Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Khi “đại gia” muối mặt thừa nhận thua lỗ

Thông tin sốc được chính những ông chủ doanh nghiệp tính toán và công bố như: lợi nhuận năm nay bằng 0, thua lỗ, thậm chí sắp phá sản... đang đặt ra một vấn đề: liệu đây có phải là một kiểu minh bạch tài chính hay đằng sau là âm mưu nào khác?
Thực tế, đây là một hiện tượng khá mới mẻ trên TTCK Việt Nam và câu trả lời cho vấn đề này hẳn là chưa thể có ngay bây giờ. Dù vậy, giới đầu tư đang đặt ra rất nhiều tình huống. Theo đó, rất có thể các ông chủ - các đại gia muốn minh bạch hóa tình hình khó khăn chung mà nhiều doanh nghiệp đang gặp phải để tránh sức ép từ cổ đông.

Nhưng cũng có người đặt ra tình huống, các cổ đông nhỏ lẻ có thể đã và đang bị đưa vào một cuộc chơi mà phần thắng thuộc về người nắm giữ thông tin.

Công bố thông tin kiểu sốc và lạ

Cuối tuần vừa qua (18/3), giới đầu tư đã thực sự sốc khi ông Đinh Hồng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Hanic (SHN) phát biểu trên một kênh tin cho biết SHN đang đứng bên bờ vực phá sản và hơn 6.000 cổ đông của công ty có nguy cơ mất vốn.

Phát biểu trên được đưa ra trong bối cảnh SHN vừa chính thức khởi kiện Công ty Cổ phần Beta BQP ra Tòa án Kinh tế TP. Hà Nội trước đó vài ngày để tìm cách thu hồi lại khoản nợ hơn 300 tỷ đồng theo hợp đồng hợp tác đầu tư tại dự án Thanh Hà Cienco 5.


Thực hư về khả năng mất khoản tiền nói trên (đại diện pháp luật của Beta là Nguyễn Anh Quân đã bỏ trốn sang nước ngoài) đến đâu là chưa được xác minh do vụ việc còn phải được các cơ quan chức năng điều tra.



Khi đại gia sẵn sàng muối mặt thừa nhận thua lỗ... (ảnh minh họa)

Mặc dù vậy, có một thực tế là tuyên bố không chính thống của ông Long cho biết "công ty của ông đang lâm vào tình trạng rất xấu, mất thanh khoản và dễ bị đổ vỡ", và "đang hội đủ những yếu tố dễ dẫn đến phá sản" đã ngay lập tức tác động rất mạnh lên cổ phiếu này và tới tâm lý chung trên thị trường.

SHN đã bị bán tháo ồ ạt. Dư bán giá sàn cuối ngày 19/3 còn hơn 7,5 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh trong cả hai phiên sáng và chiều chỉ đạt 56.500 đơn vị - một con số quá thấp, bi đát hơn cả trường hợp những ngày cuối cùng trên sàn hai cổ phiếu bị buộc hủy niêm yết BBT và DVD trước đây.

Đầu giờ sáng 20/3, dư bán sàn của SHN đã lên tới hơn 10 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh mới được 20.000.

Một điều đáng bàn là SHN là một cổ phiếu luôn được các nhà đầu tư trong nước chú ý trong các đợt sóng của thị trường. Cổ phiếu này thường có những đợt tăng giá bất thường theo kiểu lúc ồ ạt lên trần, lúc liên tục giảm sàn.

Một trường hợp gây sốc khác trong những ngày đầu của mùa đại hội cổ đông (ĐCHĐ) 2012 là LCG.

Tại ĐCHĐ ngày 17/3, ông Vũ Công Hưng, Tổng giám đốc CTCP Licogi 16 (LCG) xác định, 2012 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với công ty. Trong đó, khó nhất là tìm vốn cho hoạt động đầu tư.

ĐCHĐ thống nhất thông qua việc không hạch toán doanh thu bất động sản trong năm 2012 - chỉ hạch toán khi LCG bàn giao nhà/sản phẩm hoàn thành cho khách hàng. Vì vậy, doanh thu kế hoạch là 735 tỷ đồng; lợi nhuận bằng 0; cổ tức 0%.

Theo trình bày của Đại diện LCG tại Đại hội, trong trường hợp không nghi nhận doanh thu bất động sản, năm 2012 doanh thu LCG sẽ đạt 735,5 tỷ đồng, lợi nhuận sẽ âm 7,5 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch lợi nhuận bằng 0 sẽ buộc Ban điều hành của LCG không được lỗ trong năm 2012.

Thị trường dường như bất ngờ với kế hoạch lợi nhuận 2012 này của LCG, đẩy giá cổ phiếu xuống giá sàn và còn rất nhiều dư bán. Chốt phiên 19/3, dư bán sàn của LCG đạt hơn 2,1 triệu đơn vị, trong khi khớp lệnh chỉ được 140.000 đơn vị. Sáng 20/3, dư bán vẫn đạt gần 2,3 triệu đơn vị, trong khi khớp rất ít.

Với tình hình khó khăn hiện tại và sự "tiên phong" của LCG, nhiều khả năng sẽ còn không ít các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản có các kế hoạch "khiêm tốn" tương tự trong năm 2012 và điệp khúc này có thể còn lặp lại ở các công ty khác.

Khó khăn thực sự hay có tính toán khác?

Có thể thấy sự việc trên là một hiện tượng khá mới trên TTCK Việt Nam. Trong các năm trước, rất hiếm khi có trường hợp một doanh nghiệp lại nhanh chóng công khai toàn bộ tình trạng bi đát mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hay đưa ra những kế hoạch buồn tẻ đến mức như vậy.

Phải chăng đây là một kiểu minh bạch tài chính hay có một âm mưu nào khác đằng sau khiến các ông chủ phải muối mặt nói ra?

Trong trường hợp SHN, nhiều nhà đầu tư cho rằng việc ông Long lên tiếng nói về khả năng phá sản của doanh nghiệp là bất đắc dĩ, ẩn chứa trong đó không loại trừ có những động cơ mục đích rõ ràng.

Xem xét vụ việc giữa SHN và Beta, có thể thấy khả năng thu hồi vốn trong Cienco 5 đến nay là khá thấp do khó khăn chung và hầu hết các dự án tốt xấu đều khó bán được hàng, dù giá đã giảm 30%. Hơn thế, trong trường hợp có đòi được thì như thường thấy cũng mất rất nhiều thời gian để thu tiền về.

Khả năng thu hồi nợ thấp phải chăng đã khiến SHN muốn tuyên bố sốc để gây áp lực lên các cơ quan chức năng trong vụ kiện Beta?

Câu hỏi này cũng chưa có lời giải đáp, nhưng có một số nghi vấn cho rằng, tuyên bố trên để nhằm giảm bớt sự chỉ trích của cổ đông trong đại hội sắp tới.

Chưa biết sự việc sẽ diễn biến tiếp như thế nào nhưng trên thực tế là trong thời gian qua cả SHN và các cổ đông lớn tại công ty này đã bán ra một lượng lớn cổ phiếu. Trong tuần thứ hai của tháng 2, SHN đã bán ra 830.000 cổ phiếu quỹ và nửa cuối năm 2011 liên tục ông Long và một số ủy viên HĐQT đã bán ra cả triệu cổ phiếu.

Theo thống kê của Cafef, tỷ lệ sở hữu của các thành viên HĐQT SHN gần như không còn. Ngay cả Chủ tịch hiện cũng chỉ nắm giữ khoảng 1%. Như vậy, hiện tại những người nắm giữ cổ phiếu SHN chủ yếu là các cổ đông nhỏ lẻ bên ngoài.

Nhiều nhà đầu tư hiện đang đặt ra vấn đề tư cách, hoặc chí ít là trách nhiệm của những nhà lãnh đạo SHN với cổ đông trong vụ việc ký hợp đồng dạng cho vay hơn 300 tỷ cho một đối tác rất nhỏ. Hơn thế vụ việc phức tạp xảy ra nhưng ngay những người trong cuộc cũng không biết công ty này đã chuyển đi đâu thì thật đáng phải xem lại.

Trong trường hợp LCG, tình hình có vẻ minh bạch hơn khi mà kế hoạch 2012 được chuẩn bị sẵn theo hai phương án và trình ĐHCĐ.

Dù vậy, kế hoạch được thông qua "sau khi trao đổi với các cổ đông lớn" đã gây ra sự thất vọng tràn trề đối với các cổ đông nhỏ lẻ khác.

Một số nhà đầu tư cho rằng cổ đông LCG đã thông qua một kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm 2012 quá thấp. Nó không phản ánh đúng vị thế và quy mô của LCG. Với khối tài sản lên tới hơn 2.200 tỷ đồng (trong đó VCSH là gần 1.200 tỷ đồng) và bề dày hoạt động lâu dài của LCG thì kế hoạch không có lợi nhuận (thậm chí âm) là khó chấp nhận.

Trên thực tế, ban đầu, HĐQT đã tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thông qua nghị quyết đại hội cổ đông thường niên tháng 12/2011 tỷ lệ chia cổ tức năm 2011 là 17% vốn điều lệ. Sau đó, ngày 07/03/2012 H ĐQT đã công bố nghị quyết HĐQT về việc chia cổ tức năm 2011 với tỷ lệ 15% vốn điều lệ trong đó 5% bằng tiền và 10% bằng cổ phiếu.

Mặc dù vậy, ngay trong Đại hội, phương án thấp nhất (chia cổ tức 2011 là 5%) đã được thông qua. Bên cạnh đó, cũng theo ý kiến của các cổ đông lớn, theo cách ghi nhận doanh thu mới (ghi thu bất động sản vào cuối dự án) thì doanh thu 2012 chỉ đạt 735 tỷ đồng và lợi nhuận bằng 0.

Vấn đề đặt ra là, những điều chỉnh đã diễn ra quá nhanh và ở mức độ quá lớn. Thông tin được điều chỉnh bất ngờ như vậy được nhìn nhận có thể dẫn đến tình trạng lũng đoạn và thao túng giá.

Hai trường hợp nêu trên chỉ là một phần nhỏ những bất cập trong việc quản lý thông tin của công ty đại chúng trên TTCK mà nhiều nhà đầu tư bức xúc. Việc phát biểu không theo một quy định nào và không chịu trách nhiệm về lời nói, cũng như những thay đổi đầy bất ngờ có thể dẫn tới những thua thiệt không nhỏ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Mới đây, những tin đồn sáp nhập trong ngành ngân hàng, rồi những thông báo mua vào để chạy hàng, bán không kịp thông báo, chậm công bố thông tin... của hàng loạt ông chủ đã khiến giá cổ phiếu biến động mạnh theo chiều hướng có lợi cho người biết thông tin và có hại cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vấn đề trách nhiệm của các cơ quan quản lý lại đang được đặt ra. Quá trình tái cấu trúc TTCK xem ra vẫn chậm chạp như xưa.


Theo Mạnh Hà
VEF

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét