Pages

Thứ Sáu, 30 tháng 3, 2012

Kết thúc vụ xử sơ thẩm Vinashin

Các bị cáo vụ Vinashin ra tòa ở Hải Phòng
Bê bối Vinashin bị cho là đã bộc lộ những vấn đề lớn hơn của
kinh tế Việt Nam
Cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiểm tổng giám đốc Vinashin bị tòa kết án 20 năm tù trong phiên xử sơ thẩm bốn ngày ở Hải Phòng.
Ông Phạm Thanh Bình nhận mức án tối đa vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Tám người khác bị các án tù từ ba đến 19 năm, trong đó nặng nhất là ông Trần Văn Liêm (nguyên trưởng ban kiểm soát Vinashin).
Bị cáo nữ duy nhất, Trịnh Thị Hậu, bị án 14 năm tù.

Người nhận mức án nhẹ nhất, ba năm tù, là ông Nguyễn Tuấn Dương.
Trong lời nói cuối trước tòa, ông Bình cho rằng “có những lúc nóng vội, thậm chí có những lúc ‘xé rào’ làm sai quy định của Chính phủ nhưng tất cả đều vì lợi ích chung của tập thể, không vì tính cá nhân nào”.
Các bị cáo cũng sẽ phải bồi thường hàng trăm tỉ đồng do thiệt hại gây ra.
Ở trong nước có nhận định rằng ông Phạm Thanh Bình vẫn có thể hy vọng ra tù sau vài năm.
Một số người trong ngành dẫn lại vụ ông Ngô Đình Quý, Tổng giám đốc Liên hiệp đóng tàu Việt Nam, bị bắt năm 1993 vì tội tham ô, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.
Ông Quý sau đó bị kết án 20 năm tù, nhưng được tự do sau 5 năm.
‘Phơi bày’
Vinashin gần như lâm vào tình cảnh phá sản vào năm 2010 với các món nợ hơn 4 tỷ đôla.
Việc công ty này không có khả năng trả khoản nợ đáo hạn lần đầu 60 triệu đôla càng khiến một số nhà đầu tư nước ngoài suy nghĩ tiêu cực về Việt Nam.
Hãng tin Blomberg ngày 29/3 trích lời một chuyên gia thuộc trường Đại học California ở San Diego, ông Eddy Malesky, nói: “Trường hợp này rõ ràng đã phơi bày cho giới quan sát nước ngoài thấy một số vấn đề cơ cấu nghiêm trọng ở khu vực nhà nước.”
“Mặt tốt trong câu chuyện này là nó đã khuyến khích quan tâm trở lại trong việc giải quyết các doanh nghiệp nhà nước,” ông nói.
Tập đoàn Vinashin
Vinashin đầu tư vào nhiều lĩnh vực không thuộc ngành kinh doanh chính

Theo cáo trạng của Viện kiểm sát, chín bị cáo bị truy cứu trách nhiệm trong các dự án tàu Hoa Sen, nhà máy nhiệt điện Sông Hồng, nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, bán tàu Bạch Đằng Giang.
Cáo trạng cũng cho biết đang tiến hành một cuộc điều tra riêng biệt khác vì nghi có dấu hiệu biển thủ tại một đơn vị thuộc tập đoàn.
Diễn biến phiên tòa
Theo Bloomberg, người tham dự chật cứng khán phòng ở Toà án thành phố cảng Hải Phòng.
Chín bị cáo bị truy cứu trách nhiệm cho khoản thiệt hại 910,5 tỉ đồng, theo cáo trạng.
Trong đó, riêng ông Phạm Thanh Bình, người đã giữ chức chủ tịch Vinashin trong giai đoạn từ năm 1998 đến năm 2009, bị truy cứu trách nhiệm làm thất thoát 852,7 tỷ đồng trong tổng số thiệt hại nói trên.
Ông Bình bị cáo buộc dính líu đến hai dự án nhà máy nhiệt điện và mua tàu tốc hành.
Theo tường thuật của báo mạng VnExpress thì ông Bình đồng tình với cáo trạng của Viện kiểm sát. Tuy nhiên ông cho rằng ông phải làm như vậy “vì điều kiện khách quan”.
Các cựu lãnh đạo tập đoàn này đã phủ nhận cáo buộc gây ảnh hưởng kinh tế nghiêm trọng. Một số nói rằng họ chỉ làm theo lệnh của ông Bình.
Bà Trịnh Thị Hậu, bị cáo nữ duy nhất đã khóc sau khi trình bày trước tòa.
Hãng Bloomberg tường thuật lời luật sư biện hộ cho ông Bình, luật sư Chu Đông, nói rằng ông Bình đã “hy sinh tuổi thanh xuân để phát triển ngành công nghiệp tàu thuỷ của đất nước, đã hành động vì lợi ích của tập đoàn và nhà nước, không phải vì tư lợi cá nhân”.
Tham vọng đổ vỡ
Ông Phạm Thanh Bình, bên trái
Ông Phạm Thanh Bình cùng 8 người khác bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 910 tỉ đồng
Tập đoàn Vinashin được thành lập vào năm 1996 và phát triển rộng rãi với tốc độ nhanh chóng khi nhu cầu giao thông hàng hải gia tăng.
Các nhà lãnh đạo Việt Nam từng khẳng định tập đoàn Vinashin sẽ có thể cạnh tranh với các tập đoàn hùng hậu của Trung Quốc và Hàn Quốc.
Theo tính toán, tập đoàn này có gần 300 đơn vị, trong đó có kinh doanh khách sạn và xe máy, khi nó bắt đầu hướng hoạt động đa ngành.
Vinashin nhận được nhiều ưu đãi của chính phủ, ví dụ là việc hưởng trọn lượng trái phiếu quốc tế phát hành đợt một trị giá 750 triệu đôla năm 2005.
Vinashin cũng đã lên kế hoạch đóng và xuất khẩu các đơn đặt hàng trị giá 1 tỷ đôla vào năm 2009, một năm trước khi món nợ khổng lồ của nó dẫn đến bờ vực phá sản.
Vụ bê bối thậm chí đã khơi dậy lời kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người bảo hộ cho tập đoàn Vinashin.
Gần đây, Thủ tướng Dũng có lần nhận trách nhiệm trên sóng truyền hình trong nước nhưng nói rằng ông "không ra quyết định nào sai" liên quan bê bối ở Vinashin.
"Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai," ông Dũng nói vào tháng 12 năm ngoái.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét