Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Phản biện và ý thức công dân



Bích Câu
Các trang mạng,các blog,…mấy ngày gần đây nóng lên vì phát biểu của giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học Việt nam, mang quốc tịch Pháp vừa lãnh giải thưởng Fields, về vai trò ,giá trị,và trách nhiệm phản biện của người trí thức đối với các vấn đề của xã hội.Ông giáo sư một mặt đề cao vai trò của phản biện xã hội khi cho rằng : “…cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng…”
Về khía cạnh sinh học,chết lâm sàng là tình trạng “tim bệnh nhân đã ngừng đập, não không có tín hiệu hoạt động, song không có nghĩa là người đó đã bị chết, mà đó chính là một trạng thái thứ ba của con người ngoài trạng thái sống và chết. Ở trạng thái chết lâm sàng này, các tế bào trong cơ thể con người vẫn còn sống.” .Với cách ví von một cách đầy ấn tượng như thế , giáo sư Châu đã coi phản biện xã hội của giới trí thức và cả không trí thức như là hoạt động không thể thiếu của bộ não trên cơ thể con người.Thiếu nó tuy xã hội vẫn tồn tại,vẫn sống nhưng sẽ phát triển hoặc thoái triển một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, lông bông, bất định như loài cỏ cây,cầm thú, không biết sẽ về đâu, khi nào sẽ tàn lụi !

Mặt khác ,song song với việc đề cao vai trò của phản biện như một nhu cầu sống còn của xã hội,ông cũng tỏ ra rất coi trọng những người tham gia phản biện dù đó là trí thức hoặc không phải là trí thức. Ông rất có lý ‎ khi ngầm cho rằng “Phản biện là công việc chung của mọi người trong xã hội,bất kể là trí thức hay không là trí thức. Ai cũng có thể, có “quyền”và không ai là độc quyền trong lãnh vực này” . Điều này rõ ràng là cũng rất đúng vì trên thực tế chẳng có điều luật nào dành đặc quyền này cho riêng một người nào, giới nào trong xã hội và lại càng không có bất cứ điều luật nào qui định nghĩa vụ và trách nhiệm thực thi việc phản biện các vấn đề xã hội đối với bất kỳ cá nhân hoặc thành phần nào .
Thế thì việc phản biện xã hội là công việc ai phải làm ? Hay là do vì không có một luật lệ nào ràng buộc ,cưỡng chế thi hành thì sẽ chẳng có ai đứng ra nhận làm lấy công việc “trên trời,trên mây” này ? Thực tế cuộc sống là câu trả lời cho thấy là : “hoàn toàn không phải như vậy” ! Thời nào,đời nào ,ở bất kỳ chính thể nào ở đâu cũng vậy đều luôn luôn có người – rất nhiều người là khác – luôn dũng cảm và đầy lòng hy sinh tự đứng ra đảm trách công việc phản biện đầy khó khăn này . Nếu trong lịch sử nhân loại không có những con người như thế đó thì nhân loại đã lịm chết trong cơn ngủ vùi “lâm sàng” từ lâu lắm rồi – như ông giáo sư toán đã nhìn thấy và phát biểu ở trên !
Phải chăng vì danh,vì lợi mà những con người này dám “liều mình” để làm những công việc khó khăn và không kém gian nan,nguy hiểm này ? Cũng có thể có loại người đó, nhưng không thể có nhiều được .Tiền bạc,danh vọng nào đâu chưa thấy – mà cho dù nếu có – thì đã bõ bèn gì so với thảm cảnh sẽ bị bắt bớ,đánh đập, giam cầm đọa đày trong các nhà tù của các chế độ độc tài toàn trị ! Phải có một động lực nào đấy hết sức mạnh mẽ, hết sức trong sáng,hết sức cao đẹp thôi thúc trong lòng thì họ mới có đủ dũng cảm và bản lãnh để làm ? Đó phải chăng chính là Ý THỨC CÔNG DÂN có sẵn trong huyết quản của mỗi con người trong một nước? Ý thức công dân thúc giục anh sinh viên,cậu học sinh ,…xếp bút vở ,công danh tình nguyện lao ra chiến trường cầm súng chống giặc ngoại xâm .Ý thức công dân có khi chỉ là những công việc “bé nhỏ” như lên xe bus nhường ghế cho người già,người tàn tật,phụ nữ mang thai,…
Hoặc làm các công việc từ thiện như cứu trợ đồng bào vùng bị thiên tai,bão lụt,hỏa hoạn v,v…Tất cả đều xuất phát từ cái ý thức của một người công dân yêu quê hương,yêu đất nước,yêu dân tộc,yêu cái cộng đồng nơi mình đang ở, sinh sống ! Vậy thì ‎ ý thức công dân cũng chính là ý thức của từng thành viên trong cộng đồng dân tộc vì tình yêu thương giống nòi,tổ quốc muốn và sẵn sàng làm mọi thứ,mọi cách để đất nước ngày một tốt đẹp hơn . Đứng trước biết bao cảnh bất công ,oan trái của xã hội hiện nay, những đường lối ,chính sách cai trị sai lầm, độc đoán,bạo ngược,phản dân hại nước… của nhà cầm quyền ,biết bao nhân sĩ, trí thức đã chấp nhận hiểm nguy “bạo gan” tự mình cất cao tiếng nói phản biện nhằm phê phán,cảnh tỉnh Đảng cộng sản và nhà nước Việt nam quay về với quốc gia,dân tộc cũng chính là từ cái ý thức công dân nóng bỏng ở trong trái tim họ ! Chẳng ai xui,ai khiến, mà cho dù có cấm đoán họ cũng cứ khẳng khái làm .
Nhìn dưới góc độ quyền con người và quyền công dân thì phản biện còn là cách hành xử quyền tự do ngôn luận mà bất cứ cư dân nào sống trên trái đất này đều có thể làm nếu muốn,nếu thấy…cần thiết .Người làm công việc phản biện xã hội như vậy có 2 chỗ dựa rất vững chắc cho việc làm của họ :
-Một là niềm tin vững chắc vào tự do ngôn luận là một quyền bất khả xâm phạm của con người
-Hai là ý thức về bổn phận của người công dân trong một nước là phải có thái độ, có ý kiến trước vận mệnh thịnh suy,an nguy của đất nước,cũng như các vấn nạn đầy rẫy phơi bày trong xã hội là một việc làm chính đáng, đúng đắn nên làm và phải làm
Để từ đó họ tự đặt lên vai mình một bổn phận,một trọng trách phải góp phần vào công việc phản biện của xã hội của đất nước giúp cho đất nước ,cho xã hội ngày một bớt đi điều xấu,điều hại đồng thời cũng có nghĩa là làm cho các điều tốt đẹp ngày càng triển nở thêm .
Có một niềm tin sắt đá như thế mọi người dân trí thức hoặc không trí thức sẽ thẳng thắn,
nhanh chóng và kịp thời lên tiếng trước các vấn đề có tính thời sự của xã hội,của đất nước.Dè dặt,thận trọng trong phản biện hoàn toàn khác với thái độ chờ thời ! Làm ngơ, né tránh,do dự,dè dặt hoặc thận trọng quá đáng,hay chọn thái độ chờ thời nhiều khi lại vô tình trở thành tiếp tay cho những việc làm sai trái của nhà cầm quyền, làm cho các vấn nạn xã hội vốn đã nan giải lại càng trầm trọng thêm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét