Pages

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

GS. Nguyễn Minh Thuyết nói về “trí thức trùm chăn”


“Trí thức không nhất thiết phải là người đưa ra phản biện xã hội. Tuy nhiên, họ là những người hiểu biết, nhạy cảm thì việc đưa ra phản biện là điều cần thiết và cần được khuyến khích. Có điều, xã hội ta chưa cởi mở về tư tưởng. Xã hội đó là dở chứ không phải là hay. Phản biện đâu phải chỉ có chê? Nếu chỉ thích nghe khen thì không ổn” - GS Nguyễn Minh Thuyết.
Trong cuộc trả lời báo chí mới đây, GS Ngô Bảo Châu đưa ra quan điểm riêng về trí thức. Ông cho rằng, “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”.
Đã có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến quan điểm này. Chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng GS. Nguyễn Minh Thuyết nhằm cung cấp thêm cho độc giả một góc nhìn nữa về trí thức.

GS Nguyễn Minh Thuyết
GS Nguyễn Minh Thuyết
Phản biện xã hội không phải tiêu chí của riêng trí thức!
“Trí thức không nhất thiết phải là người đưa ra phản biện xã hội. Tuy nhiên, họ là những người hiểu biết, nhạy cảm thì việc đưa ra phản biện là điều cần thiết và cần được khuyến khích. Có điều, xã hội ta chưa cởi mở về tư tưởng. Xã hội đó là dở chứ không phải là hay. Phản biện đâu phải chỉ có chê? Nếu chỉ thích nghe khen thì không ổn”, GS Nguyễn Minh Thuyết.
Thưa ông, trong cuộc trả lời báo chí mới đây, GS Ngô Bảo Châu cho rằng không thể “coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức””, và “giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội”. Quan điểm của ông thế nào về điều này?
Trước hết, tôi cho rằng, chúng ta cần tôn trọng tự do ngôn luận của mỗi người. Thứ nữa, ý kiến bàn về trí thức hiện nay chỉ thể hiện những quan điểm cá nhân, thường xuất phát từ hoạt động, kinh nghiệm thực tế, thậm chí kỳ vọng của mỗi người; trong khi định nghĩa về trí thức rất khó vì trí thức là một tập hợp mở, chứ không phải là một giai cấp như nông dân, công nhân.
Tôi đồng tình với GS Châu rằng “trí thức là những người hoạt động trí óc”, nhưng nói thế cô đọng quá. Tôi hiểu trí thức là những người lao động trí óc chuyên nghiệp mà sản phẩm của họ mang tính sáng tạo cao. Trí thức là người có nhận thức sâu sắc, có tư duy độc lập, sáng tạo nên thường rất nhạy cảm trước các vấn đề. Hiếm có trường hợp nào mà trong lúc xã hội, nhân dân đòi hỏi có sự phản biện, xây dựng mà trí thức không nhận ra. Trí thức càng lớn thì càng quan tâm đến các vấn đề của xã hội, càng đưa ra những ý kiến sâu sắc, xác đáng, có tác dụng thức tỉnh xã hội.
Nói như ông thì trí thức nào cũng quan tâm đến vấn đề của xã hội?
Không hẳn thế. Vẫn có một bộ phận trí thức chỉ chú tâm vào công việc chuyên môn của mình mà ít quan tâm đến các vấn đề của đời sống, ít đưa ra những ý kiến phản biện xã hội. Đó là một thực tế. Nhưng không thể vì thế mà nói rằng họ không còn là trí thức nữa, nhất là khi những nghiên cứu của họ có ích cho xã hội.
Theo ông, phản biện xã hội có phải là một tiêu chí của trí thức?
Tôi cho rằng phản biện xã hội là một phẩm chất của những người có hiểu biết, có trách nhiệm với xã hội, chứ không nhất thiết là của trí thức. Như tôi đã nói, phần lớn trí thức với sự nhạy cảm của mình thường nhận ra những vấn đề bức xúc trong xã hội. Tuy nhiên, không phải trí thức nào cũng dám nói. Và việc nói lên ý kiến phản biện không phải chỉ có ở trí thức.
Tôi nhớ có một nông dân nói trên báo chí về vấn đề thu nhập bình quân hiện nay. Ông lấy ví dụ: nói bình quân 2 người ăn một con vịt nhưng có khi một người ăn cả con, còn người kia chẳng được miếng nào. Như thế, rõ ràng cách tính thu nhập bình quân nhiều khi không phản ánh đúng thực tế. Phản biện như vậy là sắc sảo, đâu chỉ có trí thức mới nói được?
Nhưng người dân thường kỳ vọng vào giới trí thức. Và giới trí thức là những người được đào tạo, có trình độ hiểu biết, cần xác định trách nhiệm xã hội của mình. Các cụ có câu “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách.” Người dân thường còn thấy trách nhiệm của mình với đất nước thì những người được ăn học đến nơi đến chốn, đi nhiều hiểu rộng lẽ nào lại có thể thờ ơ với những gì đang diễn ra quanh mình, quan hệ tới đời sống dân mình, tương lai con cháu mình, vận mạng dân tộc mình?
Thời nào cũng có “trí thức trùm chăn”
Thế nhưng thực tế như ông vừa nói vẫn có bộ phận trí thức không lên tiếng phản biện. Theo ông thì vì sao?
Đó là những trí thức trùm chăn. Đến phản biện khoa học những trí thức này cũng còn dè dặt, nói gì phản biện xã hội! Không dám phản biện thường là do ngại đụng chạm, sợ ảnh hưởng tới quyền lợi của mình. Đó là hiện tượng thường thấy ở những nơi chưa cởi mở về tư tưởng. Nhưng nguyên nhân sâu xa là những trí thức trùm chăn không ý thức được trách nhiệm của mình với xã hội.
Đối tượng này có nhiều không, thưa ông?
Không riêng gì trí thức mà trong xã hội luôn có những bộ phận trùm chăn. Thời nào cũng có chứ không phải chỉ bây giờ. Con số này bao giờ cũng chiếm số đông. Như thời Pháp thuộc cũng có nhiều trí thức đi theo cách mạng, nhưng cũng rất nhiều trí thức đứng bên ngoài. Không phải tất cả những trí thức này không nhận ra lẽ phải. Nhưng họ không dám dấn thân, không đủ bản lĩnh nói lên tiếng nói phản biện hoặc hành động.
Trí thức không dám dấn thân, không đủ bản lĩnh để phản biện? Theo ông thì nguyên nhân là do đâu? Có thể do năng lực, nhất là đối với các trường hợp chạy bằng, chạy chức. Việc xã hội đặt kỳ vọng vào giới trí thức phải chăng là một gánh nặng?
Đúng thế. Là trí thức, nhất là khi đã có tên tuổi thì trách nhiệm với ngành, với xã hội rất lớn, rất nặng nề. Nhưng chính sức ép của dư luận, của xã hội cũng tạo thành động lực để người trí thức vươn lên, hoàn thành trách nhiệm của mình.
Phải đổi mới ở khâu thực thi
Ông nhìn nhận thế nào về những ý kiến phản biện của giới trí thức trong thời gian qua?
Thời gian qua, trước nhiều dự án, nhiều vấn đề xã hội, giới trí thức đã có những ý kiến phản biện rất sâu sắc, kiên quyết, kịp thời. Những ý kiến đó có tác động tích cực đối với nhân dân và với các cấp lãnh đạo, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, như tôi nói lúc nãy, chúng ta chưa cởi mở về tư tưởng nên chưa thật sự tạo điều kiện để trí thức tham gia phản biện.
Theo ông, để giới trí thức ngày càng thể hiện vai trò phản biện, cần phải làm gì?
Tôi cho rằng mặc dù chính sách cần tiếp tục được hoàn thiện nhưng cần phải đổi mới ở khâu thực thi chứ không phải ở chính sách. Thực tế, ở nước ta, khoảng cách từ văn bản nghị quyết, pháp luật đến thực thi thường rất xa. Ví dụ, Hiến pháp xác định nhiều quyền tự do của người dân nhưng thực thi như thế nào? Hay nói một chuyện đơn giản, pháp luật về giao thông quy định rất đầy đủ, nhưng nếu nạn tham nhũng, mãi lộ không chấm dứt thì làm sao thi hành pháp luật được?
Vâng, xin cảm ơn ông!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét