Pages

Thứ Tư, 7 tháng 3, 2012

Thông điệp ‘Human Rights for Vietnam’ tại Quốc Hội Hoa Kỳ

Ông Đoàn Phi (hàng đầu, bên trái) và ông Nguyễn Thái Đệ, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Sát BCH Cộng Đồng Người Việt Tự Do Utah (hàng 3, thứ 3 từ phải qua) cùng các đại diện cộng đồng chụp hình kỷ niệm với Dân Biểu Brad Sherman của Quận Cam! DB sherman là thành viên cao cấp của Ủy ban Đối ngoại Hạ Viện Quốc hội rất ủng hộ nhân quyền tại VN.
WASHINGTON, DC -Thứ Ba, 6 Tháng Ba, hàng trăm người đại diện các cộng đồng Việt Nam khắp Hoa Kỳ đến Quốc Hội để vận động nhân quyền cho Việt Nam và yêu cầu các vị dân cử can thiệp trả tự do cho nhạc sĩ Việt Khang.

Ðông đảo đồng hương Việt Nam chuẩn bị đến các văn phòng dân cử Quốc Hội. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Ðây là ngày thứ nhì trong cuộc vận động qua một chiến dịch ký thỉnh nguyện thư gởi Tòa Bạch Ốc, mà cho đến nay đã có hơn 135,000 chữ ký.
Ngay từ 9 giờ sáng, hàng trăm người, trong đó có nhiều phụ nữ mặc áo dài vàng có ba sọc đỏ, xếp hàng đi qua hệ thống kiểm tra an ninh để vào các tòa nhà Hạ Viện như Rayburn, Longworgh và Cannon. Trong khi đó, ở phía Tây Bắc của Quốc Hội, một số đồng hương xếp hàng vào ba tòa nhà của Thượng Viện như Russell, Dirksen và Hart.
Phái đoàn đi vận động được chia làm 40 toán, mỗi toán có chừng 10 người. Có toán lên tới 20 người. Mỗi toán do một trưởng toán dẫn đầu, hướng dẫn mọi người đến từng văn phòng có hẹn trước. Mỗi người đều có đeo bảng tên với hàng chữ “Human Rights for Vietnam.”
Một trong những người dẫn đầu phái đoàn Việt Nam là cựu Dân Biểu Joseph Cao.
Thứ Ba là một ngày làm việc bận rộn của Quốc Hội, vì có hơn 1,000 người Mỹ gốc Israel cũng đến vận động giới lập pháp Hoa Kỳ ủng hộ Israel. Các lối vào văn phòng Quốc Hội đều kẹt cứng người. Hơn nữa, Dân Biểu Donald Payne của tiểu bang New Jersey đột ngột từ trần, làm các dân biểu phải thay đổi thời khóa biểu.
Tuy vậy, các nhà vận động gốc Việt cũng gặp được hàng chục vị dân cử và hàng trăm đại diện của các dân biểu và thượng nghị sĩ.
Tiếp phái đoàn người Mỹ gốc Việt, Dân Biểu Ed Royce, Ðịa Hạt 40 của tiểu bang California, nói: “Hơn 130,000 chữ ký của quý vị là một thông điệp rất mạnh mẽ. Quý vị đã đứng lên để tranh đấu cho nhân quyền qua việc ký thỉnh nguyện thư này.”
Ông nói thêm về trường hợp nhạc sĩ Việt Khang: “Chúng tôi có biết trường hợp ca sĩ Việt Khang. Một người chỉ sáng tác những bài hát yêu nước mà bị bắt là không chấp nhận được. Tôi đã nêu vấn đề này tại Hạ Viện. Tôi sẽ mở một cuộc điều trần về trường hợp nhạc sĩ này.”
Theo thông báo của văn phòng Dân Biểu Loretta Sanchez, Ðịa Hạt 47 của tiểu bang California, nữ dân cử này cũng tiếp một số người Việt Nam tại văn phòng của bà, và nói: “Chúng tôi cảm thấy rất nể phục trước sự hiện diện đông đủ của nhiều phái đoàn đại diện cộng đồng Việt-Mỹ tại thủ đô Washington DC với những nỗ lực tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.”
“Chúng tôi hoan nghênh các nỗ lực đoàn kết vận động chính giới của tập thể cộng đồng người Việt, được khởi xướng từ đài truyền hình SBTN, là một cơ quan truyền thông bạn nằm trong Ðịa Hạt 47 mà tôi rất hân hạnh đại diện. Với những nỗ lực của từng cá nhân tranh đấu cho nhân quyền và sự công bằng cho xã hội Việt Nam, tất cả chúng ta đóng một vai trò quan trọng trong việc tích cực thúc đẩy chính quyền và Quốc Hội Hoa Kỳ lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam và kêu gọi chính phủ Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức các nhà hoạt động dân chủ ôn hòa,” bà Sanchez được văn phòng của bà trích lời nói.
Dân Biểu Ed Royce (phải) tiếp phái đoàn cộng đồng Việt Nam. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

Tại văn phòng Dân Biểu Daniel Webster, Ðịa Hạt 8 của tiểu bang Florida, ông Frank Walker, giám đốc lập pháp, đại diện vị dân biểu tiếp phái đoàn.
Cô Carly Hwinn, cư dân Garden Grove, tiểu bang California, trưởng toán, trình bày: “Ðây là lần đầu tiên cộng đồng Việt Nam có số người ký thỉnh nguyện thư vận động nhân quyền rất cao. Chúng tôi muốn yêu cầu Dân Biểu Webster vận động cho vấn đề này trong những ngày tới.”
Sau đó, cô và một thành viên khác trong đoàn đề cập trường hợp chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền đối với Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ, nhạc sĩ Việt Khang và anh Trần Vũ Anh Bình.
Ông Walker nói: “Thỉnh nguyện thư của quý vị thật là đáng ngạc nhiên. Chuyến thăm của quý vị hôm nay rất thiết thực, nó giúp Quốc Hội biết những gì người dân muốn, đồng thời, đây là dịp để nhân viên của các vị dân cử gặp gỡ dân chúng.”
Anh Nguyễn Quốc Tuấn, cư dân Palm Bay, tiểu bang Florida, trình bày: “Tôi là cư dân Florida. Tôi muốn yêu cầu Dân Biểu Webster chú ý tự do tôn giáo tại Việt Nam. Hiện nay, mọi người vẫn được đi lễ, nhưng họ lại không cho giáo hội mới ghi danh. Khi Mỹ lên tiếng về nhân quyền, họ thả người này, nhưng sau đó lại bắt nhiều người khác hơn.”
Ðại Ðức Ấn Minh, chùa Diệp Pháp, San Gabriel, tiểu bang California, cũng nêu ra trường hợp Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ bị giam lỏng hiện nay.
Ngay sau đó, vị dân biểu đến và dành ra ít phút để chụp hình lưu niệm với tất cả mọi người trong đoàn.
Phái đoàn thăm văn phòng Dân Biểu Webster còn có Hòa Thượng Thích Viên Lý, tổng thư ký Văn Phòng II Viện Hóa Ðạo, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất kiêm viện chủ chùa Ðiều Ngự, Westminster, tiểu bang California.
Trước giờ vào Quốc Hội, tất cả mọi người Việt Nam tham gia cuộc vận động đều rất hớn hở, muốn thúc đẩy các vị dân cử hành động để cải thiện nhân quyền tại quê nhà.
Ông Nguyễn Văn Phong, cư dân Chicago, tiểu bang Illinois, thành viên Ban Chấp Hành Cộng Ðồng Người Việt Quốc Gia Illinois, nói: “Tôi đến đây hôm nay là muốn hòa đồng với tất cả mọi người để nói với Quốc Hội nhìn lại tất cả tình trạng nhân quyền và dân chủ của Việt Nam. Chúng tôi là công dân, bỏ phiếu cho quý vị, mong quý vị làm việc trong tinh thần thượng tôn luật pháp.”
Chị Anna Dương, cư dân Dorchester, tiểu bang Massachussett, cho biết rất vui vì lần đầu tiên được đến thủ đô nước Mỹ.
“Tôi vui vì lần đầu được đi cùng đồng hương đến đây. Cái vui thứ nhì là được đến đây để tranh đấu cho Việt Khang. Tôi thực sự không biết dân biểu của tôi là ai, cứ theo trưởng toán, nói chung là tôi đi để ủng hộ đồng hương,” chị Anna cho biết.
Không chỉ đấu tranh cho nhân quyền, một số người khác cũng muốn vận động chuyện khác.
Cựu Dân Biểu Joseph Cao (thứ hai từ phải) hướng dẫn đồng hương vận động tại Quốc Hội. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)
Ông Tom Nguyễn, đang sống ở St. Paul, tiểu bang Minnesota, chia sẻ: “Ngoài nhân quyền, tôi muốn vận động yểm trợ tù nhân lương tâm. Tôi cũng muốn vận động Quốc Hội đừng cắt các chương trình của người tị nạn, đừng cắt ngân sách đài VOA.”
Trong số các phái đoàn, cộng đồng người Việt tại Massachussett có số người đến Washington, DC, nhiều nhất.
Theo ông Huỳnh Văn Hoàng, đang sống ở Boston, đại diện Liên Minh Dân Chủ, cho biết có hai xe bus chở khoảng hơn 100 người đi từ lúc 10 giờ tối Thứ Hai và đến thủ đô Hoa Kỳ lúc 9 giờ sáng Thứ Ba.
Ngoài những nhà hoạt động cộng đồng, cuộc vận động còn có sự tham gia của cựu Chuẩn Tướng Lý Tòng Bá.
Kết thúc ngày vận động, vào lúc 4 giờ 30 chiều, mọi người được dự một bữa tiệc nhẹ ngay trong tòa nhà Rayburn, do cựu Dân Biểu Joseph Cao đãi.
Dân Biểu Ed Royce cũng ghé qua chúc mừng thành công của cộng đồng Việt Nam và kêu gọi mọi người tiếp tục đẩy mạnh vấn đề nhân quyền cho Việt Nam.
Sau đó, một số đại diện cộng đồng tại các tiểu bang phát biểu cảm tưởng và chia sẻ kinh nghiệm, hẹn một lần khác trở lại thủ đô Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét