Pages

Thứ Ba, 7 tháng 2, 2012

Tướng Thước: “Nếu xử như Tiên Lãng thì chắc tôi không còn ngồi ở đây”


Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và ông Vũ Mão
 tại buổi Giao lưu TT với độc giả báo Giáo dục
Việt Nam


“Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút sau tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, thế thì Tư lệnh quân khu ra lệnh “Quân ta đánh quân mình” hay sao?”
Một sự kiện thậm chí còn phức tạp hơn cả vụ Đoàn Văn Vươn đã được Tướng Thước cùng đồng chí, đồng đội xử lý thấu tình đạt lý.
Trong những năm đầu của thập kỉ 90, lúc tôi là Tư lệnh quân khu IV cũng đã xảy ra nhiều việc tranh chấp đất đai có vụ việc cấp ủy với chính quyền hai xã đã tổ chức lực lượng dân quân dàn thành thế trận, xây dựng trận địa, hầm hào, chướng ngại để tranh chấp một vùng đất mà hai bên đều nói là của địa phương mình. Sự việc xảy ra kéo dài nhưng chính quyền cấp trên không cương quyết xử lý nên từ tranh chấp đã biến thành cuộc đấu súng giữa hai bên gây ách tắc đường Quốc lộ 1.
Trung ương chỉ thỉ cho tỉnh phải nhanh chóng giải tỏa để thông suốt đường giao thông Bắc-Nam và không để xảy ra tình trạng nổ súng gây mất trật tự tình hình. Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị Quân khu cho lực lượng thiết giáp ra để đẹp loạn. Tôi hỏi: Đưa quân đội ra để đánh ai? Nếu là địch thì không cần thiết giáp, chỉ 15 phút sau tôi có thể giải quyết xong, nhưng đây lại là dân và dân quân, thế thì Tư lệnh quân khu ra lệnh “Quân ta đánh quân mình” hay sao?
Đồng chí Bí thư tỉnh ủy hỏi: Thế thì nên giải quyết thế nào? Tôi trả lời: Phải tìm cách làm hạ nhiệt hai bên, không được đổ thêm dầu vào lửa. Nếu không sẽ không còn là vấn đề tranh chấp đất đai nữa mà sẽ trở thành vấn đề chính trị hết sức phức tạp. Lúc này không phải là lúc đưa quân đội vào để giải quyết.
Tôi liền chỉ thị cho đồng chí Đại tá, Tham mưu trưởng quân khu và hai đồng chí bảo vệ và 1 chiếc loa cầm tay không mang theo vũ khí vào tiếp cận hai trận địa để giải thích rõ và tổ chức giải giáp. Vì việc này trước đó nhiều đoàn công tác của tỉnh và huyện một số vào thì bị giữ lại, một số lại không tiếp cận được.
Đồng chí tham mưu trưởng vốn là một đồng chí đã từng chiến đầu dày dặn trên chiến trường nhưng trước tình hình đó vẫn băn khoăn hỏi tôi: Nếu tôi vào mà họ bắt thì thế nào?
Tôi trả lời: Nếu là địch bắt thì tôi phải suy nghĩ lại nhưng đây là đồng chí vào với dân việc gì phải sợ. Nếu họ có bắt thì tôi cũng chả lo. Thậm chí họ còn cho đồng chí ăn no nữa nếu đồng chí giải quyết có tình có lý. Vì vậy đồng chí đó mới yên tâm vào tiếp cận trận địa, lúc đầu một số hùng hổ ra đòi bắt, đồng chí trả lời: Tôi theo lệnh Tư lệnh quân khu vào kiểm tra tình hình vì sao lại có việc hai bên bắn nhau để tìm cách giải quyết để không xảy ra đổ máu.
Lúc vào kiểm tra, nhiều chiến sĩ dân quân đã nhận ra đồng chí là người chỉ huy trước đây của mình. Đồng chí liền hỏi: Tôi dạy các anh để đi đánh giặc, sao bây giờ các anh lại đi đánh nhau? Chiến sĩ nhận ra cười trừ và nói: Bên kia bắn chúng tôi thì chúng tôi bắn lại. Đồng chí liền nói: Tất cả thu súng trở về nhà. Anh em còn thắc mắc: Bên kia còn bắn thì chúng tôi xử lý thế nào?
Đồng chí liền trả lời: Tôi sẽ thu súng cả 2 phía sau đó chính quyền sẽ xử lý ai đã để xảy ra sự việc này. Sau khi tháo xong ngòi nổ, chính quyền vào điều tra, kết luận thấy rõ, cấp ủy và chính quyền hai bên vì mục đích lợi dụng cá nhân đã kích động nhân dân gây ra vụ việc này. Những cán bộ lãnh đạo và chính quyền vi phạm đều phải xử lý, có người phải đưa ra pháp luật. Số đầu sỏ chống đối cũng bị xử lý và từ đó chính quyền cơ sở được củng cố, tình hình trở lại bình thường. Hiện nay vùng đó đã trở thành một điểm sáng trên địa bàn quân khu.
Từ vụ việc nghiêm trọng này nếu hành xử như Tiên Lãng thì chắc tôi không còn ngồi ở đây để trả lời báo chí nữa.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

Không có nhận xét nào: