Pages

Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2012

Mẹ Âu Cơ đã ngoại tình



Mẹ Âu Cơ


Đỗ Trường

“Mẹ Âu Cơ ơi! Chúng con không tin và tuyệt đối không hoài nghi về lòng chung thủy của Người. Nhưng sao hôm nay chúng con không còn là những giống Rồng do mẹ Tiên đã sinh ra?”
Tôi xin mượn nội dung câu chuyện đã được đăng trên báo Nhân Dân (báo đảng) vào khoảng tháng tám năm 1988, để làm tựa đề cho bài viết này. Chứ bản tính nhát như cáy ngày của tôi có uống mật gấu cũng không dám đặt cái tựa đề phạm thượng trên, dù đó chỉ là giả thiết. Truyện kể: Một ngày đẹp trời, Lạc Long Quân rất vui, gọi Bộ tướng vào, bảo:
- Nghe dòng giống nhà ta khá lắm, được mệnh danh là con rồng mới, nhà ngươi đi kiểm tra thực hư ra sao, về cho ta rõ.
Vòng quanh thị sát một hồi, Bộ tướng quay về tâu:
- Thưa Long Vương, thần đã đến tận nơi và chứng kiến, những con rồng đó là Singapore, Hàn Quốc, Nhật, Thái, chứ không phải hậu duệ của ngài. Dân Lạc Việt còn nghèo khổ, đói rách, nhất là thành phần nông dân còn chịu nhiều bất công, tai ương lắm. Chỉ có các quan lại sung sướng, phè phỡn thôi ạ!
Lạc Long Quân đập bàn, nổi giận, cho truyền ngay nàng Âu Cơ đến:
- Ta nhất mực yêu thương, chung thủy, nhưng nàng lại lừa dối, chung chạ, ngoại tình, đẻ ra một lũ rắn rết, chúng đang tàn phá đất Việt ta….

Dù chỉ là câu chuyện vui, nhưng từ ngữ hiện nay bảo đó là vấn đề nhậy cảm, vùng cấm chớ dại đụng vào. Ấy vậy mà nó như con siêu trùng lọt qua mấy lần kính hiển vi soi rọi, nằm chình ình trên mặt tiền báo đảng, thế mới lạ. Đến khi nước Đức thống nhất, đọc báo biết bác Bùi Tín đặt đơn tị nạn chính trị tại Pháp. Câu hỏi cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi dường như đã có lời giải. Bài này may mắn sống sót, có lẽ nhờ vào đúng lúc đảng ta kêu gọi cởi trói cho các văn nghệ sĩ và trùng ngày duyệt bài của phó tổng biên tập Bùi Tín chăng(?). Không biết suy nghĩ của tôi đúng sai thế nào. Nhưng tôi tin bác Bùi Tín đã đọc và còn nhớ. Cũng nên nhớ lại, những năm tám mươi của thế kỷ trước, người Việt sống và làm việc ở Đức mỗi quí chỉ được phân phối hai, ba quả chuối. Mắm tôm, mắm cáy là hàng độc, quen biết cậy cục thỉnh thoảng mới mua được. Báo Nhân Dân và Lao động, tuần nào máy bay cũng chở sang, không thiếu số nào. Nhưng rất ít người có nhu cầu đọc, dù phát không.
Ngày còn học cấp ba, mấy thằng cùng hội cùng thuyền chúng tôi, do nghịch và mải chơi, nên sắp đến kỳ thi đại học cũng chưa được kết nạp vào đoàn. Những năm bảy mươi của thế kỷ trước, học sinh Miền Bắc, không là đoàn viên sẽ không được thi đại học. Ngày đó mọi quan hệ xã hội còn rất trong sáng, thật thà. Tình cảm thầy trò sắp phải xa nhau, nên thầy hiệu trưởng thương chúng tôi. Thầy đề nghi, cô bí thư đoàn trường cho chúng tôi vào đoàn, nhưng không làm lễ kết nạp. Chúng tôi gọi, là kiểu vào đoàn tháo khoán.
Những thằng như chúng tôi, ở ngoài đời, ông Lại Văn Sâm, chủ nhiệm kênh VTV3 có thể gọi là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã còn tạm được. Chứ khi dẫn chương trình, phát trực tiếp, ông bình luận cặp tình nhân, trí thức trẻ có chung một sở thích là ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, quả thật đó là miệt thị, ngôn ngữ chợ búa. Truyền hình là bộ mặt của nhà nước, tiếng nói của chế độ, sao có giọng điệu mang dáng dấp xã hội đen kỳ cục thế này?
Hôm trước tết âm lịch, một thằng thuộc nhóm vào đoàn tháo khoán, có con gái lấy chồng. Là cán bộ cấp kha khá, nhưng lại không biết sử dụng máy tính, nó nhờ thằng cùng nhóm, hiện làm nghề nuôi heo đực cho thuê nhảy nái (phối giống) ở Miền Tây gửi meo mời tôi. Cuối thư, thằng nhảy nái động viên tôi, cố gắng về dự cưới con nó cho vui, thằng này tuy là đảng viên, nhưng còn chơi được. Lúc đầu cũng không để ý, nhưng sau này tôi bắt gặp nhiều câu nói như vậy trong những câu chuyện thường ngày. Hôm rồi trên trannhuong.com lại có bài Đảng Viên Nhưng Rất Đàng Hoàng của Bùi Văn Bồng. Tác giả kể lại việc một người bạn rủ ông đi nhậu, giới thiệu thêm một người bạn mới. Có lẽ bạn của ông sợ sau này biết, ông sẽ giận vì đã giới thiệu người đảng viên cho mình, nên đã phải giải thích ngay, thằng bạn mới này, tuy là đảng viên nhưng rất đàng hoàng. Nghe và đọc đến đây, tôi chỉ còn biết thốt ra câu:
- Ơ hay! mấy cái nhà ông này. Các ông có biết cán bộ đảng viên là hội tụ những gì tinh túy nhất và đã được sàng lọc ba, bốn đời lý lịch bên nội cũng như ngoại hay không?
Tôi là người rất dốt về luật pháp và chính trị, cho nên một số vụ án, kinh tế, chính trị nhiều khi đọc thấy rối mù không hiểu. Hôm rồi, trong vụ án Đoàn Văn Vươn, tôi thấy xuất hiện trên báo lời các nhà văn, nhà báo, các bác có tên tuổi, và cả người nhà nạn nhân: rất may, Thủ tướng đã kịp thời vào cuộc.. hay, cảm ơn Thủ tướng..
Tôi không biết những lời khen, cảm ơn trên là thật hay giả. Nhưng theo ngu ý của tôi, chủ tịch tỉnh hay huyện, đều nằm trong chính phủ và dưới sự điều hành của Thủ tướng. Ông chủ tịch tỉnh, huyện làm sai, lỗi đó thuộc về chính phủ. Vậy phủ tướng phải xin lỗi và cảm ơn sự cảm thông của người bị oan chứ, sao người bị oan lại cảm ơn ngược như vậy. Đây cũng là công việc phải làm, trách nhiệm của chính phủ đứng đầu là Thủ tướng, sao lại gọi là rất may? Nếu đọc được bài này, bác nào biết xin cắt nghĩa giùm.
Mấy nay, cứ bốn, năm giờ chiều (giờ ở Đức), tôi nhận được telefon của thằng bạn thân nhất, cùng dắt tay nhau vào đoàn tháo khoán, thời học phổ thông. Thằng này, hiện chuyên gia về ngành xây dựng, đã từng tham gia xây dựng hầu hết thủy điện trong nước. Nó báo tuần này đang ở Miền Trung để kiểm tra, khắc phục đê đập, cống thoát gì đó, đêm một mình tìm người buôn cho đỡ buồn. Tôi bảo, giờ này đang phải úp mặt vào chảo xóc, mày tìm mấy em chân dài vào đấm bóp cho. Nó cười, chán tới cổ chuyện ấy rồi. Thế tìm mấy bạn đồng nghiệp của mày mà hàn huyên. Nó chép miệng, toàn những chuyện tào lao, giả dối còn chán hơn cơm nếp nát, bây giờ chỉ thích nói chuyện với những thằng bạn thời phổ thông, cái thời đói mà vô tư thôi.
Sáng nay đọc báo, giật mình thấy đập nhà máy điện Sông Tranh2 Quảng Nam rò rỉ nước. Chẳng khác gì qủa bom nguyên tử treo đang rình rập đổ ụp xuống đầu người dân Miền Trung. Tôi ngờ ngợ thằng này vào Miền Trung kiểm tra đập nước nhà máy điện Sông Tranh2. Giời đất ạ! Đập thủy điện này không nó, thì bọn cánh hẩu của nó xây. Cử nó đi kiểm tra khắc phục, có khác gì bác Lê Phước Thọ, nguyên ủy viên bộ chính trị bảo, nên lập ban phòng chống tham nhũng độc lập trực thuộc ban bí thư trung ương. Chiều nay, nó gọi điện, tôi sẽ hỏi. Nếu đúng nó trong đoàn kiểm tra nhà máy điện Sông Tranh2, tôi phải chất vấn đến cùng, cứ thế này, ấm ức chịu không nổi.
Truyện ngắn Số Phận Hay Ngõ Cụt là một trong những câu chuyện có thật, tôi viết cách nay đã gần một phần tư thế kỷ về những người bạn học. Cứ tưởng rằng những bế tắc và số phận như thế hệ chúng tôi chỉ là một giai đoạn, nhất thời nào đó. Rồi thời gian đã qua đi, nhưng những số phận, bế tắc dường như cứ nhân lên mãi. Một em gái mười chín tuổi vì tiền phải lấy một ông già bẩy ba tuổi, trong tiếng vỗ tay, săn đón của báo chí nước nhà. Tin những đám cưới triệu đô, từ những đồng tiền mờ ám của những kẻ trọc phú, bên những đứa trẻ, đói khát, run rẩy đang phải đi mót từng củ khoai ngoài đồng, hàng ngày được phơi trên mặt báo. Và còn gì đau xót hơn, khi ta phải nhìn những cháu bé mười hai, mười ba tuổi cùng dắt tay nhau tìm đến cái chết. Những bế tắc, cái chết được báo trước đã và đang len lỏi vào tới học đường. (Điển hình vụ ba cháu học sinh ở Dak Mil- Dak Nông cùng nhau quyên sinh tuần trước)
Mẹ Âu Cơ ơi! Chúng con không tin và tuyệt đối không hoài nghi về lòng chung thủy của Người. Nhưng sao hôm nay chúng con không còn là những giống Rồng do mẹ Tiên đã sinh ra?
25-3-2012
© Đỗ Trường
© Đàn Chim Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét