Pages

Thứ Sáu, 23 tháng 3, 2012

Người đi chợ vĩ đại

Đào Tuấn
 
Nhà báo Lê Thọ Bình có lần đã kể về “giai thoại cá khô” của ông Trương Đình Tuyển. Đại khái đó là một vị “thái thú” ở trong một căn phòng tập thể “sực nức mùi cá khô”, quần sắn móng lợn, chân đi dép tông, tự đạp xe đi chợ Quán Lau, cơm với “mấy con cá khô chỏng chơ”, sáng dậy cho vo gạo, cắm phích, cho thêm mấy con cá khô vào thành bửa sáng. Trưa, tối về cắm cho nóng lên thành bữa trưa, tối. “Rất chi là tiện”.
Có lẽ “rất chi là rẻ” nữa.
Rất nhiều ngợi ca ông Tuyển, một vị quan giản dị, liêm chính – dù ngay những người ngợi ca cũng thấy rằng sống với cá khô, xe đạp, tiện thì tiện thật nhưng như thế không thể gọi là cuộc sống – mà thiếu chữ tạm.
Tháng 8-2002, sau 2 năm “cá khô và xe đạp”, “Thái thú” Tuyển tái nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thương mại và là một trong những “tác giả” trong cuộc đua vào WTO của Việt Nam.
Hình như cũng chẳng có mấy vị thượng thư, thái thú “đi chợ”. Ngay cả ông Tuyển, khi về lại làm “thượng thư” cũng không còn nghe chuyện ông “đi chợ” nữa. Có lẽ cũng chính vì thế, ngay sau khi “trúng số” WTO, thậm chí còn chưa qua giai đoạn “cửa sổ” 5 năm, thuế thu nhập cá nhân đã được đặt ra với tuyên bố “Cải cách cơ cấu nguồn thu ngân sách”, mà cụ thể là tăng thu, để đảm bảo lộ trình và quan trọng hơn, để bù cho những loại thuế sẽ phải cắt giảm sau “chiến thắng WTO”.

Không ai buộc các bí thư, bộ trưởng phải đi chợ. Nhưng hình như chuyện đi chợ mấy năm nay lại được nói đến quá nhiều.
24-10-2007, tại nghị trường QH, đại biểu QH TP HCM, bà Dao Nhiễu Linh, sau khi giới thiệu “Là một người hằng ngày phải đi chợ” đã phát biểu: “Ở TP HCM, chi phí ăn, mặc, ở thấp nhất của một người cũng 6 triệu đồng, chưa kể người phụ thuộc. Như vậy, mức chịu thuế khởi điểm nên ở mức 6-8 triệu đồng. Dân giàu nước mới mạnh, nếu lấy khởi điểm 4 triệu đồng áp dụng từ năm 2009 thì luật chưa ban hành đã lạc hậu”.
Trong suốt 1 năm trước đó, dự án luật thuế này đã gây vô số tranh cãi. Đáng chú ý nhất là những quan ngại của một người nước ngoài chưa-từng-đi-chợ-ở-Việt Nam – ông Martin Ram, về việc chúng ta đã “đi quá nhanh” xung quanh việc đưa ra loại thuế, có bản chất như một thứ thuế thân – “đánh vào bất cứ khoản thu nhập nào”. “Ðây là loại thuế làm tăng nguồn thu nhưng tương đối thấp và khuyến khích việc thoái thác chính thức hoá” – Quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nói.
Đó đây có những phát biểu đại ý do đây là luật thuế liên quan đến quảng đại quần chúng nên sẽ quyết theo ý dân. Thậm chí, một vị phó Tổng cục trưởng còn nhắc đến chuyện trưng cầu dân ý. Nhưng kết quả cuối cùng thì ai cũng biết, ngày 20-11-2007, Quốc hội, gồm đa số những người không đi chợ – dù là đại biểu dân cử, đã thông qua luật thuế này với mức khởi điểm chịu thuế là 4 triệu đồng và giảm trừ gia cảnh 1,6 triệu đồng, thấp nhất trong số các phương án. Cũng ngày hôm đó, giá gạo tẻ thường có mức 5.600 – 6000 đồng/kg.
Nỗi lo lạc hậu hóa ra không hề thừa bời lạm phát ngay sau đó đã “cười khẩy” với con số tuyệt đối 4 triệu đồng. Không ai chết vì phải nộp thuế thu nhập cá nhân, khẳng định chắc chắn, nhưng khoảng 1,5% dân số đóng thuế khốn khó hơn nhiều, bởi từ thời điểm Luật được đưa ra QH lần đầu năm 2006 đến nay, lạm phát đã “đạt” mức cộng dồn 70%.
Câu chuyện ngoài chợ sau đó được nhắc tới thêm hai lần. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên có lần tâm sự với báo chí: “Vợ tôi cũng hay than thở về chuyện mang 100 ngàn đồng ra chợ không biết mua cái gì. Tôi bảo trong 100 ngàn đồng ấy, bà và mọi người phải tính toán cho phù hợp…”. Còn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, thì: “Đương nhiên đã lạm phát thì toàn dân phải chịu khó khăn, vì cầm cùng số tiền ấy ra chợ mà giá cao thì mua được ít hàng hơn, ăn uống phải chặt chẽ hơn, tất cả các thứ phải thắt chặt hơn. Trong từng gia đình cũng thế thôi, vợ tôi đi chợ về cũng kêu ghê lắm”.
Khổ thân những người nghèo. 100 ngàn đồng, bằng 1/4 thu nhập của một hộ nghèo nông thôn, 1/5 thu nhập hộ nghèo thành phố mà “ra chợ không biết mua cái gì” thì không biết người nghèo ra chợ sẽ mua cái gì? Đến vợ các vị thượng thư với mức “lương 8 chấm” còn kêu ca thì dân chúng chắc không còn hơi sức mà khóc.
Khổ thân cho những bà nội trợ, ngoài chuyện đương nhiên phải nấu ăn ngon, phải biết làm toán, giờ còn phải biết thắt dây chuối nữa.
Đi chợ đại khái vừa là một “bổ đề cơ bản” cần phải chứng minh mà những bà nội trợ xứ ta đáng được tặng Fields.
Nhưng đến ngày 20-3 vừa qua, đã xuất hiện một “người đi chợ vĩ đại”: Bà thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai. Trả lời phỏng vấn Tuổi trẻ, bà Mai, người xuất thân từ dân ngành thuế, khẳng định việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 1,6 triệu đồng/tháng lên 2,4 triệu đồng/tháng – như dự thảo Bộ Tài chính dự kiến: “Đã được xem là khoan sức dân rồi”. (Một quan chức, vào đúng ngày 8-3, thậm chí còn “làm thơ” đối với sắc thuế trực thu này rằng: Hy vọng việc sửa đổi luật này góp phần làm nồi cơm của gia đình sẽ đầy hơn, chị em sẽ vui hơn”!!!).
Đã thế, vào hôm Bộ Tài chính họp báo công bố dự thảo, dù thừa nhận đã lạc hậu, dự luật sửa đổi này, dự kiến, lại chỉ được áp dụng từ 1-4-2014. Đã thế những con số 6 triệu và 2,4 triệu tuyệt đối này, dự kiến kéo dài 5 năm, ít nhất đến 2018.
Đang có một cách “đi chợ” rất khác nhau giữa người dân và các quan chức. Giá gạo tẻ thường trong ngày bà Mai nói chuyện “khoan sức dân” ở mức 12-13 ngàn đồng/kg, gấp 3 lần “giá gạo dự thảo”, gấp 2 lần “giá gạo thông qua”. 6 năm trước, vị đại biểu dân cử, cũng là một phụ nữ đi chợ, bà Dao Nhiễu Linh đã nói trước QH mức 6 triệu đồng mỗi tháng chỉ là tối thiểu đối với một người độc thân ở thành phố. Thế mà bây giờ, người nội trợ mang hàm thứ trưởng Vũ Thị Mai lại cho rằng con số đó còn là “khoan sức dân” trong thì tương lai 2 năm sau và đằng đẵng 5 năm tiếp sau đó.
Không ai biết 2 năm nữa giá gạo sẽ là bao nhiêu. Không ai biết sau đây 5-7 năm, trước sự hung hãn của lạm phát, giá trị của 6 triệu còn mua được bao nhiêu. Chỉ biết bây giờ không ai sống bằng cá khô và xe đạp như Bộ trưởng Tuyển nữa, vì thế, không thể áp “mức sống cá khô” để quy ra mức khởi điểm chịu thuế.
Sẽ rất ngoa ngoắt nếu nói năm 2018, mà gần hơn là 2014, với 6 triệu đồng, người dân còn không đủ đảm bảo “cuộc sống cá khô”, thậm chí không còn sức mà đạp xe. Nhưng lại càng không thể buộc người dân phải đóng thuế trong tình trạng “sống cá khô và xe đạp”, không được phép ốm đau, không thăm nom hiếu hỉ, không vui chơi giải trí. Bởi với 6 triệu đồng mỗi tháng cho lao động chính và 2,4 triệu cho “tàu há mồm” ngay thời điểm này cũng chỉ đảm bảo một cuộc sống cá khô tối thiểu, ăn lạm vào tương lai khi không một xu tích lũy và phải đóng thuế trước khi cầm dây chuối sách làn ra chợ.
Sống mà chỉ ăn ngủ thì ngay cả chữ tạm có lẽ cũng còn là xa xỉ.
Theo: Blog Đào Tuấn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét