Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SÁT NHẬP NGÂN HÀNG, TÁI CẤU TRÚC NỀN KINH TẾ HAY THANH TOÁN VÂY CÁNH, SẮP XẾP LẠI NHỮNG NHÓM LỢI ÍCH THEO MỘT TRẬT TỰ QUYỀN LỰC MỚI ?

Khi cơn sốt địa ốc đang tăng nhiệt vào những năm cuối của thế kỷ trước, nhà nhà làm địa ốc, người người làm địa ốc. Không chỉ các Đại gia địa ốc như Trầm Bê, Minh HimLam, Lan Windsor, Loan hột vịt, Tâm Tân tạo… mà ngay cả các nghành như Dầu khí, Điện lực, Bưu điện, Hàng hải, Quân đội… đã đua nhau xin giấy phép thành lập Ngân hàng để đáp ứng phần nào cơn khát tiền.
Và dưới thời của Thống đốc Lê Đức Thúy và Thống đốc Nguyễn Văn Giàu, hàng loạt các Ngân hàng Thương mại cổ phần cũng như các tổ chức Tín dụng đã được cấp phép.
Tính đến quý 2/2008 tại Việt Nam đã có 5 Ngân hàng Thương mại nhà nước, 1 Ngân hàng chính sách(BIDV), 6 Ngân hàng Liên doanh, 38 Ngân hàng Thương mại cổ phần, 46 Chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 10 Công ty Tài chính, 13 Công ty cho thuê tài chính, 998 qũy tín dụng cơ sở, 5 Ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Chưa kể đến những tổ chức tín dụng đen, hoạt động không kém sôi nỗi trong lãnh vực huy động vốn trong xã hội. Và hậu quả là hàng loạt các vụ vỡ nợ lên đến hằng trăm tỷ, chỉ trong quy mô cấp huyện, xã trên khắp nước cuối 2011.
Chỉ với 10% dự trữ bắt buộc trên vốn pháp định và khoảng 2-3% trên vốn huy động, theo quy định của Ngân hàng nhà nước, các Ngân hàng Thương mại cổ phần được phép huy động không quá 20 lần vốn pháp định.

Chỉ cần làm một phép tính đơn giản, với một số vốn “làm phép” và đóng một khoản Dự trữ bắt buộc nhỏ bé, các Ngân hàng Thương mại cổ phần đã có thể huy động được một số tiền khủng. Tất cả số vốn huy động được đã được đổ vào những dự án Bất động sản, vốn là những đầu tư dài hạn, tối thiểu cũng phải 10 năm vì những “rắc rối” trong các khâu “trình”, “duyệt”, “thẫm định” dự án của các ban bệ. Qua các khâu này tối thiểu cũng mất hai năm. Rồi đến quá trình đền bù, giải phóng mặt bằng. Có những dự án tắc ở khâu này, kéo dài 5,10 năm hoặc thậm chí tắc cho đến tận ngày hôm nay vẫn dậm chân tại chổ.
Trong khi đó đa số vốn huy động được lại có thời hạn: từ ngắn hạn cho đến trung hạn. Chuyện “bóc ngắn cắn dài”, mất cân đối về cơ cấu thời hạn của vốn huy động, đã đẩy các Ngân hàng luôn ở thế mất cân đối về thanh khoản. Chuyện chạy đua về lãi xuất huy động là hệ quả tất yếu sẽ phải xẩy ra, theo đúng mô hình lừa đảo Ponzi, huy động của người sau trả cho người trước.
Khi lãi xuất huy động được đẩy lên 18-19% năm và lãi xuất cho vay lên đến lãi xuất “tàn sát” doanh nghiệp 23-25%/năm vào đầu 2011.
07/09/2011, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã ban hành chỉ thị hành chính 02/CTNHNN, quy định mức trần lãi xuất huy động là 14%/ năm.
Đã có nhiều bài viết, phỏng vấn báo chí, trực tiếp truyền hình trên các kênh truyền hình của các vị như nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao sỹ Kiêm, Tiến sỹ Lê Thẫm Dương và các nhà chuyên môn về Tài chánh tiền tệ…. Đa số đề cập đến việc sát nhập các Ngân hàng, Tái cấu trúc lại nền kinh tế v.v…
Tất cả các bài viết, trả lời phỏng vấn của các vị này đều vẽ ra một viễn cảnh “Tái cấu trúc” lại ngành Ngân hàng, nền Kinh tế, để có một nền Tài chánh lành mạnh với những lời có cánh. Thế nhưng ẩn dấu đằng sau cái thông thái, khi trả lời phỏng vấn hoặc đằng sau các bài viết ồn ào đó là một sự giả dối đến đểu cáng.
Thế nhưng sự thật đằng sau mệnh lệnh hành chính của Thống đốc Nguyễn Văn Bình là gì ???.
Sau chỉ thị 02/CTNHNN, các Doanh nghiệp có tiếp cận được với nguồn vốn với lãi xuất thấp hơn ??? Sự thật là hầu như không có doanh nghiệp nào được vay vốn với lãi xuất thấp hơn 23%/năm. Bằng chứng là đã có hơn 50.000 Doanh nghiệp đóng cửa hoặc phá sản trong năm 2011.
Vì với những người am hiểu về Tài chính và Ngân hàng thì chỉ thị 02/CTNHNN, đã đi ngược quy luật và quy trình trong lãnh vực Ngân hàng tiền tệ.
Theo thông lệ thay vì phải hạn chế đầu ra, tức phải khống chế lãi xuất cho vay, thì tất yếu lãi xuất huy động bắt buộc phải xuống. Ngược lại Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã khống chế lãi xuất huy động và bỏ ngỏ lãi xuất cho vay và hoàn toàn không ra bất cứ một chỉ thị hoặc văn bản hướng dẫn nào quy định về lãi xuất cho vay ???
Việc này có thể hiểu đây là cách mà Thống đốc Nguyễn Văn Bình gián tiếp “tá đao sát nhân”* tức nhân cơ hội để thanh toán bớt đi những tổ chức Tín dụng không “cùng cạ” với bộ sậu trong thành phần chính phủ mới.Xắp xếp lại những nhóm lợi ích theo một trật tự quyền lực mới.
Thật vậy với việc mất cân đối về thanh khoản, các Ngân hàng nhỏ, yếu đã phải vay Liên ngân hàng với lãi xuất qua đêm “khủng” 28-32% và với điều kiện phải có thế chấp. Cuộc tàn sát, cưỡng đoạt tài sản một cách hợp pháp, có giấy phép trong giới Ngân hàng đã và đang diễn ra một cách khốc liệt.
Kịch bản cũ của cách đối xử giữa Kiểm công ty Huy hoàng và Tăng Minh Phụng đang được lập lại trong lãnh vực địa ốc. Một đằng là Kiểm được khoanh nợ dãn nợ, để sau đó được bán đất với giá thị trường để trả nợ, một bên là Tăng Minh Phụng “được” đánh giá trị tài sản với giá 350đ/m2, thua một que kem Wall 500đ/que và cuối cùng Tăng Minh Phụng đã phải dựa cột.
Chợ An Đông của Trương Mỹ Lan với biệt danh Lan Windsor trong cơn khát tiền vì dính líu tới Trust Bank và các…Á Ngân hàng, đã được những con cá mập Ngân hàng định giá 1.200 tỷ, thấp hơn giá trị thật hàng chục lần. Nhiều dự án Bất động sản dang dở cũng đã và đang bị thôn tính theo kiểu ‘rừng rú” như vậy.
Nhiều Ngân hàng nhỏ chắc chắn sẽ bị sát nhập, nhưng không phải tất cả vì có những Ngân hàng tuy quy mô nhỏ nhưng lại có phần hùn cho dù là “hùn miệng” của các “Đại ca” rất to, sẽ vẫn tồn tại với những ưu đãi về lãi xuất cho vay qua đêm “ngầm”, để có thể trụ lại được .
Chỉ vì báo cáo trung thực, theo trọng trách chuyên môn được giao mà T, Cục trưởng cục An ninh Tiền tệ đã được Lê Hồng Anh “ưu ái” thông qua Tổng cục Xây dựng lực lượng, điều chuyển lên làm Cục trưởng Cục Tây Nguyên, một ngày trước khi bàn giao nhiệm vụ cho Trần Đại Quang. T thay vì ngậm miệng nhận phong bì, đã đụng chạm đến quyền lợi của nhóm lợi ích “cùng cạ” trong lãnh vực Ngân hàng với các Đại ca , giờ đây chỉ có nhá hạt cafe, ăn măng rừng, chờ nhận sổ hưu!!!
Cũng tương tự như vậy trong chiêu bài cho phép 5 Ngân hàng và SJC bán vàng ra với mục để bình ổn giá vàng và kéo chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức 400.000/lượng. Nhưng thực tế mục tiêu đó từ lúc được Ngân hàng nhà nước bật đèn xanh cho đến hôm nay hầu như không lúc nào đạt được???
Vì trong số các Ngân hàng tham gia bán vàng, có những Ngân hàng chỉ được cấp quota nhập vàng chỉ có số lượng cở 100kg/lần. Ngược lại có Ngân hàng, không có mạng lưới bán vàng chuyên nghiệp như Techcombank lại được cấp hàng tấn/lần??? Việc các Ngân hàng khác phải mua lại để cân đối lại quỷ tồn kho và vì thế chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới không được kéo xuống là một hệ quả tất yếu đã xẩy ra.
Sức khỏe của nền kinh tế, quyền lợi của cộng đồng, dân tộc đang bị bỏ thí để phục vụ cho cuộc tàn sát, thanh toán các nhóm lợi ích để sắp xếp lại các nhóm lợi ích theo một trật tự quyền lực mới, đứng đằng sau hậu thuẫn cho chủ trương của Thống đốc Nguyễn Văn Bình.
Sài Gòn 02/02/2012
Oanh Yến Thị Phạm
*Mượn dao giết người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét