Pages

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012

Thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ đau đớn

RFA PHOTO
Tòa nhà trụ sở Tổng công ty Hàng hải
Việt Nam tại Hà Nội hôm 30/07/2011.
Nam Nguyên, phóng viên RFA

Câu chuyện thoái vốn đầu tư ngoài ngành lại rộ lên gần đây cùng với vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó bao gồm khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Những số liệu chính thức cho thấy khu vực quốc doanh với 08 tập đoàn kinh tế, 96 Tổng công ty, công ty lớn nắm giữ số vốn khổng lồ của Nhà nước lên tới 400.000 tỷ đồng. Nói cách khác các doanh nghiệp Nhà nước đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia, 60% tổng tín dụng ngân hàng trong nước và tổng vốn vay nước ngoài, nhưng chỉ làm ra khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước là hơn 20.000 tỷ và Thủtướng cũng quyết định là việc thoái vốn phải kết thúc trước năm 2015.
TS Lê Đăng Doanh
Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, số liệu thiết lập năm 2009 cho thấy để tạo ra một đồng doanh thu, doanh nghiệp nhà nước phải sử dụng 2,2 đồng vốn trong khi doanh nghiệp tư nhân chỉ cần 1,2 đồng vốn so với 1,3 đồng vốn của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Làm ăn bết bát như vậy nhưng các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp Nhà nước đã mạnh tay đầu tư ngoài ngành một cách tràn lan với hy vọng tìm thấy những món lợi béo bổ nhanh chóng mà không lường trước những rủi ro trong một bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn.


Khi chính phủ nói chuyện tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước trong một tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế một cách rộng lớn, thì trên các diễn đàn xuất hiện nhiều cuộc thảo luận vấn đề thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước.
TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập ở Hà Nội nhận định:
“Thủ tướng chính phủ đã có quyết định rất kiên quyết và đứng đắn là các tập đoàn nhà nước phải thoái vốn khỏi các đầu tư ngoài ngành, thí dụ như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản bảo hiểm, khách sạn nhà hàng du lịch…Theo như con số sơ bộ thì đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn nhà nước là hơn 20.000 tỷ và Thủ tướng cũng quyết định là việc thoái vốn phải kết thúc trước năm 2015… đến cuối năm 2015 là phải kết thúc.”
Theo báo cáo đệ trình Quốc hội của Bộ Tài chính, tổng vốn đầu tư ngoài ngành của doanh nghiệp Nhà nước là khoảng 21.800 tỷ đồng. Trong đó đầu tư ngoài ngành vào lãnh vực ngân hàng là hơn 10.000 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2010 các đại gia nhà nước cũng đã đầu tư hơn 9.000 tỷ đồng vào chứng khoán và bất động sản.

Tap-doan-xang-dau-12-250.jpg
Trụ sở Petro Việt Nam tại Hà Nội hôm 24/12/2011. RFA PHOTO.
Có những chỉ dấu cho thấy sự thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước ở các lãnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán là đầy khó khăn bất trắc và ở lãnh vực ngân hàng cũng chẳng thua kém gì. Một thí dụ cụ thể về lượng vốn đầu tư ngoài ngành đã đổ vào chứng khoán, sau một thời gian khởi sắc ban đầu, hiện nay thị trường chứng khoán của Việt nam cho thấy những chỉ dấu đầy bất trắc chỉ số VN-INDEX của sở giao dịch chứng khoán TP.HCM chỉ quanh quẩn ở mức 400 và giá niêm yết cổ phiếu trên thị trường của nhiều doanh nghiệp thấp hơn giá trị sổ sách.

TS Lê Đăng Doanh tiếp lời:
Tái cấu trúc làm mạnh và lẹ quá thì có thể bị ảnh hưởng, thí dụ nhưkhu vực nhà Nước hiện nay họ đang rất lớn làm rất nhiều việc, nếu rút lẹ quá thì sẽ ảnh hưởng.
Bà Phạm Chi Lan

“Bây giờ đang là 2012 và trong vòng 3 năm phải thoái vốn 20.000 tỷ đồng. 20.000 tỷ đồng đó sẽ được thoái vốn theo cơ chế thị trường tức là sẽ đưa ra chào bán và sẽ có nhà đầu tư người ta mua lại, vấn đề là phải xác định một cái mô hình như thế nào cho thích hợp, một lộ trình thích hợp và tìm kiếm được nhà đầu tư để tạo ra sự cân bằng hợp lý giữa các nhà đầu tư và việc thoái vốn, để tránh việc thoái vốn ào ạt sẽ dẫn đến mất cân đối và giá của các cổ phiếu thoái vốn chào bán sẽ bị giảm xuống nhiều quá.
Đấy là những điều mà tôi nghĩ rằng sắp tới đây chính phủ cần phải làm để bảo đảm việc thoái vốn này nó cũng có lợi cho cả các bên tập đoàn đã đầu tư và cũng có lợi cho nhà đầu tư đi mua lại các dự án đó.”

Tái cấu trúc đầu tư

Đảng cộng sản Việt Nam đã quyết định thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và tập trung vào ba trọng tâm, gồm tái cấu trúc đầu tư nói chung và đặc biệt khu vực đầu tư công. Thứ đến là tái cấu trúc hệ thống doanh nghiệp đặt trọng tâm là khu vực doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty tập đoàn kinh tế nhà nước. Và sau hết là tái cấu trúc khu vực tài chính đặt trọng tâm là các ngân hàng thương mại.
Khi thực hiện thoái vốn đầu tư ngoài ngành doanh nghiệp nhà nước sẽ phải chọn lựa giữa việc thu hồi vốn để bảo toàn và đầu tư đúng ngành nghề hay chuyển vốn hoặc chuyển giao doanh nghiệp ngoài ngành. Thoái vốn là một tiến trình song hành với tái cấu trúc nền kinh tế. Sự lo ngại rút dây động rừng của cả một hệ thống quốc doanh nhiều đặc quyền đặc lợi là có thực, đến nỗi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải lên tiếng trấn an. Bà Phạm Chi Lan nguyên thành viên ban tư vấn của Thủ tướng chính phủ nhận định:

Tap-doan-than-khoang-san-250.jpg
Trụ sở Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tại Hà Nội hôm 18/11/2011. RFA PHOTO.
“Ở đây cũng có những mối lo ngại, sợ là nếu làm tái cấu trúc làm mạnh và lẹ quá thì có thể bị ảnh hưởng, thí dụ như khu vực nhà Nước hiện nay họ đang rất lớn làm rất nhiều việc, nếu rút lẹ quá thì ảnh hưởng việc họ đang làm, đến công ăn việc làm của những người trong khu vực đó. Thủ tướng nói rút dây không động rừng có lẽ là có ý đó. Vả lại đang có nhiều chuyện trong khu vực ngân hàng và khu vực doanh nghiệp Nhà nước, nếu làm tái cấu trúc nhanh thì có thể Nhà nước phải đổ một khoản tiền rất lớn hỗ trợ cho khu vực này đã, rồi mới có thể thay đổi tiếp được. Nhưng nếu làm như vậy thì lại tạo ra gánh nặng mới, ý của Thủ tướng nói là rút dây mà không động rừng, không ảnh hưởng ổn định tôi hiểu là nằm trong những nội dung đó.”

Ba mươi sáu tháng để hoàn tất việc thoái vốn tổng cộng 21.800 tỷ đồng là một điều không dễ dàng. Nhất là tình trạng đầu tư ngoài ngành chủ yếu nằm ở các lãnh vực nhiều rủi ro. Việc thoái vốn như các chuyên gia nhận định là cần có kế hoạch cụ thể, có lộ trình thích hợp.
Trong lúc này, nhiều người lo ngại là thoái vốn khỏi bất động sản và chứng khoán là chưa thể thực hiện một cách cấp bách, vì trị giá vốn thu hồi sẽ mất mát rất nhiều. Nhưng như GS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Hội đồng Tư vấn Tài chính Tiền tệ Quốc gia từng phát biểu: “Kinh doanh cũng có những nguyên tắc của nó, có nghĩa chấp nhận ngừng lỗ còn hơn để lỗ kéo dài.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét