Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Chỉnh đốn đảng – và vấn đề đất đai

RFA photo
Đất trống ở ngoại ô Hà Nội. Hình chụp hôm
 08/03/2012.

Vũ Hoàng, phóng viên RFA

Việc xây dựng chỉnh đốn Đảng đang được Đảng CSVN thực hiện một cách ráo riết trước thực trạng là sự yếu kém và lợi dụng lỗ hổng pháp luật của nhiều cán bộ Đảng viên, cộng với sự thiếu năng lực quản lý của nhiều cấp ủy Đảng cơ sở.
Nhưng nguồn gốc để những “con sâu” này vẫn có thể “tung hoành” được là do luật pháp và thậm chí Hiến pháp Việt Nam còn có những kẽ hở và không phù hợp với thực tế phát triển hiện tại. Trong đó, Luật đất đai là một thí dụ điển hình.
Phản hồi trước Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 BCH TW Đảng (khóa XI) “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” nhiều Đảng viên kêu gọi Đảng phải “lấy lại lòng tin yêu của nhân dân” và coi việc xây dựng chỉnh đốn Đảng là công việc xây dựng con người vì nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng CS và sự tồn vong của chế độ.


Thế nhưng sức nóng từ vụ chiếm đoạt đất đai Đoàn Văn Vươn, tại Tiên Lãng, Hải Phòng khiến dư luận một lần nữa lật lại câu hỏi liệu “lòng tin yêu của nhân dân” và “xây dựng con người” của Đảng CS có bị lung lay hay không khi một số cán bộ Đảng viên như Phạm Đăng Hoan, Bí thư Đảng ủy và Lê Thanh Liêm, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang bị kỷ luật.

Mập mờ


20120130125725_3-250.jpg
Căn nhà của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị chính quyền phá.
Để những đảng viên như ông Hoan hay ông Liêm có cơ hội làm sai pháp luật và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như vậy, xét cho đến cùng là sự mập mờ trong luật Đất đai và luật pháp bảo vệ cho chủ trương, đường lối bất cập của Đảng Cộng sản. Lên tiếng từ Hà Nội, TS Nguyễn Thanh Giang nhận xét về vụ cưỡng chiếm đất đai của hộ gia đình ông Vươn:

“Vấn đề đất đai mập mờ, luật pháp mập mờ và luật pháp xuất phát từ bảo vệ cho chủ trương sai lầm của Đảng CSVN, cho nên đã gây ra hàng loạt vụ Đoàn Văn Vươn từ trước. Trước Đoàn Văn Vươn đã có hàng trăm, hàng nghìn những vụ Đoàn Văn Vươn, cũng đau lòng không kém.
Nhưng người ta không đủ sức để chống trả ác liệt như Đoàn Văn Vươn. Đảng CSVN cũng đã thừa nhận đến 70-80% các vụ khiếu nại nằm bờ nằm bụi hàng chục năm nay. Tôi đảm bảo rằng nếu không chịu sửa sai đường lối, sửa sai luật pháp đối với luật Đất đai theo chủ trương đường lối mới thì có hàng loạt các vụ Đoàn Văn Vươn xảy ra nữa.”

Dân chỉ được quyền sử dụng đất


dat-250.jpg
Nông dân tận tụy khai phá và canh tác vùng đất được giao. AFP photo.
Theo ghi nhận, có đến gần 80% những vụ khiếu kiện có liên quan đến đất đai, bởi với những điều khoản như hiện nay thì các lỗ hổng của luật khiến nhiều viên chức Nhà nước, mà trong đó phần lớn là Đảng viên, có thể luồn lách và lạm dụng. Lý do căn bản nhất nằm tại khái niệm “đất đai thuộc sở hữu toàn dân,” Nhà nước là người chủ đại diện, còn người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà thôi.

Lật lại những ngày đầu tiên, Hiến pháp năm 1959, nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thừa nhận quyền sở hữu về ruộng đất của người nông dân, chỉ có “đất hoang” mới thuộc “sở hữu toàn dân.” Thế nhưng sau vài lần sửa đổi, đến năm 1980, khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai đột nhiên xuất hiện trong Hiến pháp năm 1980. Theo giải thích của L.S Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì khái niệm này ra đời là do ý kiến chủ quan của một vài lãnh đạo thời điểm đó, chứ không dựa trên bất kỳ một nền tảng khoa học nào cả.
Và đến Hiến pháp 1992, điều 15 có quy định các tư liệu sản xuất (bao gồm cả đất đai) chủ yếu được công hữu hóa và Nhà nước quản lý nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung dựa trên chế độ công hữu. Trên mặt lý thuyết thì chế độ công hữu đất đai xóa bỏ địa tô và tạo sự bình đẳng xã hội.
Thế nhưng, cũng từ “chế độ sở hữu toàn dân về đất đai” - một phạm trù rất mơ hồ về chế độ sở hữu, mà sau hơn 30 năm, hàng loạt những bất cập đã lộ rõ và câu chuyện Tiên Lãng chỉ là một tất yếu phải xảy ra.

Nhà nước là đại diện chủ sở hữu


land-dispute-protest-in-ha-noi-250.jpg
Nông dân ngoại tỉnh phía Bắc biểu tình về đất đai bị mất bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 21/2/2012. AFP photo.
Sau 5 lần sửa đổi, luật Đất đai hiện nay quy định đất đai sở hữu toàn dân và Nhà nước là đại diện chủ sở hữu, được quyền định đoạt, chẳng hạn: quy định về hạn mức giao đất, thời hạn sử dụng đất, cho thuê, thu hồi đất, còn người dân chỉ được quyền sử dụng đất mà thôi. Theo lời LS Trương Thanh Đức được TBKTSG trích dẫn “vì được trao quyền định đoạt, Nhà nước có thể thu hồi, giải tỏa đất bất cứ lúc nào nếu Nhà nước muốn giá đền bù rẻ mạt, và điều nghịch lý là việc thu hồi này được xem là hợp pháp.” Sau đó, những người có chức quyền này giao cho các tổ chức hoặc cá nhân khác với giá cao gấp hàng chục, hàng trăm lần giá đền bù rẻ mạt cho người nông dân. Chính những cán bộ được gọi là “ăn đất” này đã chia chác và hưởng lợi những khoản tiền chênh lệch kếch xù.

Vì được trao quyền định đoạt, Nhà nước có thể thu hồi, giải tỏa đất bất cứ lúc nào nếu Nhà nước muốn giá đền bùrẻ mạt, và điều nghịch lý là việc thu hồi này được xem làhợp pháp.

LS Trương Thanh Đức
Rõ ràng lỗ hổng trong luật Đất đai cho phép các cấp từ Trung ương đến địa phương được can thiệp rất sâu vào quá trình quản lý đất đai, mà tình trạng lạm quyền, tư lợi cá nhân đất đai của các cán bộ Nhà nước đã xảy ra tràn lan, nhưng họ lại hoàn toàn không bị liên lụy vì “sở hữu toàn dân về đất đai” đã là tấm lá chắn để họ mặc sức tung hoành.
Vì lỗi hệ thống này mà biết bao oan khuất của người nông dân có đất bị cưỡng chiếm thu hồi cứ chất chồng từ năm này sang năm khác.
Trong một lần trả lời trước đây với chúng tôi, đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc thẳng thắn nhìn nhận:
“Mặt tiêu cực của việc công hữu đất đai là mang lại lợi ích cục bộ cho một nhóm người và đồng thời mang lại thiệt thòi cho một nhóm người khác, nhất là người nghèo, tạo ra những bất công xã hội. Trong thời gian vừa rồi thì không ai giàu lên mà không dính đến đất đai: từ những doanh nghiệp cho đến những quan chức nhà nước đại diện cho quyền sở hữu đất đai. Nếu nói về khía cạnh ấy thì đúng là luật đất đai đang tạo kẽ hở cho một nhóm người”.

Đa sở hữu về đất đai


vietnamexodus-123-250.jpg
Dân oan khiếu kiện ở Hà Nội. Photo courtesy of vietnamexodus
Để tháo gỡ những bất công này, gốc rễ của vấn đề chính là chỉnh sửa Hiến pháp với điều khoản “sở hữu đất toàn dân” được xóa bỏ và thay vào đó là chế độ đa sở hữu về đất đai. Theo lời nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Huy Ngọ thì cần phải có sự phân chia rạch ròi chủ sở hữu trên từng thước đất, có thể đó là chủ sở hữu kinh tế tư nhân, của kinh tế tập thể hoặc của Nhà nước. Bởi vì nếu luật Đất đai có sửa đi sửa lại, mà vấn đề cốt lõi là sở hữu tư nhân về đất đai mà không được công nhận thì bất cập vẫn tồn tại.

Cùng với quan điểm này, TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Tư pháp nhận định sửa Hiến pháp là điều bắt buộc vì xét cho đến cùng mọi tranh chấp đều bắt nguồn từ vấn đề sở hữu, ông cho biết:
“Mọi thứ đều đụng tới vấn đề sở hữu, bây giờ đã tuyên bố đất đai là sở hữu toàn dân rồi nếu muốn sửa lại mà có gì thay đổi thì động chạm ngay vấn đề sở hữu cho nên bắt buộc phải sửa hiến pháp trước.”
Sau chuyện sửa Hiến pháp, tiếp đến là sửa đổi Luật đất đai để có thể chấm dứt được sự lạm quyền, lợi dụng kẽ hở luật pháp của những kẻ có quyền lực từ các cấp từ địa phương cho đến Trung ương. Đồng thời, với sự phân định rõ ràng về quyền sở hữu, người chủ sở hữu tư nhân thực sự yên tâm tiếp tục ổn định làm ăn lâu dài trên mảnh đất mà mình đã bỏ ra nhiều tiền của đầu tư. TS Đinh Kim Sơn, Viện trưởng Viện chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn phân tích:
Tôi nghĩ nếu nói về vấn đề sở hữu thì sẽ tạo ra được động lực cho người quản lý họ thấy mình là người chủ hơn, thực sự hơn.
TS Đinh Kim Sơn
“Tôi nghĩ nếu nói về vấn đề sở hữu thì sẽ tạo ra được động lực cho người quản lý họ thấy mình là người chủ hơn, thực sự hơn. Vì vậy chúng tôi nghĩ rằng khái niệm người cày có ruộng trước đây sẽ lần lượt được thay thế bằng khái niệm tạo ra công ăn việc làm, tạo ra thu nhập một cách tốt nhất, ổn định lâu dài cho người lao động từ nông thôn đi ra và tạo điều kiện cho họ bước vào cuộc sống công nghiệp hóa tương đương mức sống của các thành phần kinh tế khác trong xã hội.”
Là con người, ai cũng muốn quyền lợi cá nhân của mình được cải thiện, nhưng cải thiện bằng cách nào lại là câu chuyện khác. Được cải thiện nhờ chính sách, luật pháp đúng đắn, với công sức và đồng tiền chân chính như của những người chủ tư nhân đất đai, hay quyền lợi cá nhân được cải thiện nhờ những lỗ hổng luật pháp như những kẻ “ăn đất” lợi dụng luật pháp để bóc lột người dân.
Với lần chỉnh đốn Đảng này, một lần nữa tư cách những cán bộ Đảng viên lại được mang ra cân đong đo đếm, để biết rằng, họ sẽ đặt quyền lợi của cá nhân mình lên trên quyền lợi của người dân lao động hay một lần nữa lỗi hệ thống của một Đảng chính trị lại được lặp lại như bao lần chỉnh đốn trước đây.


Video: Tranh chấp đất đai và sự bất bình của nhân dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét