Pages

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

Thân phận bọt bèo của người nông dân Việt Nam


Nông dân cấy lúa trên đồng ruộng tại Sài Đồng, Hà Nội,
ngày 04/03/2012.REUTERS/Kham

Thụy My

“Cốt lõi của vấn đề vẫn là những quy định mập mờ của Luật đất đai. Người ta biết trước sau gì cái mảnh đất ấy cũng thuộc về người khác, người nông dân không có những yếu tố để gắn bó với đất đai của mình… Nông dân mà ra phố, khi họ về thì họ mang theo rất nhiều tật xấu ở phố, khiến cho sự thuần khiết về mặt truyền thống mất đi… Bộ máy công quyền ở địa phương thực sự rệu rã, thậm chí họ chả làm gì ngoài cái việc xem có cái gì có thể chôm chỉa được của dân thì họ làm”…

Những gánh hàng rong
Gánh cả nỗi đau nhà nông không đất
Những trai làng thờ thẫn đợi người thuê
Trôi dạt thị thành vẫn giữ nét quê
Nhoẻn miệng cười khi công an rượt đuổi
Đừng đuổi !
Xin đừng rượt đuổi !
Họ chỉ là nạn nhân
Đô thị mở rộng mất nơi cày cấy
Đô thị văn minh họ không chốn nương thân
Những mảnh đời lam lũ
Từng gánh gánh nặng chiến tranh
Nay gánh gánh nặng hòa bình
Sống thời nào cũng thiệt
Thiếu cả lời kêu than…
Những lời thơ chân chất trong bài thơ « Đừng đuổi ân nhân » trên đây không phải do một nhà thơ chuyên nghiệp viết ra, mà là của một nhà khoa học – giáo sư tiến sĩ Hoàng Xuân Phú, làm việc tại Viện Toán học, thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
« Người nông dân thời nào cũng khổ », nhiều người đã có cùng một nhận xét như thế.
Tại Pháp, tuy là một nước công nghiệp phát triển, nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Không có đời Tổng thống nào mà không đến thăm Hội chợ Nông nghiệp hàng năm. Riêng tại Paris và vùng phụ cận, gọi chung là Ile de France, có đến phân nửa diện tích đất được dành cho nông nghiệp. Tuy vậy theo báo cáo của Hội đồng Kinh tế Xã hội và Môi trường Khu vực (Ceser) vừa công bố hôm qua, thì với tốc độ đô thị hóa hiện nay, mỗi năm vùng Ile de France mất từ 1.500 đến 1.700 hecta đất nông nghiệp. Ceser cảnh báo, với nhịp độ này, thì Paris và vùng phụ cận sẽ không còn đất nông nghiệp trong 200 năm nữa !
Theo nhiều công trình nghiên cứu, thì sản xuất nông nghiệp hiện nay có thể nuôi nổi những con người đang sinh sống trên hành tinh chúng ta. Cho đến năm 2050, thực phẩm phải tăng lên 70% mới đảm bảo được nhu cầu của 9 tỉ miệng ăn trên Trái Đất, và thật ra con số này cũng tương đối, vì dân số nhân loại vào thời điểm đó dao động từ 8 tỉ cho đến 11 tỉ người. Và như vậy, vấn đề an toàn lương thực còn là một yếu tố mang tính chất địa chính trị.
Còn tại Việt Nam, về mặt xã hội, với tỉ lệ 70% dân số sống ở nông thôn, thì vấn đề nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân, giảm bớt bất công đối với những con người đang làm ra của cải vật chất cho xã hội, là một thử thách không nhỏ đối với chính quyền. Đặc biệt là trong hoàn cảnh chính quyền các địa phương đang nắm trong tay quá nhiều quyền hành, người lãnh đạo có tâm thì ít mà cán bộ nhũng nhiễu lại nhiều, thì thân phận của người nông dân lại càng bọt bèo hơn.
Tạp chí có sự tham gia của giáo sư Võ Tòng Xuân ở An Giang và nhà văn Tạ Duy Anh ở Hà Nội.
Theo RFI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét