Pages

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

Thành phố Hoa Cải đỏ

Đào Tuấn

“Hải Phòng đã phạm một sai lầm lớn trong việc bảo vệ hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân khi huy động cả một đạo quân với đủ các sắc phục, với dao gậy, súng ống và cả chó, chỉ để thu hồi đất của một gia đình người dân.”
Sau vụ án Cống Rộc, trên mạng Internet, Hải Phòng được nói đến với biệt danh mới: Thành phố Hoa Cải đỏ. Nhưng cần phải nói ngay, đây là sự mỉa mai dành cho chính quyền, khởi nguồn từ sự cảm thông, quan tâm tới số phận người nông dân Đoàn Văn Vươn. Vài ngày trước, bị can Đoàn Văn Vươn xuất hiện trong một clip do CA Hải Phòng cung cấp, đầu bị cắt trọc. Nhưng không phải vì thế người dân thôi gọi là “ông Vươn”. Trong khi về phía chính quyền, vụ Tiên Lãng đang phơi bày một sự thật, quan chức giờ hoàn toàn không phải là phụ mẫu, lại càng không phải là công bộc của dân. Người dân chẳng bao giờ chĩa súng hoa cải vào cha mẹ hay công bộc của mình.

Hôm qua, hơn một tháng sau vụ chính quyền Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế, thu hồi khu đầm của người nông dân cùng quẫn Đoàn Văn Vươn, Hải Phòng mới có cuộc họp báo công bố quyết định tạm đình chỉ 2 quan chức cấp huyện và kiểm điểm 3 quan chức cấp xã. Một quyết định quá muộn, quá tạm bợ và chẳng có gì bất ngờ với dư luận. Đó cũng chỉ là một quyết định tạm đình chỉ, kiểm điểm, để tiếp tục làm rõ trách nhiệm, dù trách nhiệm của họ đã rõ như ban ngày, với ít nhất 5 điểm sai phạm mà ngay Bí thư Thành ủy Hải Phòng cũng đã thừa nhận.
“Không có phương án sử dụng đất sau thu hồi”- Vậy thì mục đích thu hồi là gì, nếu không chỉ nhằm tước đoạt?
Không thành lập Hội đồng đền bù- Đó là một lối thu hồi của kẻ cướp, bất chấp đó là toàn bộ tài sản, thậm chí là món nợ của người dân. Không tổ chức đối thoại- Kẻ cướp có bao giờ cho phép nạn nhân được quyền “được trình bày”.
“Để xảy ra” việc phá hủy tài sản của dân” Và “Thời điểm cưỡng chế “sát Tết cổ truyền”- một kiểu “sống chết mặc bay” kinh điển trong văn học!
Người nông dân cùng quẫn cần chĩa súng vào đâu, có lẽ tự họ biết, dù họ cũng biết trước được cái giá phải trả.
2 trong số cán bộ bị tạm đình chỉ, kiểm điểm là một cặp anh em ruột: Lê Văn Hiền, Chủ tịch Huyện Tiên Lãng và Lê Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Vinh Quang. Có người đã nói đến vụ Tiên Lãng như một điển hình cho thấy khoảng cách giữa chính quyền và nhân dân. Và, cũng không phải vô cớ mà có người cho đây là một điển hình cho sự hà hiếp: “Chính quyền anh” cấu kết với “Chính quyền em” để hà hiếp người dân.
Nhưng 5 cán bộ bị tạm đình chỉ có lẽ chưa phải là con số cuối cùng. Còn nhớ sau khi Tiên Lãng ra quyết định thu hồi đất, người nông dân Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện ra tòa. Tại phiên hòa giải ở tòa phúc thẩm, đại diện UBND huyện Tiên Lãng là ông Phạm Văn Hoa, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường đã hứa Huyện sẽ tiếp tục cho ông Vươn thuê đất nếu ông rút đơn kiện. Người nông dân dù có bằng kỹ sư nông nghiệp, dù đã chiến thắng cả “thần biển” đã tin vào lời hứa của chính quyền. Nhưng ngay sau khi ông vừa rút đơn, chính quyền ra quyết định cưỡng chế thu hồi toàn bộ khu đầm mà ông đã đổ mồ hôi, đổ máu, đổ cả mạng sống của con mình mới có được.
Một sự lật lọng không hơn không kém.
Trong buổi họp báo chiều qua, đã có một câu hỏi được đặt ra: Vì sao cuộc họp báo do Thành ủy, mà không phải do UBND TP chủ trì. Việc Thành ủy chủ trì cuộc họp báo, và lớn hơn là việc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong vụ cưỡng chế đất của dân, đang là một tín hiệu tốt để có thể coi Tiên Lãng là địa phương khởi đầu cho việc thực hiện nghị quyết TƯ 4 về xây dựng chỉnh đốn Đảng. Mà việc đầu tiên là khôi phục lòng tin của người dân vào chính quyền.
Nhưng lòng tin sẽ được khôi phục ra sao khi sau hơn 30 ngày, đến giờ, Hải Phòng vẫn trả lời nước đôi về vấn đề mà dư luận cả nước quan tâm nhất là số phận khu đầm mồ hôi nước mắt của người nông dân lấn biển.
Và dù có bộ máy công an, kiểm sát trong tay, đến giờ họ vẫn dùng từ “để xảy ra” việc tài sản của người dân bị phá hủy, thay vì thẳng thắn thừa nhận, chỉ rõ lực lượng đã phá hủy.
Hải Phòng đã phạm một sai lầm lớn trong việc bảo vệ hình ảnh của chính quyền trong mắt người dân khi huy động cả một đạo quân với đủ các sắc phục, với dao gậy, súng ống và cả chó, chỉ để thu hồi đất của một gia đình người dân.
Và việc tạm đình chỉ, yêu cầu kiểm điểm lần này cũng giống hơn với việc vỗ an dư luận. Nhưng nếu như thế, làm sao có thể lấy lại lòng tin của nhân dân vào sự công chính của chính quyền?
Bởi điều nguy hiểm nhất của một chính quyền là mất đi lòng tin của người dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét