Pages

Thứ Năm, 9 tháng 2, 2012

Những bất ngờ qua vụ Tiên Lãng


“Công tâm mà xét, đây là lần đầu tiên từ sau vụ việc Thái Bình năm 1997, báo chí được tự do đến như thế. Sự cởi mở này xuất phát từ những nguyên nhân nào? Rõ ràng đã có một sự thay đổi về nhận thức, về sự xem lại “lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền” từ những cấp cao nhất của lãnh đạo Đảng và Chính phủ.”
Những sự việc chưa có tiền lệ
Vào những ngày đầu tiên nổ ra vụ việc Đoàn Văn Vươn, có lẽ ít ai ngờ tới một kịch bản khuấy động dữ dội từ Tiên Lãng sẽ như một sóng dung nham tràn lên miền đồng bằng dư luận khắp cả nước như thời điểm hiện nay.
Đó là điều bất ngờ lớn nhất và tổng quát nhất, nếu so sánh với những vụ việc khiếu kiện tập thể về đất đai trước đó. Ngay cả với những cuộc khiếu kiện tập thể có quy mô đến 500 người, bao gồm dân từ hơn mười tỉnh thành và trở thành cao trào trước khu vực Văn phòng 2 Quốc hội tại TP.HCM vào năm 2007, báo chí cũng chỉ đưa tin rất khiêm tốn, dù cho dư luận về vấn đề này là rộng lượng hơn rất nhiều.

Song một sự đổi thay khó tả đã diễn ra trong không khí của công luận và dư luận. Vụ việc hàm chứa nhiều ý nghĩa chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam đã kéo theo phản ứng tức thời và sâu sắc của báo chí và người dân, người dân với báo chí. “Điểm nổ” đã khởi nguồn không chỉ từ những tờ báo in và báo điện tử chuyên về chính trị – xã hội, mà còn lan rộng ra cả nhiều tờ báo chuyên ngành về kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục, nông thôn…
Công tâm mà xét, đây là lần đầu tiên từ sau vụ việc Thái Bình năm 1997, báo chí được “tự do” đến như thế. Vậy sự cởi mở này xuất phát từ những nguyên nhân nào?
Lẽ dĩ nhiên, điểm nhấn quá ý nhị của vụ việc Tiên Lãng chính là việc lần đầu tiên, hành vi vẫn được xem là “chống người thi hành công vụ” liên quan đến phản ứng đất đai đã được biểu hiện bằng vũ khí sát thương cao, do người bị thu hồi đất dùng để chống lại người đi cưỡng chế thu hồi.
Cũng là lần đầu tiên, ý đồ thu hồi và cưỡng chế đất đai của một chính quyền địa phương đã bị đưa ra ánh sáng, được mổ xẻ chi tiết dưới rất nhiều khía cạnh. Cuộc “trung phẫu” này lại dẫn đến kết quả xứng đáng: một số cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, và chính Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền Hải Phòng làm rõ những uẩn khúc theo phân tích của công luận và dư luận.

Vợ con anh Đoàn Văn Vươn và Đoàn Văn Quý bên ngôi lều dựng tạm tại khu đầm bị san phẳng.
Một trong những bức xúc rất đáng lưu tâm, có mối liên đới trực tiếp đến phương diện chính trị, là hiện tượng một số chính quyền địa phương đã sử dụng quân đội phục vụ cho hành động cưỡng chế đất đai. Tuy nhiên nếu xét đến những ẩn ý và quyền lợi bên trong của từng vụ việc thì không khác mấy biểu hiện “Dịch vụ hỗ trợ thi công” ở Cần Thơ hay Nam Định, có vẻ như những lực lượng quân sự ở địa phương đã bị lạm dụng nhiệm vụ “bảo vệ Tổ quốc” để chuyển sang phục vụ cho những nhóm lợi ích nào đó.
Nước đã tràn và lửa cũng đã cháy. Lần đầu tiên hoạt động lạm dụng trên đã được phản biện xã hội một cách minh bạch. Điều đáng nói là không chỉ do công luận, mà chính sự phản biện đó lại đến từ nhiều tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam – những người không thể chấp nhận hình ảnh “vì nhân dân quên mình” bị biến thái thành một cái gì đó đối lập với “từ nhân dân mà ra”.
Thay đổi từ “sự tồn vong của chế độ”
Khác với quá khứ, không khí hiện tại đang được phản biện và mổ xẻ một cách công tâm hơn hẳn. Vì sao bầu không khí ấy lại có điều kiện để tồn tại và lan tỏa?
Rõ ràng đã có một sự thay đổi về nhận thức, về sự xem lại “lòng tin của nhân dân đối với Đảng và chính quyền” từ những cấp cao nhất của lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Có thể liên hệ sự thay đổi này với một đánh giá của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong Hội nghị trung ương 4 vào đầu năm 2012, đúng 15 năm sau “sự kiện Thái Bình”, về yêu cầu cấp thiết phải chỉnh đốn Đảng liên quan đến “sự tồn vong của chế độ”.
Vậy lòng tin của người dân đối với Đảng và chính quyền được biểu hiện qua cái gì? Nếu các cấp chính quyền vẫn thường lấy lời dạy “Lấy dân làm gốc” của Nguyễn Trãi và sau này là Hồ Chủ tịch như một kim chỉ nam cho việc học tập, thì cái gốc ấy cũng chính là quyền lợi thiết thân, quyền lợi về dân sinh và dân chủ của người dân.
Quyền lợi của người dân lại gắn liền với đất đai – lĩnh vực chiếm đến 90% nội dung trong tổng số đơn thư khiếu kiện. Như vậy, muốn “lấy dân làm gốc”, các cấp chính quyền, đặc biệt là chính quyền các địa phương, cần đặc biệt lưu tâm, thay cho thái độ quan liêu tắc trách, đến toàn bộ các vụ việc khiếu kiện từ cá nhân đến tập thể, từ chính sách thu hồi đất đai, mức giá bồi thường, công tác tái định cư đến hành vi cưỡng chế thu hồi…
Đất đai, tiêu điểm trong mọi tiêu điểm ở Việt Nam, là nơi thu hút sự bức xúc đến đỉnh điểm của người dân, lại khởi điểm từ nguồn cơn của các nhóm lợi ích còn lẩn khuất trong bóng tối. Điều đáng ghi nhận là trong một trả lời chất vấn trước Quốc hội vào cuối năm 2011, chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp đề cập đến vấn đề nhóm lợi ích. Liên tưởng với “sự tồn vong của chế độ” từ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hẳn người ta đã nhận ra nguy cơ của các nhóm lợi ích và hố sâu phân hóa giàu nghèo là lớn đến thế nào, kinh khủng và dễ bùng nổ đến thế nào trong xã hội đương đại Việt Nam.
Chủ tịch huyện Tiên Lãng vừa bị đình chỉ chức vụ Lê Văn Hiền.
Sẽ không thể, không có sự chỉnh đốn nào có thể giải quyết êm thấm mọi vấn đề đất đai, nếu không loại trừ được các nhóm lợi ích – được đặc trưng bởi hoạt động đầu cơ và sự kết nối hữu cơ giữa đầu cơ với một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên đã “tự diễn biến”.
Mọi sự chỉnh đốn Đảng cũng sẽ không thể mang lại kết quả như ý nếu tự thân các cấp chính quyền địa phương ở Việt Nam không rút ra được bài học nào từ vụ việc “chống người thi hành công vụ” của 13.000 dân làng Ô Khảm ở Trung Quốc.
Có lẽ cũng từ nhận thức ấy mà đã diễn ra một sự đổi thay trong Đảng vào những ngày nổ ra vụ việc Đoàn Văn Vươn – tiền đề tạo nên tự do báo chí trong dư luận của người dân và của cả đảng viên, cũng là sự hậu thuẫn rất cần thiết cho mục tiêu làm rõ trắng đen trong ít nhất một vụ việc Tiên Lãng.
Với sự thay đổi về nhận thức chỉnh đốn Đảng và nhìn nhận sát hơn bài học “lấy dân làm gốc”, người dân có quyền hy vọng về ít nhất những lãnh đạo cấp cao của Đảng và chính quyền – những người có ảnh hưởng lớn đến công tác dân vận, tuyên giáo và nội chính, đang từng bước tạo điều kiện cho báo chí tái lập hình ảnh công bằng quyền lợi trong trào lưu thu hồi và cưỡng chế đất đai ở Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét