Pages

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2012

Vụ Tiên Lãng: Ông Vươn phạm tội gì?

Căn cứ vào những hành vi trong thực tế ông Vươn đã thực hiện thì chỉ có thể buộc tội ông Vươn theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. UBND huyện Tiên Lãng lạm quyền

Dưới góc độ pháp lý về hành vi phạm tội và nguồn gốc bắt nguồn phạm tội, cần có cái nhìn thấu đáo để đi đến định danh tội của ông Đoàn Văn Vươn.
Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là: “Có hay không có việc thực thi công vụ và chống đối người thi hành công vụ trong vụ thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang?”. Câu trả lời là không. Trong cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan tại Văn phòng Chính phủ ngày 10-2, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định việc thu hồi đất và thực thi cưỡng chế đối với ông Đoàn Văn Vươn là trái luật. Hành vi của các quan chức thực thi lệnh thu hồi đất và cưỡng chế trái luật cuối cùng phải được khẳng định bằng một phán quyết sau này của tòa án. Không ai bị coi là phạm tội chừng nào chưa có bản án đã có hiệu lực pháp lý của tòa án.
Câu hỏi thứ hai được đặt ra là: “Ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý và hai bà vợ của họ có phạm tội chống người thi hành công vụ không như khởi tố của cơ quan điều tra?”. Trong trường hợp thông qua xét xử và bằng phán quyết của tòa án. Và khi tòa án công bố việc thu hồi đất và việc thực thi lệnh cưỡng chế là trái pháp luật thì sẽ không có cơ sở pháp luật để buộc tội anh em nhà Đoàn Văn Vươn và hai bà vợ của họ phạm tội chống người thi hành công vụ.
Những hành vi sử dụng quyền lực công trái pháp luật không thể gọi là công vụ được. Buộc tội chống lại cái không tồn tại trong thực tế là điều phi lý. Hiện nay, các tòa sơ thẩm, phúc thẩm ở Hải Phòng chưa tiến hành xét xử vụ án. Tuy vậy, có thể khẳng định rằng lệnh thu hồi đất và thực thi cưỡng chế của Hải Phòng là sai pháp luật vì TAND, bằng bản án giám đốc thẩm, đã ra phán quyết hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm trái pháp luật của các tòa Hải Phòng đối với vụ kiện hành chính của ông Đoàn Văn Vươn.
Câu hỏi thứ ba là: “Ông Đoàn Văn Vươn có phạm tội giết người không?” Hành vi giết người bao gồm trong nó 4 giả định: 1) [cố ý : cố ý trực tiếp hoặc gián tiếp]; 2) [tước đoạt sinh mạng người khác]; 3) [một cách trái pháp luật] ; và 4) [vì những động cơ mục đích đê hèn…]. Việc buộc tội và xử phạt một người can tội giết người phải hội tụ đủ 4 giả định đã nêu. Nếu thiếu một trong 4 giả định đã nêu thì không thể quy tội giết người theo điều 93 Bộ Luật Hình sự. Qua những tài liệu đã có cho thấy ngay từ năm 2006, ông Đoàn Văn Vươn đã nhận thức được lệnh thu hồi đất đai của ông ta là trái pháp luật. Ông Vươn đã khởi kiện ra tòa án để đòi công lý. Nhưng tòa án huyện Tiên Lãng và tòa án Hải Phòng đã làm nghiêng lệch cán cân công lý.
Hiện trường ngôi nhà của ông Vươn bị phá tan hoang sau vụ cưỡng chế ngày 5-1. Ảnh: THẾ DŨNG
Cái được gọi là mìn tự chế chỉ là bình gas được kích nổ để tạo ra ngọn lửa nhằm ngăn cản lực lượng cưỡng chế. Nổ bình gas có thể gây chết người. Nhưng ông Vươn không có mục đích giết ai trong vụ cưỡng chế. Tất cả những gì mà ông Đoàn Văn Vươn đã làm chỉ nhằm mục đích ngăn cản lực lượng cưỡng chế trái pháp luật để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của bản thân mà thôi. Trong tình thế bị dồn vào bước đường cùng, ông Đoàn Văn Vươn đã dùng súng đạn hoa cải để chống lại những người xâm phạm đến lợi ích hợp pháp của mình. Không chỉ luật pháp hiện hành Việt Nam, mà luật pháp của nhiều nước trên thế giới đều thừa nhận người dân có quyền sử dụng các hình thức tương đương để tự vệ trước những hành động bạo lực của những kẻ xâm phạm đến tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của họ.
Căn cứ vào những hành vi trong thực tế của ông Vươn đã thực hiện thì chỉ có thể buộc tội ông Đoàn Văn Vươn theo tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã quy định tại điều 106 Bộ Luật Hình sự.
Câu hỏi thứ tư là: “Những quan chức ra lệnh thu hồi đất và thực thi lệnh cưỡng chế có phạm tội không và phạm vào những tội gì?”. Những hành vi vi phạm luật pháp đã được Bộ Luật Hình sự quy định là tội phạm thì phải được xét xử theo trình tự thủ tục về pháp luật hình sự. Những hành vi vi phạm không được quy định trong Bộ Luật Hình sự thì được xét xử theo thủ tục hành chính. Không được hành chính hóa các tội phạm hình sự. Ngược lại, cũng không thể hình sự hóa các vi phạm về hành chính.
Hành vi cố ý hủy hoại tài sản đã gây ra thiệt hại cho gia đình của người bị hại đã được quy định tại điều 143 Bộ Luật Hình sự. Những người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà vượt quá quyền hạn của mình làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân sẽ bị xét xử theo điều 282 Bộ Luật Hình sự về tội lạm quyền trong thi hành công vụ.
Trong vụ việc xảy ra ở xã Vinh Quang, UBND huyện Tiên Lãng đã tự ý ban hành văn bản pháp quy trái Hiến pháp, trái luật ; tự cho mình quyền huy động quân đội để thực hiện cưỡng chế với dân và đã gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đây là hành vi lạm quyền. Họ tự cho mình thực hiện các quyền mà Hiến pháp chỉ dành cho Quốc hội, cho Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ. Hành vi này phải được đem ra xét xử theo thủ tục hình sự chứ không thể giải quyết theo thủ tục hành chính được.

Lều của gia đình bà Thương bị phá đổ
Tối 18-2, luật sư Nguyễn Duy Minh, Văn phòng Luật sư Duy Minh - TPHCM (người được bà Nguyễn Thị Thương và Phạm Thị Hiền mời tham gia bào chữa cho cả hai và gia đình với tư cách là bị hại trong vụ án chống người thi hành công vụ), cho biết bà Thương và bà Hiền đã viết đơn để gửi chính quyền địa phương trình báo về việc căn lều dựng tạm trên nền căn nhà cũ bị phá sau vụ cưỡng chế vào ngày 5-1 đã bị kẻ xấu kéo đổ vào chiều 17-2. Trong đơn bà Thương và bà Hiền cho biết: chiều 17-2, do phải đi lo công việc liên quan đến vụ cưỡng chế, thu hồi đầm, nuôi trồng thủy sản của gia đình tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng nên có người vào kéo đổ lều, nhổ cột khung lều, phá các đồ thờ, khung ảnh bố chồng của bà Thương, vứt bàn thờ xuống đầm…
Bà Thương và bà Hiền đã đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ tính mạng, tài sản của gia đình họ. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Duy Minh cũng cho biết đến tối 18-2, cả bà Hiền và bà Thương chưa gửi đơn đến UBND xã Vinh Quang.
M.Phương
Luật sư LÊ ĐỨC TIẾT (Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và pháp luật – Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét