Pages

Thứ Sáu, 17 tháng 2, 2012

Từ vụ án đồng Nọc Nạn đến vụ án đầm Tiên Lãng

alt
Thoibao- Đoàn Dự ghi chép

Vụ án đồng Nọc Nạn 84 năm trước
Đồng Nọc Nạn là vụ án lớn về tranh chấp đất đai xảy ra năm 1928 tại làng Phong Thạnh, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu (nay là ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu; từ Bạc Liêu xuống trước khi tới mộ Cha Diệp), giữa một bên là anh em Biện Toại, Mười Chức và bên kia là giới địa chủ và các quan chức chính quyền Pháp. Trong vụ án, đã có năm người thiệt mạng. Vụ án là một ví dụ điển hình của chính sách quản lý ruộng đất bất công tại Nam Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Sau này, vụ án được chính quyền CS coi như là biểu hiệu của sự đấu tranh của nông dân chống lại các nhà bảo hộ, thực dân.
Theo nhà văn Sơn Nam, khởi đầu đây là vùng đất trũng, đi làm đồng, muốn treo quần áo hay gà-mên cơm lên chẳng hạn, người dân phải cắm cây gậy kêu là “cây nọc”. Ở đầu cây nọc có cái chạc (cái nhánh nhỏ), kêu là “nạng”. Từ đó sinh ra tiếng đồng “Nọc Nạng”. Thực ra, phải kêu là “đồng Nọc Nạng” mới đúng, nhưng khi viết, nhiều người không hiểu, viết sai và bây giờ theo thói quen, trở thành đồng “Nọc Nạn”. Có “g” hay không ‘g” tiếng Nam đều kêu là “Nạng”, cũng được, chẳng sao. Tôi (Đoàn Dự) dạy học tại Bạc Liêu hơn 6 năm, dân chúng kêu là “Nọc Nạn’ nên tôi cũng kêu là “Nọc Nạn’.


Hương chánh Luông khai khẩn đất
Trước năm 1900, vợ chồng một nông dân đến khai phá khu rừng ở rạch Nọc Nạn, tạo được một diện tích canh tác rộng 73 ha. Năm 1908, người nông dân ấy chết, để lại đất cho con là Hương chánh Luông. (Hương chánh hay ‘Biện” không phải chức vụ quan trọng, chỉ là người phụ giúp Cai tổng hoặc Hương cả trông coi việc làng khi có cúng tế, đón tiếp quan trên v.v…, còn Hương quản là người trông coi việc canh gác, giữ gìn trật tự trong làng. Những người này làm việc để có một chút chức danh và được miễn trừ sưu dịch, không có lương – ĐD). Khi gia đình Hương chánh Luông tiếp tục khai phá đất đai thì tỉnh Bạc Liêu còn hẻo lánh, việc đo đạc ruộng đất để lập bản đồ địa chánh chậm trễ hơn so với các tỉnh khác ở Nam Kỳ.
Bởi vậy mãi đến năm 1910 Hương chánh Luông mới làm đơn chính thức xin khai khẩn 20 ha đất và chịu đóng thuế trên diện tích này. Đơn của ông được chính quyền chấp nhận bằng văn bản. Năm 1912, gia đình Hương chánh Luông lại làm đơn xin chính quyền đo đạc và cấp bằng khoán (giấy chứng nhận sở hữu đất) chính thức cho toàn bộ diện tích đất canh tác là 72 ha. Chủ tỉnh Bạc Liêu đã chấp thuận và trao cho Hương chánh Luông bản đồ phần đất nói trên.
Năm 1916, một người tên là Tăng Văn Đời kiện lên chủ tỉnh Bạc Liêu, yêu cầu không cấp giấy chứng nhận đất cho Hương chánh Luông với lý do ông Đời cũng có góp sức khẩn hoang. Nhà chức trách xử ông Đời thua kiện, vẫn cấp giấy tờ đất cho ông Luông, nhưng cắt 4.50 ha cho Đời. Ông Luông được cấp tờ bằng khoán tạm số 303 đề ngày 7 tháng 8 năm 1916.

Sự tham lam của Hoa kiều Mã Ngân
Khi ông Hương chánh Luông qua đời, người con trai cả là Biện Toại và các em thừa kế phần đất nói trên. Năm 1917, một người Hoa kiều giàu khét tiếng nhưng cũng cực kỳ giảo hoạt ở Cà Mau tên là Mã Ngân, thường được gọi là Bang Tắc, muốn chiếm đoạt đất đai của anh em Biện Toại.
Là người khôn ngoan, rành rẽ luật lệ, Bang Tắc bèn trả giá thật cao, mua phần đất 4.50 ha của bà Nguyễn Thị Dương là vợ của Tăng Văn Đời lúc này đã chết, bà Dương không canh tác được, giáp ranh với đất của gia đình Biện Toại. Nhưng trong hợp đồng mua bán, Bang Tắc cố tình ghi “Bao trùm cả phần đất cho anh em Biện Toại khai thác”, bởi vì Bang Tắc biết đất đai của anh em Biện Toại mới chỉ có bằng khoán tạm. (Mua 4.50 ha nhưng định chiếm 70 ha!).
Việc tranh chấp đất đai bắt đầu nổ ra. Hai bên thưa kiện nhau bốn lần lên chủ tỉnh Bạc Liêu và bốn lần lên Thống đốc Nam Kỳ, lên cả Toàn quyền Đông Dương. Năm 1919, Bang Tắc sai tá điền xông qua phần đất của Biện Toại đốt một căn chòi ruộng và giết một con trâu để dằn mặt, nhưng anh em Biện Toại không phản kháng, cố chờ đợi kết quả từ nhà chức trách. Viên quan phủ Ngô Văn H., chủ quận Giá Rai, dư luận nghi ngờ là đã ăn tiền của Bang Tắc, giải quyết bằng cách yêu cầu chia đôi phần đất, anh em Biện Toại một nửa, Bang Tắc một nửa. Anh em Biện Toại không đồng ý.
Cái khổ cho anh em Biện Toại là cũng vào năm 1919, quan phủ Ngô Văn H. lại được quan trên ủy quyền giữ chức Chủ tịch Hội đồng Phái viên (Commission administrative), có trách nhiệm khảo sát đất đai, chính thức cấp bằng khoán đất ở khu vực làng Phong Thạnh. Đã ăn tiền của Bang Tắc, quan phủ Ngô Văn H. bèn xác nhận toàn bộ phần đất của gia đình Biện Toại đều thuộc về bà Nguyễn Thị Dương, nay đã bán cho Bang Tắc. Ngày 13 tháng 4 năm 1926, Thống đốc Nam Kỳ ký nghị định hợp thức hóa sở đất 70 ha trên phần đất của Biện Toại với giá 5,000 đồng cho Bang Tắc. Như vậy, đến đây chính quyền đã chính thức công nhận phần đất mà gia đình Biện Toại đã hai đời khai phá trở thành đất của Bang Tắc.
Anh em Biện Toại rất căm phẫn, chống đối ra mặt. Bang Tắc biết mình đã làm nhiều điều trái pháp luật đối với tòa án, nếu mắc thêm nữa sẽ bị chính quyền Pháp trục xuất về Tàu. Bởi vậy y bèn khôn ngoan đem sở đất 70 ha đó bán cho bà Hà Thị Trân, một cường hào ác bá giàu có khủng khiếp và đầy quyền lực ở Cà Mau, thường gọi là bà huyện Lành, mẹ vợ người anh ruột của ông phủ H.

Sự”“ra tay” của bà huyện Lành
Bà Hà Thị Trân coi anh em Biện Toại như tá điền trên chính phần đất mà cha ông họ đã khai khẩn. Bà bắt đầu đòi anh em Biện Toại phải nộp địa tô, nhưng anh em nhà này không chịu nộp. Ngày 6 tháng 12 năm 1927, bà chạy chọt xin được án lệnh của Tòa án Bạc Liêu, cho phép tịch thu tất cả lúa của anh em Biện Toại. Ngày 13 tháng 2 năm 1928, lính mã tà (cảnh sát) tới gặp anh em Biện Toại để thi hành lệnh tịch thu lúa, anh em Biện Toại kháng cự. Ngày hôm sau, lính mã tà lại tới lần thứ hai, anh em Biện Toại tiếp tục kháng cự, lính lại phải rút lui.
Trước thái độ cứng rắn của anh em Biện Toại, hương chức làng tự ý bắt giữ bà Hương chánh Luông, mẹ già của Biện Toại. Vì thương mẹ, anh em Biện Toại hứa không kháng cự, bà Hương chánh Luông được thả về. Mã tà hẹn sẽ xuống thu lúa.
Tối 14 tháng 2 năm 1928, anh em Biện Toại tụ họp ăn uống, làm lễ ‘tế sống” bà Hương chánh Luông để báo hiếu lần chót. Họ trích huyết đầu ngón tay cho vào rượu, uống mỗi người một chút, thề sẽ hy sinh đến hơi thở cuối cùng, không ai sợ chết. Họ bắt thăm xem ai là người hy sinh đầu tiên. Cô em gái tên Út Trọng bắt được thăm. Anh em không cho, nói em gái không được quyền đảm đương trách nhiệm của các anh. Cô Út Trọng nói đất đai của cha mẹ, nếu chia thì em có được chia không, tại sao lại không cho em gánh vác trách nhiệm? Các anh đành chịu. Họ đề nghị bắt thăm lại. Không ngờ Út Trọng lại bắt được lá thăm đầu tiên. Cô nói: “Ông bà đã dạy như vậy, em không sợ chết, các anh đừng lo cho em!”

Bi kịch “máu thắm đồng Nọc Nạn”
Thảm trạng xảy ra vào ngày 16 tháng 2 năm 1928. Khoảng 7 giờ sáng, hai viên cò Pháp (cảnh sát có cấp bậc, thường là trung sĩ, không phải lính trơn) là Tournier và Bouzou, cùng bốn lính mã tà An-nam từ Bạc Liêu xuống Phong Thạnh để tiếp tay với viên chức làng, tịch thu lúa của anh em Biện Toại. Họ đi bằng ca-nô theo rạch Nọc Nạn (đến nay con rạch này hãy còn, khá lớn và có cây cầu đúc Nọc Nạn cắt ngang qua quốc lộ 1A (quốc lộ 4 ngày trước) từ Bạc Liêu xuống Cà Mau nếu bạn xuống thăm mộ Cha Diệp).
Đến gần đống lúa, Tournier yêu cầu hương chức làng phải mời một người trong gia đình ra chứng kiến việc tịch thu. Mười lăm phút sau, cô Út Trọng dắt theo một bé gái con của Biện Toại tên Tư, 14 tuổi, đi ra. Tournier đuổi cô Trọng, vì cho cô là phụ nữ và còn nhỏ tuổi, không thể chứng kiến việc đong lúa. Cô Trọng không đi, đồng thời yêu cầu khi đong lúa xong phải ghi cho cô một tờ biên nhận là đã đong bao nhiêu lúa.
Tournier từ chối và tát bốp vào mặt cô Trọng. Cô bèn rút ra một con dao nhỏ. Tournier đập bá súng vào cô làm cô ngất xỉu. Bouzou tức thì tước dao khỏi tay cô Trọng. Trong lúc tước dao, Bouzou bị một vết thương nhỏ không đáng kể ở tay. Đứa cháu tên Tư bèn chạy về nhà báo tin. Anh em Biện Toại từ trong nhà chạy ra, mang theo các cây mác loại phát cỏ, gậy gộc. Họ chia thành hai tốp. Tốp thứ nhất do Mười Chức, em thứ chín của Biện Toại (trong Nam gọi là thứ mười) cầm đầu. Tốp thứ hai do chị Nghĩa, vợ của Mười Chức, lúc ấy đang có thai, cầm đầu. Tổng cộng cả thảy là 5 đàn ông và 5 phụ nữ. Tournier ra lệnh cho lính chuẩn bị đối phó. Chúng bắn chỉ thiên nhưng cánh Mười Chức không dừng lại. Tournier bèn bắn thẳng vào Mười Chức. Mười Chức bị thương nặng nhưng vẫn cố gắng cầm mác đâm trúng bụng Tournier rồi mới ngã gục trên đống lúa.
Bạo lực trở thành không kiểm soát nổi. Bouzou bắn bị thương bốn người phía bên nhà Biện Toại. Hết đạn, Bouzou chạy tới lấy súng trên tay Tournier lúc này đã ngã, bắn tiếp, làm mấy người thiệt mạng. Dân chúng khua chuông gõ mõ, khua nồi niêu, kéo tới cứu ứng anh em Biện Toại. Bọn chúng sợ đông người nên hè nhau xuống ca-nô tẩu thoát.
Nói tóm lại, trong sáng hôm đó, phía Biện Toại chết bốn người: Mười Chức, chị Nghĩa vợ Mười Chức, một người anh tên Nhẫn, một người em tên Nhịn (người này chết hôm sau tại bệnh viện). Tuy nhiên, chị Nghĩa vợ Mười Chức có thai gần ngày sinh nên dân chúng tính là 5 người. Cô Liễu (em áp út Mười Chức) bị thương nặng.
Về phía nhà cầm quyền, Tournier thiệt mạng vào hôm sau, 17 tháng 2, tại bệnh viện Bạc Liêu.

Phiên tòa
Tòa Đại hình Cần Thơ xét xử vụ án Nọc Nạn ngày 17 tháng 8 năm 1928. Chánh án là De Rozario, công tố viên là Moreau. Hội thẩm là ông Sự. Các luật sư biện hộ cho gia đình Biện Toại là người Pháp, Tricon và Zévaco, theo lời nhờ của nhà báo Lê Trung Nghĩa. Hai ông này đều biện hộ miễn phí.

Lời khai
Ông phủ Tâm, viên chức phụ trách đất đai ở tỉnh Bạc Liêu, nói hồ sơ lưu trong sổ bộ của nhà chức trách về tờ biên lai cấp đất cho Hương chánh Luông năm 1910 đã bị mất cắp. Điều này cho thấy hồ sơ lưu trong văn khố đã bị thủ tiêu, có lợi cho bọn cường hào.
Hương thân làng Phong Thạnh tên là Hồ Văn Hi xác nhận Tournier nổ súng trước, Mười Chức chỉ đâm Tournier sau khi đã trúng đạn.
Lâm Văn Kiết, một thành viên trong Hội đồng phái viên đo đạc ruộng đất, xác nhận rằng phần đất là do Hương chánh Luông và con là Biện Toại khai khẩn trước. Công tố viên nói với Tòa rằng ông Kiết lúc ấy thân phận bé nhỏ, không dám cãi với tri phủ H. là chủ tịch Hội đồng phái viên và là người thuộc phe Bang Tắc.
Công tố viên hỏi tri phủ H. rằng, là Chủ tịch Hội đồng, kiêm chủ quận Giá Rai, tại sao lại để việc tranh chấp xảy ra như vậy? Tri phủ H. nói vấn đề đất đai quá phức tạp, mất nhiều thì giờ nên ông đã buông xuôi. Công tố viên rất giận dữ, nói rằng lề lối làm việc của tri phủ H. quá bừa bãi, nếu có lương tâm, không thể lấy lý do mất thì giờ mà không phân xử rạch ròi việc tranh chấp. Bị luật sư chất vấn, ông H. thú nhận anh ruột của ông có hùn vốn làm ăn với Bang Tắc. Sau vụ án, ông H. bị cách chức tri phủ.
Khi Bang Tắc ra làm chứng, ông này nói không hối hận gì cả. Ông hội thẩm Sự tức giận nói: “Dân chúng bảo rằng đáng lý ra ông phải chết thay cho viên cò Tournier”.
Điều đặc biệt là thay vì buộc tội anh em Biện Toại, công tố viên Moreau lại yêu cầu tòa thận trọng. Ông nhắc lại vụ án Ninh Thạnh Lợi năm trước, tức năm 1927 và cho rằng các vụ án đó chứng tỏ sự bất ổn trong xã hội đang gia tăng, vấn đề đất đai hết sức nghiêm trọng. Ông nêu lên: tình cảnh của anh em Biện Toại rất đáng thương, bị những kẻ không có trái tim (nguyên văn: “hommes sans coeur”) đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế lại tiếp tay với chúng, đẩy họ đến bước đường cùng nên mới xảy ra nông nỗi. Công tố viên yêu cầu tòa tha bổng Biện Toại, cô Liễu (em Biện Toại) và con Biện Toại tên Tia, giảm khinh cho cô Trọng, cho Miều (em rể Biện Toại, chồng cô Liễu). Đây là một vụ án lạ lùng, công tố viên không buộc tội mà lại xin tha cho các bị cáo.

Biện hộ của luật sư
Luật sư Tricon, đại diện cho bên bị can, nhận định rằng nguồn gốc của vụ án là vấn đề điền địa. Ông cho rằng chính sách ruộng đất thời Nguyễn công bằng và hợp thực tế, còn luật lệ do người Pháp đặt ra chưa được áp dụng đúng, thiếu thực tế, những người trong Hội đồng Phái viên chỉ ngồi một chỗ, chưa hề bước ra sở đất mà họ xem xét, chỉ quyết định dựa trên báo cáo.
Luật sư Tricon ca ngợi tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình Biện Toại: “Họ phải đấu tranh với thiên nhiên, với bọn cường hào, với cả các thủ tục pháp lý”. Ông nói những câu rất hay: “Chúng ta, những người Pháp, nên xây dựng ở xứ này một chế độ độc tài. Không phải độc tài bằng sức mạnh của súng đạn, nhưng là sự độc tài của tình cảm cao đẹp (Non pas de la dictature de la force du mousqueton, mais de la dictature du coeur)”.
Luật sư Zévaco ca ngợi lời kết tội bọn cường hào của công tố viên. Ông cho rằng chính sách của nhà nước thì tốt nhưng những kẻ thừa hành xấu xa đã làm cho chính sách đó trở thành xấu đối với dân chúng. Luật sư nói: ‘Nên sa thải vài ông phủ, ông huyện bất hảo, và vạch trần hành động vô lương tâm của cặp bài trùng Bang Tắc – Tri phủ H. Chính chúng đã dẫn đến thảm kịch đồng Nọc Nạn”. Ông xin tòa tha thứ cho các bị can và nói: ‘Hiện nay đang có một bà lão khóc về cái chết của bốn đứa con và một đứa cháu còn nằm trong bụng mẹ. Bốn người này đã chết, bởi vì họ tưởng rằng có thể tự lực gìn giữ ruộng đất mà họ đã từng đổ mồ hôi và máu của họ lên đó”.

Tòa tuyên án
Tòa Đại hình Cần Thơ tuyên án: Biện Toại, Nguyễn Thị Liễu (em áp út của Toại) và Tia (con trai của Toại) được tha bổng. Cô Nguyễn Thị Trọng, sáu tháng tù (cô Út Trọng đã bị tạm giam đủ sáu tháng). Miều (chồng của Liễu), hai năm tù vì có tiền án ăn trộm.

Dư luận
Báo chí Sài Gòn lúc bấy giờ đua nhau khai thác vụ đồng Nọc Nạn. Các nhà báo xuống tận nơi điều tra. Dư luận từ mọi giới, luôn cả giới thực dân, đều thuận lợi cho gia đình Biện Toại. Họ bị áp bức quá lộ liễu. Họ là những tiểu điền chủ siêng năng nhưng bọn cường hào cấu kết với quan lại tham nhũng đã đưa họ đến đường cùng.
Sau phiên tòa, các nhân sĩ và đồng bào ở Phong Thạnh như các ông Huỳnh Minh Trí, Nguyễn Duy Biện, Nguyễn Viết Trọng ở Giá Rai, Bùi Văn Túc ở Long Điền, đã làm tiệc cảm ơn hai vị luật sư và các nhà báo. Bà cụ Hương chánh Luông cũng được mời tham dự buổi tiệc này.

Di tích đồng Nọc Nạn
Khu di tích này hiện ở ấp 4, xã Phong Thạnh B, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, gồm hai phần: sân phơi lúa và khu mộ ông bà Hương chánh Luông. Khu thứ hai gồm mộ của những người thiệt mạng được quy tập về đó từ năm 1963. Tại đây có những tượng mô tả lại cuộc chiến đấu đẫm máu giữa anh em Mười Chức với bọn tịch thu lúa. Sau này, những người anh em ông Mười Chức mất cũng được an táng tại đây.

Hiện nay, bảo tàng Bạc Liêu còn lưu giữ ảnh những người đã bị giết trong vụ Nọc Nạn và những người tham gia cuộc đấu tranh của anh em Biện Toại. Ngoài ra, còn có một ảnh chân dung các luật sư biện hộ cho gia đình nạn nhân. Nhà nước Việt Nam đã đầu tư trùng tu và mở rộng khu di tích lên khoảng 3 ha, gồm các hạng mục khu mộ gia đình Mười Chức, nhà tưởng niệm, nhà trưng bày, cụm tượng tái hiện trận đánh giữa gia đình Mười Chức và binh lính chính quyền, cao bằng người thật.
(Hình 2: Khu mộ ông bà Hương chánh Luông)

Vụ cưỡng chế đất ở Tiên Lãng
Tiên Lãng là một huyện ngoại ô của thành phố Hải Phòng, nằm ở phía tây nam Hải Phòng. Phía tây và tây nam giáp huyện Vĩnh Bảo, phía đông bắc giáp Tứ Kỳ và Thanh Hà, phía bắc giáp An Lão và Kiến Thụy, phía đông trông ra vịnh Bắc Bộ, phía đông nam giáp huyện Thái Thụy của tỉnh Thái Bình. Toàn huyện rộng 189 km2, dân số là 149,200 người (số liệu năm 2004).
Tiên Lãng gồm thị trấn Tiên Lãng và 22 xã, trong đó có xã Vinh Quang giáp với biển Đông.

Diễn biến
Theo thông tin từ phía thành phố Hải Phòng, UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 447/QĐ-UB ngày 9-4-1993, giao cho ông Đoàn Văn Vươn, quê ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng, diện tích 21ha đất hoang bãi biển thuộc khu vực phía nam cống Rộc thuộc xã Vinh Quang, để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản, thời hạn sử dụng là 14 năm tính từ ngày ban hành Quyết định giao đất.
Trong quá trình sử dụng, ông Đoàn Văn Vươn đắp bờ bao, rộng hơn diện tích được giao. Bốn năm sau, ngày 2 tháng 3 năm 1997, ông làm đơn xin bổ sung phần đất ngoài diện tích được giao. Ngày 9 tháng 4 năm 1997, huyện Tiên Lãng ra Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Vươn 19.3ha giáp với diện tích đã giao, thời hạn cũng là 14 năm. Tổng cộng ông Vươn được sử dụng 40.3ha đất để nuôi trồng thủy sản.

Năm 2009, huyện Tiên Lãng làm thủ tục thu hồi toàn bộ 40.3 ha của ông Đoàn Văn Vươn. Tuy nhiên, ông Vươn khiếu nại việc thu hồi cả 19.3ha đất bổ sung mà tính ra mới là 12 năm (từ 1997 tới 2009). UBND huyện Tiên Lãng không giải quyết khiếu nại, vẫn nhất định thu hồi toàn bộ 40.3 ha. Ông Vươn khởi kiện vụ án hành chính này tại Tòa án huyện.
Ngày 27 tháng 1 năm 2010, Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lãng xét xử sơ thẩm và bác đơn khởi kiện của ông Vươn; giữ nguyên Quyết định thu hồi đất số 461.
Ông Đoàn Văn Vươn kháng cáo. Tòa án Hành chính thành phố Hải Phòng thụ lý hồ sơ và tiến hành hòa giải bằng biên bản thỏa thuận giữa nguyên đơn và bị đơn: hai bên đồng ý nếu ông Vươn rút đơn kiện thì UBND huyện Tiên Lãng sẽ tiếp tục cho ông thuê đất.
Cái gian lận của UBND huyện Tiên Lãng là: ngày 19 tháng 4 năm 2010 là ngày Tòa án Hải Phòng đưa vụ khởi kiện ra xét xử, ông Vươn xin rút toàn bộ kháng cáo.
Ba hôm sau, ngày 22 tháng 4 năm 2010, Tòa án Hải Phòng ra quyết định đình chỉ, không xét xử phúc thẩm vụ án này nữa vì hai bên đã hòa giải, thì UBND huyện Tiên Lãng trở mặt, gửi thông báo tới ông Vươn về việc thu hồi đất, không cho ông thuê để nuôi trồng thủy sản như trong biên bản hòa giải đã ký kết. Ông Vươn tức giận vì bị lừa đảo, nhất định không chịu trả đất.
Sáng 5 tháng 1 năm 2012, huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế. Họ đưa tới hơn 100 nhân viên vừa cảnh sát vừa bộ đội, với chó nghiệp vụ, súng ống và thuyền máy, chuẩn bị tác chiến thật sự.
Phía gia đình ông Vươn cũng chuẩn bị. Ông và vợ con cùng các anh em như Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sinh, Đoàn Văn Vệ, Đoàn Văn Thoại, Phạm Văn Thái v.v… dự định cố thủ trong ngôi nhà hai tầng của ông Vươn. Họ trải một lớp rơm dày chung quanh ngôi nhà, tưới xăng lên, gài mìn tự chế bằng thuốc nổ TNT (rất dễ mua ở ngoài Bắc, của Trung Quốc), với ý định nếu bị tấn công, cả hai bên đều chết.
Lúc lực lượng cưỡng chế tiến vào, từ trong nhà có người dùng súng bắn đạn hoa cải (cũng rất dễ mua ở ngoài Bắc, giá khoảng 5 triệu đồng/khẩu) bắn ra. Bốn công an và 2 người thuộc quân đội bị thương – một thượng sĩ bị mù do vỡ nhãn cầu mắt bên trái, một đại úy bị thương ở cánh tay, gan, phổi và dạ dày. Còn một thượng tá cũng bị thương tích nhưng nhẹ hơn. Khi lực lượng cưỡng chế “thắng lợi”, vào được bên trong thì người trong nhà đã trốn thoát (sau đó ông Quý tự ý ra nộp mình).
Bà Nguyễn thị Thương, vợ ông Vươn, sau đó cho biết khi súng nổ “chỉ có mỗi chú Quý là có mặt ở hiện trường, còn tất cả 3 người còn lại thì đều không có mặt ở hiện trường. Anh trưởng nhà em với lại đứa cháu đứng ở trên đê và chúng em cũng đứng ở trên đê, còn anh Vươn em thì đang vẫy đò đi ạ”. Ông Vươn lúc ấy đang trên đường lên Viện Kiểm sát huyện Tiên Lãng.

Hôm sau, UBND huyện Tiên Lãng ra lệnh cho nổ mìn và dùng xe ủi san bằng bình địa ngôi nhà 2 tầng của gia đình ông Vươn, mặc dầu căn nhà này thuộc phần 19.3 ha đất “bổ sung”, phải 2 năm nữa mới hết thời hạn.

(H.5: Bộ đội tấn công) + (H.6: Ngôi nhà bị san bằng bình địa)

Kết quả
Sau vụ cưỡng chế ngày 5 tháng 1, quyết định thu hồi đất bị tạm hoãn, 4 người thuộc công an và 3 người thuộc bộ đội bị thương, công an thành phố Hải Phòng ra quyết định khởi tố vụ án “giết người” và chống nhân viên thi hành công vụ đối với Đoàn Văn Vươn và các đối tượng liên quan: Đoàn Văn Quý (sinh năm 1966); Đoàn Văn Sinh (sinh năm 1957) và Đoàn Văn Vệ (sinh năm 1974). Ngôi nhà 2 tầng của Đoàn Văn Vươn dùng cố thủ bị san bằng bình địa. Cơ quan công an cũng khởi tố Phạm Thị Báu (sinh năm 1982, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (sinh năm 1970, vợ ông Vươn), và đang truy lùng hai người khác là Đoàn Văn Thoại (sinh năm 1970) và Phạm Văn Thái (sinh năm 1977).

Những cái sai của cấp lãnh đạo huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng
Trong vụ giao đất và cưỡng chế thu hồi đất này, các cấp lãnh đạo huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng sai hoàn toàn, gần như không được một điểm nào đúng.
- Thứ nhất, về việc giao đất và thu hồi đất. Theo Luật Đất đai đã được nhà nước Việt Nam sửa đổi và ban hành vào năm 2003, đất hoang, đất bồi hoặc đất rừng, được giao cho dân để khai khẩn, trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản thì được giao với thời hạn từ 20 năm tới tối đa là 50 năm. Sau thời hạn đó, nhà nước được quyền thu hồi nhưng vẫn ưu tiên cho người khai thác được phép ký hợp đồng thuê tiếp, không lấy cho người khác mướn. UBND huyện Tiên Lãng chỉ giao đất cho ông Vươn với thời hạn 14 năm và hàng chục người khác, người thì với thời hạn 5-7 năm, người vài ba năm, vậy là vô nguyên tắc, làm theo ý mình, không căn cứ theo luật. Ngoài ra, sau thời hạn 14 năm, huyện không tách rời giữa 21 ha đất giao đợt I và 19.3 ha đất “bổ sung” phải 2 năm nữa mới hết hạn, mà lại thu hồi toàn bộ 40.3 ha với mục đích gì không ai biết rõ nên mới sinh chuyện.
- Thứ hai, khi cưỡng chế, đưa cả bộ đội lẫn cảnh sát tới tấn công. Theo quy luật, đây là việc giải quyết về vấn đề hành chính và kinh tế, quân đội không có nhiệm vụ làm việc đó. Chính quyền huyện và thành phố đã điều động lực lượng võ trang (bộ đội) một cách trái nguyên tắc. Sau cuộc cưỡng chế, UBND huyện ra lệnh dùng mìn và xe ủi san bằng ngôi nhà 2 tầng của ông Vươn mặc dầu nó nằm trên phần đất “chưa tới thời hạn’. Điều này sai. Một ông tướng quân đội, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV, nguyên Đại biểu Quốc hội khoá X), nói: ” Ở Bình Định đã từng xảy ra vụ thu hồi đất, ban đầu nói rằng thu hồi vì lợi ích quốc gia, nhưng cuối cùng thực chất là chính quyền chia chác nhau”, và: “Nếu Đoàn Văn Vươn cố thủ trong tòa nhà Keangnam thì cũng phá hủy cả tòa nhà đó đi hay sao?”.
Nói chung, trên đây chỉ là một số sai trái và vô nguyên tắc căn bản của UBND huyện Tiên Lãng và thành phố Hải Phòng mà thôi, còn nhiều sai trái khác không thể kể hết. Ví dụ giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng nói rằng: “Quyết định giao đất và thu hồi đất là đúng và phù hợp. Hơn nữa, theo quy định, đất chỉ được giao cho người địa phương, trong khi ông Vươn không phải người ở xã Vinh Quang”. Tay giám đốc này nói không biết suy nghĩ. Nếu ông Vươn là người xã Bắc Hưng, không phải xã Vinh Quang thì tại sao huyện Tiên Lãng lại giao đất cho ông ta và nhiều người ở xã khác? Ở tỉnh Bình Phước, một người sống tại Sài Gòn, nếu lên Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập xin đất rừng để khai phá, họ sẽ cấp cho 30 hay 50 ha tùy theo đơn xin, với thời hạn 50 năm. Hai mươi năm đầu không phải nộp thuế; sau 50 năm, tỉnh sẽ cứu xét cho ký hợp đồng gia hạn, không thu hồi đất. Một ví dụ khác, ngày 12 tháng 1 năm 2012, ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, họp báo, tuyên bố rằng dân chúng Tiên Lãng bất mãn nên phá nhà của ông Vươn chứ không phải chính quyền phá. Dân chúng Tiên Lãng tức lắm, họ tuyên bố với báo chí: “Chúng tôi chẳng có lý do gì để phá nhà của anh Vươn cả. Nếu chính quyền Hải Phòng không cải chính, chúng tôi sẽ kiện”. Đại loại, chính quyền Tiên Lãng và chính quyền thành phố Hải Phòng gồm toàn những vị có thứ kiến thức như vậy, ngoài ra, ông Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng, là anh ruột ông Lê Văn Liêm, chủ tịch UBND xã Vinh Quang, họ “thu hồi’ để làm gì, có trời mà biết!

Các ông lớn và trí thức Việt Nam nói về vụ Tiên Lãng
Các báo ở Việt Nam đã dẫn lời nhiều ông lớn và trí thức Việt Nam bàn về vấn đề này. Các ý kiến cho rằng Đoàn Văn Vươn và các đối tượng đã vi phạm pháp luật tội chống người thi hành công vụ, nhưng huyện Tiên Lãng cũng sai về mặt pháp luật khi tiến hành cưỡng chế trong vụ án.
Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước, nói trong vụ cưỡng chế này, chính quyền huyện, xã đều sai và đây là bài học mà chính quyền cả nước phải rút kinh nghiệm.
Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng huyện Tiên Lãng giao đất và thu hồi đất trái với các quy định của pháp luật hiện hành. Ông cũng coi đây là đỉnh điểm về xung đột đất đai.
Theo tướng Đỗ Quốc Thước, đây có thể coi là một tổn thất chính trị rất lớn.
Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật ủy ban Thường vụ Quốc hội, nói: “Huyện Tiên Lãng phải bồi thường ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm người ra quyết định này”.
Luật sư Trần Vũ Hải gửi đơn lên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) kiến nghị xem xét khởi tố hình sự vụ chính quyền Hải Phòng phá sập nhà ông Vươn và em trai ông. Theo ông Hải, nguyên thủy việc cưỡng chế đầm tôm của ông Vươn sai vì “xuất phát từ quyết định thu hồi sai” và “phải xác định xem chính quyền Tiên Lãng sai thế nào mới dẫn đến việc ông Vươn quá bức xúc nên đã có hành động quá khích như vậy”. Còn dân chúng thì cho rằng ông Vươn đã bị đẩy đến bước đường cùng nên mới chống đối. Bà Trần Thị Mịn, em dâu ông Vươn, nói: “Họ dồn đến đường cùng nên anh tôi mới phải giữ chứ có bao giờ dám dùng tới súng đâu. Bây giờ tiền khai phá nợ hàng chục tỷ, nhà cửa bị phá, chỉ có chết thôi…”.
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét