Pages

Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Iran có thể bất ngờ làm phức tạp tình hình biển Đông ra sao?

Adam Bray

Diên Vỹ X-Cafe chuyển ngữ

Rõ ràng những điều kiện Trung Quốc đưa ra cho Hoa Kỳ sẽ là: Nếu các anh (Hoa Kỳ) muốn được ủng hộ trong vấn đề Iran, thì phải để chúng tôi (Trung Quốc) sở hữu biển Đông.
Tuần trước Việt Nam đã đưa ra một tuyên bố “tái khẳng định chủ quyền” đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; là những khu vực biển đang tranh chấp phần lớn đang bị Trung Quốc kiểm soát. Báo chí nói rằng tuyên bố này là để phản ứng lại những thông báo mà Trung Quốc vừa đưa ra về những dự định phát triển những quần đảo trên.
Tuần trước tôi đã có nhận định với bạn bè cũng như trên mạng rằng mỗi khi Việt Nam làm điều này, có nghĩa là hai quốc gia đang có một đụng độ bí mật trên biển.
Vài ngày sau, Việt Nam đã công bố một câu chuyện quái dị trên truyền thông nhà nước rằng họ vừa kế thúc một cuộc hội thảo hữu nghị với Trung Quốc và đã đi đến một thoả thuận chung về những vấn đề liên quan đến biển Đông. Những gặp gỡ loại này luôn mang dấu hiệu cảnh giác.

Rồi hôm nay Việt Nam rốt cuộc lại thông báo rằng những tuyên bố của chính phủ tuần trước thật sự là để phản ứng lại những chiếc thuyền đánh cá Việt Nam bị hải quân Trung Quốc bắt giữ và đánh đập những ngư dân Việt trên thuyền.
Cũng nên lưu ý rằng “ngư dân” Việt Nam thật sự có nghĩa là những sĩ quan hải quân Việt Nam cải trang. Những tình báo, công an và quân đội Cộng sản ở Việt Nam dường như luôn ăn mặc thường phục để hoạt động bí mật thường xuyên như họ mặc đồng phục. Tìm kiếm trên Google và bạn sẽ tìm thấy rằng trước mỗi cuộc trao đổi về vấn đề biển Đông (tích cực hay tiêu cực), luôn có một sự kiện đầy bí ẩn liên quan đến “ngư dân” Việt Nam bị mất tích trên biể hoặc “bị hải tặc tấn công” gần những hòn đảo do Trung Quốc kiểm soát.
Vậy điều này có liên quan gì đến Iran, bạn hỏi? Hãy bước qua một sự kiện khác trong tuần này.
Hoa Kỳ vừa thông báo rằng Bắc Hàn đã đồng ý đình chỉ những hoạt động và thử nghiệm vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ lương thực từ Hoa Kỳ. Bắc Hàn là đồng minh chủ chốt và người hậu thuẫn cho chương trình hạt nhân của Iran và chắc chắn rằng thoả thuận mới này với Hoa Kỳ sẽ giới hạn sự hợp tác giữa Bắc Hàn và Iran.
Các quan chức Hoa Kỳ tuần này đã bất ngờ tố cáo Ả Rập Saudi có liên quan đến cuộc tấn công 11/9 vào Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ đã có được thông tin này trong khoảng một thập niên. Tại sao đến giờ mới công bố? Hoa Kỳ đang gây áp lực lên Ả Rập Saudi để nó ủng hộ Hoa Kỳ chống lại Iran. Nếu nó không chịu hợp tác, tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ còn thấy thêm những tiết lộ về Ả Rập Saudi trong những tuần kế tiếp.
Hoa Kỳ đang đi kêu gọi khắp thế giới để áp lực các quốc gia giúp chính phủ Hoa Kỳ kềm chế Iran – trước khi một cuộc chiến tranh thế giới nổ ra – một sự kiện giờ đây dường như có nguy cơ xảy ra. Tuy nhiên, những nhân vật chính trong trò chơi này, ngoài Hoa Kỳ, lại chính là Trung Quốc và Nga.
Ta có thể tưởng tượng rằng Hoa Kỳ và Nga đang thảo luận về việc gì – có lẽ là một lời hứa sẽ không có những nhận định xúc phạm từ bà Clinton đối với Putin trong giai đoạn nước Nga đang bầu cử và biểu tình này.
Rõ ràng những điều kiện Trung Quốc đưa ra cho Hoa Kỳ sẽ là: Nếu các anh (Hoa Kỳ) muốn được ủng hộ trong vấn đề Iran, thì phải để chúng tôi (Trung Quốc) sở hữu biển Đông.
Đây là cái giá rất đắt, và không rõ là Hoa Kỳ có sẵn sàng trả nó hay không, nhưng việc này cũng không ngăn Trung Quốc làm phép thử. Năm ngoái, sau vài sự kiện bạo lực giữa Trung Quốc và Việt Nam, truyền thông Việt Nam đã thông báo rằng Hoa Kỳ vừa gửi tàu chiến đến khu vực. Hoa Kỳ không luôn tự đưa ra thông báo và cũng không xác nhận những công bố của chính quyền Việt Nam (và thông tin này cũng không thường được truyền thông bên ngoài Việt Nam nhắc đến). Tuy nhiên điều rõ ràng là Việt Nam đã gửi một thông điệp đến Trung Quốc. Nếu Hoa Kỳ nhượng bộ Trung Quốc trong cuộc tranh chấp mới nhất này, chúng ta có thể thấy Hoa Kỳ đứng bên lề lần này trong khi Việt Nam bị thất thế trên biển.
Cho đến hiện tại Hoa Kỳ đã vẫn tìm cách giữ vùng biển mở cửa, không chỉ như là phương tiện giao thông và thương mại ở Đông nam Á, mà còn bởi vì nguồn dầu dự trữ dồi dào trong khu vực. Hoa Kỳ đã nhanh chóng củng cố quan hệ với Việt Nam trong một thập niên qua, bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam tham gia WTO, những chuyến viếng thăm thường xuyên của các quan chức cao cấp Hoa Kỳ, nguồn viện trợ nhân đạo và giúp đỡ kinh tế dồi dào, và thậm chí có những tin đồn về những thoả thuận quân sự. Tất cả những điều này cho thấy một nỗ lực muốn làm ồng minh với Việt Nam nhằm kềm chế người láng giềng phương bắc.
Như tôi đã đề cập đến những dự đoán cho năm 2012, năm nay sẽ có những căng thẳng tăng cao giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ trong vấn đề biển Đông. Tuy nhiên câu hỏi là liệu biển Đông hay Iran sẽ thúc đẩy chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ mạnh hơn – và Trung Quốc sẽ phản ứng ra sao, đặc biệt là đối với những nhân vật chủ chốt khác trong khu vực tranh chấp, bao gồm Đài Loan, Philippine và Việt Nam.
Theo: blog Cây Trứng cá.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét