Pages

Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Trung Quốc và Mỹ đang leo thang ở Châu Á – Thái Bình Dương

(Tamnhin.net) - Cả Trung Quốc và Mỹ đều tăng cường sức mạnh quân sự của mình tại Khu vực Châu Á-TBD, vì vậy các nhà phân tích cho rằng hai nước này đang cùng leo thang và khu vực này sẽ trở thành nơi đọ sức mới giữa hai siêu cường.



Báo chí Trung Quốc ngày 10/3/2012 cho biết chi phí quốc phòng của Trung Quốc năm 2012 tới 670,2 tỉ Nhân dân tệ (RMB), tăng 11,2% so với năm 2011. Kể từ đầu Thế kỷ 21 tới nay, chi phí quốc phòng của Trung Quốc liên tục tăng lên đều đặn với con số 12%, như năm 2004 là 211,7 tỉ RMB, năm 2006 là 298 tỉ RMB, tăng 20,4% so với năm 2005.

Năm 2007 là 355 tỉ RMB, tăng 19,3% so với năm 2006, năm 2008 là 418 tỉ RMB, năm 2009 là 495 tỉ RMB, năm 2010 là 532 tỉ RMB, tăng 7,5% so với dự kiến. Năm 2011 là 601,1 tỉ RMB (67,6 tỉ USD), năm 2012 là 670,2 tỉ RMB, tăng 11,2% so với năm 2011 (trên 100 tỉ USD). Báo chí các nước cho rằng đây là lần đầu tiên chi phí quốc phòng của Trung Quốc vượt con số 100 tỉ USD. Báo chí của Mỹ cho biết 100 tỉ USD là con số công bố công khai, nếu cộng cả các chi phí khác liên quan tới quốc phòng nhưng được giữ bí mật, thì chi phí quốc phòng năm 2012 của Trung Quốc trên 150 tỉ USD.

Dư luận các nước trong khu vực cũng như trên thế giới đều tỏ ra lo ngại về Trung Quốc không ngừng tăng cường thực lực quân sự, làm mất cân bằng thế chiễn lược trong khu vực, đe dọa anh ninh các nước, nhất là các nước láng giềng.

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Aston Carter ngày 8/3/2012 cho báo giới biết Mỹ sẽ tăng thêm lực lượng quân sự tới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong đó tăng thêm một đội tàu sân bay. Carter cho biết hiện nay 50% tổng lực quân sự của Mỹ tập trung tại Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, trong tương lai tỉ lệ này sẽ tăng lên tới 60%. Carter nói: “Thực tế trong 60 năm qua cho thấy, sự có mặt của quân đội Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương đã đóng vai trò quan trọng ngăn chặn được nhiều cuộc xung đột quân sự xảy ra. Mỹ hy vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò này trong khu vực. Đó chính là mục tiêu của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương”.

Hãng Reuter ngày 9/3 bình luận sự tăng cường thực lực quân sự của Mỹ trong khu vực này nhằm đối phó với thực lực quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng lên. Thái độ và cách ứng xử thô bạo của Trung Quốc thời gian qua ở Khu vực này khiến các nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Bởi vậy, thời gian qua cùng với việc điều động các đơn vị quân đội từ các nơi tăng cường cho khu vực, Mỹ còn nhân cơ hội này ký kết các hiệp định hợp tác quân sự với Ôxtraylia, Philippin, Sinhgapore, như tăng thêm 2.500 quân tới Ôxtraylia, lập thêm căn cứ quân sự ở Philippin, Sinhgapore. Chi phí quốc phòng nói chung của Mỹ giảm đi, nhưng riêng đối với Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương không giảm trái lại tăng thêm.

Robert Willard, một tướng lĩnh trong Bộ tư lệnh quân Mỹ ở Thái Bình Dương tiết lộ Tổng thống Barak Obama đã tiến hành điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược quân sự, trong đó tăng cường lực lượng tới Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nhằm bảo vệ an ninh và quyền lợi kinh tế của Mỹ trong khu vực. Robert Willard nói: “Việc trở lại Châu Á – Thái Bình Dương mang ý nghĩa chiến lược thời đại. Bởi vì: Một là, Trung Quốc không ngừng tăng cường thực lực quân sự của họ trong khu vực, thế cân bằng chiến lược và môi trường an ninh khu vực đã bị phá vỡ. Hai là, Mỹ muốn chứng tỏ với dư luận là đã chấm dứt cuộc chiến ở Apganixtan và Irac. Ba là, Mỹ có rất nhiều lợi ích kinh tế trong Khu vực này”.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và vấn đề quốc tế của Mỹ (CSIS) Kosa cho biết: Thời gian qua, Mỹ lo ngại bị Trung Quốc “đẩy ra rìa”, nên một mặt tích cực tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, Hàn Quốc, Ôxtraylia, Singapore, Ấn Độ cùng các nước trong khu vực, ngoài ra còn tăng cường thực lực quân sự của mình trong khu vực, cho tàu sân bay Washington tuần tiễu tới sát vùng biển của Trung Quốc.

Tạp chí “Nhà ngoại giao” của Nhật Bản số ra cuối tháng 2/2012 viết: “Thời gian qua, Mỹ khẩn trương tiến hành điều chỉnh lại thế bố trí chiến lược quân sự, chuyển hướng sang Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nhân tố Trung Quốc là nguyên nhân căn bản để Mỹ đưa ra chiến lược điều chỉnh này. Vì Bắc Kinh muốn làm đảo lộn kế hoạch cũng như thế chiến lược của Mỹ trong khu vực, ngoài ra Trung Quốc đang chuẩn bị áp dụng những hành động quân sự đối với Biển Đông, với Đài Loan.”

Theo tạp chí, để giảm căng thẳng và leo thang quân sự giữa hai nước, Trung Quốc cần áp dụng thái độ ôn hòa, thực sự mong muốn giải quyết thông qua ngoại và hòa bình về tranh chấp Biển Đông với các nước có liên quan. Ngoài ra Trung Quốc cần có chính sách rõ ràng, bởi vì lập trường mập mờ thời gian qua của Trung Quốc làm các nước láng giềng trong khu vực lo ngại. Việc Trung Quốc trợ giúp Pakixtan chống lại Ấn Độ cũng làm cho tình hình khu vực thêm căng thẳng.

Trong bài “Điểm nóng Châu Á và Chiến lược đối phó của Trung Quốc”, tờ “Nam Dương Thương Báo” ngày1/2/2012 của Malayxia cho rằng hầu hết các điểm nóng ở Châu Á đều có liên quan tới Trung Quốc. Trung Quốc vừa là Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an LHQ vừa là nước lớn. Vì vậy, Trung Quốc cần tỏ rõ thái độ trách nhiệm của nước lớn đối với khu vực, không nên dính líu và can thiệp sâu vào khu vực. Đối với các nước láng giềng có tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc nên dùng biện pháp kinh tế, ngoại giao, văn hóa để tăng cường quan hệ hơn là dùng vũ lực và thái độ ứng xử thô bạo như thời gian qua. Việc Mỹ trở lại Châu Á – Thái Bình Dương một mặt do tính toán chiến lược của Mỹ, nhưng cũng có nguyên nhân về thái độ ứng xử và lập trường của Trung Quốc đối với các nước láng giềng gây ra.

Dư luận cho rằng hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc cùng đua nhau leo thang rất có thể làm cho tình hình Khu vực này trở nên căng thẳng và mất ổn định thời gian tới.

K.Tỉnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét