Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Đổ tội cho dân, bàn tay không thể che nổi mặt trời

Văn Quang – Từ Sài Gòn
Bước vào đầu năm Nhâm Thìn, tôi gặp ngay hai cái “số sui”. Mới ngày 5 Tết, bỗng dưng bị cái mụn bọc ở đầu. Tôi cố chịu đựng xem tình hình diễn biến ra sao. Bởi thật sự, ở VN, tôi cũng như nhiều người dân khác, sợ nhất là phải đi bệnh viện (BV) và thứ hai là phải đến “xin cho” ở một cơ quan công quyền nào đó, bất kể là việc gì.
Bà con hàng xóm khuyên tôi nên đến gặp bác sĩ ngay kẻo như ông bạn tôi ở Santa Ana nằm lăn quay ra rồi sáng hôm sau mới đi BV là hết thuốc chữa. Nhưng quả thật là nỗi sợ đi BV của tôi lớn hơn nỗi lo nằm quay cu lơ vì nó chưa đến. Cũng may, lại có cái hên là 3 hôm sau thì cái mụn bọc dần biến mất.
Rồi lại cũng bất ngờ, đêm 9 tháng giêng ÂL, khoảng hơn 2g sáng, bà xã tôi lại kêu đau ở ngực, không thể nào cục cựa được. Bà ấy vốn có “tiền sử” về bệnh tim mạch. Cơn đau kéo dài, đau khủng khiếp. Nằm nghiêng qua trái qua phải đều phải nâng dậy và cơn đau lại trỗi dậy mạnh hơn khiến người phát sốt. Nhà chỉ có “2 ông bà già” nên tôi cầm máy định gọi xe cấp cứu. Nhưng có lẽ bà xã tôi cũng có “cái tật” sợ BV như tôi nên bà xua tay, nói để gần sáng hãy đi. Tôi đành nhượng bộ và nằm làm “lính gác” vì cũng tin là có BV tư gần nhà, đi xe chỉ mất 10 phút. Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau cũng phải đưa vào BV và vào ngay phòng cấp cứu. Có cho ăn kẹo tôi cũng không dám đến BV công.

Mua nhà 300 tnhưng không chịu chữa cái máy siêu âm
Ở phòng cấp cứu không phải chờ lâu với cái giá khám bệnh phải trả gấp đôi ở ngoài. Sau khi chẩn đoán bệnh, bác sĩ (BS) ở phòng này cho về nhà, hẹn 1 tuần sau khám lại. Tôi thấy hơi lo, vì bệnh tim mạch khá nặng có thể “ra đi” bất cứ lúc nào. Như hai ông bạn hàng xóm của tôi ở Lộc Ninh, đang khỏe mạnh, chỉ bị một cơn đột quỵ là đi luôn. Có ông đã ra đến phòng khám bệnh của một trạm y tế của đồn biên phòng gần đó, nhưng sau khi được BS khám xong về đến nhà là tắt thở luôn. Đó cũng là lý do tại sao tôi phải rời bỏ Lộc Ninh. Bởi nó xa BV có thể tin tưởng được. Sống ở nhà quê mát mẻ, rộng rãi thích hợp với lớp tuổi về chiều, nhưng điều kiện về y tế và đôi khi về an ninh không được bảo đảm. Có khi lại bị một cú như ông Vươn ở Tiên Lãng thì phiền.
Về nhà, đến chiều, bệnh tình của bà xã tôi không bớt mà còn nặng thêm. Vừa đau ngực hơn vừa sốt cao. Tôi nhảy vào internet, chỉ cần đánh hai chữ “đau ngực” là chỉ nửa phút sau đã thấy một chẩn đoán giống hệt bệnh tình của bà xã. Tôi in lại cẩn thận để may ra có thể trợ giúp cho ông BS chẩn đoán. Sáng hôm sau, tức tốc trở lại BV đó để tìm gặp ông BS quen vẫn khám chữa bệnh cho chúng tôi từ nhiều năm trước, tất nhiên cũng chìa ra tờ giấy tôi đã in sẵn. Ông BS này khám lại và tôi hiểu ý kiến của ông khác với ông BS ở phòng cấp cứu hôm qua, nhưng không tiện nói ra, ông cho đi siêu âm. Phòng siêu âm khá đầy đủ máy móc. Nhưng có chuyện khôi hài nhất là máy siêu âm “hiện đại” này có thể chẩn đoán trên màn hình, nhưng… nó không chịu in kết quả để bệnh nhân mang trở lại cho BS điều trị.
Một ông có lẽ là y tá, thản nhiên nói: “Máy hư, chỉ không chịu in chứ không có vấn đề gì”. Sau đó, ông ta lấy tờ giấy, nhìn vào màn hình, ghi vội lại vài dòng theo kết quả đưa cho bệnh nhân. Chính ông BS quen với chúng tôi phải lắc đầu: “Chủ BV mới mua thửa đất hơn 300 tỷ đồng để phát triển thêm BV mà có cái máy siêu âm không chịu sửa”.
Vâng, thưa bạn, mỗi lần đến BV này, chúng tôi phải đi qua miếng đất BV mới mua. Tôi không nói rõ tên BV này để tránh ngộ nhận. Trước đó nó là một dãy phố dài ngay mặt đường, nay đã phá đi, đang xây dựng những khu nhà mới rất “hoành tráng” nới rộng BV gấp đôi, tất nhiên là với mục kinh doanh. Chắc chắn là để cạnh tranh với một số BV thường được gọi là “quốc tế” khác, đang có thời cơ lớn làm ăn ở VN. Cứ nghe thấy “quốc tế” là tạo được thêm chút niềm tin với bà con ở VN rồi, dù cái giá phải trả thêm cho cái tên “quốc tế” chẳng rẻ chút nào.
Nhìn qua cung cách này, tôi nhận ra một điều rất thực tế, rất “con buôn” là BV nghĩ đến việc kinh doanh kiếm tiền nhiều hơn là việc đem lại những lợi ích thiết thực nhất cho bệnh nhân. Ngoài mặt thì “hoành tráng, vĩ đại” mà trong ruột thì như cái máy siêu âm chạy cà tịch cà tàng, không thèm sửa. Kiểu này, gọi đúng nghĩa là treo đầu dê, bán thịt chó.
Những điều người dân Việt đang chờ đợi
Cũng nhờ những giờ chờ đợi người nhà khám bệnh này, tôi có dịp ngồi “nói chuyện đời” với mấy ông bà là thân nhân của bệnh nhân khác. Ngồi trong cái câu lạc bộ tương đối khang trang của BV, tôi có dịp tiếp chuyện với vài ông bà coi bộ cũng là thành phần khá. Có ông đầu tóc đã bạc, là nhà giáo đã nghỉ hưu; có anh trẻ tuổi làm nghề buôn bán xe; có bà là chủ cửa hàng tạp hóa chắc cũng khá lớn; có chị làm ở một công ty nhỏ đưa chồng đi mổ. Thành phần được gọi là “cán bộ” ít khi đến những BV này, họ quen biết và có thể có những ưu đãi ở các BV công khác. Ông giáo già cầm tờ báo hàng ngày trên tay, ông đã đọc qua khá nhiều mục. Bà chủ cửa hàng tạp hóa sau khi “tiếp thị” với chúng tôi bằng cái thiệp quảng cáo hiệu buôn, bèn lịch sự trả tiền cà phê cho mọi người. Bà đưa con gái vào siêu âm và cũng cười sặc lên vì cái máy siêu âm không chịu in tình trạng bệnh nhân.
Ông giáo già đưa tờ báo cho tôi:
- Ông đọc đi, trong này có bài được lắm, viết về vụ Tiên Lãng. Họ nói đó là “làn sóng ngầm” của những cơn bão tố trong lòng dân đã xuất hiện, nếu như vụ việc không được nhanh chóng giải quyết một cách thấu tình đạt lý.
Tôi nói là đã đọc qua trên internet ngay từ 5 giờ sáng.
Bà chủ hàng táp hóa liền đỡ lấy tờ báo:
- Bác cho tôi mượn, tôi cũng đang muốn xem vụ đó đến đâu rồi. Mấy “ông chính quyền” này làm ăn lộn xộn quá.
Mấy người ngồi cùng chăm chú lắng nghe. Tôi biết chắc chắn đa số người dân vẫn đang chăm chú theo dõi vụ nhà ông Vươn ở Tiên Lãng. Mấy hôm trước ngồi ở quán bành mì Hòa Mã bên lề đường Cao Thắng, mấy anh công tư chức cũng râm ran bàn về chuyện này. Đây có thể coi như một “scandal” lớn nhất đang được toàn thể xã hội rất quan tâm. Sự việc xảy ra đã được nhiều trang báo trong nước cũng như các cơ quan thông tin nước ngoài mô tả rất rõ.
Một số sự việc khác mà người dân đang chú ý là những “lễ hội truyền thống” ở VN, bây giờ người VN đi lễ chùa cầu mong điều gì? Công danh trước, tài lộc sau.
Rồi đến vụ 309 du khách Nga bị công ty Landa Tour của Nga vỡ nợ, bỏ rơi du khách Nga ở Mũi Né, Phan Thiết.
Vụ Hanoi thay đổi giờ đi về của học sinh, sinh viên có thể gây ra nhiều xáo trộn trong nhiều gia đình.
Rồi việc đánh thuế xe, thu phí trong giờ “cao điểm”… nói tóm lại là giải quyết vấn đề kẹt xe. Sau đó là việc ngân hàng nhà nước đưa ra một số biện pháp hành chánh về lãi suất đầu vào đầu ra mà chưa mang lại kết quả khả quan nào để góp phần làm giảm lạm phát chưa chưa nói đến giảm đến mức còn 9 hoặc 9,5%. Trong khi giá cả các mặt hàng sinh hoạt sau Tết vẫn cứ leo thang chứ không hề giảm bớt như mong đợi. Đặc biệt là giá gas lại tiếp tục tăng sau cú tăng đúp vào đầu năm Dương lịch, với mức tăng đến 42.000 đồng một bình 12kg trong những ngày đầu năm nay mà chưa thấy ông quản lý thị trường nói năng gì.
Tôi không thể bàn hết mọi chuyện trong một kỳ báo. Xin tuần tự bàn từng chuyện.
Chìm xuồng hay giảm tội cho ai?
Trước hết là chuyện ở Tiên Lãng. Chắc tôi không cần phải tường thuật lại chi tiết vụ án đang làm chấn động dư luận trong cũng như ngoài nước, bạn đọc đã hiểu rõ sự việc rồi. Tôi đi vào câu chuyện thực tế của người dân

Căn nhà gạch 2 tầng của gia đình ông Vươn sau khi bị phá thành bình địa.
Trong khi ông Giáo già trầm ngâm với khói thuốc lá thì anh thanh niên anh thanh niên bắt chuyện:
- Nghe tức lộn cả ruột. Làm cái gì mà rầm rộ đến “cưỡng chế” như đi đánh giặc, rồi còn phá nhà của người ta rồi lại bắt đi tù. Thế thì “thằng dân” nó ức quá, nó phải phản ứng lại cũng không có gì là lạ.
Tôi không biết anh thanh niên này định nói với tôi hay người khác. Và sống ở đây, tôi thích nghe người khác hơn là “làm tài khôn” phát biểu sự hiểu biết của mình.
Ông giáo già nhìn tôi rồi lắc đầu:
- Tôi cho rằng làn sóng ngầm của bài báo kia không chỉ có ý ám chỉ sự công phẫn của người dân lương thiện mà đó chính là sự chờ đợi cách giải quyết như thế nào, có “chìm xuồng” hay cố tình kéo dài thời gian để làm nhẹ bớt tội cho mấy anh quan hà hiếp dân hay không. Tùy theo cách hành xử của chính quyền mà “làn sóng ngầm” đó sẽ lớn hay nhỏ, có được “nuôi dưỡng” trong lòng người dân khắp nơi hay không chứ không riêng gì Hải Phòng hay Tiên Lãng. Bây giờ “quy mô” của nó đã vượt ra nhiều ranh giới rồi.
Bà chủ hàng tạp hóa vung tay trên tờ báo:
- Đến nước này mà “chìm xuồng” làm sao được? Có là loạn. Tôi thấy báo nào và người dân nào cũng nói chính quyền Tiên Lãng sai bét, Thành phố Hải Phòng cũng sai luôn khi ông Phó chủ tịch thành phố khẳng định việc phá nhà anh Vươn là do dân vào phá vì họ quá bất bình với hành vi của những người dùng vũ lực chống lại chính quyền. Dân nào phá, chỉ ông ấy phá thì có. Tôi mà là dân ở cái xã này, tôi kiện ông này về tội vu khống.
Đi tù hết cả đám. Phải không ông?
Bà phát biểu mộc mạc, chân thật đúng theo cái lối “làm ăn” của bà. Nhưng bà có ý hỏi ông giáo đầu bạc nên tôi chỉ lắng nghe.
Có trường hợp “giảm khinh” hay không?
Ông giáo, có lẽ mắc “bệnh méo mó nghề nghiệp” thích “lên lớp”, thích giảng dạy hết suy nghĩ của mình nên ông gật gù rồi chậm rãi nói:
- Kể ra chính phủ bây giờ cũng… hơi bị kẹt. Một mặt, nếu điều tra ra những ông “cán bộ” sai phạm lớn, có ý đồ dùng mọi mánh khóe, mọi quyền lực, lấy đất cho người nhà thuê, có chấm mút gì vào đấy thì tất nhiên phải xử thật nặng. Một mặt gia đình ông Vươn, dùng vũ khí chống lại người thi hành công vụ thì cũng phải phạt, luật pháp nước nào cũng thế thôi. Nhưng trong trường hợp này, phạt như thế nào cho hợp tình hợp lý mới là cái khó? Ông Vươn có được hưởng trường hợp “giảm khinh” hay không? Bởi sự chống lại của người dân là do bị đè nén, bị tước đoạt, bị áp chế chứ không phải vì tư lợi. Họ có “lý do chính đáng” cũng như cuộc cách mạng nào cũng do từ sự bị đàn áp.
Tôi thấy ý kiến của ông giáo khá sâu sắc, nên góp chuyện cho vui:
- Nhiều cơ quan đã “vào cuộc”, từ Mặt trận Tổ Quốc đến Thanh Tra Chính Phủ, Bộ Công An và Thủ Tướng chính phủ cũng đã ra lệnh điều tra. Rất nhiều nhân sĩ, trí thức và hầu hết tầng lớp nhân dân đã lên tiếng.
Chỉ vài ngày sau vụ việc, nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh đã lên tiếng với báo giới cho rằng vụ việc người dân dùng mìn, vũ khí tự chế để chống người thi hành công vụ là bất thường. Ông đặt câu hỏi phải chăng chính quyền địa phương đã có những sai sót?
Cựu thứ trưởng bộ tài nguyên môi trường Đặng Hùng Võ cũng lên tiếng khẳng định lãnh đạo huyện tiên Lãng đã làm sai pháp luật khi cưỡng chế đất và phá nhà của gia đình anh Đoàn Văn Vươn.
.
Bà Nguyễn Thị Hường vợ ông Vươn dựng chiếc lều trên căn nhà cũ để ăn Tết với nỗi đắng cay, trong khi chồng vẫn còn bị giam.
Vào ngày 17 tháng 1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hải phòng phải làm rõ sự việc và sớm báo cáo thủ tướng chính phủ.
Nhiều luật sư cũng đã phân tích sự lạm quyền và có thể có điều mờ ám và các luật sư này sẵn sàng biện hộ cho gia đình ông Vươn…
Tuy nhiên cho đến nay, hầu như toàn bộ Ủy Ban Nhân Dân (UBND) Thành phố Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng và UBND xã Vinh Quang vẫn cố tình chứng minh rằng họ đã làm đúng, cưỡng chế đúng pháp luật, không phá nhà ông Vươn và cũng không biết ai đã ăn trộm hết tải sản trong khu đầm của ông Vươn sau khi nhà đã bị phá và do xã quản lý. Theo phóng viên báo chí đến tận nơi thống kê thì toàn bộ 5.000 con cá vược loại 1-1,5 kg/con, 7.000 con cá trắm, trọng lượng 2-3 kg/con, 3.000 con cua giống đã bị đánh bắt hết. Tính tổng trị giá cá nuôi đã lên tới hơn 1,5 tỷ đồng, chưa kể cua, tôm tự nhiên và hàng ngàn buồng chuối.
Từ UBND TP đến huyện xã đều ra sức bảo vệ nhau
Cô thư ký công ty xen vào:
- Các bác xem, đến hôm nay mà “người phát ngôn” UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) khẳng định, việc thu hồi đất của gia đình ông Vươn hoàn toàn đúng đắn và đoàn cưỡng chế không ra lệnh cũng như không có ai tham gia việc phá nhà dân.
Cô trưng ra một bài báo, nói tiếp:
- Sáng nay (02 tháng 2), văn phòng UBND huyện Tiên Lãng Ngô Xuân Khánh đã trả lời trực tiếp trên Đài tiếng nói Việt Nam (kênh VOV1) vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn rằng:
- “Chúng tôi dám khẳng định rằng việc thu hồi đất của huyện Tiên Lãng hoàn toàn đúng đắn và đúng theo quy định của pháp luật. Ông Vươn được giao đất từ năm 1993, thời hạn 14 năm và đến nay đã hết thời hạn. Căn cứ quy định, chúng tôi sẽ phải thu hồi đất. Trên cơ sở đó, chúng tôi chuyển hình thức từ giao đất cho anh Vươn sang thuê đất… Việc cưỡng chế đã được thực hiện và có những vấn đề đáng tiếc xảy ra. Chúng tôi cực lực lên án hành động côn đồ, quá manh động, chống người thi hành công vụ và đặc biệt việc thực hiện đã có kế hoạch, có tổ chức và đã sử dụng vũ khí nóng, với âm mưu giết người…”.
Ông Ngô Xuân Khánh, chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng đang ra sức bênh vực cho TP Hải Phòng, Huyện Tiên Lãng trên Đài tiếng nói Việt Nam - (kênh VOV1) trong vụ cưỡng chế đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Nói như thế tức là cái Ủy Ban này muốn kết tội ông Vươn thật nặng như một tổ chức “phản loạn” với khung hình phạt cao nhất, có thể lên mức tử hình.
Còn ông Dương Anh Điền, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nói với báo chí chiều 1-2 về vụ cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng và ông kết luận: “Nếu có dấu hiệu sai phạm của cơ quan, cá nhân nào thì xử lý không bao che. Quan điểm của tôi rõ ràng, cứ theo luật mà làm. Ai sai thì xử lý người đó, còn việc chống người thi hành công vụ thì phải xử lý”.
Anh thanh niên phì cười:
- Nói như ông chủ tịch thì như đánh bùn sang ao thôi. “Cứ theo luật mà làm, ai sai thì phải xử lý” là chuyện tất nhiên rồi, ai chẳng biết, ai chẳng nói được. Vậy là có nói cũng như không. Đúng là ông này xứng đáng làm chủ tịch vì khôn hơn ông Phó chủ tịch của ông đã đổ tội cho dân phá nhà ông Vươn làm dân phẫn nộ.
Có lấy lại được niềm tin của dân hay không?
Thưa bạn đọc, cho đến khi tôi viết bài này vào ngày 03-2-2012, được tin trong tuần tới (từ 06 đến 10-2), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ tọa cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở trung ương và UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng).
Nhưng nhìn qua những diễn biến trên đây, hẳn bạn đọc đã nhận thấy, hầu như tất cả những cấp chính quyền từ xã đến Thành Phố có liên quan trong vụ cưỡng chế và phá tan hoang nhà ông Vươn, làm mất trọn vẹn gia sản nhà ông Vươn đều đồng lòng bênh vực nhau từ trên xuống dưới, khác hẳn lại với dư luận của người dân. Và, có điều chắc chắn rằng họ đang đổ tội cho người dân phá nhà, người dân ăn cướp tài sản, người dân chống lệnh nhà nước…
Nhưng bàn tay không thể che được mặt trời và đổ tội cho dân chỉ làm bất bình thêm, làm mất lòng tin của dân mà thôi. Đã có hàng trăm người dân làm chứng cho những oan khuất của gia đình ông Vươn.
Người dân đang chờ đợi những cuộc điều tra và kết luận của chính phủ VN về vấn đề này, nhất là cách giải quyết vấn đề ra sao để lấy lại niềm tin của người dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét