“Mặt trận hãy tiếp tục vào cuộc thật nhanh, thật khách quan, có chính kiến của mình và đừng lệ thuộc vào bất cứ điều gì” – Ông Phạm Thế Duyệt.
Trong phỏng vấn của phóng viên VOV Online, ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, ông theo dõi sát sao vụ việc ở Tiên Lãng và ông không đồng tình với cách chính quyền huyện Tiên Lãng dùng lực lượng liên ngành cưỡng chế khu đầm của gia đình ông Vươn như vậy. Theo ông, mọi vấn đề đều có cách giải quyết, cách này chưa đúng thì vẫn còn cách khác, phải giải quyết mọi việc trên cơ sở lấy dân làm gốc.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam (ảnh: Phạm Hoà) |
PV: Là một vị lãnh đạo từng có thời gian dài tâm huyết với công tác Mặt trận, trong vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng), ông thấy MTTQ Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thấy vụ này cũng mới xảy ra thời gian đầu tháng 1/2012, nên MTTQ Việt Nam đã có những cố gắng và tiếp cận tốt với công việc.
Trong lúc có những sự việc phức tạp như vậy, báo chí nêu không phải là sự kích động. Đây thực sự là vấn đề hết sức hệ trọng, nếu không giải quyết tốt nó sẽ là vấn đề không hay.
Mà chúng ta đã có tiền lệ, có kinh nghiệm phải trải qua ở Thái Bình, ở Tây Nguyên, ở Lai Châu… Đây đều là vấn đề Đảng với dân, chính quyền với dân. Việc Mặt trận tham gia như vậy tôi thấy là tốt.
Tôi có rất nhiều suy nghĩ. Tôi đã trực tiếp nói với các đồng chí lãnh đạo MTTQ Việt Nam, tôi rất hoan nghênh việc vào cuộc của Mặt trận. Tết qua rồi, Mặt trận hãy tiếp tục vào cuộc thật nhanh, thật khách quan, có chính kiến của mình và đừng lệ thuộc vào bất cứ điều gì.
Chính kiến của Mặt trận phải dựa trên cơ sở pháp lý, đạo lý, lịch sử trong quá trình sự việc xảy ra và phải nhuần nhuyễn. Không được nghĩ việc gì đó tách bạch, đơn giả. Như thế sẽ không đúng.
Tôi nghĩ chúng ta đang trong quá trình hoàn thiện luật pháp, không phải một lúc có thể hoàn chỉnh ngay được, mà đều có giai đoạn, quá trình. Phải nhìn nhận lịch sử vấn đề, sự việc như thế nào? Phải nhìn nhận về vấn đề đạo lý đã từng xử lý và giải quyết, để nên giải quyết vấn đề như thế này. Nhìn vào pháp luật đã quy định thì cần xử lý như thế này…
Trong vụ việc này, đừng coi ông Vươn là một đối tượng này, đối tượng khác mà phải gọi là dân, là nhân dân, người dân. Mặc dù ông này có chống đối, vi phạm về việc đã sai lầm khi dùng vũ khí chống lại người khác. Nhưng Mặt trận cũng phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao “tức nước vỡ bờ”, những bức xúc của người ta (ông Vươn- PV), đừng nên một chiều.
Tôi nghĩ tất cả phải nhanh chóng vào cuộc. Mặt trận đã vào cuộc rồi, phải nhanh chóng có những góp sức cho chính quyền, cho Đảng, sớm góp phần vào việc kết luận đúng, sai cho rõ. Khi tìm được đúng, sai thì sẽ giải quyết được vấn đề.
PV: Trên góc độ cá nhân, ông nhìn nhận vụ việc này như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Lúc đầu, tôi cũng thấy vấn đề đáng lo vì không hiểu tại sao lại để tình hình xảy ra đến mức độ như vậy.
Qua quá trình tìm hiểu, tôi thấy trên chỉ đạo như thế là được. Vừa rồi lại giáp Tết, nên quyết định của Chính phủ đối với các cơ quan, các bộ về dưới Hải Phòng là phải kết luận sớm. Việc quan điểm của cấp uỷ, phải có chỉ đạo rõ, Mặt trận đại diện cho dân cũng phải có ý thức rõ.
Mặt trận đã họp Hội đồng tư vấn về Pháp luật, mong đừng để vụ việc trì trệ, kéo dài. Muốn thế phải làm thật đến nơi đến chốn, làm một cách quyết liệt, vững vàng, khách quan, công minh, công bằng, công khai và dân chủ. Đừng để cho việc này ảnh hưởng tới tâm tư, tình cảm của dân.
- Nguyên Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nói về việc ông Vươn thuê đất
- GS Đặng Hùng Võ phản biện thông tin về vụ Tiên Lãng
- Chánh văn phòng huyện Tiên Lãng nói về vụ cưỡng chế thu hồi đất
.
Các lực lượng tham gia cưỡng chế (Ảnh: Petrotimes) |
PV: Ông có ý kiến như thế nào về việc chính quyền Hải Phòng đưa lực lượng liên ngành hùng hậu vào cưỡng chế khu đầm nhà ông Vươn?
Ông Phạm Thế Duyệt: Tôi thì không nhìn thấy mà chỉ nghe mức độ thế nào. Nhưng việc dùng công an, quân đội cưỡng chế một vài người dân, tôi không bao giờ coi đó là thượng sách trong giải quyết.
Tôi đã từng giúp cho Đảng, Quốc hội giải quyết vấn đề bầu cử ở Dương Lôi năm 2002, giúp cho Đảng giải quyết vấn đề Thái Bình, đã từng tham gia góp phần giải quyết vấn đề ở Tây Nguyên…. Tôi không bao giờ nghĩ như thế. Dân có gì phản động, chống đối gì với Đảng mà mình phải có những cách xử sự, đối phó không cần thiết. Tôi vẫn coi dân là gốc. Nếu có cách làm tốt thì từ dân, người ta cũng giải quyết được tốt. Nếu không có dân, không có cơ sở không giải quyết được.
Tôi nghĩ có khi mình làm dân vận nhiều, nên nhìn phiến diện, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ phải dùng đến việc cưỡng chế như vậy. Tôi hoài nghi việc đó. Điều Bác Hồ dạy luôn luôn là một kim chỉ nam trong mọi suy nghĩ, hành động lớn, nhỏ. Sự việc từ trước đến nay đều lấy dân làm gốc. Mà đã lấy dân làm gốc thì không bao giờ phải làm cái việc cưỡng chế này.
Có nhiều cách làm. Cách làm này chưa thành công thì vẫn còn cách làm khác, chứ chưa cần phải đến mức như vậy.
PV: Qua vụ việc này, phải chăng chính sách về đất đai bộc lộ nhiều bất cập, thưa ông?
Ông Phạm Thế Duyệt: Không phải tôi nói mà ai cũng đã thấy rồi. Nhưng cũng đừng nên nghĩ mọi cách nhìn nhận, mọi cách sửa đổi Luật đều làm ngay được một lúc.
Tôi cũng đã tham gia 3 khoá Quốc hội, có những gì còn sơ hở, còn thiếu sót tôi vẫn phải có trách nhiệm. Những vấn đề thực ra khi sửa cũng muốn sửa cho tốt, nhưng không phải mọi vấn đề đều nhìn ra một cách thấu suốt, diễn biến quá trình phát triển kinh tế không phải nhìn được trước tất cả.
Qua sự việc cụ thể này, thấy những gì còn khiếm khuyết, còn bất cập, chưa đúng với thực tế cần phải tạo điều kiện để sửa đổi.
Nói gì thì nói, 70-80% khiếu kiện đều vì đất, không có bất cập thì làm gì có khiếu kiện nên Luật cũng cần phải sửa sớm, không nên để chậm trễ.
PV: Theo ông, để vụ việc sớm có kết luận như ý kiến của ông thì hướng giải quyết tiếp theo cần phải như thế nào?
Ông Phạm Thế Duyệt: Vụ việc thì chỉ đạo của Trung ương, cấp trên đã rõ rồi. Bây giờ ở dưới phải tự giác. Các cấp có thẩm quyền ở trên phải kết luận sớm, đừng chờ cấp dưới.
Tôi đã từng giải quyết việc ở Thái Bình, những lúc bấy giờ cấp uỷ đâu có nhận thấy mình sai đâu, đến lúc làm thật rõ ra thì ai cũng thấy sai. Điều cần nhất là các cấp có thẩm quyền, Bộ Tài nguyên Môi trường, rồi các cấp lãnh đạo, Thanh tra Nhà nước… cần phải khách quan, và phải có sự chỉ đạo ráo riết, sâu sát, từng ngày và cần phải theo dõi các bước thẩm định, xem xét. Đừng nên chậm trễ.
Việc gì sửa được, nên sửa ngay, đừng để chờ tổng thể mới sửa. Việc này không hay. Không đúng thì nói rõ, không phải để có văn bản toàn thể mới nói. Mang công an, quân đội đến để trấn áp một người dân làm ăn 14 năm nay, đổ biết bao của cải đổ ra như thế, việc đúng sai rồi sẽ phân giải, nhưng việc giải quyết của huyện như vậy không có sức thuyết phục.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét