Trịnh Kim Tiến - Cô Bùi Hằng là một người tự do. Cô tự do yêu nước, thương nòi, tự do yêu tha thiết mảnh đất nuôi nấng cô và bao thế hệ dân Việt. Cánh cửa tù mang danh trung tâm phục hồi nhân phẩm chỉ bỏ tù được hình hài thân xác cô nhưng không trói nhốt được tinh thần và khát vọng tự do của cô. Ngược lại, những người bắt giam cô không có được cái tự do cao quý ấy. Họ không còn được tự do yêu nước. Họ đang là những kẻ nô lệ cho quyền lực và tham vọng cá nhân và đã tự đánh mất chính họ: một con người Việt Nam…
*
Lòng thương cảm, nỗi buồn và sự khâm phục, đan xen nhau, trào dâng trong tôi khi tôi đặt bút viết những dòng này. Người đàn bà với lời tâm huyết tự trong lòng:
“Ôi Tổ quốc, ta yêu như máu thịt.
Như mẹ cha ta, như vợ như chồng
Ôi, Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông…”
Bây giờ cô đã trở thành người tù không bản án trong trại phục hồi nhân phẩm Thanh Hà, nhưng không vì thế đã làm giảm đi phẩm cách cao quý của một người phụ nữ yêu nước, giá trị sống của một con người. Người đàn bà đó vẫn tự do. Cô tự do trong suy nghĩ, tự do trong hành động, tự do trong ý thức của bản thân. Những vật cản chỉ có thể kìm hãm giữ thể xác cô sau bức tường rào sắt, nhưng không thể giam giữ nổi tinh thần và ý chí của cô.
Bùi Hằng – cô là một người phụ nữ đặc biệt. Tên tuổi của cô đã gắn liền với những cuộc biểu tình yêu nước chống Trung Quốc vì Hoàng Sa- Trường Sa thương yêu. Bên cạnh vẻ đẹp quý phái trong tà áo dài Việt thướt tha, cô còn là một con người đầy bản lĩnh và mạnh mẽ. Cô trở thành Người Phụ nữ của năm 2011, danh hiệu mà những người Việt Nam yêu nước dành tặng cô.
Việc cô tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lấn, đàn áp, bắt bớ, và giết hại ngư dân Việt Nam chắc chắn là một hành động đúng đắn. Khi một tất đất, biển đảo đã thấm đậm xương máu của cha ông bị cướp đi, biết bao nhiêu ngư dân vô tội đã và đang bị cướp bóc, đàn áp, đánh giết trước, khi mà sự bành trướng của Trung Quốc ngày càng lộ liễu… thì việc lên tiếng nhỏ nhoi để có nhiều hơn sự quan tâm của người dân là bổn phận và quyền của mọi công dân.
Chính Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – giám đốc công an thành phố cũng đã khẳng định, những cuộc biểu tình đó là những cuộc biểu tình yêu nước. Và điều này được cả thế giới công nhận. Bên cạnh đó, quyền biểu tình là một quyền hiến định và cho đến thời điểm này, không có một quy định pháp luật nào để nói rằng cô Bùi Hằng làm trái pháp luật. Vậy mà cô lại bị bắt giam hết sức phi lý, không có tội danh, không có bản án. Một quy định áp dụng một cách không hợp lý. Thậm chí đến cái quyền cơ bản nhất của một công dân là quyền khiếu nại của cô cũng bị làm ngơ. Trong một văn bản gửi ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, luật sư Hà Huy Sơn đã chỉ rõ điều đó: “Hay bà Hằng mất quyền ủy quyền khiếu nại? Hoặc ông để đến ngày 08/02/2012, ông trả lời giấy ủy quyền không hợp pháp là vừa đủ 90 ngày hết thời hiệu khiếu nại. Thời hiệu bà Hằng khởi kiện hành chính là 01 năm (08/11/2012), chẳng lẽ Tổng cục thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp ( TC VII, Bộ Công an ) sẽ vẫn không cho bà Hằng gặp luật sư, không cho bà Hằng gửi đơn khởi kiện từ trại Thanh Hà; vì Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội không thể lấy lý do gì mà bác đơn khởi kiện của bà Hằng” < Nguồn: Blog Nguyễn Xuân Diện >
Những người đứng lên vì mục tiêu chính nghĩa, lên tiếng vì quê hương đất nước của mình trước những kẻ có ý đồ xâm chiếm, áp bức thì không thể gọi là những kẻ gây rối được. Những kẻ chống lại chính nghĩa, gây hấn để cướp bóc , đàn áp dân tộc khác mới là những kẻ đáng lên án, những tên tội phạm chiến tranh, kẻ gây rối, tham tà, là kẻ thù của mọi dân tộc.
Điểm khác biệt giữa con người đấu tranh cho lẽ phải chân chính với những người khác nằm ở lý lẽ và mục tiêu mà người ta đấu tranh. Cô Bùi Hằng đã đấu tranh cho quyền lợi của đất nước, dân tộc mình và với mục tiêu duy nhất: không chấp nhận để một tấc đất, tấc biển lọt vào tay ngoại bang.
Lời của bác Trần Trung Đạo trong cuốn sách “Khi bài hát trở về”:
“Tôi không cường điệu hay khoe khoang lòng yêu nước. Tình yêu dành cho đất nước là tình cảm tự nhiên. Và cũng không phải chỉ mình tôi biết yêu nước mà đại đa số người Việt Nam dù ở đâu trên trái đất này cũng chia sẻ một tình yêu dành cho đất nước như tôi. Nếu không có truyền thống yêu nước, Việt Nam đã là một tỉnh của Trung Quốc từ nhiều trăm năm trước. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc luôn sống trong đe dọa và phải không ngừng chiến đấu để bảo vệ quyền tồn tại trong suốt chiều dài lịch sử. Mỗi ngọn núi, mỗi giòng sông mang đầy chứng tích của những cuộc chiến tranh tự vệ khốc liệt, nơi tổ tiên đã phải đổ quá nhiều máu và nước mắt để có được.”
Đúng vậy, chẳng ai cường điệu cái lòng yêu nước, mà bất cứ ai trong đất nước này cũng có, để làm gì. Chúng ta chỉ nhắc đến nó như những điều tự nhiên, vì đó là truyền thống, truyền thống của một dân tộc đã hơn 4000 năm anh dũng chống ngoại xâm. Truyền thống giặc đến nhà đàn bà cũng đánh đã ngấm sâu vào tiềm thức của mỗi con người Việt. Những kẻ cho rằng chúng tôi nhắc đến lòng yêu nước như muốn phô trương, hay là một cái cớ cho một việc làm, hay hành động nào đó, để bị lợi dụng là những kẻ không có trái tim và khối óc và đã đánh mất cội nguồn và truyền thống dân tộc trong họ.
Một người đàn bà không đảng phái, không am hiểu chính trị, không có mưu đồ hay toan tính, chỉ có một lòng yêu nước đơn thuần có đáng để họ phải đối xử như vậy không? Cái được và mất khi họ áp bức người phụ nữ đó là là gì? Cái được chỉ là họ đàn áp được về thể xác của một người phụ nữ yếu đuối, nhưng cái mất là sẽ khiến nhân dân nhìn họ, thế giới nhìn vào ra sao? Hình ảnh của một người phụ nữ yêu nước bị áp bức trên chính đất nước của mình vì thể hiện lòng yêu nước đó sẽ khiến hình ảnh này xấu đi biết bao nhiêu trong mắt bạn bè Quốc tế? Và việc bắt giữ vô cớ, không tội danh này ngoài thể hiện một sự bất lực trước lòng yêu nước của người dân ra thì nó không có tác dụng gì cả. Bắt một Bùi Hằng thì sẽ có nhiều Bùi Hằng khác. Bởi truyền thống yêu nước bất khuất không phải ở một hay vài cá nhân, mà ở trái tim, hàng triệu con người Việt.
Chỉ có điều, hình ảnh người phụ nữ này quật cường quá, oai hùng quá, khiến người khác phải nể sợ. Có lúc bị sách nhiễu, bị quấy rối, thậm chí bị chửi rủa, đe dọa nhưng cô vẫn hành động theo lý lẽ con tim, những điều mà cô cho là đúng. Hình ảnh của cô tưởng như hình ảnh “Người tù thế kỷ” Nelson Mandela của Nam Phi, sau biết bao lần bị bắt bớ rồi thả tự do, tinh thần bất diệt và ý chí vẫn nung nấu trong lòng. Vì họ là những con người tự do.
Cô Bùi Hằng là một người tự do. Cô tự do yêu nước, thương nòi, tự do yêu tha thiết mảnh đất nuôi nấng cô và bao thế hệ dân Việt. Cánh cửa tù mang danh trung tâm phục hồi nhân phẩm chỉ bỏ tù được hình hài thân xác cô nhưng không trói nhốt được tinh thần và khát vọng tự do của cô. Ngược lại, những người bắt giam cô không có được cái tự do cao quý ấy. Họ không còn được tự do yêu nước. Họ đang là những kẻ nô lệ cho quyền lực và tham vọng cá nhân và đã tự đánh mất chính họ: một con người Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét