Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Sở hữu toàn dân và vấn đề uỷ quyền, phân quyền

TS PHẠM GIA MINH
Trong lịch sử nhân loại không có điều gì lại gắn bó máu thịt với con người bằng khái niệm sở hữu và do vậy cái quyền thiết thân và thiêng liêng này phải được thể hiện trong cuộc sống một cách cụ thể , không chút mơ hồ.
Khẩu hiệu “người cày có ruộng” đã tập hợp hàng triệu nông dân đi theo cách mạng tháng 8/1945 để xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến. Một lời kêu gọi đáp ứng được tâm nguyện ngàn đời của người dân đã thực sự khơi dậy nguồn động lực mạnh như vũ bão. Và cũng chính nguồn động lực đó đã lụi tàn, heo hắt khi ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác bị đưa vào quản lý theo lối “cha chung không ai khóc” của mô hình kinh tế kế hoạch hóa thời bao cấp.

Những cải cách theo hướng phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN mà nét đặc trưng là kết hợp giữa nhiều hình thức sở hữu tư nhân, tập thể với sở hữu toàn dân là chủ đạo, sử dụng đòn bẩy thị trường dưới sự quản lý của nhà nước trong hơn 20 năm qua đã gặt hái những thành công bước đầu. Tuy nhiên hiện nay nó cũng đã và đang đặt xã hội trước những thách thức to lớn mà nguyên nhân sâu xa vẫn là vấn đề sở hữu chưa được giải quyết thấu đáo.
Phần lớn tư liệu sản xuất, cơ hội kinh doanh và đất đai hiện nay thuộc hình thức sở hữu toàn dân nhưng được đặt dưới sự quản lý của nhà nước. Nhà nước XHCN của chúng ta về nguyên tắc là do dân bầu ra và hoạt động vì dân, chịu sự giám sát của nhân dân, cho nên về thực chất, nhân dân đã ủy quyền cho các cơ quan nhà nước thực hiện quyền sở hữu của mình.
Để quản lý hiệu quả khối tài sản toàn dân đó, trên lý thuyết, nhà nước phải phân quyền cho các cấp địa phương, các tổng công ty và doanh nghiệp nhà nước trực tiếp kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đồng thời đáp ứng những quy luật của nền kinh tế thị trường.
Đối với mọi sự ủy quyền, người ủy quyền bao giờ cũng muốn “chọn mặt mà gửi vàng” cho người nhận ủy quyền, bởi vậy việc bầu những đại biểu nhân dân vào các cơ quan nhà nước càng minh bạch, công khai và dân chủ để chọn ra được những người được dân tín nhiệm cao thì càng củng cố lòng tin của quần chúng – những “người chủ thực sự khối tài sản xã hội” dưới chế độ XHCN. Sự thiếu vắng lòng tin vào những người “tuy không được chọn mặt mà vẫn giữ vàng” sẽ dẫn tới phản ứng tâm lý tiêu cực là người dân có xu hướng xà xẻo, thậm chí xâm phạm tài sản công một cách tràn lan.
Cũng phù hợp với luận điểm nhân dân là người chủ sở hữu đích thực khối tài sản công và đất đai hiện nay thì cần có cơ chế để trưng cầu dân ý trước những quyết định có tầm quan trọng lớn và lâu dài đối với quốc gia, dân tộc liên quan tới việc khai thác các nguồn tài nguyên vật lực và đất đai thuộc sở hữu toàn dân vô cùng thiêng liêng và quý giá đó.
Một trong những nguyên tắc hàng đầu của qui trình phân quyền là người được giao quyền phải có đủ năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đồng thời chịu sự giám sát khách quan, độc lập của một bên thứ ba và phải định kỳ báo cáo công khai, minh bạch trước công luận. Điều này trên thực tế đã bộc lộ những bất cập nghiêm trọng làm suy giảm hiệu quả của nền kinh tế, lòng tin của nhân dân và sự ổn định xã hội. Không phải ngẫu nhiên mà hơn 70% các vụ khiếu kiện trên cả nước trong thời gian qua đều liên quan tới đất đai. Khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai được quy định trong Luật đất đai hiện nay, với người dân trong nhiều trường hợp đã trở nên mơ hồ và rối rắm, kết cục là các chính quyền địa phương, với chức năng được phân định mới thực sự là các chủ nhân ông của các quỹ đất. Nhiều quan chức địa phương đã trở nên cực giàu trong một thời gian ngắn cũng vì nhờ lỗ hổng hiện nay của Luật đất đai. Vụ cưỡng chế đầm tôm của anh Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng và những hệ lụy kèm theo chỉ là phần nổi của tảng băng chìm lớn hơn rất nhiều, lừng lững trôi và đe dọa đâm thủng con tàu kinh tế Việt Nam đang tăng tốc. Việc sửa Luật đất đai để người dân yên tâm đầu tư phát triển kinh tế lâu dài đã trở nên bức thiết, thế nhưng việc xây dựng và củng cố những thiết chế xã hội nhằm giám sát hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước, đồng thời bảo vệ quyền sở hữu của những người chủ thực sự là nhân dân cũng phải được đặt ra không kém phần cấp bách.
Việc điều lệ đảng cho phép đảng viên được làm kinh tế tư nhân không hạn chế quy mô đã góp phần giải phóng năng lực nội tại của nền kinh tế, mặt khác những người được nhân dân ủy quyền và nhà nước phân cấp giao quyền quản lý nguồn vật lực và đất đai của toàn dân hiện nay phần lớn đều là đảng viên. Một khi cơ chế giám sát, kiểm tra có vấn đề hoặc phẩm chất đạo đức suy thoái thì khó tránh khỏi xu hướng các đảng viên có chức quyền sẽ lạm dụng vị trí công tác để biến của công thành của riêng một cách chót lọt. Hậu quả nhỡn tiền là nạn tham nhũng có cơ hội bùng phát, nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ tạo nên một nền kinh tế “gần giống thị trường” chủ yếu dựa trên quyền lực, quan hệ thân quen, phe nhóm lợi ích . Trong nền kinh tế kiểu này các chuẩn mực phân phối thu nhập sẽ bị bóp méo, những người giàu nhất sẽ không phải là những người làm việc có năng suất, hiệu quả, sáng tạo và chăm chỉ nhất mà là những ai có cơ may được tiếp cận với những trung tâm quyền lực. Rốt cuộc, trong xã hội hành vi đưa và nhận hối lộ để có các mối quan hệ “cánh hẩu” sẽ phổ biến hơn các hoạt động sáng tạo nhằm phát triển năng lực sản xuất và kinh doanh thực thụ. Trước áp lực phải nhanh chóng nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế để hội nhập và toàn cầu hóa thì tình trạng này quả là đáng lo ngại.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng cơ chế giám sát hành chính hiện tại được kế thừa từ thời kinh tế kế hoạch hóa tập trung, quan liêu bao cấp sau hơn 20 năm Đổi mới vẫn chưa kịp thích ứng với những biến chuyển nhanh chóng của kinh tế thị trường và kỷ nguyên thông tin kỹ thuật số nên đã trở nên kém hiệu quả và máy móc, xơ cứng.
Mặt khác việc không tách rời chính quyền với việc quản lý các doanh nghiệp đã không cho chính quyền đóng vai trò khách quan để đạt được các mục tiêu quản trị độc lập của mình.
Để khắc phục những nhược điểm nêu trên, không thể không nghiêm túc cải cách cơ chế ủy quyền và phân quyền quản lý sở hữu toàn dân . Chúng ta cần áp dụng có chọn lọc và sáng tạo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp mà thế giới đã gặt hái thành công, tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước một cách minh bạch bằng cách công khai thông tin trên sàn giao dịch chứng khoán và sớm thông qua những quy định pháp luật nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức quần chúng – xã hội được tham gia giám sát hoạt động và phản biện thực sự hoạt động của các cấp chính quyền và doanh nghiệp nhà nước.
Và để tất cả những mong muốn trên trở thành hiện thực chúng ta không thể không dựa vào quyền lực thứ 4 đó là truyền thông-báo chí hay sức mạnh của trí tuệ và muôn triệu lòng dân. Một nền báo chí trung thực, phản ánh đúng, đủ và kịp thời sự thật sẽ là một yếu tố liên kết xã hội, giúp thiện thắng tà và bảo vệ người ngay trước kẻ gian tham.
Không thể chỉ hô khẩu hiệu về kinh tế thị trường định hướng XHCN mà lại quên đi cái quyền sở hữu toàn dân vốn rất thiêng liêng, rất cụ thể và không bao giờ được chung chung, mơ hồ để đến nỗi bị xâm phạm.
Thăng long-Hà Nội 28/2/2012

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét