Pages

Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Cam Bốt : chính quyền làm ngơ, dân chúng buộc phải dùng bạo lực


Biểu tình chống cưỡng bức giải tỏa tại Phnom Penh, ngày 24/01/2012
Reuters

Trọng Thành
Tuần báo Le Courrier International chú ý đến các phản ứng dữ dội của dân chúng Cam Bốt trong thời gian gần đây, trước sự đồng lõa của các doanh nhân với giới cầm quyền, qua bài “Các công nhân ngành dệt may Cam Bốt sẵn sàng giáng trả”, được đăng trên tờ The Phnom Penh Post.


Bài báo cho biết, đối mặt với những đe dọa và thái độ làm ngơ của giới chủ, công nhân nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải sử dụng đến các biện pháp phản kháng bạo lực, như : ném đá, gây hỏa hoạn hay bắt cóc con tin. Tại hai tỉnh Svay Rieng và Kampong Cham, các công nhân tấn công nhà máy, đập cửa sổ, để buộc ban lãnh đạo phải ngồi vào bàn đàm phán. Tại Ratanakiri - ở ngã ba Đông Dương, giáp biên giới với tỉnh Kontum - Việt Nam, dân thiểu sổ thuộc sắc tộc Tumpuan đã bắt cóc bốn nhân viên bảo vệ và một người làm công của một doanh nghiệp trồng cao su, nhằm buộc công ty Zhong Ri Cambodia phải ngưng xâm phạm đất đai của làng.

Các sự kiện trên cho thấy, một khi ngành tư pháp và Nhà nước không đứng ra giải quyết các mâu thuẫn, biện pháp duy nhất chỉ còn là bạo lực.

Giải thích về điều này, một công nhân của doanh nghiệp dệt may Medtec ở Kampong Cham cho biết, không ai trong số 2.000 công nhân ở đây muốn dùng đến các biện pháp cực đoan như vậy, nhưng sau bốn ngày chờ đợi mà không thấy doanh nghiệp và chính quyền có phản ứng gì, họ không còn giữ được kiên nhẫn.

Thực tế là, chỉ hai giờ sau khi công nhân phản ứng dữ dội, Medtec đã tỏ chấp nhận đàm phán để cải thiện điều kiện lao động với công nhân. Được biết, với doanh số gần 4 tỷ đô la, dệt may là ngành sản xuất chiếm tới 90% hàng xuất khẩu của Cam Bốt năm 2011.

Các phản ứng bạo lực dữ dội kể trên của công nhân và nông dân biểu hiện cho nỗi thất vọng sâu sắc của một bộ phận dân chúng ở Cam Bốt, thấy mình bị gạt sang bên lề, trong một xã hội thường bị giới lãnh đạo địa phương liên kết với các chủ doanh nghiệp thao túng. Cảm nhận về sự áp bức này càng mạnh mẽ hơn, khi các đòi họ của họ không những không được chú ý, mà các biểu thị bằng biện pháp hòa bình bị đàn áp mạnh. Một ví dụ là, ngày 20/02, cảnh sát bắn vào đoàn biểu tình trong tay không tấc sắt, khiến ba người bị thương, trong đó có một người bị thương nặng, gần nhà máy Kaoway Sports ở Svay Rieng. Doanh nghiệp Kaoway cuối cùng đã phải chấp nhận đáp ứng các đòi hỏi của công nhân, là trả thêm 10 đô la/tháng cho phụ cấp đi lại, và nửa đô la/ngày cho các bữa ăn ca.

Trong hiện tại, chính quyền Cam Bốt không muốn làm xấu đi hình ảnh của mình trước cộng đồng quốc tế, khi mà Cam Bốt đang đảm nhiệm chức chủ tịch Hiệp hội các nước Đông Nam Á Asean, và đang chờ được phê chuẩn vào chiếc ghế thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào tháng 10 năm nay. Sau vụ bắn người biểu tình kể trên, Bộ trưởng Nội vụ Cam Bốt đã tỏ thái độ cứng rắn với các cảnh sát bắn vào dân.

Tuy nhiên, theo một nhà hoạt động nhân quyền, tuyên bố kể trên không khiến sự việc bớt nghiêm trọng hơn, và ông khẳng định Nhà nước Cam Bốt phải nhìn nhận một cách nghiêm túc sự việc ngày càng có nhiều người lâm vào cảnh tuyệt vọng, khiến đất nước rơi vào mất ổn định. Mà, giữ ổn định là điều mà tất cả các đảng cầm quyền đều vỗ ngực tự cho là thế mạnh của họ.

Cũng Le Courrier International trích dẫn bài báo từ tờ The Cambodia Daily. Theo đó, tại các tỉnh miền Đông Cam Bốt Kratie và MondolKiri, dân chúng đã tổ chức các cuộc tuần tiễu để tịch thu phương tiện của lâm tặc, chống lại nạn phá rừng bất hợp pháp, mà chính quyền đã không làm gì thực sự để ngăn chặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét