Pages

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ NHỮNG VỤ ÁN THỜI THỰC DÂN PHÁP VÀ THỜI CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

TỪ VỤ ÁN NHÀ CÁCH MẠNG PHAN BỘI CHÂU ĐẾN VỤ ÁN TIẾN SĨ LUẬT CÙ HUY HÀ VŨ:
Năm ngoái, Báo Tổ Quốc có phổ biến bài viết về vụ án của nhà cách mạng Phan Bội Châu do thực dân Pháp xử cách đây 86 năm do một người ở trong nước ký tên là Hải Hồ (*), gửi đến blog của ông NguyenXuanDien. Xin trích đăng phần biện hộ của cụ Phan Bội Châu, như sau:
“…Cụ Phan đã tự biện hộ như sau (tóm tắt):
Nước Nam là một nước chuyên chế, người dân Nam từ lâu rất khổ cực. Những tưởng mở mày mở mặt” khi người Pháp sang bảo hộ, ai ngờ từ đó đến giờ đã hai chục năm mà chính sách không hề thay đổi. Đó là lý do Cụ buộc phải chống lại chính quyền đô hộ Pháp. Cụ nói:
“Tôi là người nước Nam, tôi biết yêu nước Nam, muốn thức tỉnh dân tộc Việt Nam, thấy thế nên sinh ra cái tư tưởng phản đối chính trị. Nếu trong tay tôi có mấy vạn hải quân, mấy mươi vạn lục quân, binh tinh, lương túc, súng đạn đủ nhiều thì có lẽ tôi hạ chiến thư, đường đường chính chính đánh lại chính phủ thật đấy. Thế nhưng tôi là một kẻ thư sinh, túi không có một đồng tiền, tay không có một tấc sắt, không lấy võ lực mà phản đối lại được, vậy tôi chỉ dùng văn hóa, nghĩa là trước thư lập ngôn để cổ động nhân dân, yêu cầu Chính phủ cải lương chính trị. Chẳng dè Chính phủ ngờ vực tôi, bắt tôi, tôi phải trốn ra ngoại quốc để hành động cho đạt mục đích của tôi”.

Về phương pháp, Cụ chỉ nhận mình hoạt động tuyên truyền, không nhận mình chủ trương bạo động. Cụ nói: “Tôi có chiêu tập các bạn đồng chí, gom tiền, gom sức, phái người đi du học, và làm sách làm vở gửi về cho nhân dân. Việc làm của tôi là dùng cái lưỡi và ngọn bút, mục đích của tôi là cải lương chính trị, sở chí của tôi là thương dân yêu nước, cử động của tôi là chính đại quang minh. Nếu tôi là người có tội, thì tôi chỉ có bốn tội sau này:
1. Chính phủ sang bảo hộ nước Nam, không ai phản đối mà một mình tôi phản đối, lại muốn cho nước Nam độc lập.
2. Nước Nam xưa nay là chính phủ chuyên chế, mà tôi muốn cho nước Nam thành ra là một dân quốc.
3. Nhà nước cấm không cho người đi du học ngoại quốc, mà tôi trốn đi và rủ người đi ngoại quốc.
4. Tôi trước thư lập ngôn để cổ động dân Nam thức dậy, yêu cầu Chính phủ cải lương chính trị, làm hết cái thiên chức khai hóa của mình”.
Ông Chánh án lại vặn hỏi:
− Cụ phản đối chính trị của Chính phủ bảo hộ, hay là chính trị nước Nam?
“Tôi muốn phản đối chính trị của Chính phủ bảo hộ, còn như nước Nam có nước đâu mà có chính trị cho tôi phản đối”.
“Ấy, tội tôi chỉ có thế, Chính phủ chiếu luật gia hình, bắt tội tôi thế nào, tôi cũng xin chịu, còn những điều trong cáo trạng buộc tội tôi thì tôi không nhận điều nào cả”.
Cụ nói tiếp: “Tôi đâu có làm những việc ám muội như toà đã tố cáo. Tôi ở Trung Kỳ ra đây năm 1905, rồi bỏ đi ngoại quốc, tôi chưa từng về nước lần nào”.
“Thấy đồng bào ngủ say, tôi rung chuông cho đồng bào thức dậy, nhưng vì dậy vội quá, thần hồn nát thần tính, làm những việc bạo động, thì cái đó không phải lỗi ở tôi”
“Tôi cổ động là cổ động cho đồng bào biết hợp quần, biết ái quốc, biết yêu cầu cải lương chính trị, chớ có cổ động nhân dân làm loạn đâu? Vả lại nếu là kẻ có ý muốn làm loạn thì tôi cứ ở ngay trong nước theo Đề Thám cũng có thể làm được, có cần gì phải bỏ vợ bỏ con, bỏ nhà bỏ cửa mà trốn đi ngoại quốc làm gì? Năm 1913 tôi nghe tin buộc tội tôi vào tội tử hình thì tôi vẫn đi lại ở ThượngHải, có sợ gì đâu, vì tôi biết là tôi vô tội”.
Ông chánh án nói:
− Hội đồng Đề hình chỉ xét lại cái án năm 1913 xử vắng mặt Cụ vào tử hình mà thôi, còn việc từ năm 1913 về sau thì không cần nói đến; vậy những tội kia Cụ có nhận hay không thì nói.
Cụ đáp:
− Tôi chỉ nhận có bốn tội như tôi đã nói, ngoài ra tôi không có tội gì khác.
2. Buổi chiều là cuộc tranh luận. Chánh án Bride tiếp tục phân tích tội trạng của Phan Bội Châu. Ta thấy chính quyền thuộc địa Pháp nắm rất rõ từng hoạt động của Cụ Phan, kể từ khi chiêu tập bạn đồng môn định khởi nghĩa ở Nghệ An lúc còn là anh học trò nghèo vô danh, đến việc viết Lưu Cầu huyết lệ tân thư cổ động danh sỹ và nhân dân đánh Pháp, ra Bắc vào căn cứ Hoàng Hoa Thám, rồi vận động Cường Để và thanh niên xuất dương (phong trào Đông du), rồi qua lại với Tôn Thất Thuyết, với Lưu Vĩnh Phúc ở Quảng Đông, việc cầu cứu Xiêm, Đức như thế nào,… Điều đáng chú là: Trong các chứng cứ kết tội, Chánh án Bride chỉ lướt qua hoạt động thuộc về tuyên truyền trong một nửa câu: “Bao nhiêu sách cụ viết ra toàn truyền bá cái tư tưởng cừu thù người Pháp…”. Các tội của Cụ là theo cáo trạng cũng như trong phân tích của Bride là nằm ở những hành động sai người đánh bom và kêu gọi làm loạn.
Cụ Phan tiếp tục tự bào chữa. Cụ thừa nhận tất cả các hoạt động tuyên truyền của mình và kết luận: “Trước sau tôi vẫn chủ trương chỉ dùng văn hoá mà phản đối chính trị, văn hoá không xong thì tôi mới dùng đến võ lực. Chính trị còn một ngày bất lương, tôi còn một ngày phản đối”. Còn các cuộc bạo động, cụ coi mình chỉ trách nhiệm “phân nửa”, nghĩa là xét riêng về mặt luân lý thôi, như anh không biết dạy em, để em phạm tội, bố không biết dạy con, để con phạm tội, chứ về mặt pháp luật, không thể là tội của anh, của bố.
Hai trạng sư người Pháp (do chính Toà cử) không những bênh vực cụ Phan mà còn tố cáo thực dân Pháp và công khai bày tỏ lòng cảm mến cụ Phan.
Trạng sư Larre nói: “Cái lịch sử của cụ Phan là cái lịch sử chính sách thuộc địa của nước Pháp ở Đông Dương trong 25 năm gần đây. Cụ là một người theo chủ nghĩa đảng cách mạng, động lòng trắc ẩn, nặng tình yêu nước thương nòi. Lại bị kích thích bởi những điều hà ngược của một triều đình chuyên chế, những điều nhũng lạm của phường tham quan ô lại; việc học thì chậm chạp, hình pháp lại dã man, nhân dân trong nước biết bao nỗi ê chề, đau đớn”. Trạng sư kết luận: “Cụ là người thuần khiết trong những người thuần khiết”, “Cụ vĩ đại hơn hết thảy những người trong dân tộc Việt Nam”.
Trạng sư Bona còn mãnh liệt hơn. Mở đầu đã là những lời ca ngợi nhiệt thành:
“Tôi cảm ơn Hội đồng đã cho tôi tám ngày để xem xét 300 bản hồ sơ. Công việc của tôi là rất khó, rất lấy làm nặng nề, nhưng tôi cũng rất là thoả mãn vì đã được cãi hộ một người mà tôi hâm mộ”.
“Cụ Phan là người quả không hổ là kẻ ái quốc chân chính. Dẫu tôi là người Pháp, đối với cụ Phan, tôi cũng phải hâm mộ. Tôi hâm mộ là hâm mộ cái thân thế quang minh, cái tính tình cao thượng, cái nghị lực bất di, bất khuất, đã từng tỏ ra trong các việc làm của đời Cụ”.
Trạng sư Bona lược lại cuộc đời cách mạng đầy hăng hái và đúng đắn của cụ Phan. Với các hành động mà ngày nay gọi là “quá khích”, Trạng sư cho rằng: “Ở Tàu, Cụ có những bạn đồng chí, hơn Cụ về lòng nhiệt thành, nghĩa là hơn Cụ về sự cuồng dại, và người ta đã buộc cho Cụ những tội của các tay đồng chí ấy. Người ta lấy những giấy thông tư của các toà lãnh sự, những toà sứ thần ra làm bằng chứng, trong những thông tư ấy lại đầy những tin tức của các tay do thám, nghĩa là những tay chỉ biết hám tiền, tìm đủ mọi phương sách buộc tội người để ních cho chặt túi”.
Với những hành động mà ngày nay ta gọi là “đánh bom liều chết” hay “khủng bố” có liên quan đến cụ Phan, Trạng sư Bona bác bỏ với lý do:
“Bảo rằng có những lời cung khai của những kẻ can phạm trong năm 1913 ư? Bao nhiêu trách nhiệm đều muốn đổ cho một người vắng mặt, vì người đó không thể chống cãi được, cái đó là thói thường của thiên hạ… Bảo rằng Cụ đã gây ra những sự nhiễu loạn về chính trị ư? Cụ chỉ là một kẻ đã gieo hạt giống mà thôi. Những hạt giống ấy gặp gió đưa đi, thì Cụ biết đâu được sự sinh mầm kết quả”.
Kết luận, Trạng sư nói: “Cái lý tưởng của cụ Phan, nói tóm lại, là muốn đem đến một tinh thần mới mà sửa đổi lại chính trị ở nước mình”. Theo Trạng sư, tinh thần ấy hoàn toàn phù hợp với lời của Toàn quyền Varenne (vừa được bổ nhiệm) đọc tại Auvergne: “Nếu cái chính sách của ta ở Đông Dương không kịp đem đến một tinh thần mới là cái tinh thần hoà bình, công chính, cải lương mà sửa đổi lại, thì chỉ nay mai là gặp những biến động chẳng khác gì ở Maroc. Xem một câu ấy thì biết được ông Toàn quyền Varrenne với cụ Phan Bội Châu, nếu có ngày gặp tất tâm hợp ý đầu”.
Cụ Phan đứng lên nói thêm:
“Tôi cảm ơn Hội đồng đã đem tôi ra trước mặt công chúng xét xử, lại cử hai
trạng sư biện hộ. Giá với chính thể Nam triều (triều đình Huế – HH) thì nguyên một tội phản đối cũng đủ đáng chết còn làm gì có trạng sư cãi hộ, và cũng còn đầu đâu để ra trước Hội đồng”. (Do LM in đậm)
3. Kết thúc, Toà tuyên phạt cụ Phan: trong tám tội có một tội đáng tử hình, các tội còn lại đáng khổ sai chung thân, nhưng Toà lượng thứ, kết phạt “khổ sai chung thân”. Cụ Phan vẫn nhất định không nhận và chống án. Toà chấp thuận và đưa vụ án lên Hội đồng Bảo hộ. (Vụ án kết thúc lúc 9 giờ tối)”.
*
Sau khi bị “phiên tòa kangaroo”, (theo tác giả Nguyễn Đình Đăng thì thuật ngữ này đã xuất hiện đầu tiên năm 1853 tại Texas, để chỉ kiểu xử án “đốt giai đoạn” tựa như những cú nhảy của con kangaroo) kết án TS Cù Huy Hà Vũ 7 năm tù và 3 năm quản chế, bà Cù Thị Xuân Bích, em gái của TS Cù Huy Hà Vũ đã gửi đến các cơ quan truyền thông quốc tế “Lời Tuyên Bố” của bị cáo CHHV, có những điểm như sau:
“3/Tôi coi liên minh quân sự với Hoa Kỳ là cấp thiết và quyết định trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Quốc Gia và thu hồi toàn vẹn lãnh thổ bị nước ngoài xâm chiếm đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trên biển Đông.
Với những quan điểm đường đường chính chính, mà lại có “vụ án Cù Huy Hà Vũ tuyên truyền chống Nhà Nước CHXNCN Việt Nam” thì ai cũng phải thấy rõ, đó không gì khác hơn là sự đàn áp, trả thù của các thế lực phản nước hại dân, thù địch với dân chủ và nhân quyền.
… Tôi là một con con người bằng xương, bằng thịt, chứ không phải là sắt, là đá. Tôi có một mái ấm gia đình có những người con để chăm sóc, thương yêu chứ không phải để xa lìa. Nhưng tôi ngẩng cao đầu quyết giữ vững những quan điểm vì Nước, vì Dân ấy cho dù sự đàn áp, trả thù kia có khốc liệt đến đâu, để không hổ thẹn với truyền thống yêu nước của gia đình tôi…
Để không hổ thẹn với Tổ Quốc VN có lịch sử oai hùng 4.000 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Và cuối cùng, để không hổ thẹn với tất cả những ai đã dành trọn niềm tin nơi tôi trong cuộc đấu tranh vì Công Lý, Dân Chủ và Nhân Quyền ở Việt Nam.
Lịch sử, Tổ Quốc và Nhân Dân Việt Nam nhất định phá án cho tôi, công dân Cù Huy Hà Vũ.
Xin cám ơn”.
Theo bài viết về vụ án của nhà cách mạng Phan Bội Châu, thì sau đó thực dân Pháp đã ân xá cho nhà cách mạng Phan Bội Châu. Và theo tác giả Hải Hồ thì thực dân Pháp có lợi hơn nhiều khi ân xá cho cụ Phan Bội Châu. Không biết tác giả có ý khuyên khéo VC hay không?
Theo bài viết thì lúc bị thực dân Pháp xử án, cụ Phan Bội Châu đã già (60 tuổi). Lúc bị VC xử án, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ cũng không còn trẻ gì (trên 50 tuổi là cái tuổi tri thiên mệnh).
-TỪ VỤ ÁN BIỆN TOẠI Ở ĐỒNG NỌC NẠN ĐẾN VỤ ÁN ĐOÀN VĂN VƯƠN Ở TIÊN LÃNG:
-Cũng như vụ án của nhà cách mạng Phan Bội Châu, vụ án đồng Nọc Nạn xảy ra thời thực dân Pháp tại Phong Thạnh, Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu vào năm 1928 giữa gia đình nông dân Biện Toại, Mười Chức và giới cường hào là Bang Tắc và quan chức thời thực dân Pháp.
Đây là vụ án mà Trần Bạch Đằng, một lý thuyết gia của CSVN đã vơ vào cho rằng sự tranh đấu của nông dân đồng Nọc Nạn năm 1928 “là những tế bào hợp thành cương lĩnh đảng CSVN.”
Tòa đại hình Cần Thơ ngày 17-8-1928 tuyên án tha bổng và phạt nhẹ bên bị cáo Biện Toại.
-84 năm sau, ngày 5 tháng 1 năm 2012, một vụ án “đồng Nọc Nạn tân thời” lại xảy ra tại xã Vĩnh Quang, huyện Tiên Lãng, tỉnh Hải Phòng dưới sự lãnh đạo của Nhà Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Nạn nhân là các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và gia đình.
Khu đầm nuôi thủy sản do gia đình ông Đoàn Văn Vươn trồng rừng, lấn biển trong hàng chục năm trời đã bị đội cưỡng chế với khoảng 100 công an,
bộ đội trang bị tận răng có cả chó nghiệp vụ được chỉ huy bởi Đại Tá Công An Đỗ Hữu Ca đã bắn xối xả để tiến chiếm mục tiêu; nhưng khi chiếm được thì mới phát giác là ngôi nhà hai tầng lại nằm ngoài khu vực cưỡng chế! Sau đó những kẻ cưỡng chết đã thuê xe ủi ủi sập ngôi nhà mà chính vị chủy huy tiến chiếm tuyên bố: “Đây chỉ là cái chòi trông cá”.
Chuyện bi hài đã xảy ra là đạo quân cướp đất đầy đủ súng ống có 6 chiến sĩ (gồm 4 công an và bộ đội) bị thương vì súng hoa cải và bom tự tạo do cựu bộ đội Đoàn Văn Vươn tự chế!
Vụ án đã được chính ông Nguyễn Tấn Dũng, Thủ Tướng nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa VN đích thân chỉ thị giải quyết và tuyên bố là các quan chức huyện Tiên Lãng, xã Vinh Quang hoàn toàn sai trái. Thủ Tướng Chín Phuủ cũng đã ra lệnh thành lập Tổ điều tra xét xử. Chuyện khôi hài là những kẻ như Đỗ Trung Thoại (Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng), Đỗ Hữu Ca lại nằm trong tổ điều tra xét xử; do đó dư luận cho rằng đây là chuyện “Tướng cướp xét xử lâu la”.
Dư luận trông chờ ở sự xét xử công minh của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hoàn toàn thất vọng khi báo chí loan tin bọn nha trảo đã lợi dụng lúc vợ con anh Đoàn Văn Vươn vắng nhà đã đột nhập phá nát chiếc lều ở tạm và đập vỡ tan tành lư hương, bàn thờ của gia đình này.
Dư luận lại càng ngỡ ngàng trước việc các vị Cách mạng lão thành đã gửi kiến nghị đề nghị cách chức Nguyễn Văn Thành, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vì những lập luận hoàn toàn trái ngược với những gì mà Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ thị. Dư luận cho rằng hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” sẽ là nguy cơ dẫn đến chuyện đột tử của nhà nước CHXNCH Việt Nam.
“Vụ án đồng Nọc Nạn” cách đây 84 năm chỉ là vụ tranh chấp đất đai giữa nông dân và bọn cường hào ác bá ở địa phương.
“Vụ án đầm Tiên Lãng” ngày nay là vụ tranh chấp đất đai giữa những người nông dân thấp cổ, bé miệng đối đầu với một hệ thống cường hào, ác bá từ Trung Ương đảng CSVN đến các cấp địa phương vốn đã bị tha hoá từ trong xương tủy vì nạn tham nhũng; trong khi đó những kẻ lãnh đạo lại bị lệ thuộc vào đàn anh phương Bắc là “bọn bành trướng Bắc Kinh” lúc nào cũng lăm le biến Việt Nam thành một quận, huyện của chúng.
*
Về vụ án thực dân Pháp xử nhà cách mạng Phan Bội Châu 86 năm trước dư luận cho rằng thực dân Pháp xét xử văn minh và nhân đạo hơn nhà nước CHXHCN Việt Nam bây giờ nhiều.
“Vụ án đầm Tiên Lãng” không giản dị là vụ án xét xử vụ tranh chấp đất đai giữa nông dân và cường hào ác bá ở điạ phương như “vụ án đồng Nọc Nạn”.
Nạn nhân là anh nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng phải đối đầu với một hệ thống cường hào ác bá từ Trung Ương Đảng đến các cấp ủy Đảng ở xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Cũng như hàng ngàn, hàng vạn nông dân trên khắp đất nước đã biến thành dân oan vì bị nhà cầm quyền các cấp của đảng CSVN cướp đất đai đang nhìn về Tiên Lãng.
Tiếng súng hoa cải của anh “kỹ sư nông dân” Đoàn Văn Vươn đã bắn vỡ bức tường “sợ chế độ”, “sợ quyền lực”, báo hiệu nguy cơ đột tử của chế độ sẽ xảy ra bất cứ lúc nào.
Nói theo cách nói của Trần Bạch Đằng, (cố) lý thuyết gia CS, phải chăng “những tế bào hợp thành cương lĩnh đảng CSVN” đang bị phá vỡ hoàn toàn vì vi trùng tham nhũng mà những người lãnh đạo nước CHXHCN Việt Nam đã nuôi dưỡng trong hơn 60 năm cai trị đất nước, qua “vụ án đầm Tiên Lãng” vừa xảy ra vào những ngày đầu năm năm 2012?!
NGUYỄN THIẾU NHẪN
[*] Bài viết do tác giả có bút danh Hồ Hải hiện sống và làm việc tại Hà Nội – đề nghị không ghi tên thật (không phải BS. Hồ Hải – Tp Hồ Chí Minh) gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét