Pages

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

Trò hề ở Tiên Lãng Hải Phòng, thôi đi được rồi!

Cái tài của các diễn viên ở đây không phải nằm ở khả năng diễn xuất hay truyền tải thông điệp từ cái kịch bản đang được kỳ vọng. Chất liệu của vở diễn cũng không phải là các yếu tố mang tính nghệ thuật như niềm tin, trách nhiệm và sự tự trọng. Tài năng mà họ đang thể hiện trước hết nằm ở khả năng bất chấp dư luận, trơ trẽn trước mọi sự phán xét mang tính đạo đức. Tệ hại hơn nữa, cái phẩm chất con người ngày càng ít đi để thay vào đó là tính chất của một đám dã thú. Còn chăng chỉ có cái lốt người.
Hãy xem lại vở diễn của họ. Chính quyền xã Vinh Quang và huyện Tiên Lãng chợt nhận ra ở cái Cống Rộc lại có một thằng cha đang có một cái bánh rất ngon. Và cả khu đất xung quanh đó rõ ràng là đang bốc lên một thứ mùi hấp dẫn của hàng đống tiền. Có điều, cái mồi đó lại nằm trong tay mấy “thằng nông dân”, những kẻ mà chúng cho là “rất thuần” và lúc nào cũng như cá đang nằm trên thớt. Mấy chục héc ta đầm đó mà thuận lợi mỗi năm cho việc nuôi thủy sản, chắc chắn nó sẽ là một cỗ máy lớn đẻ ra tiền. Cái thứ tiền mà người ta chẳng phải bỏ công, bỏ sức ra mà vẫn có được thì chao ôi, còn gì bằng! Chẳng phải bấy lâu nay các vị đều sống cho cái lẽ sống đó hay sao?

Thế là bất chấp, pháp luật của nhà nước, công sức bồi đắp tu tạo, chăm sóc của mấy ông nông dân…làm thế nào cũng phải cướp cho bằng được. Ban hành quyết định thu hồi do hết thời hạn không được thì vẽ ra dự án. Vẽ ra dự án không được thì bảo người ta chỉ ngồi không hưởng lợi rồi tạo cớ mất công bằng để thu hồi. Trò này không ăn thua thì tính kế thuê đàn em là xã hội đen đến cướp bóc, đe dọa. Và đến nước này nếu những kẻ “rất thuần” kiakhông nghe thì vẫn còn một chiêu cuối cùng: cưỡng chế. Có lẽ, trong danh mục những từ ngữ ghê tởm thì từ này làm cho người ta ghê tởm và sợ hãi nhất. Nó gắn vào bản chất, nó làm nên tính chất của những kẻ bẻ cong luật pháp làm cái kìm cặp cổ những ai không vừa lòng chúng.
Đùng một cái, vụ cưỡng chế xảy ra. Mà cũng nên nhớ rằng, ở Việt Nam bây giờ người ta dùng từ “cưỡng chế” một cách thuần thục lắm. Thuần thục từ phía kẻ lấy cái lý do đó để mưu lợi cho cánh hẩu của mình đến cả những người là đối tượng bị cưỡng chế. Kẻ mang lệnh đi cưỡng chế thì hoan hỉ nghĩ đến phần bánh của mình khi chiếc bánh được cướp xong. Còn người bị cưỡng chế thì căm giận, phẫn uất đến mức nếu phải chọn cái chết vì đã vào thế đường cùng thì cũng phải chết cùng với mấy “thằng” khác nữa. Suy cho cùng thì họ cũng có còn gì mà sợ mất?
Đến lúc này, cái tài của họ lại thể hiện ở cái tài đổi đen thành trắng, bốc vữa trộn bùn đen. Công an, Quân đội, vốn là các lực lượng chức năng có nhiệm vụ thiêng liêng là Bảo quốc, An dân bỗng chốc trở thành những kẻ đồ tể, thành công cụ phục vụ lợi ích của các quan cát cứ. Giả thử, nếu lúc Đại Ca (Đại ca Đỗ Hữu Ca) mà nhìn thấy vài người trong nhà của anh Vươn rồi hô “bắn!” theo đúng kế hoạch, thì có lẽ những “kẻ chống đối” trong kia cũng thành tan xương nát thịt. Vậy là, trong phút chốc, những người dân côi cút hiền lành trở thành một lũ tội phạm. Còn mục đích cướp đoạt trắng trợn của các quan lại rũ mình trong một hình ảnh lung linh. Chẳng phải chính Đại Ca đã làm thơ về vụ cưỡng chế còn gì?
Vở diễn chưa kết thúc. Sau kết luận của Thủ tướng ngày 10.2, người ta đã kỳ vọng cái ngày “sau ngày mai” đó và những ngày khác nữa, Công lý và Lẽ phải sẽ là đôi chân của một cơ thể vừa gục ngã đã biết đứng dậy, sửa sai và tự trọng về bản thân ttrước những tha hóa. Nhưng hóa ra, căn bệnh ung thư này không nằm ở những cái ung nhọt Hải Phòng. Nó ăn ra khắp cơ thể, nó ăn vào máu, vào tủy những kẻ đang mang danh cai trị dân. Và các diễn viên trơ trẽn ở Hải Phòng lần này lại thể hiện một cách nhem nhuốc nhất có thể vai trò của mình: chia nhau những vị trí trong một ủy ban “khắc phục hậu quả”.
Đây mới là đỉnh cao của nghệ thuật diễn tả năng lực khốn nạn của các vị. Từ việc đưa tay Đỗ Trung Thoại là Trưởng ban điều hành, tay Đại Ca thành kẻ nắm quyền điều tra; đến việc thay Thoại bằng một tay khác trong bộ sậu thành phố và ẩn danh Thoại thành một “phó chủ tịch phụ trách ngành…” là cả một nghệ thuật mà giá trị của nó vượt xa những gì người ta lo ngại về sự tha hóa trong bộ máy.
Nhưng các vị đừng vội cười, hay đơn giản là tức giận mà tung ra một vài câu chửi. họ đang rất nghiêm túc đấy. Bằng tất cả năng lực và sự thèm muốn xen lẫn tiếc nuối. Thêm vào đó là một chút vừa đủ sự tự tin, các ông quan nhiễm bẩn này đang “đánh bùn sang ao” để cho mọi thứ trở về như cũ đấy. Ngày trước, khi việc chưa vỡ lở, họ còn đeo những chiếc mặt nạ tử tế. Còn bây giờ, chẳng có ai cần đến chiếc mặt nạ nào. Làm gì còn chiếc mặt nạ nào đủ tởm lợm nữa?
Tấn kịch này, ai cũng biết cả rồi các ông ạ, thôi đi được rồi đấy!!!
H.A
(Huỳnh Văn Đệ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét