Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

MỸ: Tổng Thống Obama hướng tới năm 2012 và Châu Á – Thái Bình Dương

TTXVN
(Tài liệu tham khảo đặc biệt)

(Dinesh Sharma – Tạp chí Asia Times) – Tổng thống Mỹ Barack Obama là vị nguyên thủ quốc gia đa văn hóa đầu tiên của một nền dân chủ phương Tây; sinh ra và lớn lên ở Hawaii và được giáo dục ở Inđônêxia, ông cũng là tổng thống “Thái Bình Dương” đầu tiên. Trong những lần tham dự hội nghị từ Diễn đàn kinh tế châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á ở Bali vào tháng 11/2011, ông đã nhấn mạnh những nhu cầu của Mỹ cần tiếp tục can dự với khu vực châu Á-Thái Bình Dương để tiếp tục là một cường quốc có thể đứng vững trong thế kỷ 21.

Phả hệ toàn cầu, tiểu sử và tư cách chính trị của vị tổng thống người Mỹ gốc Phi đầu tiên, người có cha đến từ Kênia và mẹ từ Kansas, đã truyền cảm hứng cho nhiều người hâm mộ. Tuy nhiên họ dường như chán nản và có phần thất vọng với những viễn cảnh tương lai của ông. Họ đều đã yêu cầu được biết điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2012.

Liệu ông đã làm đủ để giữ những cử tri tiến bộ, trẻ tuổi và độc lập trung thành với đảng của ông? Phải chăng phong cách lãnh đạo “điềm tĩnh” và thỏa hiệp của ông sẽ chỉ gây được thiện cảm cho một nhóm các cử tri đang thu hẹp lại? Phải chăng ông cần phải hiếu chiến hay “gây xúc động” nhiều hơn với phe đối lập để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới? Đây là một số trong những câu hỏi tôi đã gặp nhiều lần trong khi giảng bài ở các thủ dô của châu Âu.
Vì Obama là “tổng thống toàn cầu đầu tiên” của Mỹ, ông vẫn được lòng dân từ bên ngoài nhiều hơn trong nước, tất nhiên là so với George w. Bush và có thể thậm chí cả Bill Clinton. Dựa trên các dữ liệu thăm dò dư luận phi đảng phái mới nhất, niềm an ủi duy nhất của ông dường như là phe Cộng hòa đối lập vẫn hay thay đổi và không chắc chắn về ứng cử viên của mình. Trong khi Mitt Romney vẫn là ứng cử viên khả dĩ nhất để cạnh tranh với Obama vào tháng 11/2012 (cả hai đảng đều nhau về các con số), những người Cộng hòa dường như “nhanh chóng hẹn hò” mọi ứng viên khác trong cuộc bầu cử lựa chọn ứng cử viên của đảng trong khoảng một tháng và rồi “gạt bỏ” họ.
Cuộc bầu cử bước ngoặt của ông Obama năm 2008, đã được đem tới nhờ một liên minh hùng mạnh các cử tri sắc tộc để giành được sự ủng hộ của 54% quần chúng cử tri và trùng với ngày kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Abraham Lincoln, không chỉ đã nâng cao vị thế của Mỹ, mà còn nâng cao tinh thần của thế giới. Với mọi công dân trên hành tinh này mà nền dân chủ và sức mạnh Mỹ tác động đến, việc ông tái đắc cử có thể có những tác động sâu rộng.
Bước sang thế kỷ 21, những câu hỏi mở vang lên về việc Mỹ sẽ điều chỉnh như thế nào cho thích hợp với một thế giới đa cực đang nổi lên, nơi Mỹ có thể không còn là viên cảnh sát duy nhất, và vai trò của châu Á với Trung Quốc là nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Cũng có những lo ngại về việc Mỹ sẽ phản ứng thế nào khi Nền hòa bình kiểu Mỹ, trật tự địa chính trị đã giữ cho sự chi phối của các cường quốc châu Ầu và Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong 50 năm qua, giảm bớt.
Chính trong những khuôn khổ toàn cầu này mà cuộc bầu cử bước ngoặt của ông Obama năm 2008 và khả năng tái đắc cử tiềm tàng trong năm 2012 đem lại một dấu hiệu hàng đầu về những thay đổi sâu rộng đang diễn ra về mặt địa chính trị. Tuổi thơ và thời thanh niên được giáo dục ở Thái Bình Dương, đi tham quan khắp thế giới, và tuổi trưởng thành sau sự sụp đổ của Bức tường Béclin của Obama kết hợp với thời đại thay đổi và bằng nhiều cách thức đã chuẩn bị cho ông để giúp đưa nước Mỹ chuyển tiếp tới kỷ nguyên toàn cầu.
Trọng tâm kinh tế đã chuyển sang phương Đông, trong khi sự trì trệ về kinh tế vẫn chưa biết đến kết thúc ở các thủ đô châu Âu. Cũng chính trong sự xoay tròn toàn cầu mang tính “bước ngoặt của thế kỷ” này mà vai trò đang nổi lên của Ấn Độ với tư cách là một cường quốc châu Á hàng đầu và là nền dân chủ đông dân nhất thế giới trở thành trung tâm của sự chú ý. Khi Ấn Độ lại đi theo quá trình phương Tây hóa thông qua tự do hóa và những cải cách thị trường bắt đầu vào năm 1991, phương Tây lại đang tái khám phá phương Đông thông qua hàng hóa Trung Quốc, gia công cho nước ngoài, yôga, thuyết ăn chay, cà ri và trà sữa.
Khi phương Đông trở nên thiên về vật chất hơn, phương Tây lại đang trở nên thiên về tinh thần hơn. Bản balát thời Victoria của Rudyard Kipling dường như có tiếng vang vọng mới:
Ồ, phương Đông là phương Đông, và phương Tây là phương Tây, và cặp đôi này sẽ không bao giờ gặp nhau,
Cho đến khi Đất và Trời hiện đứng trước tòa án vĩ đại của Chúa;
Nhưng không có cả phương Đông lẫn phương Tây, không Ranh giới, không Dòng dõi, không Sự ra đời,
Khi hai người hùng đổi mặt với nhau, dù họ đến từ hai cực của trái đất!
Như Joseph Nye của trường Havard đã nói gần đây: “sự trở lại của châu Á là trung tâm của các vấn đề thế giới là sự thay đổi quyền lực lớn của thế kỷ 21… Tới năm 2050, châu Á sẽ trên con đường trở về nơi họ đã từng ở 300 năm trước”.
Sự chuyển hướng chiến lược về phía Ấn Độ của Mỹ, tổ chức buổi chiêu đãi cấp nhà nước đầu tiên, chuyến thăm gần đây của Tổng thống Mỹ tới Ấn Độ, và quan hệ gần gũi của Obama với Thủ tướng Manmohan Singh báo hiệu sự nổi lên của Ấn Độ như là một cường quốc chủ yếu. Obama đã nói như vậy trong bài diễn văn tại quốc hội Ấn Độ vào tháng 11/2010 khi ông tuyên bố: “Và tôi lo rằng tôi có thể đã không được đứng trước các bạn hôm nay, với tư cách là Tổng thống Mỹ, nếu không phải vì Gandhi và bức thông điệp mà ông đã chia sẻ với Mỹ và thế giới”.
Tăng trưởng tương đối của Ấn Độ đang bắt kịp với Trung Quốc, và như Mỹ, Ấn Độ là một nền dân chủ thịnh vượng. Những yếu tố này đem lại một cơ sở hợp lý cho một liên minh với Ấn Độ như là một đối trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Quốc. Trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của Obama, Aroon Purie, biên tập viên kỳ cựu của tờ “Ấn Độ ngày nay” đã nói với Obama: “Tôi hy vọng ông giành được nhiều sự khen ngợi cho chuyến đi này hơn những gì ông nhận được cho tất cả những công việc tốt đẹp ông đã hoàn thành ở Mỹ”. Obama trả lời rằng: “Anh biết đấy, anh không bao giờ có thể làm một nhà tiên tri tại chính quê hương mình”.
Như Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố gần đây, chính sách ngoại giao của Mỹ đang chuyển sang ảnh hưởng đang lên của châu Á trên thế giới. Điều này nhiều khả năng sẽ trở thành một chủ đề tranh cử: Mỹ phải đổi mới để sánh kịp với sự tăng trưởng ở Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác. Các nhà cải cách tại một hội nghị công nghệ gần đây ở Mỹ đã lập luận rằng điều tốt nhất Mỹ lựa chọn là lịch sử nhập cư và tinh thần kinh doanh.
Thêm vào lợi thế đó, chủ nghĩa đa văn hóa dường như gặp vật cản ở châu Âu, như Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Anh David Cameron đã nói gần đây. Nó có vẻ như đang phát triển mạnh ở Thung lũng Silicon, trung tâm công nghệ lớn ở Mỹ, nơi được đại diện mạnh mẽ bởi những người nhập cư châu Á bao gồm nhiều người Mỹ gốc Ấn Độ. Một vài người Mỹ gốc Ấn Độ nổi bật đang gây quỹ cho Qbama: Azita Raji, Shefali Radzan Duggal, Deven Parekh và Kavita Tankha. Một số lượng người Mỹ gốc Ấn Độ kỷ lục cũng đã chạy đua vào chức vụ chính trị trong năm 2010 với một số chiến thắng then chốt.
Vinod Khosla, một nhà đầu tư năng lượng và là đồng sáng lập của công ty Sun Microsystems gần đây đã nói, ông tin tưởng vào “học thuyết thiên nga đen về đổi mới”, nơi những sự kiện hiếm có không tưởng có thể làm thay đổi thương trường như sự phát triển của Internet và các công cụ tìm kiếm như Google. Trong khi Obama đã lên nắm quyền như một vị tổng thống Internet vì việc tổ chức cơ sở và gây quỹ ông thực hiện trực tuyến, rất khó để dự đoán điều gì sẽ xảy ra trong cuộc bầu cử tới.
Tuy nhiên, chắc chắn Obama là một nhân vật bước ngoặt nhờ vào phả hệ đa dạng, tiểu sử và lịch sử gia đình mà ông đã đem tới Nhà Trắng. Ông đã tìm cách giải phóng một số công cụ và công nghệ tiến bộ then chốt để phục hồi giấc mơ Mỹ, nhưng cuối cùng việc ông Obama tái đắc cử có thể phụ thuộc vào những chỉ số kinh tế then chốt tiến tới cuộc tổng tuyển cử: thất nghiệp (8,6% và đang giảm xuống), niềm tin của người tiêu dùng (56% và đang tăng lên), sự thiếu chắc chắn của thị trường (tuy anh đang xác định rõ nó), và khả năng lựa chọn một ứng cử viên thích hợp của Đảng Cộng hòa (dường như dễ thay đổi).
Hy vọng là vĩnh cửu, nhưng thay đổi là dần dần. Có khả năng Obama sẽ nổi lên như là người thực dụng thận trọng và một người theo chủ nghĩa dân túy trong vòng bầu cử này, thay vì là một người nhìn xa trông rộng duy tâm, người đã từng phát biểu về việc biến đổi thế giới.
***
(Stephen M. Walt - Tạp chí Foreign Policy)
Nếu bạn đang chú ý – và có thể cho dù bạn chưa chú ý – bạn sẽ nhận ra rằng sự tập trung chiến lược của Mỹ đang chuyển sang châu Á. Mỹ đã dời phần lớn các cuộc triển khai hải quân sang châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta đã tuyên bố rằng những sự cắt giảm chi phí quốc phòng trong tương lai sẽ không rơi vào châu Á, và mới đây Chính quyền Obama đã thông báo rằng họ sẽ đưa 2.500 lính thủy đánh bộ đến một căn cứ mới ở Ôxtrâylia. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tới thăm Mianma, một động thái rõ ràng nhằm khuyến khích chế độ quân sự ợ đó tiếp tục các nỗ lực cải cách gần đây của họ và cố gắng làm cho chính quyền này thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Xu hướng này phản ánh một số diễn biến: 1) việc công nhận rằng châu Âu không phải đối mặt với những mối đe dọa an ninh đáng kể nào và do đó không cần sự bảo vệ của Mỹ, 2) những thất bại ở Irắc và Ápganixtan điều đã dần thuyết phục ngay cả những người theo chủ nghĩa đế quốc tự do ngoan cố nhất và một số người tân bảo thủ rằng việc dùng hàng nghìn quân Mỹ để thực hiện “xây dựng quốc gia” ở Trung Đông hay Trung Á là điều vô ích; 3) tầm quan trọng kinh tế đang lên của châu Á, và 4) nhận thức phổ biến – cả ở Oasinhtơn và trong khu vực – rằng sức mạnh của Trung Quốc đang gia tăng và cần phải được chặn lại bởi Mỹ (và các nước khác).
Nhưng tại sao? Thậm chí ngay cả các nhà bình luận sắc sảo cũng bối rỗi bởi câu hỏi tại sao Mỹ nên quan tâm đến an ninh châu Á. Viết trên trang blog của mình trên mạng “Daily Beast”, Andrew Sullivan đặt câu hỏi: “Chúng ta đang làm gì khi bổ sung thêm một căn cứ quân sự ở Ôxtrâylia để chọc giận Trung Quốc? Tại sao Trung Quốc không nên có một phạm vi ảnh hưởng ở Thái Bình Dương?… Tôi không thấy việc đặt một căn cứ ở Ôxtrâylia bằng cách này hay cách khác có thể bao vệ được nội địa Mỹ. Nó không làm được điều gì. Điều đó chỉ thể hiện sức mạnh toàn cầu”.
Trên thực tế, có một sự bào chữa theo chủ nghĩa hiện thực nghe có vẻ hoàn hảo cho sự thay đổi chiến lược này, và biểu hiện rõ ràng nhất có thể được tìm thấy trong cuốn “Ngoại giao Mỹ” của George F. Kennan. Kennan lập luận rằng có một vài trung tâm sức mạnh công nghiệp chủ chốt trên thế giới – Tây Âu, Nhật Bản, Liên Xô và Mỹ – và mục tiêu chiến lược chính của Mỹ là ngăn Liên Xô nắm lấy bất kỳ nơi nào trong số các trung tâm sức mạnh mà nằm ngoài tầm kiểm soát của họ. Đó là ý nghĩa thực sự của chinh sách ngăn chặn, dù cho nó đã bị bóp méo và áp dụng sai bởi những người nghĩ rằng những khu vực như Đông Dương là then chốt.
Rộng hơn, lôgích này phản ánh quan điểm theo chủ nghĩa hiện thực rằng việc giữ cho khu vực Âu-Á bị chia rẽ giữa nhiều cường quốc khác nhau, và giúp ngăn ngăn chặn bất kỳ một cường quôc duy nhất nào thành lập quyền bá chủ khu vực tương tự kiểu Mỹ đã có nhiều năm ở Tây bán cầu là có lợi cho Mỹ. Đó là lý do tại sao Mỹ cuối cùng đã lao vào Thế chiến thứ nhất (để ngăn chặn một chiến thắng cúa Đức), và đó là lý do tại sao Roosevelt đã bắt đầu chuẩn bị đất nước cho chiến tranh vào cuối những năm 1930 và lao vào đầy hăng hái sau sự kiện Trân Châu cảng. Trong mỗi trường hợp, các nước mạnh đe dọa sẽ tạo lập quyền bá chủ khu vực ơ một khu vực then chốt, và vì vậy Mỹ đã tham gia cùng các nước khác để ngăn chặn điều này.
Vấn đề không phải là tinh thần hay đạo đức: đó là chính trị hiện thực rõ ràng, Chừng nào Mỹ còn là cường quốc duy nhất ở Tây bán cầu, họ sẽ an toàn hơn nhiều và không phải lo lắng quá nhiều về phòng vệ lãnh thổ. Nếu bạn không nghĩ điều này là quan trọng, hãy hỏi Ba Lan hay bất kì quốc gia nào khác mà có nhiều người hàng xóm hùng mạnh và thường xuyên phải chịu các cuộc xâm lược. Và chừng nào lục địa Âu-Á bị chia rẽ giữa nhiều cường quốc cạnh tranh lẫn nhau, các nước này một cách tự nhiên có xu hướng phần lớn lo lắng về nhau chứ không phải về Mỹ (trừ khi Mỹ làm những điều ngu ngốc, như xâm lược Irắc). Thay vào đó, nhiều nước Âu-Á mong muốn Mỹ bảo vệ chống lại các mối đe dọa địa phương, điều lí giải tại sao Mỹ đã có thể lãnh đạo những liên minh thành công và lâu bền ở châu Âu và châu Á. Trên thực tế, chính sự kết hợp của nền an ninh to lớn ở trong nước và các đồng minh phục tùng ở nước ngoài đã cho phép Mỹ có thể can thiệp vào rất nhiều ngõ ngách của thế giới, đôi khi vì mục đích tốt nhưng thường là không.
Giờ hãy cân nhắc điều gì có thể xảy ra nếu Trung Quốc có một “phạm vi ảnh hưởng” ở châu Á tương tự như vị trí của Mỹ ở Tây bán cầu. Trung Quốc sẽ không chỉ có thể chi phối cách sử xự của các nước láng giềng theo những cách thức làm chúng ta cảm thấy khó chịu, mà nước này còn an toàn hơn nhiều ở trong nước và do đó có thể tập trung nhiều sức mạnh của mình hơn để định hướng các sự kiện ở những khu vực xa xôi. Do Trung Quốc sẽ tham gia các thị trường thế giới và ngày càng phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên từ khắp nơi trên thế giới, một nhà chiến lược Trung Quốc khôn ngoan sẽ muốn có khả năng bảo vệ các tuyến đường liên lạc trên biển có ý nghĩa sống còn và tác động đến các tính toán chính trị ở những khu vực then chốt khác. Và sẽ dễ dàng hơn nhiều cho Bắc Kinh để thực hiện điều đó ở Vịnh Pécxích hay các khu vực quan trọng khác nếu khu vực lân cận liền kề của Trung Quốc là một phạm vi ảnh hưởng mà từ đó các cường quốc bên ngoài – và đặc biệt là Mỹ – bị gạt bỏ, ít nhất về các cam kết an ninh và các lực lượng quân sự.
Người ta có thể đưa lôgích này đến một bước xa hơn. Một khi Trung Quốc đã thành lập được một phạm vi ảnh hưởng an toàn, sẽ dễ dàng hơn cho Bắc Kinh để tạo dựng các mối quan hệ chính trị gần gũi hơn với các nước ở Tây bán cầu, một số trong đó từ lâu đã căm ghét sự thống trị của Mỹ. Không cần phải tưởng tượng quá nhiều để thấy được điều này dẫn đến đâu: lần đầu tiên kể từ thế kỷ 19, Mỹ có thể phải đối mặt với viễn cảnh của một cường quốc đối địch với sự hiện diện quân sự đáng kể ở Tây bán cầu. Nên nhớ rằng nỗ lực của Liên Xô đặt các tên lửa hạt nhân ở Cuba đã đưa hai nước đến gần chiến tranh hơn bất kì thời điểm nào trong-suốt Chiến tranh Lạnh, và bạn có một khái niệm về khả năng rắc rối ở đây.
Do đó, với Mỹ, việc tăng cường sự hiện diện quân sự ở châu Á và tìm cách làm yên lòng các đồng minh châu Á hiện nay của Mỹ không chỉ là một cách để “triển khai sức mạnh toàn cầu”. Có một cơ sở chiến lược căn bản ở đây, và là một điều theo tôi có ý nghĩa hơn nhiều so với các sứ mệnh quân sự chúng ta đã gia hạn trong thập kỷ vừa qua.
Tất nhiên, có những lập luận phản bác khác nhau đối với quan điểm mà tôi vừa phác thảo. Người ta có thể lập luận rằng vũ khí hạt nhân xóa bỏ sự phân tích địa chính trị theo kiểu tôi vừa nêu ra, vì cả Mỹ lẫn một Trung Quốc mạnh hơn nhiều cũng sẽ không bao giờ mạo hiểm gây ra một cuộc chiến hạt nhân bằng cách thực sự sử dụng vũ lực chống lại nhau. Có thể như vậy, nhưng vũ khí hạt nhân đã không ngăn được Mỹ và Liên Xô cạnh tranh quyết liệt (và ở rất nhiều nơi) trong bốn thập kỷ qua.
Người ta cũng có thể lập luận, như Micheál Beckley lập luận trong bài viết “An ninh toàn cầu” sắp tới, rằng sự nổi lên của Trung Quốc đã bị thổi phồng và những viễn cảnh tương lai của nước này ít lạc quan hơn so với nhiều nhà phân tích tin tưởng. Ông có thể đã đúng, trong trường hợp nào vấn đề này hầu như biến mất. Nhưng cho tới khi chúng ta biết, sự khôn ngoan gợi ý nên ngăn chặn khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục trở nên hùng mạnh hơn, và sẽ tìm cách sử dụng sức mạnh đó để mở rộng phạm vi lợi ích của nước này và gây gáp lực lên các nước châu Á khác để họ tự xa rời Oasinhtơn.
Hay người ta có thể lập luận, như một số người đã làm trong quá khứ, rằng nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ gắn bó với nhau chặt chẽ tới mức không thể cho phép nổ ra một cuộc đối đầu quân sự nghiêm trọng. Không may, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế chưa bao giờ là một rào cản hoàn toàn đáng tin cậy cho sự cạnh tranh về an ninh. Ngay dù nếu một cuộc đối đầu khốc liệt có thể gây hại cho cả hai nước, kinh tế không phải là vấn đề quan trọng duy nhất với hai nước và cả Oasinhtơn lẫn Bắc Kinh đều không thể chắc chắn rằng sự khôn ngoan và những cái đầu lạnh sẽ luôn thắng thế. Và điều này có nghĩa là cả hai nước có thể đề phòng khả năng xảy ra rắc rỗi trong tương lai, ngay dù nếu phản ứng này có thể phần nào mang tính tự thực hiện. Và điều này có nghĩa hai nước sẽ lo lắng về sức mạnh tương đối và vị trí địa chính trị của họ và sẽ cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Á. Rõ ràng là, 2.500 lính thủy đánh bộ sẽ không tạo ra được một sự khác biệt khách quan đối với sự cân bằng quyền lực, nhưng họ là một tín hiệu rõ ràng rằng Mỹ vẫn giữ nguyên cam kết của mình.
Điểm mấu chốt là có một lập luận hợp lý cho một sự chuyển dịch dần dần chú ý chiến lược sang châu Á. Động thái này nên được đi kèm với cam kết ngoại giao rộng rãi với Trung Quốc và với các đối tác châu Á khác nhau của chúng ta, để bảo đảm rằng Bắc Kinh lo lắng quá mức và các đồng minh không ỷ lại vào chúng ta. Như tôi đã lưu ý trước đây, quản lý các mối quan hệ đồng minh ở châu Á của chúng ta sẽ khó hơn nhiều so với quản lý NATO (và điều đó đã không luôn luôn dễ dàng), vì thế tôi vui mừng rằng khu vực này đang bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý ở mức cao nhất. Giờ đây nếu chúng ta có thể chỉ cần từ bỏ một số cam kết khác mà dường như không đem lại kết quả, hoặc không đóng góp gì cho quan điểm chiến lược toàn diện của chúng ta.
***
Cũng theo tạp chí Foreign Policy, Chính quyền Obama đang trong quá trình làm một điều gì đó khá đặc biệt. Trong khi phần lớn trong Chính phủ Mỹ và thẳng thắn mà nói, đại đa số các chính phủ trên toàn thế giới, bị sa lầy vào một tình trạng tê liệt về chính trị, những nạn nhân của việc không hành động của chính họ, tổng thống và đội ngũ an ninh quốc gia của ông đang sắp đặt một sự thay đổi sâu sắc, hướng tới tương lai, và khá đáng chú ý.
Điều này đã được đề cập một cách trực tiếp trong bài viết của cố vấn An ninh Quốc gia Tom Donilon trên Financial Times gần đây với tựa đề “Mỹ trở lại Thái Bình Dương và sẽ duy trì các luật lệ”. Nó đã được thể hiện trong chuyến thăm gần đây của tổng thống tới châu Á và tiếp tục được nhấn mạnh hơn nữa thông qua chuyến thăm lịch sử của Ngoại trưởng Clinton tới Mianma vào ngày 30/11/2011.
Bề ngoài, sự thay đổi này có thể và sẽ được nhìn nhận là cái mà bà Clinton đã gọi là “sự chuyển hướng” từ Trung Đông sang châu Á như trọng tâm chủ yếu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Nhưng như bài báo vắn tắt của Donilon truyền đạt một cách hiệu quả, sự thay đổi này sâu rộng và quan trọng hơn nhiều so với được đánh giá đầy đủ.
Trong phần đầu bài viết, ông viết rằng các tổng thống phải đấu tranh để tránh trở nên bị cuốn vào việc xử lý khủng hoảng mà họ mất đi tầm nhìn về những mục tiêu chiến lược của đất nước. Liệt kê một loạt đáng kinh ngạc những cuộc khủng hoảng mà Tổng thống Obama phải đối mặt, Donilon sau đó lưu ý rằng tuy vậy tổng thống đã xoay xở để theo đuổi “một sự tái cân bằng các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của chúng ta – và khôi phục các liên minh lâu đời của chúng ta, bao gồm cả NATO – để đảm bảo rằng trọng tâm của chúng ta và các nguồn lực của chúng ta phù hợp với các lợi ích chiến lược quan trọng nhất của quốc gia chúng ta”. Ông khẳng định châu Á đã trở thành “thành phần chủ chốt” của chiến lược này.
Bài viết tiếp tục tiết lộ những khía cạnh của sự chuyển hướng này ít được chú ý hơn so với lời tuyên bố lại đơn giản nhưng dù sao vẫn thú vị về sự thừa nhận của Chính quyền Obama rằng – đơn giản hóa để làm tương phản – đối với Mỹ Trung Quốc quan trọng hơn so với Irắc. Bởi trong khi Donilon viết về các thỏa thuận an ninh khu vực và quyết định của chính quyền bắt đầu một chiến lược phòng thủ “được phân bố rộng hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn” ở Lòng chảo Thái Bình Dương, điều nổi bật liên quan đến bài viết này là những từ ngữ mà nó sử dụng và các vấn đề mà nó nói đến về bản chất mang tính kinh tế thường xuyên như thế nào.
Donilon nói về những ưu tiên của chúng ta trong khu vực khi gắn vào “an ninh, sự thịnh vượng, và phẩm giá con người”. Ông xác định những nhu cầu an ninh trong điều kiện các mối quan tâm liên quan đến thương mại và hàng hải. Ông nói về các liên minh như là “nền tảng cho sự thịnh vượng của khu vực”. Và ông đưa ra quan điểm cốt lõi với việc nói rằng “Là bộ phận của một trật tự kinh tế quốc tế mở, các quốc gia phải chơi theo cùng các luật lệ, trong đó có thương mại tự do và công bằng, các sân chơi ngang bằng mà ở đó các doanh nghiệp có thể cạnh tranh, quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ ở khắp mọi nơi và tiền tệ được định hướng theo thị trường”.
Việc thiết lập, quan sát và thực thi các luật lệ quốc tế là một chủ đề cốt lõi khác của bài báo và của các tuyên bố mà Obama, Clinton, Donilon, và những người khác thường xuyên nhấn mạnh.
Thông điệp khi đó không chỉ là Mỹ đã thay đổi những ưu tiên khu vực của mình. Mà chính là Chính quyền Obama đã thực hiện một sự định nghĩa lại rộng rãi về khái niệm an ninh quốc gia. Chính quyền này đã trở lại gốc rễ của mình trong việc này. Bản thân Oasinhtơn đã lập luận rằng lý do duy nhất để thậm chí có một chính sách đối ngoại là để bảo vệ các lợi ích thương mại. Nhưng đây là những thời kỳ đơn giản hơn và một nước Mỹ khác. Chúng ta có những lợi ích an ninh rất thực tế. Chủ nghĩa cực đoan bạo lực vẫn là một mối đe dọa đối với những lợi ích quốc gia của chúng ta ở Trung Đông và các nơi khác. Nhưng vị tổng thống này trong một thời gian tương đối ngắn đã làm được nhiêu hơn là chỉ “tái cân bằng”. Ông đã khôi phục được sự cân bằng, nhận ra sự tác động lẫn nhau sâu sắc và thiết yếu giữa những lợi ích kinh tế và an ninh của chúng ta.
Việc cố vấn an ninh quốc gia của ông đi đâu trong việc đưa ra vấn đề này… cũng như ngoại trưởng của ông đã làm như vậy trong những bài phát biểu gần đây của bà ở Niu Yoóc và Hồng Công về chủ đề này… cho thấy điều này hoàn toàn trở thành trung tâm như thế nào. Việc các quan chức an ninh quốc gia thường lên kế hoạch cho vai trò hàng đầu trong việc đưa ra những thông điệp này đại diện cho sự tương phản rõ rệt với một số người tiền nhiệm gần đây của Obama, thậm chí cả Bill Clinton, người đã chia sẻ mong muốn của mình có một định nghĩa rộng hơn về chính sách đối ngoại.
Vì vậy, “sự chuyển hướng” này thực sự là đa chiều. Chúng ta đang không chỉ giảm bớt các cuộc chiến tranh của chúng ta ở Trung Đông và chuyển trọng tâm của chúng ta sang châu Á, không chỉ từ bỏ các cuộc chiến tranh ồ ạt thông thường trên mặt đất chống khủng bố mà làm chủ nhiều hơn những chiến thuật theo định hướng sử dụng máy bay không người lái chính xác, tình báo và các lực lượng đặc biệt, không chỉ đóng lại cuốn sách về các chính sách theo chủ nghĩa ngoại lệ, đơn phương và hướng tới các đường hướng theo xu hướng đa phương, dựa trên luật lệ, không chỉ ngừng chi tiêu quốc phòng thiếu thận trọng và tiến tới chi tiêu trong phạm vi mình có, không chỉ từ bỏ giọng điệu nhị nguyên “anh cùng phe với chúng tôi hoặc anh chống lại chúng tôi” để có các chính sách mở đối với những thực tế phức tạp hơn (như với Trung Quốc, đối thủ và cũng là đối
tác chủ chốt của chúng ta), mà chúng ta cũng đã có một động thái rõ rệt tiến tới thừa nhận rằng những nền tảng của an ninh quốc gia Mỹ cũng mang tính kinh tế và một số trong các công cụ có hiệu lực nhất của chúng ta cũng vậy.
Cuộc thảo luận rằng không hiểu do vấn đề Guantanamo hay do nhu cầu tiếp tục truy đuổi các mục tiêu khủng bố mà Obama bằng cách nào đó cũng giống như Bush cần phải chấm dứt. Sự thay đổi trong chính sách đối ngoại đã có ảnh hưởng sâu rộng và các kết quả sẽ gần như chắc chắn khiến cho Mỹ mạnh hơn về lâu dài. Tuy nhiên, điều thú vị là những người duy nhất dường như không nhận được thông điệp này là các ứng cử viên đảng Cộng hòa cho cương vị Tổng thống, những người dường như, dựa trên thành tích tranh luận gần đây nhất của mình, là những người duy nhất ở Mỹ hoài cổ về các chính sách an ninh gây hoang mang, thiếu thận trọng, nguy hiểm, và không hiệu quả trong những năm dưới thời Tống thống Bush.
TTXVN (Hồng Công 2/2)
Trang tin của hãng thông tấn Bình luận Trung Quốc (Hồng Công) ngày 2/2 dẫn tin của phóng viên Dư Đông Huy từ Oasinhtơn (Mỹ) cho biết ngày 31/1 vừa qua, Viện Brookings đã tổ chức hội thảo về chiến lược châu Á của Mỹ với sự tham dự của nhiều chuyên gia uy tín chuyên nghiên cứu vấn đề Trung Quốc. Việc Mỹ “trở lại châu Á” và ảnh hưởng của nó đối với quan hệ Mỹ-Trung đã trở thành tiêu điểm của hội thảo. Dưới đây là tống hợp liên quan của Dư Đông Huy.
Việc Mỹ “trở lại châu Á ” là nhằm phát đi tín hiệu rằng nước này không suy yếu
Theo nghiên cứu viên cao cấp của Viện Brookings, cựu cố vấn cao cấp về vấn đề Đông Á thuộc ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ (nghỉ hưu năm 2011), ông Jeffrey Bader, rất nhiều hãng truyền thông và nhà quan sát châu Á coi việc Mỹ “trở lại châu Á” là nhằm bao vây, ngăn chặn Trung Quốc, đưa Trung Quốc trở lại với qũy đạo trước đây. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại mong muốn trong quá trình “trở lại châu Á” sẽ xây dựng được quan hệ tích cực hơn với Trung Quốc, mỗi một quyết định trong chiến lược “trở lại châu Á” không có quan hệ nhiều, thậm chí là không có quan hệ gì với quan hệ Mỹ-Trung.
Chủ nhiệm Trung tâm John L. Thornton Trung Quốc, Kenneth Lieberthal cho rằng về căn bản việc Mỹ “trở lại châu Á” không có cái gì mới, rất nhiều nhân tố trong đó đã được định ra từ hơn một năm, thậm chí là từ 10 năm trước, chỉ có điều Chính quyền Obama đã hợp nhất tất cả các nhân tố đó trở thành “chiến lược tổng thể mang tính toàn khu vực” với tiêu điểm là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, chứ không phải là Trung Quốc. Mục đích của chiến lược này không phải là “Mỹ ngăn chặn Trung Quốc như thế nào”, mà là phát đi tín hiệu rằng Mỹ vẫn mạnh, Mỹ không hề suy yếu, thông qua việc tái khẳng định Mỹ vẫn giữ vai trò lãnh đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương như lâu nay. Vị chuyên gia từng làm cố vấn cao cấp về vấn đề Đông Á thuộc Ủy ban An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton này nhấn mạnh việc duy trì sự cân bằng mới ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất quan trọng, Mỹ cần phải tiếp xúc toàn diện với Trung Quốc và tham dự hoàn toàn vào những vấn đề của châu Á-Thái Bình Dương.
Theo quan sát của Lieberthal, các nhà lãnh đạo Trung Quốc rất thiết thực. Họ đang phân tích, đánh giá chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ để điều chỉnh chính sách. Lieberthal cho rằng Mỹ nên thông qua việc giải thích rõ mục tiêu cũng như năng lực và sức mạnh ngoại giao của mình đế xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng hơn, lành mạnh hơn với Trung Quốc. Nếu Trung Quốc cho rằng Mỹ vẫn đang xử lý các vấn đề châu Á-Thái Bình Dương một cách đầy sức sống, kiên định và có hiệu quả, Trung Quốc sẽ có hành động mang tính xây dựng hơn đối với Mỹ và Mỹ cũng sẽ có niềm tin hơn để tiếp xúc với Trung Quốc với thái độ mang tính xây dựng.
Các nước châu Á không muốn lựa chọn đứng về phía Mỹ hoặc Trung Quốc
Theo Lieberthal, trong bối cảnh đối tác thương mại lớn nhất của các nước châu Á chủ yếu là Trung Quốc chứ không phải Mỹ, sẽ không có nước nào muốn vì việc tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ đề xướng mà bỏ mất cơ hội đến từ sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc. Đồng thời, do rất nhiều người cho rằng Chính phủ Mỹ hiện nay không đủ sức, nên cơ chế dân chủ mà Mỹ đề xướng vận hành không được tốt lắm tại châu Á. Bên cạnh đó, phải thấy rằng giá thành của cam kết an ninh đối với châu Á rất cao, trong bối cảnh Mỹ phải cắt giảm ngân sách quốc phòng, việc Mỹ có thể tiếp tục tăng cường sự hiện diện tại châu Á để bảo đảm an ninh hay không là vấn đề đáng để quan sát.
Lieberthal nhấn mạnh Mỹ cần xử lý một cách thận trọng và hiệu quả những tuyên bố và hành động đưa ra trong quá trình thực thi chiến lược châu Á, không có nước nào muốn lựa chọn hoặc là đứng bên cạnh Mỹ hoặc là đứng bên cạnh Trung Quốc. Tất cả có thể đều mong muốn cùng cạnh tranh, nhưng không mong muốn nhìn thấy những va chạm đến từ việc phải lựa chọn đứng về phía nào. Nói tóm lại, chiến lược châu Á của Mỹ có thể thành công hay không còn phụ thuộc vào việc Mỹ có thể có được một chính sách thống nhất hay không ở trong nước, giải quyết tốt vấn đề tài chính thì chính trị và ngoại giao mới vận hành hữu hiệu được.
Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Bắc Á thuộc Viện Brookings Richard Bush chỉ rõ xuất phát từ lợi ích, nhiều nước châu Á-Thái Bình Dương đã có phản ứng khác nhau đối với chiến lược tái cân bằng của Mỹ tại châu Á. Việc Mỹ tái khẳng định cam kết của mình không nghiễm nhiên đồng nghĩa với việc Mỹ sẽ có quan hệ tốt hơn với các nước châu Á. Hy vọng của các nước châu Á là duy trì quan hệ tốt với Mỹ và giảm bớt tình trạng căng thẳng.
Theo Bush, động lực đến từ sự phục hưng của Trung Quốc phức tạp hơn so với sự trỗi dậy của các nước lớn trước đấy. Những hành vi của Trung Quốc trong các lĩnh vực khác nhau trong năm 2010 đến từ các nhân tố khác nhau, không nhất thiết thể hiện sự thay đổi chính sách của Trung Quốc. Bush cho rằng do lo ngại sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ đe dọa lợi ích của mình, nên các nước châu Á tìm tới sự giúp đỡ của Mỹ. Điều này không nằm ngoài dự liệu, nhưng nó không đồng nghĩa với luận thuyết cho rằng Mỹ đang dẫn đắt các nước châu Á đánh một trận bóng rổ “dồn ép nửa sân”, thậm chí là “dồn ép cả sân” đối với Trung Quốc.
Mỹ và Trung Quốc cần thảo luận về quy tắc trò chơi một cách nghiêm túc hơn
Nghiên cứu viên cao cấp Viện Brookings Jonathan Pollack cho rằng trong thời gian ngắn, việc Mỹ “trở lại châu Á” sẽ thúc đẩy Trung Quốc tăng cường chính sách hiện hành. Do năng lực bị tiêu hao trong chiến tranh Irắc và chiến tranh Ápganixtan nên Mỹ cần phải thận trọng trong việc thúc đẩy chiến lược châu Á. Theo Pollack, “những chiếc tàu chở dầu khổng lồ hay những chiếc tàu sân bay không thể đột ngột quay đầu”, trong bối cảnh dự báo căng thẳng, Mỹ cần đặt ra câu hỏi trong quá trình trở lại châu Á, tăng cường sự hiện diện quân sự rằng “tại sao phải bỏ ra nhiều sức lực như vậy?”, “Mỹ đang tìm kiếm cái gì, lo ngại cái gì và ngăn chặn cái gì?” “Mỹ cần chuyển thông tin gì cho Trung Quốc?”
Vị cựu Giáo sư thuộc Học viện Tác chiến Hải quân Mỹ này chỉ rõ không ai mong muốn tự do hàng hải bị ngăn chặn, nhưng vấn đề là Mỹ làm thế nào để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau đầy đủ với Trung Quốc. Pollack, nhấn mạnh không một nước nào có thể một mình giữ vai trò thống trị tuyệt đối, toàn diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Bất cứ một sự thiết lập trật tự mới nào tại khu vực mà thiếu sự tham dự đầy đủ của Trung Quốc là điều không thể tưởng tượng được.
Pollack kêu gọi Mỹ và Trung Quốc cần tiến hành thảo luận một cách nghiêm túc hơn. Việc này rất quan trọng. Đồng thời, hai nước cần tránh sự gay gắt trong lời nói, cần tránh đẩy quan hệ Mỹ-Trung rơi vào cuộc chạy đua vũ trang và hai nước nên xây dựng “quy tắc trò chơi”./.
Theo: anhbasam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét