy các chứng chỉ vàng tương ứng. Hoạt động xuất – nhập khẩu vàng thỏi do các tổ chức tài chính được NHNN cấp phép hoạt động cũng tuân theo quy trình này. Vàng thỏi xuất khẩu sẽ tương ứng với việc huỷ số lượng chứng chỉ tương ứng và vàng thỏi nhập khẩu sẽ tương ứng với việc phát hành lượng chứng chỉ vàng tương ứng.

Để loại bỏ ảnh hưởng của hoạt động đầu cơ giá vàng khỏi dòng chảy của vàng vật chất, thì NHNN nên phát hành chứng chỉ vàng cũng như hình thành sàn vàng quốc gia.

Các tổ chức tín dụng có thể huy động vàng của người dân dưới dạng chứng chỉ vàng. Bởi chứng chỉ vàng tương ứng với lượng vàng vật chất có thật trong các kho vàng quốc gia nên các ngân hàng có thể sử dụng chúng để thế chấp vay ngoại tệ hoặc nội tệ từ các tổ chức tín dụng khác ở trong và ngoài nước. Bản thân NHNN cũng có thể dùng một phần lượng vàng có trong các kho để thế chấp vay ngoại tệ nước ngoài khi cần.

Rõ ràng, với việc phát hành chứng chỉ vàng như trên thì hoạt động xuất nhập khẩu vàng sẽ đơn thuần gắn với nhu cầu vàng vật chất như chế tác vàng trang sức hoặc làm nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất công nghiệp. Các trao đổi vàng mang tính đầu cơ giữa những người dân với nhau về cơ bản sẽ được tách khỏi quá trình trao đổi vàng vật chất. Sàn vàng quốc gia góp phần làm giảm tải khối lượng hoạt động đầu cơ thông qua chứng chỉ vàng.

Ngoài nhu cầu nhập vàng vật chất để phục vụ mục đích chế tác và công nghiệp, đất nước hầu như không phải nhập khẩu vàng vì mục đích đầu cơ. Có lẽ Việt Nam chỉ phải nhập thêm vàng vật chất phục vụ mục đích đầu cơ chỉ khi khối lượng trao đổi tại một thời điểm vượt quá lượng vàng tiết kiệm thực sự tại Việt Nam. Với một khối lượng vàng trong dân lên tới 300 – 500 tấn thì điều này rất hiếm khi xảy ra. Nói cách khác, các hoạt động đầu cơ vàng trong nước về cơ bản sẽ không ảnh hưởng đến tỷ giá.

Đinh Tuấn Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét