Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

CHỈNH ĐỐN TRIỀU ĐÌNH

Nước Đại Ngu vào thời Mạt Vận, quan lại tham nhũng vô độ, ăn chơi phá phách vô chừng, lòng dân ly tán, tiếng ca thán dậy khắp nơi.
Để làm trong sạch xã hội, nhà vua phát động một chiến dịch học tập Tiên Đế, cử các quan tuyên huấn đi tới mọi miền để rao giảng về đạo đức của Ngài. Hoàng thượng cũng cho tìm những kẻ lẻo mép học kỹ hoặc sáng tác thêm những mẩu chuyện về Tiên Đế để đi kể cho dân chúng nghe. Mỗi quý, mỗi năm lại có những đợt sơ kết, tổng kết thành tích học tập, thấy tình hình thật khả quan, học tập đến đâu, bụng dạ các quan sạch sẽ thơm tho dần đến đó. Các quan tuyên huấn báo cáo về triều đình rằng tình hình tham nhũng giảm hẳn, lòng tin của dân đen được nâng cấp lên một mức mới. Vua mừng lắm.
Bỗng lại xảy ra vụ Tiên Lãng, mấy kẻ thứ dân nổ súng vào đám người cưỡng chế thu hồi đất. Điều tra sơ bộ cho thấy việc cưỡng chế là trái phép, các quan địa phương thực ra chỉ muốn cướp đất của dân để chia nhau. Lại được biết việc tương tự xảy ra hầu khắp nơi, đều do quan lại tham lam ô trọc mà ra cả. Mới biết việc báo cáo thành tích học tập tiên đế đều là láo toét hết.

Đức vua vốn cũng xuất thân từ nghề tuyên huấn, lại nghĩ đến việc tổ chức hội nghị để rao giảng về đạo đức. Ngài cho triệu tập quần thần, bàn về một nghị quyết “chỉnh đốn triều đình”. Trước quần thần, ngài thống thiết kêu gọi khôi phục lòng tin của con dân. Ngài nói sự thành bại của chỉnh đốn quyết định sự tồn vong của chế độ. Ngài nói từ trước đến giờ bao nhiêu đợt học tập đạo đức đều chỉ nói suông, lần này ta phải biến thành hành động.
Sau khi nghị quyết đã ra rồi, để cho nó thực sự “đi vào cuộc sống”, nhà vua lại mấy lần triệu tập các quan đầu tỉnh từ khắp nơi về dự họp với triều đình để bàn triển khai nghị quyết. Mỗi lần về họp, các quan đều được ăn chơi xả láng, cuối đợt còn được tiền rủng rỉnh bỏ túi trước khi về.
“Vì sự nghiệp chống tham nhũng, không thể tiếc tiền với những kẻ triển khai nghị quyết được. Bây giờ chi ra một đồng thì sắp tới sẽ tiết kiệm được cho dân mười đồng.” Hoàng thượng giải thích trong một lần huấn thị trước hội nghị. Và nghĩ đến cảnh dân nhiều nơi còn đói ăn, ngài xúc động đến trào nước mắt.
Bỗng một kẻ từ đám đông bước ra cúi gập người trước ngai vàng.
“Muôn tâu!” Y nói. “Nếu bệ hạ thực lòng muốn chỉnh đốn triều đình, thần xin mạo muội nói đôi lời.”
“Hay lắm! Nói đi!” Hoàng thượng khích lệ.
“Việc chỉnh đốn và chống tham nhũng phải bắt đầu ngay tại đây.” Kẻ kia nói.
“Đúng vậy.” Hoàng thượng nói. “Khanh nói chính hợp ý trẫm. Vậy khanh có kế gì thì nói ra mau!”
Kẻ táo gan kia nói liền một mạch:
“Bẩm, trước hết phải chấm dứt ra các loại nghị quyết, bãi bỏ các loại hội nghị triển khai. Những trò đó chỉ tổ tốn tiền. Dân chúng đang hàng ngày nhìn vào triều đình, cảnh ăn chơi nhảy múa ở đây đang ngày càng gây bức xúc cho họ. Xin cho thần nói thẳng: càng triển khai lắm thì càng thối nhiều…”
“Láo! Láo! Giết! Giết!…” Triều đình náo loạn hẳn lên. Nhiều vị quan lớn đòi xử kẻ kia tội khi quân.
Nhà vua tím mặt. Ngài phán:
“Bắt lấy nó! Xử chém ngang lưng!”
“Hôn quân kia! Nhà ngươi sẽ bị muôn đời nguyền rủa!” Kẻ táo gan nói, và trong nháy mắt, thân thể y đã bị chặt đứt thành hai đoạn, máu me lênh láng.
“Vì tầm quan trọng của công tác chỉnh đốn triều đình, ta tuyên bố kéo dài hội nghị chỉnh đốn lần này thêm ba ngày.” Nhà vua nói. “Mỗi đại biểu hội nghị sẽ được cấp thêm hai ngàn đô. Và sắp tới, các hội nghị triển khai được tiến hành mỗi tháng một lần và kéo dài trong cả tuần đầu tháng.”
TRẦN NAM CHẤN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét