Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Tăng đôi chi phí quốc phòng: Trung Quốc củng cố vị thế siêu cường

Một khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn của Trung Quốc đang thả neo tại cảng Trạm Giang, Quảng Đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/11/2007.
Một khu trục hạm có trang bị hỏa tiễn của Trung Quốc đang thả neo tại cảng Trạm Giang, Quảng Đông. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/11/2007.
REUTERS/China Daily/Files
Minh Anh
 
Sự trỗi dậy của quân đội Trung Quốc là đề tài được tờ báo thiên tả Libération số ra hôm nay đặc biệt quan tâm đến. Theo nhận định của thông tín viên Philippe Grangereau của tờ báo tại Bắc Kinh, qua việc tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng từ đây đến năm 2015, Trung Quốc đang củng cố vị trí siêu cường quốc của mình.
Tác giả đặt câu hỏi « Có phải Trung Quốc đang tìm cách thể hiện ưu thế quân đội tại Châu Á ? ». Philippe Grangereau cho biết, theo nội dung một bản báo cáo do các chuyên gia thuộc nhóm nghiên cứu IHS Jane’s của Mỹ công bố hôm thứ ba vừa qua, ngân sách chi cho quốc phòng tại Trung Quốc bất ngờ tăng gấp đôi từ đây cho đến năm 2015, tức từ 91 tỷ euro trong năm 2010 lên đến 183 tỷ cho năm 2015 (tương đương với 18,75%/năm). Trong khi đó, trước đây trong vòng hai thập niên vừa qua, mức chi này chỉ tăng đều 10%/năm. Từ sự bất thường này, tác giả bài viết đã tổng hợp lại các nhận định xoay quanh 4 câu hỏi lớn.

Trước hết, « Liệu có phải Bắc Kinh đang lao vào một cuộc chạy đua vũ trang ? ». Mặc dù Bắc Kinh vẫn thường xuyên duy trì quan điểm là hiện đại hóa quân đội chỉ nhằm một mục đích duy nhất là « bảo vệ đất nước » và học thuyết quân sự của họ là « sự trỗi dậy trong hòa bình ». Tuy nhiên lời giải thích này không mấy thuyết phục các nước láng giềng. Vì thế, từ Việt Nam cho đến Indonesia đều tăng ngân sách quốc phòng của mình.
Về phần mình, trong năm 2011 vừa qua, Mỹ cũng tăng cường triển khai thêm quân và các liên minh quân sự tại khu vực châu Á -Thái Bình Dương. Theo lời nhận định của một quan chức cao cấp tại Lầu Năm Góc thì việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh quân sự « có thể sẽ góp phần làm gia tăng thêm nhiều căng thẳng và lo ngại trong khu vực ». Trước lời khẳng định trên, Trung Quốc đã giận dữ đáp trả lại cho rằng nhận định trên là « vô căn cứ và chỉ dựa trên các giả thuyết ». Mặt khác, Mỹ cũng lo lắng về tính minh bạch của các hoạt động quân sự của Bắc Kinh, đất nước có đội quân lớn nhất thế giới với 1,25 triệu quân.
Hoa Kỳ cho là đây là một đội quân đặc biệt, bởi lẽ chỉ tuân theo lệnh của Đảng Cộng sản chứ không phải theo chính phủ. Nhiệm vụ hàng đầu của đội quân này là bảo vệ quyền lực của Đảng. Chính quân đội đã đàn áp những người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989. Vai trò của quân đội là « bảo vệ an ninh » đất nước. Vì vậy, hiển nhiên là việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng có liên quan đến những lo sợ về sự bất ổn của chế độ. Đúng lý ra, những đầu tư lớn cho quân đội chỉ có thể phục vụ cho việc can thiệp quân sự ở nước ngoài mà thôi.
Nhận xét về những khả năng quân sự của Bắc Kinh, tác giả cho rằng cho đến giờ đây vẫn còn là một bí mật lớn, kể từ sau các vụ xâm chiếm bất ngờ nhiều vùng phía Bắc Việt Nam vào năm 1979. Một điều có thể chắc chắn là Trung Quốc hiện đang sở hữu nhiều phương tiện để có thể biểu dương sức mạnh của mình. Từ việc sản xuất máy bay tàng hình J-20, có thể đưa vào hoạt động vào năm 2018, cho đến việc bắn vỡ một vệ tinh trên không trung năm 2007 và gần đây nhất là việc trình làng chiếc hàng không mẫu hạm mà sắp tới đây sẽ được đưa vào sử dụng. Theo quan sát của chuyên gia Aaron Friedberg, tác giả quyển sách về sức mạnh quân sự Mỹ-Trung tại châu Á, thì quân đội Trung Hoa còn sở hữu một tên lửa đất đối biển DF-21D, được điều khiển bằng vệ tinh, có khả năng đánh chìm các chiếc hàng không mẫu hạm của Mỹ cách xa bờ đến hàng trăm cây số.
Điều này cho thấy rõ là « học thuyết quân sự » của Bắc Kinh là « chủ động phòng thủ ». « Chúng tôi chỉ tấn công khi nào bị tấn công, nhưng các hoạt động của chúng tôi là ở thế tấn công. Các chiến dịch này không bị hạn chế bởi thời gian, không gian và biên giới. Chúng tôi hy vọng hội đủ các điều kiện để tung các chiến dịch phòng thủ, qua việc tập trung chủ yếu vào các điểm yếu của đối thủ ».
Như vậy « Trung Quốc có ý định gì đây ? ». Theo phân tích của chuyên gia Friedberg, « Bắc Kinh không hề có ý định thay thế hay đối đầu trực tiếp với Mỹ, nhưng họ muốn sở hữu khả năng ngăn chặn thủy quân lục chiến Mỹ tiếp cận vùng biển của mình trong trường hợp xung đột xảy ra ». Trong đó, tinh thần dân tộc chủ nghĩa cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng. Năm rồi, ông Lưu Minh Phúc, đại tá có tiếng tăm đã giải thích rằng « Chiến lược ngăn chận của Mỹ và mối đe dọa đang đè nặng lên chúng tôi là nguyên nhân chính khiến Trung Quốc phải phát triển quốc phòng ». Trong quyển sách « Giấc mơ Trung Hoa », vốn được đưa vào giảng dạy trong các học viện quân sự, ông này cho biết « mơ ước xây dựng một đất nước mạnh nhất thế giới và là cường quốc quân sự số một của hành tinh ». Quan niệm « Phú Cường », một đất nước giàu mạnh, đã từ lâu là mục tiêu quốc gia. Và chính ông Đặng Tiểu Bình, là người đã xác lập quan niệm này khi cho rằng « hãy giữ gìn sự rạng rỡ trong vỏ bọc của nó và hãy nuôi dưỡng bóng tối », nghĩa là trước mắt nên né tránh mọi sự đối đầu mà hãy tập trung vào sự phát triển nền kinh tế.
Mỹ trông đợi nhiều hơn ở Trung Quốc
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Le Monde có bài nhận định của tác giả Alain Frachon về chuyến công du Hoa Kỳ của ông Tập Cận Bình qua bài viết « Mỹ trông đợi nhiều ở Trung Quốc ».
Mở đầu bài viết tác giả nhận định, đấy là truyền thống. Trên phương diện ngoại giao, chuyến đi này thể hiện một cử chỉ lịch thiệp và bày tỏ sự tôn trọng với cường quốc duy nhất mà người Trung Quốc công nhận. Trong vấn đề nội bộ, việc duy trì quan hệ với Nhà Trắng khẳng định vị thế của ứng viên được chỉ định trong tương lai.
Ông Tập Cận Bình, năm nay 58 tuổi, đã được dự trù cho việc nắm giữ quyền lực tối cao. Được sự ủng hộ mạnh mẽ của bộ ba : Đảng, Quân đội và Chính phủ, ông Tập Cận Bình sẽ chính thức nắm giữ vị trí Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm nay. Ông sẽ điều khiển Quân ủy trung ương và tiếp đến là vị trí Chủ tịch nước vào năm 2013.
Chuyến công du Mỹ lần này chính là khúc dạo đầu cho sự thăng tiến từ từ của ông vào các vị trí quan trọng trong tương lai. Nó cũng đánh dấu mối quan hệ ưu tiên giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tác giả cho rằng cả hai đang nhảy một vũ điệu tango khôi hài : buộc phải ôm hôn thắm thiết do sự lệ thuộc lẫn nhau về kinh tế và tài chính. Trong khi đó, một chuỗi các bất đồng xảy ra, thậm chí có thái độ thù nghịch nhau.
Về mặt ngoại hình , tác giả mô tả ông Tập Cận Bình nhìn có sức hấp dẫn hơn người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào, mang dáng dấp lãnh đạo ngành công an, tóc rẽ ngôi, thái độ thận trọng. Trong khi đó, Tập Cận Bình lại có bộ tịch giốn như nam tài tử Mỹ John Wayne.
Ông thuộc tầng lớp quý tộc được mệnh danh là « những ông hoàng con », những đứa con của các cựu lãnh đạo thời Mao Trạch Đông. Ông sinh ra sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời năm 1949. Ông đi nhiều, thậm chí là đã nhiều lần đến Mỹ, con gái của ông là sinh viên trường đại học danh tiếng Havard. Anh trai của ông thì sinh sống tại Hồng Kông, và có một người chị thì ở Canada.
Thế nhưng, người Mỹ vẫn cảm thấy phải dè chừng nhà lãnh đạo tương lai. Bởi lẽ, ông Tập cận Bình cũng có cùng một quan điểm như các nhà lãnh đạo trước. Với Tập Cận Bình, Washington không trông chờ có một Gorbachev theo kiểu Trung Hoa, họ chỉ mong muốn thoát ra khỏi sự bảo thủ mà ông Hồ Cẩm Đào đã để lại dấu ấn đậm nơi người Mỹ. Trên các hồ sơ kinh tế và chiến lược, ông Tập Cận Bình đến với quyền lực trong giai đoạn đầy nan giải.
Tác giả cho biết, tại Mỹ, từ nhiều năm nay, các chiến dịch tranh cử đều đưa ra các khẩu hiệu chống Trung Quốc, vì họ cho rằng Bắc Kinh đã lấy mất việc làm của hàng triệu người và là một một đối tác gian lận.
Trên phương diện quốc tế, Hoa Kỳ chỉ trích Trung Quốc là quá rụt rè. Le Monde cho biết, ông Hồ Cẩm Đào luôn tuân theo một nguyên tắc của Đặng Tiểu Bình: không đi theo chủ nghĩa can thiệp. Mục tiêu hàng đầu là bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng. Đối với bên ngoài, Trung Quốc nổi tiếng là một quốc gia cực kỳ bảo thủ. Đối với Bắc Kinh, một thế giới lý tưởng là một thế giới mà ở đó không có bất kỳ sự thay đổi chế độ nào. Chủ quyền quốc gia là điều thiêng liêng. Do đó, Bắc Kinh chống lại mọi lệnh trừng phạt kinh tế và mọi sự can thiệp quân sự. Bởi lẽ, chính Trung Quốc cũng bị thế giới bên ngoài chỉ trích mạnh mẽ do các chính sách cai trị đối với Tây Tạng và Tân Cương.
Vì thế, Bắc Kinh cảm thấy khó chịu khi thấy các nước khác dám chỉ trích mình là quá thụ động. Trong một buổi họp báo tại Mehico năm 2009, ông Tập Cận Bình đã phản ứng gay gắt rằng « Có nhiều nước ăn no rồi không có gì khác để làm ngoài việc chỉ trích người khác. Trung Quốc đâu phải là quốc gia xuất khẩu cách mạng, không xuất khẩu nạn đói cũng như sự nghèo đói, […]. Thế thì, các ngài còn muốn gì ở chúng tôi nữa chứ ? »
Dĩ nhiên, lần này, ông Obama sẽ tử tế nói với Tập Cận Bình rằng Mỹ muốn Trung Quốc chủ động hơn nữa trên chính trường quốc tế, nhất là khu vực Cận Đông, một Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào việc chống tăng cường vũ khí hạt nhân qua việc không nên gây cản trở các lệnh trừng phạt chống Iran, một Trung Quốc không theo đuôi Nga trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, một Trung Quốc đầy nhiệt tình hơn trong việc chống biến đổi khí hậu v.v…
Ngành dệt may Trung Quốc có nguy cơ mất thế cạnh tranh
Về phần kinh tế, Le Monde cho biết do giá nhân công ngày càng cao nên ngành dệt may tại Trung Quốc đang bị một số quốc gia Đông Nam Á khác như Việt Nam hay Bangladesh cạnh tranh mạnh.
Le Monde cho biết, riêng tại Pháp, lượng áo thun nhập khẩu giữa tháng Giêng năm nay và tháng 12 năm 2011 từ Trung Quốc là 13%, trong khi đó Bangladesh chiếm vị trí đầu bảng là 28%.
Theo Le Monde, Trung Quốc sẽ mất vị trí đầu bảng tại Châu Âu bởi vì ngoài hai lý do giá thành coton và giá nhân công, nguồn gốc xuất xưởng đã làm nổi rõ những tác động của toàn cầu hóa và những điều bất ngờ trong chính sách quốc tế về « sourcing » (gia công ở nước ngoài). Le Monde trích dẫn một nghiên cứu cho rằng xu hướng sourcing trên thế giới sẽ còn tiến triển gây thiệt hại cho ngành dệt may Trung Quốc.
Một trong những nguyên nhân chính là do giá nhân công tại Trung Quốc tăng cao hơn gấp hai lần so với các nước khác như Bangladesh. Tại Trung Quốc lương công nhân ngành dệt may dao động trong khoảng 180 và 300 €/ tháng so với 80€ tại Bangladesh.
Mặt khác lượng nhân công có sẵn tại Trung Quốc cũng là một vấn đề gây khó khăn. Bởi vì, ngành dệt may cũng không nằm trong danh mục những ưu tiên hàng đầu của chính quyền Bắc Kinh. Hơn nữa, các nhà công nghiệp tại chỗ có chủ trương tập trung chủ yếu vào nhu cầu nội địa. Tiêu thụ coton tại Trung Quốc tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Trước nhu cầu ngày càng tăng trong nước, nhiều nhà công nghiệp địa phương có khuynh hướng bỏ rơi các đơn đặt hàng quốc tế nào mà số lượng quá ít.
Như vậy, trong tình hình này, một số nước khác có thể tận dụng cơ hội. Trên bình diện châu Âu, một nghiên cứu nhấn mạnh rằng nhập khẩu hàng dệt may xuất xứ từ Bangladesh, Pakistan hay Việt Nam đã tăng lên rõ rệt.
Bác sĩ, nạn nhân, đao phủ
« Bác sĩ, nạn nhân, đao phủ » là tựa đề một phóng sự của phóng viên Jonathan Littell và nhiếp ảnh gia Mani cho báo Le Monde tại Syria. Theo hai nhà báo, chế độ Bachar Al Assad cũng tỏ tàn bạo đối với những ai đến trợ giúp cho những người bị thương. Còn tại các bệnh viện quân sự, các điều dưỡng đôi khi còn là những kẻ tra tấn.
Tại Syria, không những việc lên tiếng, biểu tình, hay phản đối bị cấm đoán mà cả việc chăm sóc hay được chăm sóc cũng bị nghiêm cấm. Một dược sĩ tại vùng Baba Amro cho Le Monde biết « Là bác sĩ hay dược sĩ thật là nguy hiểm !».
Le Monde cho biết « bị bỏ tù, bị giết hay bị tra tấn » là những hình phạt dành cho những y tá, bác sĩ nào chăm sóc những người bị thương. Tại Homs, có hai bệnh viện, một dân sự và một quân sự, thì cả hai bệnh viện đều nằm dưới quyền kiểm soát của lực lượng an ninh. Một số nhà hầm hay phòng bệnh bị biến thành các phòng tra tấn. Chỉ còn lại một số phòng bệnh tư là chỗ dựa duy nhất, nhưng cũng thường xuyên bị tấn công. Tại một phòng bệnh tư, hai nhân viên y tá đã giải thích cho Le Monde biết họ « chỉ nhận các trường hợp khẩn cấp và không giữ lại người quá nhiều giờ. Lực lượng an ninh thường xuyên lui tới và bắt đi tất cả những người nào mà họ thấy được. Các bác sĩ bị ép buộc phải ký vào bản cam kết không chăm sóc những người biểu tình ». Họ còn cho biết thêm là trước đó năm ngày, một bệnh nhân đã chết do thiếu bác sĩ. Ngoài ra, thiếu thuốc men, dụng cụ y tế cũng gây nhiều khó khăn cho công tác cứu trợ.
Một bác sĩ từng làm việc trong bệnh viện quân đội tại Homs đã cho các phóng viên báo Le Monde xem 4 đoạn phim vidéo mà ông đã bí mật quay được trong một phòng hậu phẫu nhờ vào sự trợ giúp của một y tá và một loại caméra cài trong một cây viết. Trong các đoạn phim ngắn, các phóng viên báo Le Monde thấy rõ năm bệnh nhân , hầu như không có quần áo trên người quấn trong các tấm trải giường, mắt bị bịt kín, một bên chân bị xích vào thành giường. Các phóng viên còn thấy rõ phần thân phía trên của hai nạn nhân còn hằn rõ hai vạch đỏ còn rất mới, rõ ràng là những cú roi. Trên bàn là các dụng cụ tra tấn : hai cái roi mềm, dây cao su, và một dây cáp điện. Hai trong số bệnh nhân khác thì bị rơi vào hôn mê sâu do không được chăm sóc.
Nhiều nhân chứng sống sót đã cho các phóng viên báo Le Monde biết rằng, những người bị thương không những không được chăm sóc, mà còn bị tra tấn dã man nhằm khai thác thông tin, sau đó lại bị bỏ vào ngục. Do đó, nhiều người trong số họ đã chết do các vết thương bị viêm loét nghiêm trọng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét