Pages

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Điêu đứng vì Bianfishco lâm nợ



Bà Phạm Thị Diệu Hiền


Ca Linh

Bianfishco nợ ngân hàng 1.200 tỉ đồng, nợ nông dân hơn 200 tỉ đồng, nợ bảo hiểm xã hội hơn 2 tỉ đồng. Trong năm 2010, Bianfishco phải trả lãi khoảng 78 tỉ đồng, số nợ phát sinh trong năm 2011 chưa thống kê được và đang chờ kiểm toán.
Hàng chục hộ nông dân bán cá tra nguyên liệu cho Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) đang điêu đứng do công ty không có khả năng chi trả. Trong ngày hôm qua, 9-3, Bianfishco đã trả lương tháng 2-2012 cho công nhân nhưng hàng loạt người đã xin nghỉ việc vì tình hình bất ổn tại công ty.
Cố tình khất nợ
Trong tháng 5 và tháng 7- 2011, bà Phạm Thị Diệu Hiền, Tổng Giám đốc Bianfishco, đã mua của ông Nguyễn Văn Liền và bà Phạm Thị Mai trên 1.160 tấn cá tra nguyên liệu với số tiền hơn 31,6 tỉ đồng. Bà Mai bức xúc: “Đến nay, công ty còn nợ chúng tôi gần 16 tỉ đồng nhưng bà Hiền cứ lẩn tránh không trả”. Còn ông Nguyễn Văn Liền, do không đòi được tiền bán cá, lại phải trả lãi suất ngân hàng hằng tháng nên phải bán 4 ha ao nuôi với giá 2,5 tỉ đồng để trả nợ ngân hàng.


Công ty Bianfishco đã tạm ngừng hoạt động, đời sống công nhân rất khó khăn
Ông Thái Bá Thi (ngụ quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ), một chủ nợ khác của bà Hiền, rầu rĩ: “Công ty còn nợ tôi 2 tỉ đồng gần 10 tháng nay, nếu không được thanh toán, tài sản sẽ bị ngân hàng kê biên, lúc đó, gia đình tôi biết sống sao ?”.
Ngày 1-12-2011, bà Mai và ông Liền đã ủy quyền cho luật sư Trường Thành (Văn phòng Luật sư Vạn Lý) khởi kiện Bianfishco. Sau khi thương lượng không thành, TAND quận Ô Môn – TP Cần Thơ đã mời hai bên hòa giải nhưng bà Hiền không đến. Cũng trong một buổi hòa giải, 2 nông dân yêu cầu bà Diệu Hiền nên thế chấp tài sản để làm tin nhưng bà cho biết không còn tài sản để thế chấp. Dự kiến ngày 16-3, TAND quận Ô Môn sẽ đưa ra xét xử vụ kiện trên.
Bảo đảm quyền lợi cho công nhân
Sáng 9-3, phía Bianfishco đã trả lương tháng 2-2012 cho công nhân. Anh Phạm Văn Lên, làm việc tại công ty hơn 1 năm, bày tỏ: “Nhận được hơn 2 triệu đồng lương mà muốn rớt nước mắt vì nghe đâu công ty thiếu nợ dữ lắm, công nhân sợ không được trả lương. Tôi cũng đã xin nghỉ để qua nơi khác làm cho ổn định, chứ làm ở đây dăm ba ngày lại nghỉ vài ngày, sao đủ tiền xoay xở”. Theo anh Lên, cả trăm công nhân đã xin nghỉ việc tại Bianfishco vì thông tin nợ nần của công ty.
Một công nhân tên Nhi buồn rầu: “Tôi đọc báo biết được Công ty Bình An nợ ngân hàng nhiều tiền lắm, rồi cho chúng tôi tạm nghỉ để ngày 12-3 vô làm lại. Nếu tuần sau nhà máy không hoạt động thì tôi cũng xin nghỉ”.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, trong tình trạng xấu nhất là Bianfishco vỡ nợ, phía LĐLĐ TP Cần Thơ có giải pháp nào giúp đỡ công nhân, ông Nguyễn Văn Sanh, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TP Cần Thơ, nói: “Việc này chưa có chỉ đạo của Thành ủy và UBND nhưng nếu xảy ra, LĐLĐ sẽ can thiệp giải quyết và hướng dẫn công nhân làm theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền lợi cho mình”. Ông Võ Thành Thống, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng nếu Bianfishco vỡ nợ, TP sẽ làm việc với LĐLĐ, Sở LĐ-TB-XH, BHXH thực hiện các chế độ chính sách liên quan cho công nhân.
Yêu cầu định giá lại tài sản
Vừa qua, hàng chục hộ nông dân đã gửi đơn kêu cứu, khiếu nại khẩn cấp lên Thủ tướng, Chủ tịch nước, Bộ NN-PTNT… và các ngành chức năng ở Cần Thơ đề nghị có biện pháp buộc Bianfishco trả nợ cho họ.
Trước tình hình đó, UBND TP Cần Thơ đã lập tổ kiểm tra tình hình nợ tại Bianfishco và giao cho Ban Quản lý các KCX – KCN Cần Thơ thực hiện nhiệm vụ này. Qua thống kê, ngoài việc thiếu nợ các ngân hàng trong và ngoài TP Cần Thơ gần 1.200 tỉ đồng, nợ nông dân hơn 200 tỉ đồng và nợ BHXH hơn 2 tỉ đồng, trong năm 2010, Bianfishco phải trả lãi khoảng 78 tỉ đồng. Số nợ phát sinh trong năm 2011 chưa thống kê được và đang chờ kiểm toán.
Theo nguồn tin riêng của Báo Người Lao Động, phía Bianfishco đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị chỉ đạo các ngân hàng định giá lại tài sản như: đất đai, nhà máy sản xuất… cũng như giảm lãi suất, khoanh nợ, dãn nợ cho công ty. Chẳng hạn, nhà máy chính có giá từ 400-500 tỉ đồng nhưng khi ngân hàng định giá chỉ khoảng 100 tỉ đồng. Tuy nhiên, giấy tờ của nhà máy này đã được bà Hiền đem đi thế chấp ở Ngân hàng Á Châu để vay 62 tỉ đồng.
Bán tài sản đã… thế chấp
Trong buổi họp báo chiều 7-3 vừa qua, ông Trần Văn Trí, chồng bà Diệu Hiền – người được ủy quyền làm tổng giám đốc Bianfishco, khẳng định rằng trong tháng 3-2012 sẽ trả nợ cho nhiều hộ bán cá khi bán tài sản công ty. Lời hứa này vẫn làm nhiều nông dân nghi ngờ vì trước Tết, bà Diệu Hiền cũng cam kết trả hết nợ cho dân trong tháng 12-2011 nhưng đến nay vẫn chưa xong. Hơn thế nữa, tài sản của Bianfishco đã “nằm” trong ngân hàng. Do vậy, nếu có bán tài sản công ty thì các ngân hàng được lấy đầu tiên, còn tiền đâu mà trả cho nông dân!
Theo: NLĐ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét