Pages

Thứ Ba, 13 tháng 3, 2012

Lạm phát ở Việt Nam có nguy cơ tăng trở lại?

(Tamnhin.net) – Lạm phát có nguy cơ tăng trở lại ở Việt Nam sau một loạt biến động dồn dập trong nền kinh tế. Một số nhà quan sát lo ngại giá các mặt hàng thiết yếu tăng gây áp lực lớn đối với cuộc sống người dân và mục tiêu chống lạm phát của chính phủ.



Theo truyền thông Việt Nam, kể từ ngày 1/3, giá khí đốt tăng thêm 52.000 đồng lên mức 477.000 đồng cho mỗi bình gas 12 kg, Nếu gộp chung cùng với ba đợt tăng giá trước đó kể từ đầu năm thì giá gas bán lẻ đã tăng đến 126.000 đồng, tức là tăng khoảng 36%.

Sau đó gần một tuần, đến lượt xăng tăng gần 10% lên gần 23.000 đồng một lít kể từ ngày 7/3.

Mới đây nhất, báo mạng VnExpress ngày 13/3 đưa tin Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN đang tính toán đầu vào để đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng.

Theo quyết định của chính phủ, EVN được quyền tự quyết tăng giá bán điện không quá 5% theo định kỳ ba tháng sau khi cân đối chi phí đầu vào. Như vậy sau đợt tăng giá 5% vào cuối 12 năm ngoái, thời hạn sau 3 tháng để điện nhảy thêm một mức giá mới đang đến gần.

Một diễn biến quan trọng khác là Ngân hàng Nhà nước vừa công bố giảm trần lãi suất huy động từ 14% xuống còn 13% – động thái được dự đoán sẽ có tác động không nhỏ đến lạm phát.

Giảm lãi suất đúng lúc?

Chỉ số giá tiêu dùng dịu bớt chính là nguyên nhân chính mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình viện dẫn cho việc cắt giảm lãi suất lần này.

Chỉ số giá tiêu dùng trong 2 tháng ̣đầu năm 2012, theo số liệu của chính phủ trong phiên họp thường kỳ hồi đầu tháng 3, chỉ tăng gần 2,4% so với cuối năm ngoái. Chính phủ Việt Nam cho biết đó là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng mức độ ảnh hưởng của đợt tăng giá các mặt hàng thiết yếu lần này đối với lạm phát là không đáng kể và nói Việt Nam sẽ điều chỉnh lại lãi suất nếu áp lực lạm phát trong thời gian tới tiếp tục tăng.

Trao đổi với BBC, bà Phạm Chi Lan, nguyên cố vấn kinh tế của chính phủ, nói rằng bà rất lo lắng cho việc chống lạm phát của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Nguyên nhân làm bà lo lắng là “những biện pháp cần có để kiềm chế lạm phát cũng chưa làm đủ mạnh trong khi những nhân tố thúc đẩy (lạm phát) vẫn còn đó”. Bà Lan cho rằng nhìn dưới góc độ của các ngân hàng, “chưa đủ điều kiện đủ để giảm lãi suất”.

Bà Phạm Chi Lan giải thích: “Mức độ giảm lạm phát hai tháng đầu năm nay vẫn hoàn toàn chưa thuyết phục. So với cùng kỳ năm ngoái thì lạm phát vẫn là hai chữ số”. Bà nói thêm rằng các ngân hàng vẫn đang vật lộn với khó khăn như nợ xấu vẫn cao và thanh khoản vẫn bấp bênh.

Tuy nhiên về góc độ cá nhân, bà Phạm Chi Lan hoan nghênh động thái giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp. Bà giải thích: “Doanh nghiệp hiện nay đang gặp khó khăn rất lớn, không thể phát triển được. Một số doanh nghiệp khó khăn thì còn có thể gượng được chứ khó khăn đã lan rộng sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ của toàn bộ nền kinh tế.”

Bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề vốn là khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi họ phải đi vay với mức lãi suất từ 17 đến 25%. Bà nói thêm: “Với mức lãi suất như vậy, không doanh nghiệp nào có thể kiếm lời nổi để đủ trả tiền lời ngân hàng chứ chưa nói đến các chi phí khác. Giảm lãi suất là việc phải làm vì khó khăn của các doanh nghiệp là khó khăn chung của nền kinh tế và khó khăn của hàng triệu người đang làm công cho các doanh nghiệp”.

Giá vẫn phải tăng?

Giảm lãi suất làm cho các doanh nghiệp dễ thở hơn nhưng tăng sức ép lên lạm phát.

Còn về việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng đó là tất yếu vì trong sáu nhóm giải pháp chính phủ đưa ra vào năm ngoái để kiềm chế lạm phát cũng có đề cập sẽ đưa giá xăng dầu và điện theo giá thị trường.

Tuy nhiên, bà “bức xúc nhất” vì “sự minh bạch” trong tăng giá vẫn chưa có và nói: “Mỗi khi các đơn vị yêu cầu tăng giá đều được Nhà nước chấp thuận nhưng không hề có giải trình đầy đủ là tại sao tăng vào thời điểm này và tỷ lệ tăng như thế nào là hợp lý. Giá xăng dầu thế giới tăng lên và Việt Nam là nước nhập khẩu xăng dầu thì ai cũng hiểu sẽ phải điều chỉnh giá nhưng điều chỉnh đến đâu? Việc tăng giá gas cho thấy rất rõ: thị trường thế giới chỉ tăng 28% nhưng ở Việt Nam tăng đến 40%, đẩy thua thiệt về phía người tiêu dùng.”

Tuy nhiên bà Lan cũng khẳng định cần phải tìm hiểu thêm thì mới kết luận được việc tăng giá này có vì “lợi ích nhóm” của các công ty có liên quan hay không.

Một trong những lý do mà EVN giải trình với chính phủ về yêu cầu tăng giá điện là việc kinh doanh của công ty gặp rất nhiều khó khăn với khoản lỗ khổng lổ lên đến 10.000 tỷ đồng do đầu tư trái ngành vào chứng khoán và bất động sản.

Hành động đến đâu?

Theo bà Phạm Chi Lan, chính vì vậy kiểm soát giá với tư cách là một công cụ kiềm chế lạm phát khó có thể thực hiện được.

Còn chính sách tiền tệ mà bà Lan cho rằng là một công cụ rất quan trọng, “các ngân hàng năm ngoái cũng làm rất nhiều việc để kiềm chế tăng trưởng tín dụng và lãi suất cũng rất cao mà kết quả là lạm phát vẫn cao”.

Trong lĩnh vực cắt giảm chi tiêu công để thực hiện chính sách tài khóa nghiêm ngặt, bà cho rằng con số giảm năm ngoái cũng không thật sự thuyết phục vì “đấy chỉ là đăng ký của các ngành, các địa phương về giảm chi tiêu ngân sách” chứ “không biết thực tế giảm bao nhiêu”.

Bà cũng đánh giá việc tái cấu trúc doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế Nhà nước theo hướng thoái vốn đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành và tiết kiệm chi tiêu “xem chừng còn khó khăn lắm”. Theo bà, khối này có “đầu tư rất lớn và hiệu quả đầu tư rất thấp, góp phần lớn vào lạm phát cao của Việt Nam”.

Trong khi cho biết “chính sách kiềm chế lạm phát vẫn được chính phủ nhấn mạnh kể cả trong cuộc họp thường kỳ gần đây nhất và vẫn là ưu tiên cao nhất của chính phủ trong năm nay”, bà Phạm Chi Lan nói thêm rằng mục tiêu lạm phát năm nay ở mức một con số so với 19% năm ngoái là “thách thức rất lớn”của chính phủ. Bà nói: “Lạm phát cao là mối lo xuyên suốt của những người quan tâm về kinh tế Việt Nam. Chỉ khi nào lạm phát về mức một con số thì, nền kinh tế mới vận hành bình thường trở lại”.

Minh Châu (theo BBC)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét