Pages

Thứ Tư, 22 tháng 2, 2012

Vụ Tiên Lãng xử lý có thật không?

Vụ cưỡng chế hôm 5/1
Hải Phòng đã đưa quân vào 'cưỡng chế' nhà ông Đoàn Văn Vươn
 hôm đầu năm
Gần hai tuần kể từ khi thủ tướng kết luận về vụ cưỡng chế đầm tôm của ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vụ việc này vẫn chưa đi vào hồi kết mà tiếp tục có những diễn biến phức tạp.
Những diễn biến mới này xảy ra xung quanh cách chính quyền cấp cao nhất của thành phố Hải Phòng ‘dọn dẹp’ cục diện ở Tiên Lãng và đã làm dấy lên những nghi ngờ về sự thành thật của Hải Phòng trong việc thực hiện kết luận của chính phủ.

Ngày 11/2, một ngày sau khi có kết luận của thủ tướng, thành phố Hải Phòng quyết định để phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại làm tổ trưởng tổ công tác giải quyết vụ Tiên Lãng.
Hành động này đã tưới thêm dầu vào ngọn lửa bất bình của dư luận vì ông Thoại là người đã đổ tội cho ‘dân bức xúc’ phá nhà ông Vươn. Sau đó Hải Phòng đã phải rút ông Thoại đi và thay bằng một phó chủ tịch khác.

Cũng trong chiều tối cùng ngày, các quan huyện ở Tiên Lãng là Chủ tic̣h Lê Văn Hiền và phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khanh đã nhận quyết định của thành phố Hải Phòng đình chỉ chức vụ.
Hai ngày sau đó, ngày 13/2, đến lượt bí thư và chủ tịch xã Vinh Quang là các ông Phạm Đăng Hoan và Lê Thanh Liêm cũng bị huyện Tiên Lãng ra quyết định đình chỉ công tác.
Cả bốn ông Hiền, Khanh, Hoan, Liêm đều bị tạm ngưng chức vụ trong vòng 15 ngày để ‘kiểm điểm trách nhiệm’ trong vụ Tiên Lãng. Ngoài ra các ông không nhận thêm bất cứ hình phạt gì trong vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận cả nước.
Báo chí đưa tin các ông hứa ‘sẽ kiểm điểm nghiêm túc’.
Hết thời hạn 15 ngày ‘kiểm điểm nghiêm túc’, các vị quan chức nói trên đều có thể quay trở lại điều hành công việc của huyện, xã như cũ.
Bà Thương bên căn nhà của gia đình bị đội cưỡng chế phá
Vẫn chưa có bị can nào bị khởi tố trong vụ phá nhà ông Vươn
Ngoài bốn vị kể trên, các quan chức khác cũng có những hành động hay phát biểu gây bức xúc ở người dân trong vụ Tiên Lãng như bản thân ông phó Chủ tịch Đỗ Trung Thoại, Giám đốc Công an thành phố Đỗ Hữu Ca, Trưởng Ban tuyên giáo huyện Tiên Lãng Vũ Hồng Chuân và Chánh văn phòng huyện Ngô Ngọc Khánh đều không bị suy suyển gì.
Trước đó, Công an Hải Phòng cũng đã ra quyết định điều tra và khởi tố vụ án phá nhà ông Vươn. Cho đến nay sau hai tuần điều tra vẫn chưa có bị can nào bị khởi tố mặc dù báo chí trong nước dẫn lời người được cho là trực tiếp phá nhà ông Vươn cáo buộc chính các ông Hoan và Liêm chỉ đạo việc này.
Trong khi đó, ngay sau vụ cưỡng chế dẫn đến việc nổ súng vào lực lượng cưỡng chế, hai anh em ông Đoàn Văn Vươn đều bị khởi tố về tội giết người và chống người thi hành công vụ và bị bắt tạm giam ngay lập tức.

Tỏ rõ thái độ

Mới đây nhất, người chịu trách nhiệm cao nhất ở chính quyền Hải Phòng là Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Thành đã tỏ rõ thái độ của chính quyền thành phố đối với vụ việc.
Nói chuyện với trên 500 đảng viên, cán bộ trung cao cấp đã nghỉ hưu của Hải Phòng trong câu lạc bộ Bạch Đằng, ông Thành đã không hề đả động gì đến sai sót của chính quyền thành phố mà lại chỉ trích ông Vươn vi phạm pháp luật, cáo buộc báo chí ‘viết sai’ và một số cán bộ lão thành ‘nói không chuẩn’.
Một số thành viên câu lạc bộ Bạch Đằng có mặt hôm đó đã phê bình ông Thành đã đi ngược lại kết luận của Thủ tướng.
Trước đó, trong phiên họp với chính phủ, ông Thành đại diện chính quyền Hải Phòng đã hứa sẽ nghiêm túc thực thi kết luận của Thủ tướng.
Lãnh đạo các cấp ở Hải Phòng khi phát biểu với báo chí đều nói sẽ ‘nghiêm túc kiểm điểm và rút kinh nghiệm’.
Như vậy, với các sự việc đã xảy ra như trên, chính quyền Hải Phòng có thực tâm thực hiện kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không? Hay họ chỉ ‘khẩu phục’ chứ không ‘tâm phục’ để làm dịu bất bình trong người dân và chỉ xử lý chiếu lệ để đánh lừa dư luận?
BBC Việt ngữ đã đem các câu hỏi này trao đổi với ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên chi hội nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng.

‘Không thực tâm’

Đầm thủy sản của ông Đoàn Văn Vươn
Chính quyền Hải Phòng thể hiện ý kiến khác với kết luận của thủ tướng về vụ việc ông Vươn
Ông Luân cho rằng chính quyền các cấp ở Hải Phòng ‘không thực tâm’.
Ông cho biết hôm thứ Hai 20/12, chính quyền huyện Tiên Lãng có gọi điện mời và ông đã đại diện Liên chi hội ra làm việc với chính quyền về việc thu hồi quyết định cưỡng chế đối với đầm của ông Vươn.
Huyện Tiên Lãng thu hồi quyết định cưỡng chế không phải vì nó sai mà là ‘hết hiệu lực’, ông Luân cho biết.
“Điều 2 (của quyết định) có ghi là (quyết định cưỡng chế) hết hiệu lực,” ông nói, “Tôi bảo quyết định cưỡng chế của Ủy ban huyện Tiên Lãng chẳng có điều khoản nào ghi ngày giờ tháng nào thì hết hiệu lực.”
Hơn nữa, quyết định do Chủ tịch tạm quyền huyện Tiên Lãng Lương Hữu Huyền ký này cũng ‘không ghi rõ lý do thu hồi (là quyết định cưỡng chế trái pháp luật) và trách nhiệm bồi thường dân sự’ nên ông Vươn đại diện cho Liên chi hội đã không nhận quyết định này.
“Huyện nói nếu không nhận thì sẽ bàn giao lại cho chính quyền xã Vinh Quang và xã sẽ bàn giao cho gia đình,” ông Luân nói.
Còn về việc tạm đình chỉ chức vụ các ông Hiền, Khanh, Hoan và Liêm trong vòng 15 ngày, ông Luân cho biết Liên chi hộ của ông đang bám sát tiến trình điều tra khởi tố.
“Thời hạn 15 ngày còn mấy hôm nữa là hết mà chúng tôi chưa thấy khởi tố bị can nào cả,” ông nói.
Ông cũng than phiền về việc Viện kiểm soát và Công an Hải Phòng vẫn chưa ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự về vi phạm pháp luật trong quản lý đất đai mặc dù Liên chi hội đã có đơn kiến nghị.
Ông nói nếu sau 15 ngày đình chỉ chức vụ các quan chức này mà các cơ quan chức năng Hải Phòng vẫn không có quyết định khởi tố bị can để các vị ấy quay về vị trí cũ thì ‘chắc chắn ban chấp hành Liên chi hội sẽ có ý kiến’.
Còn về vụ án phá nhà của gia đình ông Vươn, cơ quan điều tra vẫn chưa khởi tố bị can là vì vụ việc ‘liên quan nhiều tình tiết quan trọng và liên quan nhiều bị can khác’ nên công an thành phố ‘cần thời gian thu thập hồ sơ chứng cứ để xác định (thủ phạm) là cá nhân hay tổ chức’, ông Luân nói.
Một bằng chứng nữa mà ông Luân cho rằng chính quyền Hải Phòng xử lý không thực tâm là việc ông Phạm Đăng Hoan chỉ bị tạm đình chỉ chức bí thư xã Vinh Quang và vẫn còn giữ chức chủ tịch hội đồng nhân dân xã.
Còn ở cấp huyện, ông Luân cho rằng việc xử lý cũng đã để lọt nhiều người có liên quan.
“Người đầu tiên chịu trách nhiệm (ở cấp huyện) là ông Bùi Thế Nghĩa (bí thư huyện ủy) vì ông là [đại diện] đảng mà,” ông Luân bức xúc.
“Bí thư chỉ đạo chính quyền mà bây giờ xảy ra vụ đặc biệt nghiêm trọng thế này mà ông lại đứng ngoài là không thỏa đáng,” ông nói và nêu tên một số cán bộ ở huyện như ông Phạm Xuân Hoa trưởng phòng tài nguyên môi trường, ông Ngô Ngọc Khánh chánh văn phòng và ông Vũ Văn Hè trưởng phòng tư pháp mà ông cho cũng có trách nhiệm trong vụ cưỡng chế.
“Không xử lý (các ông này) là có vấn đề,” ông nói.

Ông Thành bao che?

Ông Thành trong buổi họp báo về xử lý vụ ông Vươn
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành, nguyên Trưởng Công an Quận Hồng Bàng, có vai trò gì trong vụ cưỡng chế đầm ông Vươn?
Ông Luân cho biết ông đang nghi ngờ chính quyền Hải Phòng vì có dấu hiệu là các vị lãnh đạo thành phố đang ‘dung túng bao che cho chính quyền huyện Tiên Lãng’.
Ông đặc biệt nêu đích danh Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Thành và nhắc lại cuộc nói chuyện của ông Thành tại câu lạc bộ Bạch Đằng hôm 17/2 để chứng minh cho thái độ bao che cấp dưới của ông này.
Ngoài ra ông Luân cũng nêu ra một số bằng chứng khác.
“Ngày 18/10 năm 2010, tại hội nghị giải quyết khiếu nại kéo dài trước Đại hội Đảng bộ thành phố, ông Hiền (chủ tic̣h huyện Tiên Lãng) có đem tờ trình ra đề nghị ông Thành cho cưỡng chế,” ông kể và cho biết ông Thành đã gạt đi vì ông rất ‘nhạy cảm chính trị’.
Tuy nhiên, sau đó, cũng theo ông Luân, quyết định cưỡng chế này đã được phó Chủ tịch thành phố Đỗ Trung Thoại phê chuẩn.
“Theo logic, nếu ủy ban thành phố không được sự đồng ý của thành ủy thì chắc chắn không ai dám ký việc này,” ông lập luận và cho rằng ông Thoại đã nhận được ‘khẩu dụ’ của ông Thành để ký vào văn bản này.
“Trước đây tôi và ông Vươn đã gửi đơn nhiều lần đến ông Thành mà lý do gì ông Thành im lặng?,” ông nói.
Hơn nữa, ông Luân còn cho biết là ông được nhiều người kể lại là hôm cưỡng chế đầm ông Vươn đích thân ông Bí thư Thành ủy Thành mặc áo choàng đen, đội mũ bảo hiểm đến chỉ đạo vụ cưỡng chế.
“Có nhiều người thông tin chúng tôi biết (về sự hiện diện của ông Thành hôm cưỡng chế),” ông Luân khẳng định.
“Công an bắn đạn và hơi cay vào ngôi nhà đó (của gia đình ông Vươn), nếu không được sự đồng ý của ông Thành thì đoàn cưỡng chế không ai dám làm,” ông giải thích.
Ông Luân cũng kể là trong buổi mời các thành viên Liên chi hội ra ủy ban thành phố để nghe giải trình hôm 14/2, ông đã phản bác với ông Thành các buộc đối với ông Vươn.
“Chúng tôi chứng minh cho ông Thành biết ông Vươn không nợ đọng thuế và việc xử phạt ông Vươn chặt cây trong đầm nuôi thủy sản của ông là vi phạm pháp luật,” ông nói.
“Đất giao cho ông Vươn là đất nông nghiệp chứ có phải đất rừng không?” ông đặt vấn đề.
Trong buổi nói chuyện hôm 17/2 tại câu lạc bộ Bạch Đằng, ông Thành đã kể tội ông Vươn là ‘trốn thuế’, ‘lấn chiếm đất’, ‘phá rừng phòng hộ’ và ‘xây nhà bất hợp pháp’.
“Ông Thành bảo làm nhà ở đấy không được phép,” ông Luân kể, “Tôi bảo căn cứ luật nào của nước này không cho phép ông Vươn làm nhà trên đất được giao cho ông ấy sản xuất?”
Về phản ứng của ông Thành trong buổi làm việc nói trên, ông Luân cho biết là ông Thành ‘cũng đuối lý và ghi nhận’.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét