Pages

Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

Tại sao Bộ Công an chưa khởi tố vụ án hình sự tại Tiên Lãng, Hải Phòng?

LS. Hà Huy Sơn

“… không lẽ cơ quan điều tra của Bộ công an không thấy cần trực tiếp điều tra, chưa cần khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can đối với các cá nhân chỉ đạo, thực hiện và liên quan đến cưỡng chế, thu hồi đất, hủy hoại, cướp đoạt tài sản tại Tiên Lãng, Hải Phòng?”
Ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. Ngay sau đó 02 ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn và ông Đoàn Văn Quý trong đó có ngôi nhà 02 tầng và toàn bộ tài sản gia đình (tổng trị giá trên 500 triệu đồng), không nằm trong diện tích bị cưỡng chế, thu hồi đã bị đốt cháy, phá sập, san bằng hoàn toàn; riêng cây trồng, hoa màu, thủy sản bị chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng.
Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh và Đoàn Văn Vệ bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.

Ngày 16/01/2012, trao đổi với báo Người Lao Động, Đại tướng Lê Đức Anh: “cho biết đã theo dõi rất sát vụ việc này và khẳng định có “bốn sai” của chính quyền địa phương.
“Điểm sai đầu tiên là để sự việc kéo dài quá nhiều năm mà không xử lý đến nơi đến chốn và thấu tình đạt lý. Người làm được, làm tốt đáng lẽ phải động viên, tạo điều kiện nhưng lại cố thu hồi của người ta, đó là cái sai thứ hai. Việc thu hồi còn trái pháp luật là cái sai thứ ba. Cái sai thứ tư là chính quyền cố tình vi phạm luật pháp, dồn người dân vào chân tường, làm họ uất ức đến mức phải chống lại”, ông chỉ rõ.
Về việc ngôi nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn không nằm trong phạm vi cưỡng chế nhưng vẫn bị san phẳng, dẫn đến việc họ không còn nơi cư ngụ, Đại tướng Lê Đức Anh thẳng thắn, “đây là hành vi bất chấp luật pháp”, “chính quyền phải bồi thường cho gia đình ông Vươn”.
“Cả gia đình họ mất nhiều năm mới có thành quả như hiện nay mà chính quyền lại muốn thu hồi, điều đó là không được! Nếu TP Hải Phòng và Trung ương không xử lý nghiêm việc này thì rất nguy hại”, ông cảnh báo.
Ngày 17/01/2012 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng.
Ngày 20/01/2012, Báo cáo của Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ Tiên Lãng đã chỉ rõ những vi phạm pháp luật của UBND huyện Tiên Lãng có hệ thống từ năm 1993 đến nay.
Ngày 21/01/2012, Luật sư Lê Đức Tiết, thành viên đoàn giám sát của UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam nói về vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng nói: “Chính quyền chưa nhận ra bản chất vấn đề mà mới nói xem xét, hứa cải thiện. Còn việc thu hồi đất nhà ông Vươn thì họ nói loanh quanh, chưa minh bạch”.
Gia đình anh em nhà ông Đoàn Văn Vươn và một số người dân xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đã có đơn khởi kiện UBND huyện Tiên Lãng.
Công luận, các giới và mọi tầng lớp nhân dân trong cả nước bất bình, căm phẫn.
Hàng loạt các cơ quan báo chí nên tiếng chỉ rõ dấu hiệu của các tội theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung 2009:
1- Khoản 4, Điều 143.Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
2- Khoản 4, Điều 137. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:
“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.
3- Khoản 2, Điều 285. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng:
“Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”.
Căn cứ Điều 100, Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định dựa vào 01 trong 05 cơ sở để khởi tố vụ án hình sự thì như trên đã nêu có 03 cơ sở:
1. Tố giác của công dân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức;
3. Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Căn cứ khoản 4, Điều 110, Bộ luật tố tụng hình sự 2003, quy định “Thẩm quyền điều tra”:
“Cơ quan điều tra cấp trung ương điều tra những vụ án hình sự về những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra cấp tỉnh, Cơ quan điều tra quân sự cấp quân khu nhưng xét thấy cần trực tiếp điều tra”.
Như vậy, không lẽ cơ quan điều tra của Bộ công an không thấy cần trực tiếp điều tra, chưa cần khởi tố vụ án hình sự, khởi tố các bị can đối với các cá nhân chỉ đạo, thực hiện và liên quan đến cưỡng chế, thu hồi đất, hủy hoại, cướp đoạt tài sản tại Tiên Lãng, Hải Phòng?
Hà Nội, 02/02/2012
H.H.S.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét