Câu chuyện về một cô gái trẻ bị gia đình chồng ở Cần Thơ hủy hôn vì cho rằng không giữ được trinh tiết đã thu hút dư luận.
Theo truyền thông trong nước, chồng của cô cáo buộc cô không còn "trinh trắng" và lại phát hiện một video quan hệ tình dục trên mạng internet.
Tháng rồi, khi người chồng kết hôn với người khác, gia đình cô Thùy làm đơn khiếu nại.
Hiện tại, cô Thùy được nói là đã lấy lại cân bằng tinh thần sau khi công an kết luận cô không phải là người trong video.
Câu chuyện này khơi gợi đôi điều về vấn đề bình đẳng giới và quan niệm về giá trí của người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) ở Hà Nội, cho rằng vẫn còn việc xem phụ nữ là "món hàng".
Người lấy bằng thạc sĩ về Sức khỏe Sinh sản và Tình dục ở Anh nói thêm ở Việt Nam đã có xu hướng khẳng định vị thế của phụ nữ như con người độc lập.
Khuất Thị Hải Oanh: Hiện nay đang có sự phân hoá rõ rệt. Những người có tiền đang muốn sử dụng người phụ nữ, nếu nói là món hàng thì hơi quá, nhưng như một thứ mà người ta có thể mua bán được, có thể quyết định được rằng người phụ nữ đó phải như thế nào: phải còn trinh hay không còn trinh, phải xinh đẹp hay không.
Chưa bao giờ, ở xã hội mình, thế lực của đồng tiền lại được thể hiện như bây giờ và đấy là điều đáng buồn. Đấy là một trào lưu tiêu cực khi thân phận của người phụ nữ được đem ra mua bán.
Nhưng bên cạnh đó cũng có trào lưu tích cực khẳng định vai trò của người phụ nữ. Ví dụ, những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, hay những người không nổi tiếng chấp nhận làm mẹ đơn thân, không lấy chồng vẫn có con, và người ta vẫn được xã hội tôn trọng và những đứa con này được nhìn nhận một cách công bằng.
Đây là trào lưu tích cực khẳng định phụ nữ với tư cách là con người độc lập, chứ không phải là một phần của một người đàn ông nào đó.
BBC:Theo bà, đâu là trách nhiệm của các bậc phụ huynh bởi lẽ cô gái trong câu chuyện này tuổi đời còn khá trẻ?
Việc giáo dục giá trị sống cho con cái, khẳng định sự độc lập của mình đến đâu, khẳng định mình là một con người mà không chỉ là một cái màng trinh, đó là một vấn đề lớn.
Chính các em trai cũng cần được giáo dục về giới, tình dục, về giá trị sống. Nếu như thế thì chàng rể trong vụ cô dâu bị trả về đã không hành xử như vậy. Đây là một vấn đề lớn về giới và liên quan rất nhiều đến giáo dục.
BBC:Liệu đây có phải điển hình cho thấy đàn ông Việt Nam, nhất là tại những tỉnh thành, vẫn bảo thủ và chịu ảnh hưởng của đạo Khổng?
Tư tưởng coi nặng chuyện trinh tiết không phải là cá biệt, nhưng đã ít phổ biến hơn trước đây.
"Qua câu chuyện này nói lên hai thứ, một là giá trị của một cô dâu chỉ đặt ở trinh tiết, thứ hai là người ta có thể dùng tiền để mua thứ đó. Người ta cho rằng có tiền thì có quyền đòi hỏi sự trinh tiết đấy."
Chuyên gia bình đẳng giới Khuất Thị Hải Oanh
Trong chuyện cô dâu không còn trinh tiết, gia đình được coi là “đại gia” này mà xử sự như vậy khiến người ta nghĩ rằng là vì họ có tiền nên họ có quyền được xử sự như thế.
Nó khiến người ta lo ngại rằng thân phận, trinh tiết người phụ nữ được coi như món hàng có thể dùng tiền trao đổi.
Chuyện này nói lên hai điều, một là giá trị của một cô dâu chỉ đặt ở trinh tiết, thứ hai là người ta có thể dùng tiền để mua thứ đó. Người ta cho rằng có tiền thì có quyền đòi hỏi sự trinh tiết đấy.
BBC:Trách nhiệm của đàn ông và sự hứng chịu của phụ nữ có thể được đặt trong vấn đề bình đẳng giới như thế nào, thưa bà?
Tuy đây không phải là ví dụ điển hình nhưng lại là ví dụ nổi bật của vấn đề bình đẳng giới.Trong câu chuyện này, toàn bộ giá trị của người phụ nữ chỉ nằm ở chuyện màng trinh.
Không ai được ở câu chuyện này, cô bé này thì bị tổn thương, người đã lấy cô bé về để làm chồng thì cũng khó có được cuộc sống hạnh phúc nếu như anh ta vẫn tiếp tục quan niệm rằng người vợ chỉ có giá trị ở màng trinh.
Thế rồi, anh ta có thể lấy được cô vợ khác còn nguyên vẹn, hay anh ta tin tưởng cô vợ đó còn cái màng trinh đi chăng nữa, thì cuộc sống vợ chồng có được lâu dài không khi chỉ sống quanh cái màng trinh đó.
Nhưng cô gái trẻ này không nên coi đây là khủng hoảng quá lớn đối với đời mình. Nếu cô lấy một người chồng và sống với người chồng lấy cô chỉ vì cái màng trinh thì liệu cuộc sống có hạnh phúc được hay không, được lâu dài hay không?
Có lẽ là đau đớn, nhưng nó lại mở ra một chương tốt đẹp hơn cho cuộc đời của cô gái này.
Và tôi cũng nghĩ rằng đây là một bài học, một dịp cho đàn ông, phụ nữ và xã hội Việt Nam suy nghĩ lại, nhìn nhận lại một cách đúng đắn hơn về vai trò của người phụ nữ, về quan niệm trước giá trị của người phụ nữ trong con mắt của người đàn ông.
BBC:Theo bà thì đến khi nào mới thực sự có "bình đẳng” trong suy nghĩ giữa hai giới?
Kết quả của một điều tra gần đây cho thấy khoảng xấp xỉ 50% số người đàn ông trả lời không coi trinh tiết quá là quan trọng.
Đây là một thay đổi rất quan trọng. Vì nếu điều tra này được làm cách đây 20 năm thì tỷ lệ không quá coi trọng trinh tiết phụ nữ chắc sẽ thấp hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, tôi cũng chứng kiến nhiều đôi lứa rất hạnh phúc trong một quan hệ khá bình đẳng. Nhiều ông chồng chia sẻ trách nhiệm trông nom con cái, về làm việc nhà với vợ.
Tôi cũng nhìn thấy ở rất nhiều người đàn ông hiện nay đã được nâng cao tiềm năng theo nghĩa là họ biết làm việc nhà, biết chăm sóc con cái.
Trước đây, khi nói đến bình đẳng nam nữ thì người ta thường nghĩ đến việc phụ nữ bị ấn vào trong bếp, phụ nữ bị phải trông con, phụ nữ phải làm việc nhà. Họ đã không nhìn thấy một khiá cạnh khác, là đàn ông không được dạy để làm những việc này, đàn ông không có khả năng để làm những việc này.
"Có lẽ là không bao giờ bình đẳng giới sẽ có được ở 100% các gia đình trong toàn xã hội Việt Nam, nhưng tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ được lan rộng hơn."
Bây giờ ở một số gia đình, phu ̣ nữ còn là người kiếm tiền chủ yếu và đàn ông chỉ lo đưa đón con đi học và chăm sóc nhà cửa. Các hiện tượng này tuy chưa phải là phổ biến nhưng đã được xã hội chấp nhận.
Điều này cho thấy ở bất kỳ xã hội nào, thay đổi không diễn ra đồng loạt trong toàn bộ xã hội. Nó sẽ chỉ diễn ra ở một bộ phận trong xã hội và dần dần lan ra toàn xã hội.
Hiện nay, trong bộ phận trí thức, hiện tượng này càng ngày càng phổ biến. Xã hội Việt Nam cũng khá thực tế. Điều gì tốt, xã hội sẽ chấp nhận. Điều gì mang lại kết quả tốt đẹp cho cả hai giới thì sẽ được chấp nhận.
Có lẽ là không bao giờ bình đẳng giới sẽ có được ở 100% các gia đình trong toàn xã hội Việt Nam, nhưng tôi tin rằng sự thay đổi này sẽ được lan rộng hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét