Pages

Thứ Hai, 26 tháng 3, 2012

Lời kêu gọi của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo

Bhaskar RoySouth Asia Analysis

Phiên họp thứ 5 của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc khóa 11 Trung Quốc (NPC), tức là Quốc hội, có nhiều thứ để tiết lộ bên lề hơn là trên báo cáo chính thức. Phiên họp thường niên này (5-14/3) được tổ chức vào một thời điểm rất hệ trọng. Trong khoảng 6 tháng nữa, cuộc chuyển giao quyền lực cấp cao nhất của đất nước, 10 năm mới có 1 lần, sẽ diễn ra. Tại Đại hội Đảng lần thứ 18, theo kế hoạch là vào tháng 10, thế hệ lãnh đạo thứ 5 của Trung Quốc sẽ tiếp quản chính quyền. Trừ chức Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch và Thủ tướng, vẫn còn nhiều câu hỏi về 7 thành viên còn lại trong số 9 thành viên của Bộ Chính trị – thực thể chính trị quyền hành cao nhất nước. Tập Cận Bình làm Tổng Bí thư Đảng và Chủ tịch, còn Lý Khắc Cường làm Thủ tướng, điều ấy đã được khắc lên đá rồi. Một ứng cử viên chắc chắn để vào Bộ Chính trị là Bạc Hy Lai thì vừa rụng.

Đối với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, kỳ họp này của Quốc hội là kỳ cuối cùng. Thế nên báo cáo công tác của chính phủ – một văn bản đồng thuận – do Ôn Gia Bảo trình bày, phải rất thận trọng. Tuy nhiên, rõ ràng là ban lãnh đạo đã nhận thức được sự bất mãn ngày càng dâng cao trong dân chúng, sự bất mãn ấy bắt đầu hiện rõ qua những dòng viết trên Internet của 460 triệu người sử dụng Internet trên đất Trung Quốc. Lực lượng lính Internet do chính phủ lập ra nhìn chung đã thất bại, không ngăn chặn được các blogger.
Việc cưỡng chế thu hồi đất của nông dân, dựa vào những mối quan hệ giữa quan chức và mafia đất đai, đã bắt đầu tạo ra một tình cảnh mang tính thách thức nghiêm trọng đối với chính quyền và với bản thân Đảng. Nông dân nổi dậy bị đánh đập, thậm chí trong vài trường hợp còn bị giết dưới tay các sĩ quan công an, vì đã không chịu giao nộp đất. Và trong một vụ xung đột điển hình hồi đầu năm nay, người dân Ô Khảm, một làng cá ở Quảng Đông, đã đánh lại công an cùng những kẻ cướp đất, và chiến thắng. Đáng chú ý nhất là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, Uông Dương đã phải đứng ra hòa giải, thay mặt cho những người dân làng. Phải chăng một vết nứt trong hàng ngũ chính trị cao nhất đã lộ rõ? Uông Dương là ứng viên hàng đầu cho một vị trí trong Bộ Chính trị.
Trước khoảng 300.000 cuộc biểu tình chống chính quyền mỗi năm, trong đó rất nhiều cuộc chuyển thành bạo lực, chính quyền rất lo ngại. Có ghi chép rằng trong hàng ngũ lãnh đạo địa phương, sự khác biệt về chính sách đang gia tăng. Trong khi một số địa phương sử dụng sức mạnh của công an để đàn áp biểu tình, thì ở một vài nơi khác, pháp trị lại được thực hiện. Các chính sách của năm 2012 mà Thủ tướng Ôn hứa hẹn hướng về con người nhiều hơn. Bản báo cáo ông đọc hứa sẽ xử lý khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội cho người về hưu, y tế và giáo dục và nhiều thứ khác. Báo cáo của Quốc hội dường như không định kết tội ai nếu các vấn đề trên không được giải quyết thích đáng. Có quá nhiều mâu thuẫn chính trị và ý thức hệ, quá nhiều lợi ích được thụ hưởng, tham nhũng thì lan tràn từ những vị trí cao nhất.
Người ta đặc biệt chú ý đến ngân sách dành cho an ninh quốc nội: 111 tỷ USD, tăng so với mức xấp xỉ 96 tỷ USD trong năm 2011. Ngân sách năm ngoái được coi là sự chuẩn bị để đối phó lại những thách thức từ nhân dân trong nước. Nói chung, nhằm chống lại các hành động phá hoại Đảng Cộng sản – bất ổn xã hội, khủng bố từ những người Duy Ngô Nhĩ ly khai như Phong trào Độc lập Đông Turkistan (ETIM) ở Tân Cương, và yêu cầu độc lập ngày càng mạnh mẽ từ những người Tây Tạng, đòi được tự trị thật sự và đòi để đức Đạt Lai Lạt Ma trở về Tây Tạng. Mạng lưới chỉ điểm và các cơ quan tình báo trên khắp đất nước là một hệ thống khổng lồ; ở những thành phố như Bắc Kinh, khu nhà nào cũng có chỉ điểm. Điều đó cho thấy một chứng hoang tưởng, vốn chỉ có thể kích động những chính sách cứng rắn.
Dựa vào báo cáo công tác của chính phủ, các đại biểu cho tầng lớp lãnh đạo ở Tân Cương và Tây Tạng tập trung vào những vấn đề họ phải đối đầu, và họ hứa gia tăng trừng phạt, đàn áp. Trao đổi bên lề một phiên họp Quốc hội, Nur Bekri, Chủ tịch Khu Tự trị Tân Cương-Duy Ngô Nhĩ, tuyên bố rằng, các phần tử ly khai Duy Ngô Nhĩ có quan hệ với các nhóm khủng bố Pakistan. Lãnh đạo Tân Cương không giấu giếm sự thật là những phần tử ly khai Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ đã theo học tại các trại huấn luyện khủng bố ở Pakistan và Afghanistan. Trung Quốc không công khai chỉ trích chính quyền Pakistan, nhưng trước đây họ đã nói rõ với Pakistan rằng cơ quan tình báo quân đội Pakistan (ISI) ủng hộ các chiến binh Duy Ngô Nhĩ, ít nhất là gián tiếp.
Tương tự, vấn đề Tây Tạng lôi kéo cả chính quyền Trung Quốc một cách rất nghiêm trọng, nhất là khi các tăng ni sử dụng biện pháp tự thiêu để tiếng nói của mình được lắng nghe. Kể từ tháng 3 năm ngoái đến nay, đã có ít nhất 27 vụ tự thiêu.
Chính quyền Trung Quốc ở thế khó xử với các vấn đề Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Đối với các cuộc biểu tình ở Tây Tạng, họ đổ tội cho Đạt Lai Lạt Ma và chính quyền lưu vong Tây Tạng là đã kích động biểu tình trong nước. Nhưng họ nhìn thấy một âm mưu lớn hơn thế nhiều, do Mỹ cầm đầu, còn các nước phương Tây thì ủng hộ và xúi giục Đạt Lai Lạt Ma và người Tây Tạng. Nepal được họ nhận thức như là một nước quan trọng, nơi các thế lực phương Tây bắt tay với người tị nạn Tây Tạng và đại diện của Đạt Lai Lạt Ma để gây bất đồng ở Tây Tạng. Ấn Độ cũng bị cho là đã xúi bẩy Đạt Lai Lạt Ma và người Tây Tạng, thông qua một chính sách mơ hồ. Giải pháp mà Trung Quốc ưa dùng rất đáng buồn. Họ quyết định bóp nghẹt người Tây Tạng trong nước và biến họ thành một nhóm thiểu số thân Trung Hoa. Khó mà nói được là Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu này như thế nào, bằng các biện pháp cưỡng bức.
Các nhân tố ủng hộ độc lập cho người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương lại là một vấn đề khác. Nhiều nhóm đã sử dụng bạo lực. Họ có người ủng hộ từ bên ngoài, bao gồm cả tổ chức Al Qaida vẫn lên tiếng công khai ở Trung Đông. Bên kia biên giới, ngoài sự ủng hộ nhận được từ các trại đào tạo của Pakistan và Afghanistan (Taliban), họ còn được trợ lực bởi những người Duy Ngô Nhĩ ở Kazakhstan and Uzbekistan. Những diễn biến này, theo một cách nào đó, ảnh hưởng tới tham vọng xây dựng Con Đường Tơ Lụa châu Âu mới của Trung Quốc. Vấn đề người thiểu số ở Trung Quốc sẽ không kết thúc sớm, trừ phi họ nghiêm túc tiến hành cải cách chính trị và tạo không gian sống cho những cộng đồng thiểu số đó. Nhưng chính quyền địa phương có vẻ không phải là một phần trong chương trình nghị sự của hàng ngũ lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc. Lãnh đạo còn phải tính toán xem có thể giết bao nhiêu người, bỏ tù bao nhiêu, và đánh gục bao nhiêu hoặc bằng báng súng hoặc bằng gậy. Phiên họp của Quốc hội cho thấy tình trạng bại liệt toàn bộ về tinh thần ở một phần giới lãnh đạo khi bàn về các vấn đề dân tộc thiểu số.
Cú rớt của Bạc Hy Lai, Bí thư thành ủy Trùng Khánh, ủy viên Bộ Chính trị, Quốc hội khóa này, có thể chỉ là tình cờ. Bạc Hy Lai là con ông cháu cha (con của một cán bộ lãnh đạo cấp cao trong cách mạng), được đánh giá là rất mạnh. Ông dẫn đầu một chiến dịch tấn công tội phạm ở Trùng Khánh, nhưng trong quá trình đó, đã chọc giận rất nhiều nhân vật hùng mạnh khác. Nhưng một hành động chính trị của ông – phục hồi các giá trị Mao-ít, các bài ca và vở kịch trong Cách mạng Văn hóa – có lẽ đã thật sự làm hỏng ông. Trong khi Bạc được báo chí dành cho rất nhiều giấy mực, thì cũng cần chú ý rằng cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào lẫn Thủ tướng Ôn Gia Bảo đều không đi thăm Trùng Khánh suốt thời gian đó. Việc Bạc bị loại vào đúng lúc giới lãnh đạo đất nước đang họp ở Bắc Kinh có thể chính là một thông điệp.
Giới lãnh đạo Trung Quốc có vẻ bị kẹt trong trong một ma trận chính trị và ý thức hệ rất phức tạp. Tính chính đáng của đảng đang bị đặt vấn đề. Ít có khả năng các chính sách Mao-ít sẽ được phép quay trở lại, nhưng thách thức ở đây là làm thế nào để tiếp tục tiến lên.
Chính sách quốc phòng nêu trong báo cáo công tác hé lộ một số dữ kiện thú vị. Thủ tướng Ôn nhấn mạnh yêu cầu phải có quốc phòng mạnh, lực lượng vũ trang hùng hậu, vì an ninh quốc gia. Khái niệm “an ninh quốc gia” đã mở rộng đáng kể, từ các vấn đề chủ quyền cũ như chuyện sáp nhập Đài Loan, đến việc giữ những vùng đất vùng biển đã tuyên bố chủ quyền, đến khủng bố, chống cướp biển, bảo vệ lợi ích ở nước ngoài. Vai trò quan trọng nhất của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) là phải chiến thắng trong các cuộc chiến khu vực trong kỷ nguyên thông tin. Điều đó nhằm để đảo bảo rằng Đài Loan sẽ không xúc tiến đòi độc lập, ngăn chặn những nước có yêu sách chủ quyền đối với những quần đảo khác khỏi việc chiếm đảo, và tương tự, ngăn Nhật Bản mở rộng yêu sách chủ quyền trên quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư – ND) cũng như các đảo tranh chấp khác trên biển Hoa Đông.
Ngân sách quốc phòng năm 2012 tăng 11,2%, lên xấp xỉ 106 tỷ USD (con số thực được ước tính là vào khoảng 180 tỷ USD). Việc ưu tiên hiện đại hóa quốc phòng và mua sắm thiết bị mới cũng được đánh dấu bằng sự kiện Trung Quốc tiết lộ một tên lửa mới, tầm ngắm 4000 km, có thể ngắm tới các mục tiêu ở Ấn Độ và mục tiêu của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Từ các tính toán, có thể thấy PLA đã nhận một vai trò lớn hơn trong lĩnh vực an ninh quốc gia của Trung Quốc, kể cả việc lập chính sách. Dần dần, nhiều thiết chế an ninh ở nước này sẽ hoạt động dưới quyền PLA. Gần đây, Cục Kế hoạch Chiến lược (SPD) được thành lập dưới trướng tổng hành dinh của PLA, tạo cho PLA cơ hội và vai trò trong việc hình thành các chính sách, kể cả chính sách đối với nước ngoài.
Việc Trung Quốc liên tục nhấn mạnh rằng Đảng có quyền lãnh đạo tuyệt đối quân đội cũng gây ra một số thắc mắc. Điều này không mới, nhưng quan trọng là ở chỗ quân đội đang xúc tiến tìm kiếm một phần lớn hơn trong chiếc bánh chính sách. Áp lực có thể không đến từ các thành viên của PLA trong Quân ủy Trung ương (CMC), nhưng thành viên của CMC lại chịu áp lực từ các cấp thấp hơn. Quan chức PLA có thể cũng nhận thấy một số ích lợi trong cách nói “quân đội bảo vệ đảng”, nghĩa là quân đội đóng một vai trò chủ chốt. PLA không có xu hướng xóa bỏ Đảng, nhưng chắc chắn có ý bòn rút Đảng.
Trên phương diện chính trị, sân khấu đã rung chuyển khi Thủ tướng Ôn Gia Bảo tổ chức cuộc họp báo ba tiếng đồng hồ ngày 14-3, sau buổi bế mạc kỳ họp của Quốc hội. Trong khi báo cáo chính thức của Quốc hội hầu như không nhắc gì tới cải cách chính trị, thì ông Ôn nói với báo chí quốc tế rằng nếu không có cải cách (về cơ cấu) chính trị, đặc biệt cải cách trong hệ thống lãnh đạo Đảng, cải cách kinh tế và thành tựu sẽ bị xóa sạch. Ông cảnh báo rằng nếu các vấn đề mới nảy sinh không được giải quyết, thì một một thảm kịch kiểu như Cách mạng Văn hóa có thể tái diễn. Ông Ôn cũng nói rằng nhu cầu dân chủ của nhân dân Ả-rập cần phải được tôn trọng và đáp ứng một cách chân thành, và không thể dùng vũ lực để ngăn cản. Ông còn nói Trung Quốc tôn trọng nguyện vọng chính đáng của nhân dân Syria về chuyển đổi và theo đuổi lợi ích cá nhân.
Năm nay là năm cuối cùng Ôn Gia Bảo làm lãnh đạo, theo dự kiến ông sẽ rút khỏi tuyến đầu sau Đại hội Đảng lần thứ 18 vào tháng 10 tới. Một số nhân vật cổ súy tự do ở Trung Quốc nhìn nhận một cách hoài nghi việc ông công khai kêu gọi cải cách chính trị trong ba năm qua. Lúc đầu, báo chí chính thống có kiểm duyệt vài phần trong các diễn văn và bài phỏng vấn liên quan đến cải cách chính trị. Nhưng cuộc họp báo của ông Ôn được đăng tải rộng rãi và chi tiết trên báo chí chính thống Trung Quốc, cho thấy quan điểm của ông đang được chấp nhận ở những tầng lớp cao cấp. Đề cập đến “Cách mạng Văn hóa”, vốn dĩ là điều cấm kỵ, phải được xem là hành động rất có ý nghĩa. Quan điểm của ông Ôn về mùa xuân Ả-rập và phong trào chống đối ở Syria cũng mâu thuẫn với các chính sách đã được công bố của Trung Quốc. Ông Ôn còn đả phá Bạc Hy Lai, Bí thư Trùng Khánh, mất chức từ hôm đó, rằng ông Bạc đã quá ngạo mạn, khiến người ta chú ý tới các vấn đề về lãnh đạo trong một đội ngũ các nhà lãnh đạo cố gắng làm sống lại tư tưởng Mao-ít chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân.
Kỳ họp thứ năm đầy thận trọng của Quốc hội khóa 11 có vẻ như là một nỗ lực giấu nhẹm những mâu thuẫn đang gia tăng trong nước. Một cái nhìn sâu hơn có thể cho thấy những luồng bất mãn mạnh mẽ và những quan điểm mới cuộn xoáy ở dưới mặt nước. Nền kinh tế lớn thứ hai và lực lượng quân đội mạnh thứ ba thế giới có lẽ đang ngủ không ngon. Kỳ họp của Quốc hội có tiến hành sửa đổi luật hình sự để có thể bắt giữ những kẻ tình nghi mà không phải thông báo cho gia đình họ. Không chỉ cơ quan an ninh, mà ngay cả chính quyền địa phương các cấp cũng đang điều số lượng lớn cán bộ về nông thôn để ngăn chặn bất kỳ cuộc biểu tình hoặc các vụ bất ổn xã hội nào, trong thời gian trước và trong Đại hội Đảng lần thứ 18, sắp diễn ra vào tháng 10 tới.
Công cuộc phát triển đang báo hiệu những căng thẳng nghiêm trọng trong đất nước. Với việc củng cố quân đội và cơ quan an ninh, sử dụng cán bộ để dập tắt biểu tình chống đối, tình hình không hề ổn định. Các láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, cần hiểu rõ những diễn biến này. Các dòng chảy trong nội bộ một nước luôn có xu hướng tràn ra ngoài.
Nguồn: South Asia Analysis
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
Người dịch: Thủy Trúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét