Pages

Thứ Năm, 29 tháng 3, 2012

Úc cho phi cơ không người lái của Mỹ sử dụng căn cứ ở Ấn Độ Dương

Chính quyền Canberra hôm nay 28/03/2012, cho biết là sẽ cho phép Washington dùng một căn cứ Úc cho máy bay thám thính không người lái của Mỹ. Căn cứ này nằm trên một hòn đảo của Úc trên Ấn Độ Dương. Quyết định này nằm trong kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự Mỹ Úc và sự hiện diện của Mỹ ở Châu Á Thái Bình Dương.
Theo truyền thông Úc, trích dẫn nhật báo Mỹ Washington Post , Hoa Kỳ muốn sử dụng đảo Cocos Islands ở Ấn Độ Dương, ngoài khơi phía Tây Bắc nước Úc cho máy bay quan sát của mình. Đảo này, với 600 dân sẽ thay thế căn cứ của Mỹ hiện nay ở Diego Garcia, cũng ở Ấn Độ Dương, nơi mà Mỹ thuê của Anh và dự kiến rời bỏ vào năm 2016.

Đảo Cocos được xem là nơi lý tưởng để thực hiện những chuyến bay không người lái để giám sát Biển Đông cũng như khu vực mà tầu buôn qua lại nhôn nhịp nhất hành tinh.
Trả lời đài truyền hình ABC, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, Stephen Smith cho là việc sử dụng Cocos Islands là sự chọn lựa dài hạn, vi các đường băng còn cần phải được nâng cấp trước khi sử dụng. Việc nâng cấp này theo ông tốn từ 75 đến 100 triệu đô la Úc, và các nước láng giềng không có gì phải lo ngại, Úc đã rất minh bạch trong các vấn đề này.
Tuy nhiên theo bộ trưởng Quốc phòng Úc, ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự Mỹ Úc nằm ở việc triển khai lính Thủy quân lục chiến Mỹ ở vùng Bắc Úc, cũng như hàng không mẫu hạm và tàu ngầm nguyên tử ở căn cứ Perth.
Bộ trưởng Úc còn cho biết thêm là thứ trưởng ngoại giao Mỹ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương đã đến Úc tuần qua để bàn vấn đề đưa toán Thủy quân lục chiến đầu tiên đến đây, gồm khoảng 250 người, và một số vấn đề phòng thủ khác.
Theo kế hoạch tăng cường hợp tác Mỹ Úc, tổng cộng 2.500 thủy quân lục chiến Mỹ sẽ đến đóng căn cứ Darwin của Úc.
Theo giới phân tích quốc phòng, như ông Hugh White, Đại Học Quốc gia Úc, Hoa kỳ đang xem Úc là yếu tố chiến lược thiết yếu trong việc giám sát sự vươn lên của Trung Quốc. Vào lúc này, sự hiện diện của Mỹ trên lãnh thổ người đồng minh lâu đời còn rất hạn chế.


Mai Vân ,RFI .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét