Pages

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Kết thúc đợt vận động ở Washington DC

Ảnh của Radio Chân Trời Mới
Phái đoàn Boston được Dân biểu
Jim McGovern tiếp đón tại văn phòng
Sau cuộc gặp ở Tòa Bạch Ốc, tinh thần bà con, theo ghi nhận của tôi, rất phấn khởi.
Mặc dù cũng có một số người không hài lòng lắm, nhưng họ hy vọng vào ngày 6/3 khi mọi người trực tiếp đi vận động. Thành ra, ngay từ 9h sáng, bà con tập trung đông đủ ở Quốc hội, xếp hàng đi vào. Có thêm hai xe từ Boston đi xuống, khoảng 100 người. Tôi nhìn thấy khoảng 500, 600 người đi vận động hôm nay 6/3.

Đến giờ này chưa rõ họ đã gặp được bao nhiêu vị. Tôi trực tiếp đi theo một nhóm thì đã gặp bà Loretta Sanchez, ông Ed Royce, Pete Stark và Daniel Webster của Florida.
Những văn phòng khác, phần lớn bà con gặp đại diện của các vị dân cử vì họ phải gặp cộng đồng Do Thái - hôm nay có đến 1000 người Mỹ gốc Do Thái đi vận động cho việc đối đầu Iran. Và còn vì một dân biểu Donald Payne bất ngờ qua đời nên thời khóa biểu của các dân biểu phải thay đổi. Đó là những yếu tố khách quan gây khó khăn, nhưng cuối cùng bà con cũng cho đó là thành công vì đã được nói lên nguyện vọng của mình.

Đến chiều khoảng 4h30, cuộc vận động chấm dứt. Mọi người tập trung ở một căn phòng dùng bữa ăn nhẹ do cựu dân biểu Joseph Cao khoản đãi.
Nói chung bà con rất vui. Nhiều người chưa bao giờ bước vào Quốc hội. Một số người cũng chẳng biết hôm nay đi gặp ai, nói là có đi bầu nhưng chẳng nhớ dân biểu của tôi là ai, nhưng vẫn đi để ủng hộ. Nhiều người bỏ cả 1000 đôla cho vé máy bay, khách sạn. Họ cảm thấy đã đạt được cái gì đó.
Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt khắp nước Mỹ tề tụ. Trước đây các đại hội cộng đồng cùng lắm quy tụ đại diện 20, 20 bang, nhưng lần này là đủ 50 bang. Đó là dịp để cộng đồng ngồi lại, làm quen với nhau.
Dư luận trái chiều
Hôm tối 5/3, tại nhà hàng Thần Tài, một người tham gia, nhạc sĩ Việt Dzũng, gọi buổi gặp bên Hành pháp là thất bại. Lúc ấy tôi vẫn còn ở khách sạn viết bài nên không dự. Khi đến để xem chương trình hôm sau thì đã gần 10h tối, các nhân vật chính đã rời khỏi. Dù vậy tôi cũng được nghe người ta bàn tán nói này nói kia.
Nhưng cũng không ít người nói những ai chưa biết rõ thì cho đó là thất bại. Nhưng người khác bảo đây là lần đầu mình đi, chưa rành rẽ. Chưa bao giờ cộng đồng tổ chức một cuộc vận động lớn thế này. Thành ra việc tổ chức cũng có những luộm thuộm hoặc mong đợi của mình quá lớn. Thôi thì mình hy vọng ngày hôm sau sẽ làm được những gì mình chưa làm. Đấy là dư luận tôi được nghe.
"Trong tương lại, có thể giữa cộng đồng và Tòa Bạch Ốc thiết lập một kênh làm việc với nhau. Còn làm được hay không, chưa thể biết được."
Tôi cũng nghe một luồng ý kiến nói là việc ký thỉnh nguyện thư được nhiều người tham gia chẳng qua là do hứa hẹn gặp ông Obama mà thôi. Nhưng ngay lúc đầu tôi phỏng vấn nhạc sĩ Trúc Hồ, tổng giám đốc đài SBTN, không nghe ông nói chuyện gặp Obama. Ông chỉ nói được Tòa Bạch Ốc mời gặp.
Sau đó trên mạng một số người bóp méo thành gặp Tổng thống. Có thể vì thế, một số đã hy vọng gặp ông Obama.
Nhưng tôi đã biết trước là ngày 5/3, ông Obama gặp Thủ tướng Do Thái. Có lẽ một số người chưa hiểu, nên vẫn hy vọng. Hy vọng cuối cùng không đạt được, thì họ thất vọng và một số nhân đó mà xỉa xói.
Nhạc sĩ Trúc Hồ nói cuộc vận động vẫn chưa chấm dứt. Ông nói sau này có thể làm một thỉnh nguyện thư khác. Họ sẽ đánh giá những gì chưa đạt được để làm khác đi.
Hôm qua Tòa Bạch Ốc nói đây chỉ là bước đầu để có đối thoại giữa chính quyền và cộng đồng. Trong tương lại, có thể giữa cộng đồng và Tòa Bạch Ốc thiết lập một kênh làm việc với nhau. Còn làm được hay không, chưa thể biết được.
Bài tường thuật dựa trên phỏng vấn qua điện thoại với nhà báo Đỗ Dũng của báo Người Việt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét