Pages

Thứ Tư, 29 tháng 2, 2012

Tầm nhìn của con ngựa kéo xe

Trần Kinh Nghị

Hồi cuối những năm 1970s tôi may mắn được trong số ít ỏi lưu học sinh của nước Việt Nam XHCN sang du học tại Anh quốc TBCN. Đó cũng là thời kỳ khó khăn nhất của Việt Nam cả trên hai mặt trận đối nội và đối ngoại. Về đối nội, lúc đó chưa có đổi mới, vẫn còn nguyên chế độ bao cấp, thiếu đủ thứ từ cây kim sợi chỉ cho đến gạo, đường, mắm muối…Về đối ngoại, Việt Nam bị cả phương Tây và ông bạn láng giềng phương Bắc gây sức ép ghê gớm vì sự kiện Campuchia.
.
Thời kỳ đó, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Anh tương đối thân thiện. Tuy nhiên phía Anh chưa công nhận chế độ bằng cấp của Việt Nam và cũng dè dặt trong quan hệ chính trị , do đó chỉ cấp một số ít học bổng hạn chế trong lĩnh vực đào tạo giáo viên Anh văn, và chỉ cấp chứng chỉ (certificate), không cấp bằng master cho ai cả. Một số cán bộ trẻ được Bộ Ngoại giao được cử đi học phải đóng vai “giáo viên” của Đại học Sư phạm Hà Nội, và may mắn cũng vượt qua vòng thi tuyển . Sau khi hoàn tất thủ tục, đoàn du học sinh gồm 20 người chúng tôi lên đường trước Tết âm lịch năm 1978 bằng đường không qua Hồng Công để đến London. Đó là đoàn thứ 2 trong số 3 đoàn được thực hiện theo thỏa thuận giữa hai nước trước khi chương trình bị đình chỉ do tình hình quan hệ xấu đi trong bối cảnh vấn đề Campuchia và chiến tranh biên giới Trung -Việt.
.
Dù sao đối với chúng tôi, chuyến du học đó cũng là một chuyến du lịch “khám phá” đến cái gọi là thế giới tư bản “đang dẫy chết” . Ai cũng đều rất ngạc nhiên trước tình độ phát triển của Hồng Công và nước Anh, nơi có nhiều đường phố văn minh sạch đẹp và những công viên như thiên đường, với chế độ giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội khá lý tưởng. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng luôn tự nhũ phải giữ vững lập trường và đề cao tinh thần cảnh giác… Đi đâu, làm gì, tiếp xúc với ai chúng tôi đều cố gắng ít nhất có hai người để “bảo vệ” lẫn nhau (!) Đúng vậy, đó là trạng thái tinh thần và cũng là nội quy mà chúng tôi phải chấp hành. Có lẽ đó cũng là do kết quả của quá trình giáo dục, đào tạo ở nước ta một thời khiến ai cũng đều có cách hiểu giống nhau về mọi vấn đề. Sự hiểu biết đó dựa trên tình cảm dân tộc kết hợp với ý thức chính trị cứng nhắc trong mỗi con người. Nhưng đó là “bảo bối” để bất cứ người Việt Nam nào được cử ra nước ngoài có thể “đứng vững” trong quá trình sống và học tập ở môi trường mới lạ.
.
Tại Anh bọn sinh viên chúng tôi đã “va chạm” với rất nhiều dạng chính kiến khác nhau rất phức tạp trong những tình huống khác nhau, kể cả những hội thảo về các chủ đề nhậy cảm như vấn đề Campuchia, vấn đề người tị nạn, v.v… Trước những trường hợp khó, chúng tôi thường có bàn bạc trước để thống nhất cách ứng đáp. Giờ nghĩ lại tôi vẫn ngạc nhiên về khả năng “giữ vững lập trường” của chúng tôi trước mọi tình huống như thế. Chẳng hạn khi có người hỏi về vấn đề người di tản (boat people), chúng tôi giải thích là do một số phần tử thuộc chính quyền cũ không chịu cải tạo và hòa nhập vào xã hội mới, lại bị kích động của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam…; về tình trạng kinh tế trì trệ và đời sống khó khăn, chúng tôi giải thích là do hậu quả chiến tranh kéo dài… ; vấn đề Campuchia, chúng tôi giải thích là do âm mưu của các thế lực thù địch nước ngoài buộc Việt Nam phải tấn công để tự vệ đồng thời giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng …Vân vân và vân vân. Nghĩa là chúng tôi tìm mọi cách lập luận để Việt Nam bao giờ cũng là người anh hùng chân chính, không bao giờ làm gì sai trái; nếu có điều gì không ổn là do âm mưu của các thế lực phản động thù địch gây ra! Lạ thay, khi chúng tôi nói những điều đó đều được đa số người nghe tán đồng; nếu có ai không tán đồng họ cũng không phản đối gay gắt. Có lẽ điều này đã khiến chúng tôi ảo tưởng rằng mình đã thành công (!?) Nhưng sau này ngẫm lại, tôi thấy đó chỉ là bề ngoài và chỉ với những bạn bè “cả nể” không muốn tranh luận; còn dư luận thực sự đã chuyển sang thế bất lợi cho Việt Nam.
.
Dù sao, qua đó chúng tôi đã học được những bài học cay đắng nhưng bổ ích. Điều thú vị là, những bài học này trước hết đến từ những người vốn là bạn của Việt Nam, trong đó có bà già chủ nhà trọ của tôi. Bà lão này đã từng một thời rất tích cực tham gia phong trào đấu tranh chống Mỹ xâm lược Việt Nam. Hàng ngày , ngoài việc phục vụ ăn ở cho khách trọ, bà hay trò chuyện với chúng tôi về nhiều chủ đề. Có điều là cuộc nói chuyện nào hầu như cũng có tranh luận, nhất là khi nói về chủ đề quyền sở hữu và tự do cá nhân, vấn đề cải tạo công thương nghiệp và vấn đề Campuchia . Bà ấy hay đưa ra những nhận xét trái ngược với chúng tôi và tỏ ra rất thất vọng về những gì đang diễn ra ở Việt Nam thời kỳ sau chiến tranh. Chúng tôi giải thích kiểu gì bà ấy cũng chỉ lắc đầu và cười như chế nhạo. Lúc đầu tôi quyết tâm không để bị thuyết phục bới “bà già Ê-cốt” mà tôi cho là “thiếu thông tin” này . Nhưng rồi tôi nhận ra bà ấy có lý. Có lần bà bảo: “Người anh hùng hôm qua có thể biến thành tên đồ tể ngày hôm nay” để nói từ khi VN xâm lược CPC thì không còn là người anh hùng nữa!. Lần khác bà lại đưa ra nhận xét: “Chúng mày đều giống như con ngựa kéo xe bi tấm tấm da che hai bên mắt, chỉ nhìn thấy một hướng phía trước mặt… “. Tôi như điếng người trước lối nói ẩn dụ ấy của bà. Có lẽ chỉ những người thực sự yêu quý Việt Nam mới hiểu sâu sắc và nói ra những điều như thế.
.
Đó là bài học của tôi cách nay gần 35 năm rồi. Nhưng điều đáng ngạc nhiên và cũnng đáng tiếc là cho đến nay vẫn thấy nhiều người Việt Nam, kể cả giới lãnh đạo và quan chức, dường như vẫn chưa rút ra bài học như vậy. Trường hợp điển hình gần đây nhất là ông Bí thư Thành ủy Hải Phòng Nguyễn Văn Thành khi ông ta nhiệt thành bao biện cho những việc làm sai trái đồng thời viện dẫn nguy cơ phá hoại của các thế lực thù địch.
Nguồn: Blog TKN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét