Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Không thể mãi dựa dẫm vào quá khứ

Trần Kinh Nghị
 
 
“…phải chăng đang có một sự hẩng hụt trong cách tư duy và phong cách làm việc của giới lãnh đạo đất nước trong quá trình chuyển tiếp từ quá khứ chiến tranh sang xây dựng hòa bình? Chẳng lẽ các vị lãnh đạo ngày nay không đủ tài giỏi và không xứng đáng làm “tấm gương” hay sao mà cứ phải nhờ cậy mãi vào Cụ Hồ ? Hay vì họ mãi lo việc nhà hơn lo việc nước?”
Đất nước ta đã ra khỏi chiến tranh ngót 1/2 thế kỷ rồi mà sao đến giờ vẫn phải viện dẫn toàn những “tấm gương” của quá khứ chiến tranh để áp dụng cho công cuộc xây dựng thời bình? Chẳng hạn khi nói về đạo đức cán bộ công chức người ta thường kêu gọi học tập “tấm gương Bác Hồ”; khi nói về sự khôn khéo trong ngoại giao cũng phải nói đến “tài ngoại giao của Bác”. Bất cứ một lĩnh vực gì dường như đều chỉ tìm thấy niềm tự hào từ trong quá khứ lịch sử, còn hiện tại thì đẫy rẫy khó khăn, phức tạp… Đây có lẽ là niềm day dứt đối với đa số người Việt Nam ngày nay.
Vẫn biết không ai có quyền quên quá khứ . Nhưng nếu cứ cố tình bám vếu và sống mòn vào quá khứ, hoặc khi cần thì đỗ lỗi cho quá khứ để dũ bỏ trách nhiệm của hiện tại, là một câu chuyện hòan toàn khác. Chỉ có những đứa con kém cõi mới chịu sống mòn bằng cách gậm nhấm những di sản của ông cha. Tuy nhiên, mọi giá trị đều có giới hạn thời gian của nó; người ta không thể chỉ mặc một bộ quần áo và ăn cùng một món ăn trong cả cuộc đời. Nếu như trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp khi Cụ Hồ hô hào tiết kiệm, toàn dân hưởng ứng làm theo và đưa lại những kết quả cực kỳ lớn lao , nhưng bây giờ lãnh đạo hô hào mãi có ai làm theo đâu? thậm chí còn làm ngược lại. Trong điều kiện kháng chiến ác liệt khẩu hiệu diệt “giặc dốt”, “giặc đói” của Cụ Hồ đã đưa lại những hiệu quả rất thiết thực, nhưng thời nay dù nắm trong tay mọi nguồn lực, ngành giáo dục vẫn ì ạch và chìm sâu trong khủng hoảng, bế tắc; tình trạng chênh lệch giàu-nghèo ngày càng nghiêm trọng hơn . Nếu trước đây bản thân cụ Hồ và các vị lãnh đạo cấp cao thường đích thân tham gia và thể hiện quan điểm một cách đàng hoàng, minh bạch về mọi vấn đề liên quan đến chủ quyền quốc gia khiến đối phương kính nể, dân chúng yên lòng, thì ngày nay chỉ thấy “Người phát ngôn ngoại giao” lên TV đọc những “tuyên bố” cứng nhắc. Đó là chưa kể rất nhiều những vụ việc tai tiếng do bộ máy công quyền yếu kém gây ra khiến nhân dân ngày càng bức xúc.Có người ví chúng như những quả bom nỗ chậm đang được cài đặt cũng không có gì là sai.
Câu hỏi đặt ra là, phải chăng đang có một sự hẩng hụt trong cách tư duy và phong cách làm việc của giới lãnh đạo đất nước trong quá trình chuyển tiếp từ quá khứ chiến tranh sang xây dựng hòa bình? Chẳng lẽ các vị lãnh đạo ngày nay không đủ tài giỏi và không xứng đáng làm “tấm gương” hay sao mà cứ phải nhờ cậy mãi vào Cụ Hồ ? Hay vì họ mãi lo việc nhà hơn lo việc nước? Có thể do tất cả những điều này cộng lại./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét