Photo courtesy of phapluat
Lực lượng cưỡng chế thu hồi đất nhà anh
Vươn hôm 05/1/2012.
Tiên Lãng qua vụ Đoàn Văn Vươn bây giờ là một thứ bom nổ chậm có thể lan rộng vì tỉnh thành nào của Việt Nam cũng có tình trạng oan sai về đất đai.
Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh phát biểu trên VnExpress vào ngày 10/2: “Vụ việc ở Tiên Lãng nếu không xử lý nghiêm minh nó sẽ lan tỏa ra cả nước.”
Những gì thể hiện trên báo chí chính thống hiện nay cho thấy, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam có vẻ muốn xoa dịu lòng dân tháo gỡ cái ngòi nổ Tiên Lãng. Báo chí sau khi đồng loạt phanh phui vụ Tiên Lãng thì nay mở các diễn đàn lớn đi tìm nguồn gốc của vấn đề, đây chính là câu chuyện sửa Hiến Pháp, sửa luật đất đai để không còn xảy ra những vụ Tiên Lãng khác.
Đa sở hữu đất đai
TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư pháp phát biểu với chúng tôi là mọi thay đổi trước hết phải bắt nguồn từ Hiến pháp. Ông nói:
“Mọi thứ đều đụng tới vấn đề sở hữu, bây giờ đã tuyên bố đất đai là sơ hữu toàn dân rồi nếu muốn sửa lại mà có gì thay đổi thì động chạm ngay vấn đề sở hữu cho nên bắt buộc phải sửa hiến pháp trước. Hồi năm 80 cũng đã sửa hiến pháp rồi mới ra luật…”
Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, từ lâu nay đã thấy chuyện là quyền lợi người dân không được bảo đảm và luật đã thể hiện sự hạn chế.
Dương Trung Quốc
Trên Tuần VietnamNet ngày 15/2, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc nhận định: “Vụ việc xảy ra ở Tiên Lãng chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng chìm rất to của rất nhiều những vụ việc tương tự liên quan đến việc thực thi Luật đất đai ở các địa phương trên toàn quốc chỉ vì nó không vương mùi thuốc súng làm chúng ta giật mình”.
Sử gia Dương Trung Quốc cho là phải tìm ra nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ tranh chấp đất đai kiểu Tiên Lãng. Ông nói với Đài ACTD:
“Quan điểm của tôi là phải tìm tận gốc, Luật đất đai đã đưa đến tình hình phải xem xét nghiêm túc, từ lâu nay đã thấy chuyện là quyền lợi người dân không được bảo đảm và luật đã thể hiện sự hạn chế, sự bất cập so với tình hình mà vẫn chưa được sửa đổi, cộng với việc các nhóm lợi ích họ tác động vào.”
VietnamNet ngày 15/2 với bài “Chuyện đất đai đến lúc cũng phải nhìn vào sự thật” nhà báo đã gút lại 1 giờ thảo luận bàn tròn với những nhận định đáng chú ý: “Đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực chất quan hệ đất đai của Việt Nam, để sửa Luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Ngoài những ý nghĩa về kinh tế, xã hội, nhân văn trong nước, việc sửa Luật đất đai lần này còn là cơ hội để chính quyền sửa lại những sai lầm đáng tiếc trong lịch sử, có như vậy mới củng cố được lòng tin của người dân vào chính sách quốc gia.”
Ba nhân vật thảo luận bàn tròn khách mời của VietnamNet gồm TS Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Tư pháp, GS Đặng Hùng Võ nguyên Thứ trưởng Tài nguyên môi trường và TS Đặng Kim Sơn Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn.
Căn nhà 2 tầng của anh Vươn bị san bằng sau cưỡng chế. Photo courtesy of nld.
Theo GS Đặng Hùng Võ, Hiến pháp năm 1959 của Việt Nam vẫn chấp nhận đa sở hữu về đất đai, trong đó có sở hữu của cá nhân người lao động và sở hữu của tư sản dân tộc với lý do nước ta đang trong giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đến Hiến pháp năm 1980, định nghĩa đất đai và các tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu toàn dân mà không có bất kỳ một xử lý tài chính nào. Hiến pháp năm 1992 cũng vậy. Vì thế Luật Đất đai năm 2003 ra đời trong điều kiện bảo đảm sở hữu toàn dân về đất đai, không thảo luận thêm về vấn đề này.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng sự không rõ ràng trong quyền sở hữu đất đai theo các qui định hiện hành là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tranh chấp trong lĩnh vực này. Chính vì qui định sở hữu toàn dân nên nhà nước mới có quyền thu hồi.
Xã hội muốn có thay đổi
Trong cuộc tọa đàm trên VietnamNet, TS Nguyễn Đình Lộc và TS Đặng Kim Sơn thể hiện quan điểm là phải sửa Hiến pháp trước thì mới có thể sửa các luật khác. Trong khi đó GS Đặng Hùng Võ nói nguyên văn: “có thể đi từ ý chí qua hiến pháp rồi tới sửa luật, cũng có thể đi từ sửa luật rồi nhìn vào hiến pháp rồi mới so lại ý chí.”
GS Võ góp ý, phải sửa Luật đất đai ở 9 nhóm vấn đề lớn, chúng tôi xin tóm luợc một vài nội dung quan trọng nhất, đó là thay đổi hình thức sở hữu đất đai, nới rộng hoặc loại bỏ hoàn toàn cả về hạn điền cũng như thời hạn đối đất nông nghiệp. Định giá đất phải theo nguyên tắc phù hợp giá thị trường, bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo cơ chế bồi thường một phần bằng đất, một phần bằng tiền gắn với quá trình thu lợi từ dự án đầu tư.
Chúng tôi nêu câu hỏi với nguyên Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Đình Lộc là có khả năng Quốc hội khóa 13 sẽ làm được việc sửa hiến pháp và Luật đất đai mà thay đổi cơ bản nhất là loại bỏ quan niệm đất đai là sở hữu toàn dân. TS Nguyễn Đình Lộc đáp lời trong tiếng cười:
Sửa luật đất đai phải sửa hiến pháp, tôi đồng ý với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về luật pháp. Nhưng theo tôi, cùng với những ý kiến đó thì cần phải thay đổi về đạo đức.
LS Bùi Quang Nghiêm
“Cái này thì họ vẫn đang tiếp tục suy nghĩ trao đổi…chưa dứt khoát được nhưng nói chung tâm trạng chung của xã hội là muốn có sự thay đổi vì bây giờ có nhiều sơ hở. Thay đổi vấn đề sở hữu thì thích hợp với tình hình hơn…trước đây chúng tôi cũng nghĩ là tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì nó có nhiều ưu thế đưa lại những thuận lợi cơ bản… nhưng trên thực tế thì không phải như vậy cho nên bây giờ phải điều chỉnh là vì thế… cũng có khả năng đấy nhưng tâm trạng nói chung là rất mong muốn…Nếu tất cả đồng thuận thì là chuyện đơn giản nhưng cũng có những người còn phân vân…cũng nên nhìn thấy là thay đổi về sở hữu thì mức độ như thế nào? Có phải trở về như cũ không…vấn đề là ở chỗ đấy. “
Trong khi cũng có những ý kiến có vẻ lạc quan về vấn đề tu chính Hiến pháp và cải tổ pháp luật cho hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của người dân tránh sự lạm quyền của chính quyền địa phương. LS Bùi Quang Nghiêm phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM phát biểu:
“Tôi tin là có thể thay đổi được với quyết tâm của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước và nếu như quan điểm rõ ràng đứng về phía dân như Thủ tướng vừa rồi thì tôi nghĩ là có thể thay đổi được….Tôi rất tin vào quyết tâm đổi mới của hàng ngũ lãnh đạo mới, đặc biệt là những bài học như vụ Tiên Lãng vừa rồi, người ta thay đổi nhận thức về vấn đề sở hữu đất đai, vấn đề giao đất, thu hồi đất và các hình thức sở hữu.”
Bi kịch “lạc quan”
Sử gia Dương Trung Quốc, ảnh chụp trước đây. Courtesy wikipedia.
Ở góc độ một nhà lập pháp đại biểu quốc hội, khi trả lời phỏng vấn trên Tuần VietnamNet, Sử gia Dương Trung Quốc nhận định rằng: “Việc xác định quyền sở hữu tuyệt đối của ‘toàn dân’ là ‘hư quyền’ quyền sử dụng là ‘thực quyền’ gần như sở hữu, nhưng vấn đề mấu chốt là lại giao quyền đại diện sở hữu, định đoạt cho bộ máy hành pháp từ cấp xã trở lên… biến nó thành một “đặc quyền” để vận dụng những văn bản đã chưa chuẩn mực lại thiếu sự giám sát dân chủ, thì trường hợp Tiên Lãng không phải là cá biệt nếu không phải là phổ biến.”
Đại biểu Dương Trung Quốc mong rằng vụ Tiên Lãng là một bi kịch lạc quan, đối với gia đình ông Vươn thì bi kịch đã rõ; một số quan chức liên quan thì có lẽ lúc này ăn ngủ không yên.
Nhưng vụ Tiên Lãng sẽ mang lại sự lạc quan nếu từ vụ việc này mà tất cả cùng tỉnh ra, nghiêm túc xem xét như một bài học, dám nhận những cái sai để sửa, dám điều chỉnh những cái chưa đúng để làm cho đúng, nhất là về hệ thống pháp luật và giải tỏa được nhiều trường hợp oan ức tương tự như ông Vươn.
Trong cuộc phỏng vấn của chúng tôi, LS Bùi Quang Nghiêm phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM trình bày ý kiến cá nhân:
Thay đổi vấn đề sở hữu thì thích hợp với tình hình hơn…trước đây chúng tôi cũng nghĩ là tuyên bố đất đai thuộc sở hữu toàn dân thì nó có nhiều ưu thế.
TS Nguyễn Đình Lộc
“Sửa luật đất đai phải sửa hiến pháp, tôi đồng ý với các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về luật pháp. Nhưng theo tôi, cùng với những ý kiến đó thì cần phải thay đổi về đạo đức, lương tâm của công chức, nói cụ thể là những người ở cấp xã cấp huyện cấp tỉnh, những người có thẩm quyền cấp đất, thu hồi đất của dân.
Tôi theo dõi trên báo chí thì tôi thấy là xã hội rất đồng thuận theo hướng những nội dung cụ thể của GS Đặng Hùng Võ và một số chuyên gia khác có ý kiến liên quan đến vụ Tiên Lãng…Đa sở hữu về đất đai nó giống như kinh tế nhiều thành phần, có những loại đất đai thuộc sở hữu Nhà nước, có những loại đất đai thuộc sở hữu tư nhân, có những loại đất đai thuộc sở hữu tập thể, có những loại đất đai thuộc sở hữu của các doanh nghiệp. Thời hạn giao đất phải tăng thêm hoặc là vô thời hạn như ý kiến của GS Đặng Hùng Võ”.
Việt Nam có nhu cầu sửa Hiến Pháp và Luật đất đai cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng mọi thay đổi vẫn đang ở phía trước và như ông Vũ Mão nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu với báo Dân Việt là nên trưng cầu ý dân và sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở kết luận ý dân vì lòng dân là trên hết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét