Pages

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Putin: Cây gậy hay củ cà rốt để cải cách?

Các chuyên gia tranh luận về tương lai hệ thống chính trị và đời sống công chúng Nga dưới thời tổng thống Putin và khả năng cải cách mà ông theo đuổi.


Dự kiến cải cách
Putin giành được 63,6% phiếu bầu trong cuộc bầu cử ngày 4/3. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng, dù có thắng áp đảo thì chính phủ Nga sẽ phải rất khéo léo trong việc xây dựng quan hệ với xã hội và phe đối lập.
Alexei Makarkin, phó chủ tịch thứ nhất Trung tâm Công nghệ chính trị dự đoán rằng, chính phủ Nga sẽ cứng rắn ở một số vấn đề và nhượng bộ ở những lĩnh vực khác. “Tôi không nghĩ rằng, chính phủ sẽ theo đuổi một tiến trình hoàn toàn tự do hay ngược lại”, Makarkin nói. “Hầu như sẽ là phản ứng tùy theo từng thách thức chuyên biệt”.

Ông nói không nhìn thấy nhiều cơ hội cho một đường lối cứng rắn hơn. “Những người bầu cho Putin không muốn ông như vậy”. Nhiều chuyên gia mong đợi Putin sẽ theo đuổi một số cải cách quan trọng dù không được ưa chuộng.
Leonid Polyakov, phụ trách khoa Khoa học chính trị trường Kinh tế nói với RIA Novosti: “Xem xét những gì Putin đưa ra trong các bài viết của mình, thì rõ ràng ông hiểu sự cần thiết của những cải cách thực sự nghiêm túc”. Còn giám đốc trung tâm Thông tin chính trị Alexei Mukhin thì nghĩ ông Putin không còn lựa chọn nào khác ngoài tiến hành cải cách. Ông nhấn mạnh rằng, cải cách không chỉ áp dụng trong chính trị, mà còn ở cả kinh tế và xã hội.
“Một cuộc cách mạng sẽ diễn ra ở Nga nhưng là cách mạng từ bên trên và sẽ liên quan tới các quan chức chính phủ. Thực tế là nó đã bắt đầu”, vị chuyên gia giải thích. “Nó phản ánh trong sự thay đổi căn bản của các quan chức ngành hành pháp và văn phòng tổng thống, cũng như trong các khu vực”.
Polyakov cho là, một chính phủ mới sẽ đóng vai trò lớn trong thực thi cải cách. “Các kế hoạch cụ thể phụ thuộc vào những xu thế trong kinh tế thế giới mà rất khó đoán biết. Khó có thể nói rằng những sự kiện ở châu Âu hay giá dầu, giá nguyên liệu thô mà nền kinh tế Nga phụ thuộc sẽ ảnh hưởng thế nào”, ông nhấn mạnh.

Chọn lựa đau đớn
Yevgeny Minchenko, giám đốc IIPE, một tổ chức tư vấn về chính trị quốc tế nói, để hiểu những cải cách có thể diễn ra thế nào, cần phân tích sự ủy nhiệm mà Putin nhận được và nơi ông có thêm số phiếu bầu để chiến thắng áp đảo trong vòng đầu tiên.
“Đó là những lá phiếu từ Zhirinovsky và Mironov (hai ứng viên tranh cử tổng thống Nga). Nói một cách khác, lá phiếu đến từ người ủng hộ các lợi ích xã hội rộng lớn hơn, một chính sách quốc tế cứng rắn, chấn chỉnh sự mất cân bằng trong các chính sách của đất nước trong quan hệ sắc tộc”, Minchenko giải thích.
Vấn đề ở chỗ, các diễn biến gần đây kêu gọi một chính sách kinh tế tự do hơn và chính sách đối ngoại kiềm chế hơn. “Putin sẽ phải ‘thao diễn’ giữa sự đối lập về nhiệm vụ của mình và các vấn đề khách quan mà quốc gia đối mặt”, Minchenko kết luận.
Makarkin dự đoán rằng, Putin sẽ hầu như phải rất thận trọng về cải cách chính trị. “Một mặt, phe đối lập sẽ mạnh mẽ yêu cầu các cải cách mới, ví dụ như hệ thống bầu cử”, ông nói. “Mặt khác, Putin chỉ nhất trí cải cách nếu đơn giản là ông không còn chọn lựa nào khác”. Các chuyên gia tin rằng, Putin sẽ không thể tránh khỏi những cải cách không được lòng dân. Nhưng ông cần thời gian để chứng tỏ chúng cần thiết với mọi thành phần dân số.
“Putin đã chứng minh rằng, ông ‘thao diễn’ chính trị khá tốt. Vì thế, những cải cách không được lòng dân sẽ đi trước bằng giải thích chi tiết lý do tại sao chúng là cần thiết”, Mukhin nói.
Có lẽ Putin sẽ phải cải tổ hệ thống hưu trí, cuối cùng là nâng cao tuổi nghỉ hưu, như nhiều nhà kinh tế dự đoán.
Tuy nhiên, Minchenko tin là Putin sẽ “giảm tải” sứ mệnh khó khăn của mình vào vai người khác nữa. “Mikhail Prokhorov có thể tham gia đội ngũ chính phủ”, Minchenko nói. “Trong trường hợp này, có thể nói rằng nhiều người đã bỏ phiếu cho các biện pháp xã hội không được ưa chuộng và Prokhorov có khả năng thực hiện chúng. Thực tế đây là lý do vì sao chính phủ muốn Prokhorov có phiếu bầu trong cuộc bầu cử”.
Theo Mukhin, Putin sẽ trình lại kế hoạch thuế thu nhập và thuế xa xỉ vốn gây nhiều tranh cãi. Cộng đồng doanh nghiệp cũng có những mong đợi riêng. “Doanh nhân mong chờ Putin giữ lời hứa giảm thuế trong lĩnh vực phi năng lượng”, Mukhin nói.

Cà rốt hay cây gậy
Quan hệ giữa chính phủ mới và phe đối lập có thể theo một số kịch bản. “Chính phủ có thể đem cà rốt cho phe đối lập bằng cách để họ tham gia trực tiếp vào các cải cách chính trị và xã hội”, Mukhin nhận định. “Những người cố ra khỏi vòng pháp luật sẽ lĩnh cây gậy khi bị trừng phạt theo luật Hình sự”.
Mukhin tin rằng, trong tương lai gần, phe đối lập sẽ phải chọn lựa hoặc hợp tác với chính phủ bằng cách tham gia cải tổ chính trị hoặc chống lại chính phủ bằng cách hành động khiêu khích nhằm tung tin tức.
Minchenko cho là các nỗ lực “để cách ly phe đối lập và sử dụng chúng như một công cụ khi cần thực hiện các sáng kiến sẽ được dùng đến”. Sẽ dễ dàng làm điều này, ông tin như thế. “Phân mảng là công cụ cho sự cách ly và không khó khăn làm điều này với luật đăng ký của các đảng phái chính trị mà Tổng thống Medvedev đưa ra”, Minchenko nói.
Tuy nhiên, Polyakov hy vọng rằng “chính phủ sẽ giúp cho phe đối lập chuyển sang đối thoại”. Theo ông, phe đối lập sẽ phải thay đổi cách tương tác với chính quyền. Họ sẽ phải chuyển từ biểu tình sang các hoạt động chính trị cụ thể và sự hình thành các đảng phái sẽ đại diện cho lợi ích của các nhóm chính trị cụ thể.

Theo Vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét